Nếu như các năm trước, khoảng thời gian sau Tết dương lịch đến trước Tết âm lịch là thời điểm vàng của dân kinh doanh xe cũ lẫn mới, thì năm nay thị trường lại ghi nhận một hình ảnh hoàn toàn khác. Giá xe không những không giảm theo việc thuế nhập khẩu về 0% mà còn xuất hiện việc hàng loạt mẫu xe không có hàng để bán, đến các hãng cũng đang “bó tay” với việc khan hàng này. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xe du lịch dưới 9 chỗ nhập khẩu vào Việt Nam trong 15 ngày đầu năm 2018 chỉ có…6 chiếc (2 xe cho đại sứ quán, 4 xe cho cơ quan nhà nước) so với hơn 3.000 chiếc trong nửa đầu tháng 1/2017.
Người tiêu dùng Việt đã rất vui mừng chờ đến thời điểm 1/1/2018 khi thuế nhập khẩu xe nội khối Asean về 0% nhưng dường như khó mà vui được. Nghị định 116 ra đời đã gần như chặn đứng hoàn toàn xe nhập khẩu, làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch kinh doanh cũng như thị trường xe cuối năm 2017 đầu năm 2018. Một cái khó nữa là Nghị định thì đã ra từ tháng 10/2017 nhưng cho đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện khiến các hãng xe không biết xoay trở thế nào để nhập xe về bán, hậu quả thì người tiêu dùng lãnh đủ.
Đầu tiên, hàng loạt mẫu xe phổ thông nhập khẩu hết sạch hàng để bán từ đó dẫn tới việc các đại lý nâng giá bán xe thêm cả trăm triệu hoặc bắt người tiêu dùng phải mua kèm gói phụ kiện, thị trường xe cũ cũng vì thế mà nóng lên trông thấy. Đơn cử như mẫu xe bán chạy hàng đầu của Toyota là Fortuner, các đại lý đã gần như không còn hàng để bán, ngay cả Toyota Việt Nam cũng thừa nhận sẽ không có xe bán cho đến ít nhất là quý 2 năm nay. Nhiều khách hàng đã phản ánh trên các trang mạng xã hội rằng muốn lấy xe Fortuner ngay thì phải bỏ thêm từ 100 – 300 triệu đồng tùy phiên bản. Nhiều chiếc xe Fortuner cũ (đã mua và đăng ký trong năm 2017) cũng được rao bán đắt hơn cả xe mới hàng trăm triệu đồng.
Gần đây nhất, Honda Việt Nam công bố giá bán chính thức cho mẫu Honda CR-V cao nhất là 1,256 tỷ đồng, cao hơn hàng trăm triệu so với cam kết khi ra mắt là giá dưới 1,1 tỷ đồng. Honda cũng chia sẻ rằng đã có hàng ngàn đơn hàng CR-V mới nhưng hãng chỉ nhập hơn 700 chiếc về (nhập trong năm 2017, khi thuế nhập khẩu vẫn 30%) để giao cho một số khách hàng vì thế nên giá vẫn bị cao. Còn kế hoạch sau đó, Honda vẫn chưa thể đưa thêm chiếc CR-V nào về vào đầu năm 2018 do Nghị định 116. Hậu quả là nhiều đại lý đã bắt người tiêu dùng phải mua thêm gói phụ kiện để được lấy xe CR-V ngay trước Tết nguyên đán dù giá đã cao hơn rất nhiều. Không ít khách hàng đã phải ngậm ngùi lấy lại tiền đặt cọc để tìm mua chiếc xe khác hoặc tiếp tục chờ đợi.
Với Ford Việt Nam, tình hình cũng không khả quan hơn là bao nhiêu. Dù mẫu Ranger, Explorer không bị đội giá nhưng cũng chẳng còn nhiều xe để bán và dự kiến hết tháng 1 – 2/2018 là chẳng còn xe để giao cho khách hàng. Một số hãng vẫn có xe nhập khẩu bán do đã dự trữ trước đó cũng như hàng tồn nhưng cũng sắp hết trong thời gian tới, sau đó thì hãng chưa biết làm thế nào để tiếp tục nhập xe về tiếp.
Câu chuyện khan hàng không chỉ xảy ra với xe nhập khẩu, ngay cả một số mẫu xe trong nước cũng “cháy hàng” hoặc bị tăng giá bán. Mazda CX-5 sau hàng loạt những đợt giảm giá để kích cầu thì đã tăng từ 10 – 30 triệu đồng. Đại diện Hyundai Thành Công cũng cho biết mẫu Santa Fe, Elantra cũng không có xe để giao cho khách hàng bởi không đủ phụ kiện để lắp ráp do hãng mẹ bên Hàn Quốc chưa chuyển về kịp. Với Hyundai, hiện nay gần như chỉ còn mẫu i10 là còn hàng để bán (nhưng cũng không nhiều).
Ở phân khúc xe sang, Thaco đã nắm trong tay BMW và nhập khẩu (thông quan) lô xe cuối năm 2017 nên đã ra mắt và hạ giá bán hàng loạt trong đầu năm 2018, Mercedes-Benz không quá ảnh hưởng do phần lớn đã lắp ráp tại Việt Nam, Lexus vẫn duy trì bán tiếp các mẫu xe đã nhập trong năm 2017, Land Rover, Jaguar cũng không khác Lexus là bao.
Một động thái khác, đại diện của Toyota và Honda công bố trên tờ Nikke rằng hai hãng đã ngừng toàn bộ việc sản xuất các xe xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Điều này có nghĩa là hãng mẹ đã tạm dừng bán xe tại Việt Nam để chờ những tín hiệu tích cực hơn từ chính sách của chính phủ.
Ngay cả khi các hãng đáp ứng được yêu cầu của Nghị định 116 thì cũng phải mất ít nhất từ 2 – 3 tháng mới có thể đưa xe về Việt Nam sau đó chờ thông quan và kiểm tra kỹ thuật nữa sẽ lên tới từ 4 – 6 tháng. Điều này có nghĩa là ít nhất đến quý 2 thậm chí là quý 3 năm nay, người tiêu dùng Việt mới có hi vọng mua được xe nhập khẩu nếu các quy định được nới lỏng hoặc các hãng xoay đủ giấy tờ theo quy định. Chưa kể tới thời gian vận chuyển xe từ các nước, như từ nội khối Asean thường mất 2 – 3 tuần, các nước Âu – Mỹ từ 60 – 80 ngày.
Chưa bao giờ, thị trường ô tô lại rơi vào trạng thái hỗn loạn như thế này. Người tiêu dùng thì méo mặt vì giá xe thay đổi liên tục, giá xăng tăng cao mỗi ngày, còn các hãng thì không có xe để bán – đồng nghĩa với doanh thu và kết quả kinh doanh kém khả quan. Mọi lời khuyên đưa ra lúc này có lẽ sẽ không hoàn toàn đúng bởi cái người dân cần nhất bây giờ là một chính sách minh bạch và dài hơi của chính phủ để người tiêu dùng có thể mua chiếc ô tô đúng với giá trị của nó thay vì đang cao gấp 3-4 lần như hiện nay. Dĩ nhiên, nếu bạn có nhiều tiền và sẵn sàng chi trả thêm cả trăm triệu đồng để có xe chạy trước Tết thì cũng chẳng sai, gia đình nào vẫn mơ năm 2018 có xe giảm giá thì chắc vẫn phải chờ đợi tới quý 2 hoặc quý 3 năm nay may ra mới có câu trả lời chính xác.