Học thời trang, theo đuổi giấc mộng hão huyền?

Fashion Education

Sức hấp dẫn của ngành công nghiệp thời trang đã tạo nên một cơn sốt khi mà ngày càng có nhiều người ao ước được làm việc trong lĩnh vực này. Với chủ đề “Fashion Education” (Giáo dục Thời trang), chuyên đề lần này mang đến câu chuyện về hiện trạng giáo dục thời trang hiện nay, về những “giấc mơ” và những “kẻ mơ mộng”. Một cái nhìn trực diện và thực tế về ngành công nghiệp thời trang, nơi không phải sân chơi hay khu vườn đầy hoa thơm và bướm vàng, mà thực sự là một chiến trường đầy thử thách.

Đọc thêm:
Ngành công nghiệp thời trang: Không phải sân chơi đầy “hoa bướm”

Ngôi trường Central Saint Martins (London) danh giá

Một giấc mơ vô cùng tốn kém

Ngày nay, khi thông tin có thể đến với bất kỳ ai chỉ qua một cái khẽ chạm tay, ngành công nghiệp một thời vốn vô cùng bí ẩn và khép kín bỗng như mở rộng chào đón mọi đối tượng. Vì thế, chẳng lạ gì khi số lượng các bạn trẻ mong muốn làm việc trong môi trường này tăng cao đột ngột những năm gần đây. Ngành đào tạo thời trang, như một hệ quả, đã chứng kiến sự bùng nổ bất ngờ: có những học viện sở hữu mức tăng lượng học viên lên đến hơn 300% so với cách đây mười năm!

Hiện có hàng nghìn học viện thời trang lớn nhỏ trên toàn thế giới. Trong bảng xếp hạng những học viện thời trang tốt nhất, ngoài những cái tên đã thành huyền thoại như Central Saint Martins (Anh quốc), Parsons (Mỹ) hay Antwerp (Bỉ), còn có cả các tân binh như đại học RMIT (Úc). Cuộc đua trong phân khúc giáo dục cũng nóng bỏng hệt như cuộc đua thực sự trên thương trường của những ông trùm thời trang, với tâm điểm dịch chuyển dần về Châu Á – thị trường giàu có và có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay. Thậm chí, học viện thời trang tư thục của tập đoàn truyền thông quyền lực Condé Nast còn mở cả những chương trình học đặc biệt dành riêng cho những học viên người Trung Quốc và Ấn Độ.

Một buổi trình diễn BST của học viên trường Central Saint Martins (London)

Nhưng liệu có đáng để lựa chọn theo đuổi sự nghiệp thời trang một cách “nghiêm túc” và “chính thống”, khi hàng ngày ta vẫn thấy nhan nhản những tên tuổi nổi-tiếng-chỉ-bởi-nổi-tiếng hay không? Trường Cao đẳng Thời trang Bunka là nơi đã sản sinh ra những ngôi sao như Yohji Yamamoto, Kenzo Takada, Junya Wantanabe…, và hiện xếp hạng nhì trong danh sách các học viện thời trang chất lượng nhất. Một học viên của trường đã chia sẻ rằng việc học tại đây “cứ như tập đi xe đạp lần đầu tiên. Bunka sẽ giữ tay lái cho bạn, dạy bạn cách sử dụng bàn đạp thế nào và từ từ bỏ tay. Và rồi, bạn bỗng có được chuyến đi tuyệt vời nhất của cuộc đời mình, bạn biết chắc điều này, bởi bản thân đã được học từ những điều tốt nhất.” Tuy vậy, với mức học phí cao ngất ngưởng: từ 18.000USD (khoảng 400 triệu đồng) mỗi năm cho bằng cử nhân và 23.000USD (khoảng hơn 500 triệu đồng) mỗi năm cho bằng thạc sỹ, kèm theo hàng ngàn khoản chi phí lớn nhỏ không tên khác, giấc mơ thời trang không hề rẻ chút nào. Học viên đương nhiên luôn có nguyện vọng “sinh lời” tối đa khoản đầu tư khổng lồ này. Thế nhưng, chương trình học nặng nề và lơ là trước những lựa chọn nghề nghiệp cũng như các hội chợ việc làm là vấn đề chung mà đến cả nơi danh tiếng như Học viện Công nghệ Hoàng gia Úc (RMIT) tại Melbourne cũng không tránh khỏi. “Rủi thay, khi động đến chuyện tốt nghiệp và những lời khuyên cần thiết cho sự nghiệp, chẳng ai giúp bạn cả. Phải tự thân vận động cả thôi”, một học viên tại đây chia sẻ.

Hậu trường một show diễn tốt nghiệp của trường Central Saint Martins

Khủng hoảng thừa và một giấc mơ hão huyền?

Thực tế, dù có hơn 80% lượng học viên hài lòng về chương trình đào tạo cũng như cơ sở vật chất và các nguồn tài liệu, chỉ có 57% trong số 4.032 học viên được khảo sát tỏ ra hài lòng với dịch vụ hướng nghiệp, và chỉ 53% hài lòng với những sự kiện tổ chức nhằm để học viên tiếp xúc với ngành nghề mình học. Điều thú vị là, trường càng danh tiếng, sự hài lòng của sinh viên càng giảm. Đương nhiên, học viên ở những học viện hàng đầu luôn có kỳ vọng cao hơn cả, nhưng rõ ràng, ngay cả những trường này cũng cần phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng được nhu cầu của các học viên giỏi giang và có tiềm năng bậc nhất. Và, đau đầu hơn cả vẫn luôn là “vấn nạn” việc làm, khi hầu hết những nhà thiết kế thời trang mới tốt nghiệp đều không thể làm việc liên quan đến ngành mình học, hay tệ hơn, hoàn toàn thất nghiệp. Ngay cả những cử nhân từ học viện thời trang Parsons danh giá, nơi đã đào tạo ra siêu sao thời trang đường phố Alexander Wang, cũng cho rằng chương trình học khá xa rời thực tế, và chẳng ai có thể hình dung ra được công việc tương lai của mình sẽ ra sao.

Theo thống kê của Hiệp hội Thiết kế Thời trang Mỹ (CFDA), để đáp ứng đủ cho lượng sinh viên ra trường mỗi năm, ngành công nghiệp thời trang Mỹ phải tạo thêm việc làm cho khoảng 1.700 nhà thiết kế mới, và điều này hoàn toàn không tưởng. Với lượng học viên tốt nghiệp ngày càng nhiều, lượng việc làm còn lại sẽ ngày một ít đi. Không chỉ Mỹ, gần như mọi quốc gia đều đối mặt với thực trạng này. Thậm chí ở những học viện thời trang danh giá nhất với tỷ lệ 85% học viên tốt nghiệp có ngay việc làm, thực tế chỉ một số rất ít được làm đúng ngành thiết kế thời trang. Nguyên nhân ngầm của điều này được các chuyên gia đặt tên “Hiệu ứng Project Runway”, là khủng hoảng trong nền giáo dục thời trang chung trên toàn cầu. Cùng với sự phổ biến ngày càng rộng rãi trên truyền hình và mạng xã hội, rất nhiều người trẻ mong được làm nhà thiết kế thời trang, nhưng ngành công nghiệp này vẫn chưa theo kịp số lượng ngày một nhiều những học viên tốt nghiệp từ các học viện. Hay có thể hiểu một cách nôm na là cung đang nhiều hơn cầu.

Phòng học thiết kế tại Central Saint Martins, học viện thời trang số 1 thế giới, nơi đã đào tạo ra các tên tuổi lừng danh như John Galliano và Alexander McQueen

Những ngã rẽ khả thi

Nhưng lỗi không hoàn toàn nằm ở những “kẻ mộng mơ” kia. Ngay cả lúc này, nếu bạn đến gặp chuyên viên hướng nghiệp và nói rằng: “Tôi muốn làm việc trong ngành công nghiệp thời trang”, rất có thể họ sẽ vẫn đơn thuần trả lời: “Vâng, bạn sẽ có thể hoặc làm nhà bán lẻ, hoặc nhà thiết kế thời trang” mà không hề cung cấp thêm cho bạn bất cứ thông tin nào liên quan đến những nghề nghiệp bổ trợ khác cũng trong lĩnh vực thời trang. Đó là những công việc không hề nhỏ bé mà còn đặc biệt quan trọng bên cạnh hai lựa chọn phổ biến trên. Nói cách khác, bạn chỉ biết được mỗi đích đến duy nhất trên con đường dài, mà không hề ngờ rằng luôn có vô số những ngã rẽ hấp dẫn khác ngay cạnh bên. Và rồi, bạn cứ lẩn quẩn đeo đuổi giấc mơ vĩ đại để trở thành Tom Ford hay John Galliano thứ hai, trong khi tiềm năng của bạn chỉ thực sự được tỏa sáng trong một lĩnh vực khác.

May thay, không phải tất cả đều lạc lối. Trong thị trường đầy biến động ngày nay, với hàng loạt mô hình kinh tế và công nghệ liên tục thay thế nhau mỗi ngày, sẽ luôn có những ngã rẽ riêng dành cho bất cứ ai: từ sản xuất kỹ thuật số, bán lẻ trực tuyến cho đến những đột phá về xã hội và môi trường sống.

NTK Yohji Yamamoto – ngôi sao xuất chúng của trường Cao đẳng Thời trang Bunka thời còn trẻ

Những nhà giáo dục thời trang sẽ cần nghe rõ nguyện vọng của học viên và điều chỉnh chương trình dạy để phản ánh rõ nhu cầu đang biến chuyển. Tại một số trường, điều này đã bắt đầu xảy ra. Ngay cả những học viện thời trang lâu đời nhất như Cao đẳng Thời trang London hay Học viện Pratt cũng bắt đầu chuyển mình để kết hợp kinh doanh và môi trường, xã hội học vào chương trình giảng dạy. Đại học Drexel, cái tên hiện đứng đầu trong danh sách những nơi đào tạo thời trang được lòng học viên nhất, đang rục rịch đưa ra một loại chương trình mới để đáp ứng nhu cầu luôn đổi thay của ngành. Phát triển cần vận động, giáo dục thời trang cũng đã bắt đầu tăng tốc để bắt kịp guồng quay ngày một nhanh của ngành công nghiệp hào nhoáng và đắt giá này.

Không phải ai cũng có cơ may trở thành một triệu phú như Tom Ford

 
Thực hiện: Trí Võ

logo 


From the same category