Bông hoa rực rỡ, tài sắc vẹn toàn đến từ Philippines vừa trở thành chủ nhân của chiếc vương miện cao quý, đại diện cho sắc đẹp của cả hành tinh tại Miss Univers 2018. Những tin tức ngập tràn về các gương mặt nổi bật, những khoảnh khắc rực rỡ hay mãn nhãn. Cuộc thi còn là sân chơi để những giá trị văn hóa của mỗi đất nước được dịp giao lưu và phô bày một cách rõ rệt nhất. Nhưng sau cùng, đặt hết tất cả những điều đó sang một bên, một cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Hoàn vũ còn tồn tại câu chuyện gì sau hào nhoáng đó?
Sự len lỏi của chính trị
Khi Zahra Khanum – Hoa hậu Hoàn vũ Singapore 2018 – xuất hiện tại Bangkok (Thái Lan) với trang phục dân tộc, cô đã khiến nhiều bất ngờ bởi bộ quốc phục mang màu sắc chính trị, lấy cảm hứng từ cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Singapore hồi tháng 6. Bộ trang phục tạo nên nhiều thắc mắc đến từ dư luận, khi chưa xét đến yếu tố dân tộc, rõ ràng việc mang một câu chuyện chính trị vào cuộc thi sắc đẹp với quy mô toàn cầu là khá nguy hiểm và nhạy cảm. Dù lý giải của NTK đã tạo nên bộ trang phục này là muốn hướng đến sự hòa bình, tạo cảm giác yên bình và yên ổn, nhưng mặt khác, đó cũng là cách khéo léo để nhấn mạnh vai trò trung gian hòa bình của quốc gia này toàn thế giới.
Giao dịch chính trị thông qua các cuộc thi sắc đẹp không phải là điều chưa từng được bàn tới, nhất là khi chủ sở hữu của nó là một bộ óc kinh doanh và chính trị khác thường – Donald Trump. Và vào năm 2013, khi cuộc thi được tổ chức tại Nga (lúc này Trump còn là ứng cử viên Đảng Cộng hòa), công chúng toàn thế giới đã chứng kiến những lời ca tụng dành cho nhau, khi Tổng thống Putin gọi tỷ phú Trump là một người “đa sắc”.
Thậm chí mới đây, Putin hoan nghênh đề xuất “khôi phục hoàn toàn” mối quan hệ Nga – Mỹ, điều mà những nhà tiền nhiệm trước ông Trump chưa từng làm được. Thông qua cuộc thi, Trump cũng đã tranh thủ được rất nhiều sự ủng hộ từ các nhà tài phiệt và những người có quan hệ kinh tế giữa hai nước. Đưa cuộc thi này tới Nga tổ chức, người không quan tâm đến câu chuyện chính trị cũng không nghĩ đây là quyết định hoàn toàn vô tư.
Chuyên trang sắc đẹp Missosology đã từng đặt ra nghi vấn về việc ông nhúng tay vào sắp xếp kết quả của cuộc thi tưởng như đơn thuần sắc đẹp, ví dụ như việc các đại diện sắc đẹp của Philippines từng năm lần lọt vào chung kết khi tháp Trump được xây dựng ở Manila. Thậm chí, vào năm 2015 khi Trump bán cuộc thi này để tranh cử tổng thống, chuyên trang này đã từng thốt lên rằng: “Chúng ta hoàn toàn có quyền cảm thấy may mắn khi Donald Trump đã không còn sở hữu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ nữa!”
Phân biệt chủng tộc gay gắt?
Một trong những câu chuyện bên lề ồn ào nhất cuộc thi năm nay là việc người đẹp Việt Nam và đại diện Campuchia bị Hoa hậu người Mỹ Sarah Rose Summer nhận xét về khả năng nói tiếng Anh hạn chế đã trở thành vụ việc khá lùm xùm bên lề cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018. “Cô ấy giả vờ như biết tiếng Anh giỏi, rồi khi bạn hỏi một câu sau cuộc trò chuyện, cô ấy ngơ ngác. Thật đáng yêu!”, Summer nói như vậy về H’Hen Niê, và cho rằng đại diện Campuchia “đáng thương” vì bất đồng ngôn ngữ khiến cô khó giao tiếp với những thí sinh khác.
Mặc dù sau đó Summer đã giải thích lại tình huống dễ gây hiểu nhầm đó, cũng như được chính hai người đẹp trên bảo vệ nhưng cô đã thực sự vấp phải cuộc khủng hoảng truyền thông lớn trước sự chỉ trích của khán giả, đặc biệt là từ chính cư dân các nước Đông Nam Á, thậm chí cả châu Âu. Dù không nói ra, nhưng tư tưởng này luôn là một “bóng ma ám ảnh” các quốc gia châu Á, đến nỗi mà ngay khi tân Hoa hậu Hoàn Vũ 2018 Catriona Gray người Philippines vừa đăng quang, trang Philstar Global đã “đanh đá” dằn mặt với tựa đề bài viết: “Tiếng Anh có nên là điều kiện tiên quyết cho Hoa hậu Hoàn vũ?”.
Sự cố “vạ miệng” của hoa hậu Mỹ đã khơi lại một trong những vấn đề luôn ngấm ngầm tồn tại suốt chiều dài cuộc thi đình đám này. Thậm chí ngay ở nội bộ nước Mỹ, nhiều người da màu cũng cho rằng hoa hậu da trắng của đất nước họ là kẻ phân biệt chủng tộc. Xét ở chiều hướng ngược lại, năm nào đi thi, những thí sinh đến từ quốc gia như Việt Nam cũng bị “soi” khả năng sử dụng tiếng Anh. Lưu loát như Phạm Hương thì được cho là “sang chảnh”; lo lắng, soi mói khi những người đẹp như Lệ Hằng, Nguyễn Thị Loan không thành thạo tiếng Anh, hay trở thành tâm điểm chú ý như H’Hen Niê dùng sai từ khi trả lời phỏng vấn Vogue Thái. Nhiều người còn cho rằng, chính việc phải sử dụng sự trợ giúp của thông dịch viên đã khiến đại diện Việt Nam vuột mất cơ hội lọt vào top 3 khi trả lời câu hỏi trong phần thi ứng xử bằng tiếng mẹ đẻ.
Những thí sinh như Summer sở hữu lợi thế lớn khi tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chung cho cuộc thi hội tụ thí sinh đến từ hơn 96 quốc gia khác nhau, còn những thí sinh khác luôn đứng trước thử thách về ngôn ngữ, nhất là trước áp lực của truyền thông và khán giả toàn cầu. Liệu có công bằng khi những thí sinh đó khi luôn chịu sự thương hại chỉ vì không thành thạo ngoại ngữ?
Bình đẳng giới thể hiện rõ rệt
Năm 2018, công chúng thế giới chứng kiến trường hợp đặc biệt – Angela Ponce là người chuyển giới đầu tiên đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha và dự thi Miss Universe. Cô có thể dự thi Miss Universe là nhờ vào năm 2012, BTC cuộc thi đã thay đổi quy định cho phép người chuyển giới tham dự, sau khi một phụ nữ chuyển giới tên Jenna Talackova đâm đơn kiện vì cô bị cấm tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Canada. Dù không đạt được thành tích cao trong cuộc thi lần này, nhưng sự xuất hiện của cô đã tạo nên một tiền lệ chưa từng có cho những người thuộc giới tính thứ ba, lên tiếng đấu tranh cho quyền bình đẳng giới tính trong thời đại mới.
Trong suốt quá trình cuộc thi, Angela đã thực sự làm những người hâm mộ yêu mến và cảm động bởi sự rạng rỡ cùng lý tưởng cao đẹp của mình. Cô từng phát biểu bản thân muốn dự thi để chống lại sự phân biệt đối xử trong luật pháp đối với người chuyển giới và: “Tôi muốn cho những phụ nữ chuyển giới thấy họ có thể trở thành bất cứ điều gì họ muốn: một giáo viên, một người mẹ, một bác sĩ, một chính khách hay kể cả trở thành Hoa hậu Hoàn vũ”.