Xe đạp chả tốn xăng, đỡ hao tiền gửi, lại khỏe người. Điều tra tại Hà Nội, TP.HCM cho thấy, mấy cửa hàng lèm nhèm cũng bán ngày 3-4 chiếc, xịn bán cả trăm/tháng.
Dân phượt, loại lăn lê, ba lô lộn ngược nhảy tàu bắt xe, loại lượn xe máy ngóc ngách, nay quay sang phượt độp, rong ruổi độp xe. Dân văn phòng chồn chân mỏi gối, toét mắt cạo giấy xăng sái độp .
Xe bus chen vai thích cánh lại chờ chực, metro còn đợi, cuốc bộ thì xa, thôi thì độp , còm lê cà vạt, vai đeo xà cột cũng độp , tây ta độp tất.
Xưa, trăm hoa đua nở, ai nấy nhễ nhại “độp lấy độp để”. Rau cháo thôi, độp chục cây bắt giặc, “sức tao vẫn đủ bắt mày hàng tao”.
Xe máy tầm dở ương, hơn lạc (hậu), kém phát (triển). Nhiều nước đi trước, dân chúng từ xe độp tiến thẳng lên xe hơi, không kinh qua giai đoạn xe máy. Trung Quốc, Hà Lan, Thụy Điển… lắm xe độp , nhiều xe hơi, hiếm hoi mới thấy xe máy.
Nhiều nước đang đua kiểu mới: Tại điểm như nhà chờ xe bus, thả xu vào máy, lấy xe, độp rồi trả xe bất cứ điểm nào như vậy. Có làn đường riêng cho xe độp , có nhiều ưu đãi, khuyến khích.
Vừa là phương tiện giao thông, không phải đầu tư xe chính chủ, không lo chỗ để, cần là có. Quan trọng nhất: đó là môn thể thao dễ tập, nhẹ nhàng, bình dân, lắm lợi. Bảo đảm người “bi-nhon”, mặt mày hớn hở, lúc nào cũng sẵn sàng hở mười cái răng…
Nhà nước đỡ đầu tư lớn vẫn tránh được khối chuyện giao thông đau đầu, đỡ đường sá, phụ thuộc xăng dầu, doanh nghiệp dễ làm ăn, bên nào cũng lợi…
Cái khó có vẻ là làm sao dấy lên được phong trào rộng rãi, thu hút đông người tham gia. Đông dân nghiện độp hẳn lợi chí ít từ A đến X.
Xe độp từng như một biểu tượng của người Việt. Thồ hàng lên Điện Biên, độp xe vào tuyến lửa, xe chở bộ đội, xe vây quân thù…
Cơ bắp oanh liệt một thời, khỏe và tươi. Thời nửa công nghiệp bỗng hớn hở ước, về một thời cơ bắp độp xe.
Trần Giang Phương