Hơn 1 triệu tỷ đồng chôn trong “tảng băng” nhà đất

Băn khoăn, nghi ngại của nhiều đại biểu Quốc hội khi đề cập đến khối tài sản lớn đang “chôn” trong bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng có phần giải trình, xác nhận nhiều con số báo động.

Bộ trưởng Xây dựng dẫn con số thống kê của Ngân hàng nhà nước, đến ngày 31/8/2012, dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỷ, trong đó tỷ lệ nợ xấu 6,6%. Còn nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản (gồm các khoản cho vay để kinh doanh bất động sản, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản), con số còn lớn hơn nhiều – chiếm tới 57% tổng dư nợ, tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng.  

 

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tham dự phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 31/10 (ảnh: Việt Hưng).

Tình trạng kinh doanh khó khăn, nợ xấu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tăng cao, ông Dũng phân tích, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành sản xuất như xây dựng, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, ngành thép và ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng cũng như đến kinh tế vĩ mô.

 

Nhận định chung, ông Dũng thừa nhận, thị trường bất động sản hiện rất khó khăn, thị trường đóng băng, rất ít giao dịch. Nghịch cảnh là các doanh nghiệp bất động sản bế tắc phận lớn người dân vẫn thiếu nhà.

“Vì vậy, cần phải quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản” – Bộ trưởng Xây dựng kêu gọi. Hướng tháo gỡ được chỉ ra là phải khắc phục các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc hiện tại.

Trước hết, thị trường bất động sản thời gian qua phát triển tự phát phong trào và thiếu quy hoạch, kế hoạch dẫn đến việc cung rất lớn so với cầu. Hiện cả nước có 2399 dự án theo thống kê của 44 tỉnh thành và có xấp xỉ khoảng 71.000 ha đất cho bất động sản. Riêng Hà Nội có 368 dự án với khoảng 20.000 ha. Những dự án đang triển khai chiếm khoảng 40% (tức là 8.000 ha với 233 dự án).

Hàng tồn kho của ngành này lên tới 16.469 căn hộ chung cư, 4116 nhà thấp tầng, và 25.870 m2 nhà văn phòng cho thuê.

Trong cơ cấu này, sản phẩm chủ yếu là hàng cao cấp và hàng trung bình ở mức độ cao. Nhà ở hướng đến đối tượng người thu nhập thấp rất ít. Nhà diện tích vừa, nhỏ, giá rẻ phù hợp với đại đa số người dân có thu nhập ở mức bình quân 1.300USD/người/năm rất thiếu.

Nguyên nhân trực tiếp nhất là vốn cho các dự án bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng và vốn đóng góp của người dân mua nhà nên khi hàng không bán được, thị trường đóng băng, nợ xấu bất động sản tăng cao, gây… tắc.

Thị trường ế ẩm, kinh tế khó khăn kéo theo hệ quả tồn kho vật liệu xây dựng do tổng đầu tư xã hội giảm. Những nhóm hàng được “điểm tên” là gạch ốp lát, kính xây dựng (tồn kho tương đương 2 tháng sản xuất), xi măng, sắt thép… Mức tồn kho của xi măng có dấu hiệu đáng mừng là đã giảm nhiều, hiện đọng khoảng 2,57 triệu tấn (tương đương 17 ngày sản xuất). 

Bộ trưởng Xây dựng cho biết, biện pháp giải cứu hiện nay là rà soát, yêu cầu dừng nhiều dự án. Hà Nội có 60% dự án chưa giải phóng mặt bằng đã được dừng để cơ cấu lại theo hướng tăng các loại nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, nhà cho công nhân viên chức ở đô thị…

Chính phủ cũng đã cho phép mở rộng tín dụng cho vay đối với các nhà đầu tư, nhà ở và người mua nhà để ở, đặc biệt người mua nhà ở xã hội. Gỡ khó cho thị trường cũng là giải pháp để tăng tiêu thụ vật liệu, giảm tồn kho.

Theo Dân Trí

From the same category