Hội chứng "trái tim tan vỡ là gì? Và 7 cách để tim thôi "tan vỡ" - Tạp chí Đẹp

Hội chứng “trái tim tan vỡ là gì? Và 7 cách để tim thôi “tan vỡ”

Sống

Dù nhiều người thường gắn hình ảnh “trái tim tan vỡ” với việc chia tay người thương, thực tế điều này phức tạp hơn thế rất nhiều – những tình huống đột ngột ập đến như sự ra đi bất ngờ của người thân, bỗng dưng rơi vào cảnh thất nghiệp, hay mất một người bạn đều có thể khiến bạn “tan nát cõi lòng” và cảm thấy như cả thế giới đang quay lưng lại với mình. Dù rằng việc chữa lành một trái tim tổn thương cần có thời gian, nhưng có những điều bạn có thể áp dụng ngay bây giờ để “luyện tập” cho mình một trái tim khỏe mạnh đủ để đương đầu với những cuộc “bể dâu” ngoài kia.

“Heartbreak Syndrome” – Hội chứng “Trái tim tan vỡ” là gì?

Theo Harvard Health Publishing, hội chứng “trái tim tan vỡ” (Heartbreak Syndrome) được gọi tên lần đầu tiên cách đây 25 năm bởi các nhà nghiên cứu Nhật Bản, khi tâm thất dưới bên trái của tim phình ra đột ngột do bị căng thẳng (tình trạng này còn được gọi là bệnh phình cơ tim takotsubo). Khi lâm vào tình trạng này, bạn thường cảm thấy đau ngực đột ngột, dữ dội và khó thở, giống như khi bị đau tim. Tuy nhiên, may mắn rằng những ai mắc hội chứng này đều không có dấu hiệu bị tắc nghẽn động mạch và có thể hồi phục sau vài tuần.

Một vài nguyên nhân kích thích hội chứng “trái tim tan vỡ” là khi bạn trải qua những mất mát lớn, đột ngột nhận được tin xấu, bỗng dưng phải nói chuyện trước đám đông hay vướng vào một cuộc tranh luận gay gắt,.. Thậm chí, kể cả khi bạn nhận được niềm vui – như một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ chẳng hạn, bạn cũng có thể rơi vào trạng thái xúc động mạnh khiến trái tim “tổn thương” tạm thời.

Làm thế nào để tim thôi “tan vỡ”?

Dù rằng cho đến bây giờ, vẫn chưa có phương pháp nào để điều trị hội chứng này, bạn có thể áp dụng những cách sau đây để phần nào rèn luyện cho mình một trái tim khỏe mạnh hơn.

Chăm sóc sức khỏe thể chất: Nếu bạn có xu hướng bỏ quên bản thân khi đau khổ, bạn sẽ nhận thấy ngoài việc đau đớn về cảm xúc, cơ thể của bạn cũng sẽ “biểu tình” khi thể chất dần suy kiệt. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thể xác và tinh thần luôn song hành cùng nhau. Vì vậy, dù cảm thấy chán nản thế nào, hãy cố gắng hít thở sâu, thiền và tập thể dục để duy trì năng lượng. Nhưng kể cả khi bạn không làm được những điều đó, chỉ cần nỗ lực ăn đủ bữa, uống đủ nước có thể sẽ giúp ích rất nhiều rồi.
Bạn cần gì? Hãy cho người khác biết nhé!: Mọi người có những cách riêng để đối diện với sự mất mát – có người muốn ở một mình, có người lại muốn được vây quanh bởi người thân, có người muốn trò chuyện cùng “người lạ” để biết thêm góc nhìn khách quan về vấn đề. Dù nhu cầu của bạn là gì, hãy nói với những người xung quanh để được hỗ trợ nhé!
Cố gắng duy trì giấc ngủ chất lượng: Bạn nên đi ngủ vào một giờ cố định mỗi đêm và ngủ đủ từ 6 đến 8 tiếng. Nếu bạn cảm thấy khó ngủ và không muốn dùng thuốc, hãy tăng cường dùng những thực phẩm như sữa hạt ấm, kiwi, chuối, cherry, hạt sen, trà hoa cúc,… để cải thiện chất lượng giấc ngủ nhé!
Kết nối với những nguồn năng lượng tích cực: Khi cảm xúc của bạn đang rối bời, bạn có thể hạn chế đi các sự kiện cần tiếp xúc với quá nhiều người. Tuy nhiên, bạn không nên hoàn toàn cô lập bản thân – hãy xác định rõ mối quan hệ nào sẽ mang đến cho bạn năng lượng tích cực, hay những ai sẽ có xu hướng làm bạn căng thẳng. Từ đó, dành nhiều thời gian với những người mang lại cho bạn niềm vui.
Nhớ rằng đau buồn thì không có deadline đâu!: Các nhà tâm lý trị liệu chỉ ra rằng mất mát sâu sắc như sự ra đi của một người thân yêu sẽ khác rất nhiều so với khi bạn bị từ chối một cơ hội việc làm. Sẽ có những ngày nỗi buồn của bạn như cơn sóng nhẹ đến rồi nhẹ đi. Nhưng cũng có những ngày bạn rơi vào trạng thái buồn thương không kiểm soát. Hãy nhớ rằng cảm xúc nào cũng là chính đáng, hãy cho bản thân thời gian để chữa lành.
Thêm những hoạt động thư giãn vào thời gian biểu của bạn: Hãy dành thời gian mỗi ngày (từ 1-2 tiếng) để làm điều gì đó khiến bạn cảm thấy vui vẻ, cho dù đó là viết nhật ký, gặp gỡ bạn thân hay xem một bộ phim hay. Thậm chí, việc đọc sách hay nghe podcast về sự mất mát cũng có thể cung cấp những góc nhìn mới và giúp bạn xử lý cảm xúc của mình tốt hơn.
Đi ra ngoài và hít khí trời: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần dành 2 giờ mỗi tuần ở ngoài trời có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn. Lý tưởng nhất là bạn có thể đắm mình trong không gian xanh mát của thiên nhiên, nhưng ngay cả việc đi bộ thường xuyên quanh khu phố cũng đã rất hữu ích rồi!


Nguồn ảnh: Tổng hợp

Tác giả: Nhi Nguyễn

23/06/2023, 23:01