Học trong… sợ hãi

Thời gian bị mẹ bắt ôn thi vào lớp 6 của khối cấp II trường chuyên Trần Đại Nghĩa với em N.V.L (11 tuổi, Q4, Tp.HCM) quả là chuỗi ngày… ám ảnh với cậu bé. Từ giữa năm lớp 4, L đã được (bị) mẹ là chị B.B.T (34 tuổi) đưa vào chiến lược… luyện gà chọi. Ngày nào cũng vậy, hết học sáng, chiều hai buổi trên trường, tối về nhà L lại phải cắm đầu vào mớ sách giải toán nâng cao mẹ mua.

Mê sảng vì luyện thi vào trường chuyên

“Muốn đậu đại học thì phải học trường chuyên”, đó là lời giải thích của chị B.T mẹ em L. Năm lớp 3, thấy L học khá môn Toán, chị T nhen nhóm ý định cho con thi vào lớp 6 của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Cuối tuần nào chị cũng cho con xem chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” để bé có động lực học hành. Cứ vừa xem chị vừa gặng hỏi con: “Đấy, L thấy mấy anh chị có giỏi không? L có muốn đi thi như vậy không? Vậy thì con phải đi đậu trường chuyên”.

Cuối năm lớp 5 vừa rồi, trong khi các bạn cùng lứa được tung tăng chơi hè thì L chạy nước rút học ngày học đêm: Sáng, chiều đi ôn trên trường, 7-9 giờ tối tới lò luyện thi Toán. Về nhà, L lại học từ 22h – 1h khuya mới được đi ngủ. Mới lớp 5, nhưng em chỉ được ngủ 5-6 tiếng mỗi ngày. L bảo: “Có lúc mệt quá, em ngồi đọc mấy công thức toán mà không hiểu gì. Em buồn ngủ lắm, sáng nào đi học cũng ngủ gật hết. Em xin mẹ cho đi chơi cuối tuần nhưng mẹ bảo thi xong mới được đi chơi”. L học nhiều đến nỗi bị ám ảnh, thỉnh thoảng nửa đêm lại bật dậy nói sảng về những con số. Bài toán từ tối qua chưa giải được đã theo em vào giấc ngủ…

 

Mẹ L còn treo sẵn giải thưởng là một chiếc laptop mới nếu em thi đậu. Hỏi L có biết vì sao mẹ buộc mình phải học trường chuyên, em ngây thơ nói: “Mẹ nói học trường đó mới giỏi, mới thi Olympia được. Nhưng vô trường đó học khó lắm, mà mẹ em rồi mẹ của mấy bạn cứ thích tụi em vô đó. Em chán lắm”. Rốt cuộc, ôn ngày ôn đêm, L vẫn thi rớt, vì có đến hơn 3000 học sinh thì vào mà trường chỉ chọn trên 300 em. Điểm đậu vào trường là 22.75 cho ba môn Toán, Văn, Anh; điểm của L chỉ nhỉnh hơn 17.

Lúc biết kết quả, L bị mẹ mắng ngay trong bữa cơm, cậu bé bỏ ngay lên phòng khóc. Vài ngày sau, thấy mình đã thi rớt, L thở phào nghĩ thế là mình đã có thời gian đi chơi, ngủ nướng, không phải cắm đầu vào học. Chẳng ngờ, mẹ L lại cấm luôn không cho L đi chơi hè và tuyên bố: Vào cấp 2, con phải tiếp tục luyện thi vào cấp 3 chuyên!

“Tá lả” lớp ngoại khóa

Ngoài việc ép con thi vào trường chuyên, lớp chọn, các phụ huynh hiện đại còn chạy đua cho con học các lớp ngoại khóa, năng khiếu. Trong một lần đi họp phụ huynh cho con gái đang học lớp 8, chị N.T.B (38 tuổi, Q Bình Thạnh, Tp.HCM) choáng khi thấy các bà mẹ khác khoe việc cho con đi học múa, nhạc, khiêu vũ… Có người còn khoe con đạt giải thưởng cao của quận. Nhìn lại con mình quá… quê, tính tình lại như con trai, chị quyết định cho con đi học piano. “Thời buổi này, muốn sang phải cho con học đàn. Đâu phải ai cũng có tiền cho con đi học piano”, chị tự hào.

Thế nhưng chị B đâu ngờ, cô con gái L.T của chị không hề hứng thú với đàn hát một chút nào. “Em chỉ muốn được đi học võ hay học nhảy mà xin hoài mẹ không cho. Giờ bắt em ngồi một chỗ đánh đàn”. T buồn rười rượi nói. Để đảm bảo sự nghiệp học làm… tiểu thư của con, tối tối chị B chở con đến trung tâm, chờ con học xong thì lại đón về. Thấy mẹ theo dõi sát sao, T đành miễn cưỡng đến lớp. Về nhà, T còn phải gò lưng tập đàn cho mẹ nghe. T thú nhận: “Đến giờ, em học đàn được vài tháng rồi nhưng em chỉ đi học đối phó cho có, chứ em chưa đánh được đàng hoàng một bản nhạc nào đâu”. Cứ nhìn thấy cây đàn là T lại rầu rĩ, vậy mà đầu năm học mới này, chị B còn định đăng ký cho con đi học thêm… khiêu vũ ở Nhà văn hóa Thanh niên.

 

Không bị ép vào trường chuyên hay học năng khiếu nhưng hai đứa con nhà anh T.V.Đ (43 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM) lại bị “thập diện mai phục” bởi các lớp học kỹ năng sống của cha. Anh Đ lúc nào cũng đau đáu lo hai đứa con trai hiền lành của mình (một lớp 4 và một lớp 8) tụt hậu, thụ động so với các bạn “nội thành”. Hy vọng con năng động hơn, anh lung sục thông tin hết lớp học kỹ năng này đến trại hè kia cho con. Ban đầu, hai cậu bé rất thích thú. Anh Đ thì hồ hởi: “Cũng ngốn mất cả chục triệu cho hai đứa ấy chứ, nhưng tôi không thấy tiếc khi thấy con lanh hơn hẳn”.

Chưa đầy một tháng sau, anh lại lần lượt đăng ký cho hai con thêm 3 lớp kỹ năng lớn, nhỏ nữa. Đến lần này thì hai con anh ngán đến tận cổ: “Tụi em còn phải đi học mà cuối tuần nào cũng phải đi học lớp này lớp kia, không còn thời gian nghỉ ngơi, đi chơi với bạn nữa. Với lại em học tới học lui cũng chỉ có bao nhiêu đó, riết cũng chán”. Mặc dù thấy các con nghe nhắc đến học kỹ năng là mặt méo xệch, anh Đ vẫn hứng khởi lắm…

Ngoài sự đầu tư của gia đình, trước khi ép con vào trường chuyên, ba mẹ phải xem con mình thực sự có khả năng, tố chất, có đam mê, yêu thích môi trường học tập đó hay không? Bởi đã đậu vào chuyên rồi thì các em phải cố gắng rất nhiều, chuyện bị đuối là bình thường, đặc biệt với một vài em sức học chưa tới mà may mắn đậu vào trường chuyên thì việc phải ráng học để đuổi kịp các bạn sẽ khiến các em cảm thấy áp lực, thiếu tự tin. (Theo Cô Trần Thị Ngọc Phượng – Giáo viên dạy văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.)

Cha mẹ cần có cái nhìn tổng thể về mục tiêu học tập của con cái: việc học cái gì, ở đâu, sẽ phục vụ gì cho định hướng phát triển của con, có phù hợp với sự hứng thú, khả năng của con không? Kỳ vọng ở con cái là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, tuy nhiên, kỳ vọng không có nghĩa là ép con thỏa mãn những ước mơ của mình, bởi những mong muốn ấy không phải lúc nào cũng phù hợp.

Phụ huynh cứ nghĩ học trường chuyên là tốt nhất, nhưng một môi trường thân thiện, vừa sức với con cũng quan trọng không kém. Các lớp học ngoại khóa sẽ giúp con phát triển hoàn thiện kỹ năng, thư giãn, trải nghiệm, nhưng không có nghĩa là bắt con học tất tần tật. Cha mẹ nên tìm hiểu trước xem những kỹ năng, lớp học nào con quan tâm, chất lượng khóa học thế nào… Hiện nay, có không ít lớp học kỹ năng dạy theo phong trào, “nhai đi nhai lại” những nội dung cũ, khiến các mẹ mất hứng, tốn thời gian, sức lực. (Theo ThS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao – Trưởng Bộ môn Tâm lý – Trường Đại học Sài Gòn).

Theo Thế giới gia đình

From the same category