Học yêu thương từ… tiền mừng tuổi

Giao thừa thực sự là giây phút thiêng liêng khi cả nhà quây quần chào đón thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới. Vậy là thêm một mùa xuân nữa trong đời, vậy là người lớn già thêm một tuổi, trẻ con lớn hơn một chút. Sau khi phụ anh chị lớn dọn mâm cơm cúng giao thừa, lũ nhỏ mừng vui đón nhận những tờ tiền nhỏ còn thơm phức mùi giấy. Trong lúc nhận tiền lì xì, anh em chúng tôi có chút gì đó thẹn thùng, chỉ biết cảm ơn ông bà ba mẹ, chúc mọi người sức khỏe, sống lâu. Ông bà xoa đầu, bảo năm mới chăm ngoan hơn con nhé. Ba mẹ cũng bảo năm mới phải lớn hơn năm cũ, không được ham chơi nữa, phải phụ giúp mẹ việc nhà.

Cái thời còn nghèo khó dẫu chẳng bao giờ nhận được lì xì bằng phong bao màu đỏ nhưng cái cảm nhận về sự vất vả của ba mẹ luôn làm cay sống mũi. Tiền lì xì tôi chỉ dành để mua sách vở, bút mực. Nếu còn dư thì bỏ ống chứ không ăn vặt, không mua sắm quần áo, giày dép.

 

Năm tôi 9 tuổi, tiền lì xì một mùa tết khoảng hơn trăm ngàn. Đã qua ba ngày tết, người lớn đã đi làm nhưng bọn trẻ vẫn chưa đến ngày đi học. Mẹ tôi sau ngày làm việc ở căng tin một nhà máy, khệ nệ xách thùng nước đi 60 bậc thang lên tầng 3 khu nhà tập thể. Hồi đó chưa có máy bơm nên người lớn phải thay nhau xách nước. Mẹ thường mỉm cười với tôi mỗi khi lên đến nơi, rồi mẹ bắt đầu thở phì phò. “Mẹ để con xách với!”. “Thôi được rồi con, cứ ở yên đó học đi!”. “Mẹ đã làm việc suốt ngày rồi. Mẹ đừng cố sức…”. Nói vậy nhưng tôi biết rằng nếu mẹ không làm thì lấy nước đâu mà dùng. Tôi thường tránh không nhìn cảnh mẹ đi lên với những thùng nước cằn vai. Tôi cũng muốn xách nước phụ mẹ nhưng đó quả là một công việc nặng nhọc.

Giây phút đó tôi chợt nghĩ sẽ tặng mẹ món quà gì đó thật đặc biệt để mẹ vui. Mẹ không có cái áo mới nào dù tết là mùa áo mới. Cái áo mẹ đang mặc hình như đã qua mấy lần đón Tết. Tôi quyết định mẹ tôi phải có một cái áo mới và tôi lấy hết số tiền lì xì ra khỏi nhà.

Cửa hàng thời trang đây rồi, tôi chọn một chiếc áo thun màu xanh có đính mấy hột cườm. Tôi lật tấm thẻ ghi giá, thiếu 30 ngàn. Trong lúc tiếc hùi hụi vì dự định sắp sửa không thành, chợt tôi nhớ đến những món lì xì chưa xài hết của những cái tết cũ. Tôi đề nghị người bán hàng giữ chiếc áo cho tôi. Trên đường về nhà, tôi luôn cầu đừng ai mua mất chiếc áo mà theo tôi chỉ thích hợp với mẹ thôi. Quay lại, tôi gần như nín thở khi người bán hàng lấy chiếc áo xuống khỏi móc, bỏ vào túi cho tôi.


 

“Mặc vào đi mẹ” – tôi tự hào nói. Nước mắt lăn dài trên má mẹ.

Suốt buổi chiều, mẹ tôi luôn miệng bảo rất thích chiếc áo, gặp ai bà cũng khoe.

Tết và những đồng lì xì đã làm tôi lớn hơn như vậy đó. Tiền lì xì năm đó không dùng mua sách vở nhưng làm tôi trưởng thành và biết chia sẻ, yêu thương.

Giờ đây, tôi nhìn thấy Trung Nguyên – con trai tôi – đón chờ Tết với niềm vui khác, không chỉ là được ăn ngon mặc đẹp, được chăm chút, được vỗ về yêu thương. Tết đến, niềm vui của Nguyên là được nghỉ học, theo ba mẹ về quê thăm ông bà.

Lì xì vẫn luôn là món mà mọi đứa bé dù ở thời điểm nào cũng thích. Những phong bao màu đỏ rất đẹp với những lời chúc yêu thương, trìu mến, chăm ngoan, học giỏi, hay ăn chóng lớn. Nguyên đã biết đáp lại bằng lời cảm ơn, chúc sức khỏe, thành đạt và may mắn cho những người đã lì xì cho mình. Có khi con thắc mắc: lì xì là gì, sao có người cho ít, người cho nhiều hả mẹ. Câu hỏi không dễ trả lời bởi thành phố lớn như Sài Gòn, mỗi dịp tết đến là lúc người ta cảm ơn lẫn nhau. Khi chúc tết, nhiều bé cũng được tiếng thơm lây bởi cha mẹ có chức tước, làm lớn nên có phong bì đẹp, lịch sự, sang trọng với rất nhiều tiền bên trong.

Có lần tôi đã giải thích với con rằng tiền lì xì là một món lộc phòng trừ tai hoa nên dù ít dù nhiều cũng may mắn. Con không cần quan tâm tiền ít hay nhiều. Nghe rồi, có lẽ Nguyên đã hiểu và như bao đứa trẻ đáng yêu trên cuộc đời nay, tôi thấy con chẳng còn thắc mắc chuyện tiền lì xì ít nhiều. Còn mẹ thì hiểu rằng nếu chỉ dạy con ngoan thôi chưa đủ. Bởi kỹ năng sống và thói quen thích nghi cũng là những thứ không thể thiếu trong hành trang lớn lên của con.

Tiền lì xì dùng làm gì nhỉ?

Về nguyên tắc, tiền lì xì đã trao cho trẻ là của trẻ. Thế nhưng không nên để con cái tự quản lý và chi tiêu số tiền ấy vì khi có tiền, đại đa số trẻ dùng chơi game, chơi cờ bạc và tiêu pha lãng phí. Bạn có thể giúp con quản lý tiền bằng những cách sau:

– Tặng con một con heo đất (hay một ống đựng tiền tiết kiệm thật xinh xắn) và nói con cho hết tiền lì xì vào đó để tạo cho con tính tiết kiệm. Khi con cần mua sắm quần áo, đồ dùng học tập… thì có thể “mổ” heo và cha mẹ cũng đỡ tốn kém phần nào.

– Lì xì lại cho các bé nhỏ hơn con bạn. Số còn lại để đóng học phí, mua sắm một số vật dụng cho con. Khi lì xì lại hoặc mua vật dụng, bạn hãy nói rằng đây là tiền của bé để dành, như vậy bé sẽ vui và tự hào.

– Nếu tiền nhiều, bạn hãy mở giúp con một tài khoản tại ngân hàng. Qua nhiều năm, số tiền tích cóp được có thể dùng để mua xe đạp, mua máy vi tính. Cha mẹ đỡ một khoản chi tiêu mà các bé cũng học được cách tiết kiệm.

Theo Mẹ yêu bé

From the same category