Hơn cả biểu tượng của sự lãng mạn, những chiếc nơ là hiện thân của vẻ đẹp sang trọng vượt thời gian - Tạp chí Đẹp

Hơn cả biểu tượng của sự lãng mạn, những chiếc nơ là hiện thân của vẻ đẹp sang trọng vượt thời gian

Thời Trang

Bên cạnh các xu hướng ăn mặc tối giản đặc trưng vào mùa đông, những chiếc nơ cũng đang chiếm lĩnh một vị trí quan trọng trên bản đồ thời trang. Nếu bạn tò mò về “lý lịch trích chéo” của chi tiết này hoặc đang muốn điểm xuyết thêm nét duyên dáng cho diện mạo của mình thông qua những chiếc nơ, thì nhất định đừng bỏ qua loạt bài viết này nhé!

Hiếm có kiểu dáng nào trong thời trang lại gây… chia rẽ như cách mà những chiếc nơ đang làm. Một số chiếc nơ gợi lên vẻ nữ tính ngọt ngào, số khác lại tô đậm ấn tượng về sự chỉn chu thanh lịch, cũng có những chiếc nơ nhuốm màu gai góc. Nhưng dù mang tinh thần nào, chúng cũng luôn đem đến một sự thu hút đặc biệt. Nơ không đơn thuần chỉ là một chi tiết trang trí mà xuyên suốt chiều dài lịch sử, nó đã phản ánh rất nhiều ý niệm riêng biệt.

Vẻ lãng mạn song hành cùng tinh thần phản kháng

Tiền thân của nơ đã có mặt từ thời cổ đại. Một bộ ruy băng cài tóc của người Sumer làm bằng vàng (từ năm 2600 đến 2500 trước Công nguyên) hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Những chiếc nơ vải quen thuộc ngày nay bắt đầu xuất hiện vào khoảng thời Trung Cổ, với sự ra đời của dải ruy băng được tạo nên nhờ khung dệt ngang. Vào thế kỷ 16 và 17, nơ đã trở nên phổ biến đối với mọi giới tính và được đeo chủ yếu trên tóc. Đeo nơ trên một lọn tóc dài được gọi là “khóa tình yêu”. Lọn tóc thường được nuôi dài hơn để tết lại, đặt trước ngực và buộc bằng nơ. Chiếc nơ lúc này tượng trưng cho sự lãng mạn vì nó gần với trái tim nhất.

Trái: Ruy băng cài tóc bằng vàng của người Sumer (niên đại từ 2600 – 2500 năm TCN).
Phải: Chân dung Ngài Anthony Van Dyck với chiếc “khoá tình yêu” hình nơ trên tóc (năm 1634, tranh sơn dầu trên chất liệu canvas).

Nơ tiếp tục được sử dụng làm phụ kiện tóc cho giới quý tộc Pháp vào thế kỷ 18. Có tin đồn rằng, Marquise de Fontange – tình nhân của vua Louis XIV, là người khởi đầu xu hướng này. Trong một lần cưỡi ngựa, cô vô tình đánh mất chiếc mũ của mình. Vì việc để tóc xõa được coi là mạo hiểm nên Marquise đã kéo một dải ruy băng ra khỏi váy và dùng nó buộc các lọn tóc lại. Từ đó, trào lưu sử dụng ruy băng hình nơ để buộc tóc bắt đầu nở rộ. Đặc biệt, việc Vương hậu Marie Antoinette thường xuyên sử dụng nơ làm điểm nhấn trang phục càng khiến nó mang nhiều tính biểu tượng hơn. Trong giai đoạn này, nơ được coi là chi tiết đại diện cho tầng lớp quý tộc, càng nhiều nơ thì diện mạo sẽ càng sang trọng và duyên dáng.

Vương hậu Marie Antoinette và niềm yêu thích đặc biệt đối với những chiếc nơ.
Trái: Tranh chân dung “Marie Antonine with a rose” được Élisabeth Louise Vigée Le Brun vẽ vào năm 1783.
Phải: Tranh chân dung “Archduchess Marie Antoinette, Queen of France” được Élisabeth Louise Vigée Le Brun vẽ vào năm 1778.
Tranh vẽ chân dung Marie-Suzanne (1734-1772) của Alexander Roslin. Cô diện đầm hồng với chi tiết nơ đầy kiểu cách trên tay và thân áo.

Theo thời gian, chiếc nơ đã dần trở nên phổ biến đến mức chúng được sử dụng như một dấu hiệu kháng cự. Nơ được đeo làm huy hiệu ruy băng trong Cách mạng Pháp và đính trên mũ như một dấu hiệu thách thức Hitler trong Thế chiến 2. Phụ nữ Pháp đã tô điểm cho mũ và khăn xếp bằng ruy băng nơ để thách thức các quy tắc chống xa hoa của người Đức.

Tranh minh hoạ phong cách ăn mặc của phụ nữ Pháp giai đoạn Cách mạng Pháp bùng nổ. Ruy băng kết nơ màu xanh dương-đỏ là lời kêu gọi ueng hộ kháng chiến.
Định hình vai trò bất biến của nơ

Vào năm 1886, Pierre Lorillard thiết kế một bộ Âu phục nam với chiếc nơ bướm màu đen kinh điển thay thế cho cà vạt. Kể từ đó, chiếc nơ được dùng để tô đậm sự lịch lãm, chỉn chu của các quý ông. Bản thân chiếc nơ thậm chí còn được áp dụng cho trang phục nữ trong một thời gian ngắn vào những năm 1920 và 1930, nhờ sự lăng xê của hai nữ minh tinh đình đám lúc bấy giờ là Katharine Hepburn và Marlene Dietrich. Vào năm 1927, NTK nổi tiếng Elsa Schiaparelli đã tôn vinh chiếc nơ bằng cách dệt nó thành đường viền cổ áo len theo kỹ thuật trompe-l’œil (ảo ảnh thị giác). Ngoài ra, các bộ phim kinh điển như “Gone with the Wind” và “The Wizard of Oz” cũng đã khắc họa nên bức tranh về sự nữ tính với các nhân vật nữ có mái tóc được trang trí bằng nơ màu đỏ và xanh. Nhờ vậy mà chiếc nơ cài tóc đã trở thành món phụ kiện sành điệu dành cho các nữ minh tinh và những người hâm mộ.

Trái: Nữ diễn viên Marlene Dietrich trong trang phục với nơ đính cổ
Phải: Nguyên mẫu chiếc áo nổi tiếng của Elsa Schiaparelli

Ở nước Nga đương thời, nơ cài tóc của các cô gái trẻ có mục đích chính trị nhiều hơn. Họ đeo hai chiếc nơ lớn màu trắng, mỏng, được gọi là bantiki như một phần của đồng phục học sinh để thể hiện lòng trung thành với Liên Xô.

Trái: Tạo hình của nhân vật Scarlett O’Hara trong phim “Gone with the Wind” (1939).
Phải: Nữ sinh Nga đeo nơ để thể hiện sự ủng hộ đối với Liên Xô.

Đến những năm 1960 và 1970, chiếc nơ trở thành biểu tượng cho quyền lợi tại công sở của phụ nữ dưới dạng kiểu áo buộc nơ cổ. Thiết kế áo này đã xuất hiện trên các sàn diễn của Yves Saint Laurent và Halston. Vào thập niên 80, đeo một chiếc nơ đậm là cách để khai thác vẻ quyến rũ nội tại khi ai đó muốn mình thật nổi bật giữa đám đông. Theo cách riêng của mình, cả siêu sao Madonna và Công nương Diana đều đã tận dụng tối đa sức mạnh của chiếc nơ thập niên 80.

Trái: Chiếc áo buộc nơ cổ đã trở thành đại diện cho quyền lợi của phụ nữ tại công sở vào những năm 1960 và 1970.
Phải:  Công nương Diana và bộ trang phục được cài một chiếc nơ bướm màu đen.

Ngày nay, ấn tượng dễ thấy nhất đối với nơ là chúng phổ biến trong đồng phục của nữ sinh trên khắp thế giới. Những bộ phim học đường nổi tiếng của Mỹ như “Clueless”, “Gossip Girls”,… đã “đóng khung” hình tượng nữ sinh với chiếc nơ nơi cổ áo và băng đô đính nơ duyên dáng. Các thương hiệu thời trang lớn như Miu Miu, Oscar de la Renta, Valentino hay CHANEL đều có những thiết kế đính nơ đầy kiểu cách, đại diện cho sự sang trọng thanh lịch của những quý cô duyên dáng nhất.

Phong cách nữ sinh với chiếc nơ cổ là điểm nhấn đã được các bộ phim dài tập từ Á đến Âu phổ biễn rộng rãi.

Thực tế đã chứng minh, rằng những chiếc nơ có thể tượng trưng cho rất nhiều ý niệm khác nhau: từ vẻ ngoài hoàng gia, tinh thần phản kháng của các cuộc cách mạng cho đến sự nữ tính, khiêu gợi hay ma mị,… Điều đó cũng phần nào lý giải cho sự bất biến của chi tiết này trong dòng chảy thời trang. Đặc biệt, vào mùa lễ hội 2023, chi tiết nơ tiếp tục cho thấy nó là một trong những trào lưu thẩm mỹ nổi bật nhất khi liên tục “phá đảo” địa hạt thời trang.

Tác giả: Vũ Thảo

11/12/2023, 10:56