Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những tác động và khuyến nghị đối với công tác vận động chính sách và lập kế hoạch cho các chương trình dự phòng HIV.
Ảnh minh họa. (Nguồn: hercampus.com)
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo công bố những phát hiện chính từ nghiên cứu thị trường và khảo sát người tiêu dùng về bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm dung tích chết thấp hay còn gọi là bơm kim tiêm đầu đỏ và dịch vụ xét nghiệm HIV (HTS).
Hội thảo do Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường do Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Tổ chức PATH thực hiện phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y Tế) tổ chức sáng 15/12 tại Hà Nội.
Qua khảo sát người tiêu dùng cho thấy, hiện nay nhiều người dân đã sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ dự phòng HIV như bao cao su và các xét nghiệm HIV.
Chia sẻ tại hội thảo, tiến sỹ Kimberly Green – Giám đốc Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường do Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho hay: “Đây là nghiên cứu đầu tiên về hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV từng được thực hiện tại Việt Nam. Nghiên cứu đã chỉ ra nhu cầu của các nhóm đích đối với các sản phẩm và dịch vụ thương mại dự phòng HIV có chất lượng và giá phải chăng. Quan trọng hơn, nghiên cứu có thể giúp Chính phủ hoạch định các chiến lược dự phòng HIV hiệu quả nhất trong bối cảnh các nguồn lực hỗ trợ ngày một giảm.”
Được thực hiện từ tháng Năm đến tháng Tám, nghiên cứu thị trường đã chỉ ra những phát hiện chính liên quan đến quy mô, giá trị và phân chia thị trường đối với từng loại sản phẩm như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm và xét nghiệm chấn đoán nhanh về HIV tại Việt Nam.
Nghiên cứu cũng đã nêu bật thực trạng hiện nay liên quan đến việc sử dụng, mua bán, sở thích và mức độ sẵn sàng chi trả của các nhóm đích bao gồm người tiêm chích ma túy (PWID), phụ nữ mại dâm (FSW) và nam quan hệ tình dục với nam (MSM) đối với các sản phẩm thương mại như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm và HTS tại 6 tỉnh, thành phố trọng điểm về HIV (Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nghệ An và Điện Biên).
Thị trường ngày một tăng đối với các dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán nhanh HIV nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng về dịch vụ này.
Nghiên cứu cũng chỉ ra sự ủng hộ về mặt chính sách từ chính phủ đối với việc tăng trưởng thị trường thương mại và sản xuất trong nước cho các sản phẩm và dịch vụ dự phòng HIV.
Liên quan đến khảo sát người tiêu dùng, báo cáo cho thấy tính sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm bao cao su thương mại của các nhóm đích là cao, đặc biệt là đối với nhóm MSM. Phần lớn các nhóm đích (trên 80%) sẵn sàng trả giá cao hơn từ 2 đến 4 lần mức giá của bao cao su tiếp thị xã hội (1.000 Việt Nam đồng).
Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra rằng các nhóm đích, cụ thể là nhóm MSM (55.7%) đã bắt đầu chi trả cho dịch vụ xét nghiệm HIV và phần lớn các nhóm đích đều sẵn sàng chi trả cho dịch vụ này với mức giá trung bình của thị trường (50.000 đồng). Nhóm MSM còn sẵn sàng chi trả cao hơn (100.000 đồng).
Theo VietnamPlus