Cùng với những trang sử hào nhoáng của nền thời trang, văn hóa queer rực rỡ sắc màu đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế bậc thầy. Hơn cả thông điệp ủng hộ cộng đồng LGBTQ+, các show diễn tôn vinh văn hóa queer lừng lẫy của các nhà mốt xa xỉ còn là khởi đầu mở ra kỷ nguyên mới cho thời trang phi giới tính tương lai.
Không thể phủ nhận được rằng lối thiết kế siêu thực, độc bản và táo bạo của Mugler đã làm nên nhiều khoảnh khắc thời trang khó quên dành cho cộng đồng LGBTQ+. Điển hình nhất phải kể đến show diễn Xuân Hè 1992, được tổ chức tại khách sạn Century Plaza ở Los Angeles, nam nhà mốt đã mời drag queen Lypsinka – người sở hữu nghệ thuật pha trộn giữa Hollywood cổ điển và thời trang cao cấp – làm người mẫu catwalk cho BST của mình. Tại show diễn, cô thực hiện màn trình diễn hát nhép (lips-sing) và biến hóa liên tục bốn bộ trang phục khác nhau (mỗi bộ mặc chồng lên nhau). Khởi đầu là chiếc đầm dạ hội mang đậm vẻ đẹp quyền quý của phụ nữ những năm 1950, nhưng dưới góc nhìn của những năm 1980 và kết thúc bằng một thiết kế nội y màu đen tối giản. Màn trình diễn độc đáo này chỉ là một trong những bước khởi đầu cho mối quan hệ giữa thời trang và thế giới của các drag queen.
Thời đại của AIDS gây ra sự xáo trộn sâu sắc đến làng mốt thế giới. Thêm vào đó, sự im lặng và cảm giác xấu hổ bủa vây sau những vụ mất tích càng khiến nỗi đau này thêm trầm trọng. NTK người Bỉ Walter van Beirendonck, người vẫn luôn đấu tranh chống lại sự im lặng này, đã biến BST 1996 Killer/ Astral Travel/ 4D-Hi-D trở thành một lời thách thức trước bệnh dịch. Trong show diễn tôn vinh sự tự do và nổi loạn của những drag queen, nhiều gam màu sặc sỡ, vật liệu nhựa (biểu trưng cho trang phục tình dục và bao cao su) cũng như mặt nạ mang hình thù vui nhộn, bên trên có ghi dòng chữ “Get Off My Dick” hoặc “Blow Job” xuất hiện nổi bật trong show diễn.
Nhắc đến các nhà mốt nổi danh của cuối thể 20 không thể không nhắc đến Jean Paul Gaultier. Sở hữu phong cách thiết kế vô cùng xa hoa, lộng lẫy nhưng cũng không kém phần lập dị, nam NTK không ngại làm ra những chiếc đầm dành cho nam giới hoặc chơi đùa cũng motif sọc ngang mang cảm hứng thủy quân trên các thiết kế tôn sùng chủ nghĩa tình dục. Trong suốt nhiều năm qua, Gaultier đã xem Tanel Bedrossiantz là một người bạn thân thiết và là chàng thơ truyền cảm hứng. Tại show diễn ra mắt BST Xuân Hè 1998, Tanel diện một chiếc đầm corset làm phồng, phối cùng với áo sơ mi và cà vạt. Hình ảnh này cũng được trưng bày tại triển lãm Met Gala 2019.
Lịch sử nền thời trang tiếp cận thế giới của drag queen không chỉ giới hạn ở những khái niệm rõ ràng về ham muốn và chủ nghĩa tình dục, mà còn phải bao trùm cả những góc nhìn tinh tế và chính xác về những bí mật ẩn sâu trong văn hóa queer. BST Thu Đông 1998 của Alexander McQueen sử dụng gam màu tối đầy mạnh mẽ, xử lý khéo léo trên nền chất liệu vải lưới, ren, tua rua, với phần vai tạo dáng hình học được lấy cảm hứng từ nữ anh hùng người Pháp Gioanna xứ Arc. Với sở thích đảo trang (mặc trang phục của người khác giới), “Trinh nữ xứ Orleans” thường được xem là một người thuộc giới tính thứ ba.
Các thiết kế trang phục cưới hiện diện khắp các sàn diễn thời trang lớn nhỏ. Cứ như vậy, hình ảnh những cô dâu trong tay cầm bó hoa cưới sải bước hạnh phúc trên sàn catwalk trở nên vô cùng quen thuộc với giới mộ điệu. Nhưng có lẽ show diễn ra mắt BST Chanel Haute Couture Xuân Hè 2013 của NTK Karl Lagerfeld đã làm nên một nét đột phá mới, hai cô dâu tay trong tay trong bộ đầm cưới kết thúc show diễn như một cách để nam nhà mốt thể hiện sự ủng hộ của mình dành cho luật kết hôn đồng giới ở Pháp được thông qua cùng năm.
Ở Ashish Gupta, sự táo bạo và sở thích những thứ hào nhoáng đã làm nên chất riêng của ông trong làng thời trang đương đại. Thông điệp chính trị và sự đa dạng của văn hóa queer là các ý tưởng chủ đạo trong hành trình sáng tạo của Ashish thông qua các slogan và nhiều dự án nhiếp ảnh. Và BST Thu Đông 2017 cũng không phải là một ngoại lệ. BST giới thiệu nhiều thiết kế trang phục mang sắc màu cầu vồng lấp lánh. Nổi bật hơn cả là chiếc áo dệt kim tuyến có in dòng chữ “Why be blue when you can be gay!”.
BST chia tay của Giám đốc Sáng tạo Christopher Bailey có thể xem là khúc hoan ca dành cho cộng đồng LGBTQ+. Bản thân ông là một người đồng tính và xuất thân kém may mắn, ông sử dụng ngôn ngữ thời trang để mở ra kỷ nguyên mới cho các thế hệ queer hiện đại. Ngoài việc đưa sắc màu cầu vồng vào họa tiết kẻ sọc biểu tượng của Burberry, nhà mốt còn hỗ trợ vật chất nhằm ủng hộ cộng đồng giới tính thứ ba bằng việc quyên góp cho ba quỹ từ thiện khác nhau.
Những sáng tạo mang tính đột phá của Grace Wales Bonner được lấy cảm hứng từ nhiều nguồn cảm hứng, nhưng đa phần đều xuất phát từ vẻ đẹp nam tính của người da màu và những câu chuyện về lịch sử của cộng đồng người di cư châu Phi. Tại show diễn ra mắt BST Xuân Hè 2018 của mình, cô đã tặng dàn khách mời tập sách bao gồm bài luận của Hilton Als về tình yêu người của người da màu đồng tính, di sản và nghệ thuật mang tựa đề “James Baldwin/ Jim Brown and the Children”, hình ảnh từ “The Homoerotic Photography of Carl van Vechten” của James Smalls, và một bài thơ của tác giả Essex Hemphill.
Trong những năm gần đây, nền thời trang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều NTK trẻ đưa ra góc nhìn mới mẻ về tình dục và giới tính vào thời trang. Chẳng hạn như Telfar, Christopher John Rogers, Patrick Church, Nicolas Lecourt Mansion… Đáng chú ý là show Xuân Hè 2019 của Opening Ceremony đã tạo nên một sự kiện hoành tráng, nơi mang đến niềm tự hào cho các NTK queer, bằng việc biến sàn runway truyền thống thành chương trình cabaret do drag queen Sasha Velor cùng hơn 40 người mẫu thuộc cộng đồng LGBTQ+ trình diễn.