Hơn 5.000 trẻ nhỏ thoát lây nhiễm HIV mỗi năm nhờ ARV - Tạp chí Đẹp

Hơn 5.000 trẻ nhỏ thoát lây nhiễm HIV mỗi năm nhờ ARV

Sức Khỏe


Số phận những trẻ em không may mắn

Để tìm hiểu sâu hơn về số phận của những trẻ em không may nhiễm HIV từ trong bụng mẹ, chúng tôi đã tìm đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Đa số trẻ nhiễm HIV/AIDS ở đây đều bị gia đình chối bỏ, nhiều em bị mẹ bỏ rơi ngay khi vừa chào đời.
Tất cả các em bé nhiễm HIV/AIDS ở đây đều không thể đi học ở trường vì bị kỳ thị. Còn tại Trung tâm này, các em được đi học, được học chung với các bạn khác, sự kỳ thị hầu như không tồn tại nơi đây. Các em học tập và chơi đùa vô tư, hồn nhiên như những đứa trẻ khỏe mạnh mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ trường học hay khu vui chơi nào.
Chúng tôi gặp em S. đang học lớp 1 tại Trung tâm. Em là trường hợp bị mẹ bỏ rơi ngay khi vừa sinh và được bệnh viện chuyển vào Trung tâm nuôi dưỡng. Trò chuyện với S., em nói ước mơ của mình là học thật giỏi để trở thành bác sỹ, chữa bệnh cho các bạn và các cô ở đây. Các cô ở Trung tâm cho biết, trường hợp của S., nếu không được can thiệp kịp thời và uống thuốc ARV đều đặn thì chắc em không thể sống được quá 3 tuổi vì các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Hiện nay, em cũng như các bạn khác vẫn phải uống thuốc hàng ngày theo lịch và có sự theo dõi sát sao của bác sỹ và nhân viên y tế trung tâm. Với các em, có thể nói thuốc ARV như ngọn đèn thắp sáng lại tương lai cho các em để có thể sống khỏe mạnh, học tập và mơ ước về tương lai như bao bạn bè đồng trang lứa.
Cần thêm những nỗ lực nhằm bảo vệ thế hệ tương lai
Trong những năm vừa qua, nhờ nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện các cam kết giữa Liên hiệp quốc với các quốc gia và tổ chức trên toàn cầu, số lượng ca nhiễm HIV mới ở trẻ em trên toàn thế giới đã giảm xuống 24%, từ 430.000 trẻ em nhiễm HIV năm 2009 xuống còn 330.000 trẻ em nhiễm HIV năm 2011. Và, kể từ tháng 12/2011, có thêm hơn 100.000 trẻ em nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV so với năm 2010.
Ở Việt Nam nói riêng, nếu tất cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được điều trị bằng ARV thì tỷ lệ lây nhiễm HIV sang trẻ sơ sinh giảm xuống còn dưới 2%, như vậy mỗi năm sẽ có ít nhất 5.000 trẻ được bảo vệ khỏi căn bệnh thế kỷ. Với những trẻ đã bị nhiễm HIV từ mẹ, điều trị bằng thuốc ARV nhằm ức chế sự nhân lên của vi-rút, kìm hãm lượng vi-rút trong máu ở mức thấp nhất, phục hồi hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cải thiện chất lượng sống và duy trì sự phát triển bình thường cho trẻ cả về thể chất và trí tuệ.
Như vậy có thể thấy, để bảo vệ tương lai giống nòi của dân tộc khỏi căn bệnh thế kỷ cần thực hiện đồng bộ việc điều trị ARV cho cả hai đối tượng: Phụ nữ nhiễm HIV mang thai và trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua tới 95% kinh phí mua thuốc ARV phục vụ điều trị tại Việt Nam đang được cung cấp bởi các nguồn tài trợ quốc tế. Các nhà tài trợ này đang thực hiện lộ trình cắt giảm và sẽ chấm dứt hoàn toàn vào cuối năm 2017. Dù trẻ em và phụ nữ mang thai nhiễm HIV nằm trong đối tượng ưu tiên luôn được điều trị bằng ARV miễn phí, nhưng vẫn còn rất nhiều những bệnh nhân HIV khác có hoàn cảnh khó khăn, hầu hết không thể tự chi trả tiền thuốc nếu ARV không còn miễn phí. Vì vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS cần có sự chuẩn bị về nhiều mặt, đặc biệt là phương diện tài chính. 

Trước mắt, Chính phủ đã bổ sung 60 tỷ vào kinh phí mua thuốc ARV, nhằm bù đắp một phần khoản thiếu hụt kinh phí khi tài trợ rút đi. Tuy nhiên, bảo hiểm y tế mới là giải pháp lâu dài và bền vững. Người nhiễm HIV/AIDS cần chủ động tham gia bảo hiểm y tế để được chi trả chi phí điều trị và tiền thuốc ARV. Mua bảo hiểm không chỉ là sự chung tay với Chính phủ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và tạo điều kiện cho các em nhỏ được sinh ra khoẻ mạnh, được sống và cống hiến cho xã hội, mà còn bảo vệ toàn bộ cộng đồng trước đại dịch HIV/AIDS./.

Theo VietnamPlus

Thực hiện: depweb

04/11/2015, 13:20