Phương Mai – Nghiên cứu sinh Giáo dục học |
Thông tin cá nhân: 31 tuổi, chưa chồng con, cận 7 điốp, móng tay không sơn, đang làm luận án tiến sĩ. Có thể một vài độc giả chép miệng: “Bận quá đây mà!”. Có thể rất nhiều độc giả cười khẩy, vẻ hiểu biết + tí tẹo thương cảm (đọc là thương hại cũng được): “Con gái học cho lắm vào!”.
Một người bạn có lần nhìn tôi rồi bỗng dưng cười bò ra. Nó bảo: “Mai biết trên đời về căn bản có mấy loại giới tính không?”.
Tôi nhìn nó nghi hoặc, miệng hình số 3. Nó xòe tay ra: “Đúng! Ba! Đàn ông! Đàn bà! Và đàn bà làm tiến sĩ!”. Hai đứa bụng xoắn như quẩy vì cười.
Câu này rất được, bởi bất cứ đối tượng là người bi quan hay lạc quan đều có thể nhe răng cười ha ha mà không có cảm giác bị xúc phạm, thêm nữa, người nói có thể tùy cái tâm tốt hay xấu mà pha chế nó thành câu đùa có chút mỉa mai hay khen ngợi.
Nhà tôi, mẹ và các anh chị thì cố gắng làm ra vẻ kiên nhẫn. Vài lần mấy người hàng xóm nửa đùa nửa thật hỏi bà cụ: “Bà không giục cô con út lấy chồng đi, bắt nó học làm gì mà lắm thế? Học cao đến mấy rồi cũng vẫn chỉ là đàn bà!”
Aha, tức là học cao mấy thì cũng không thể tiến hóa thành đàn ông được.
Nghe mẹ kể lại không thấy bực mình mà chỉ buồn cười, thấy tội tội nữa. Bởi những câu đại loại như vậy toàn được “phun” ra từ miệng đàn bà, những người không những hiểu rất rõ sự bất bình đẳng giới mà còn bị làm cho thui chột “ý chí đấu tranh” đến mức buông xuôi, đến mức thành ấu trĩ muốn người khác cũng buông xuôi như mình, đến mức nếu cái-đứa-khác-đó nhất định cố kiết đeo bám mà không chịu buông xuôi thì phải đá thúng đụng nia, thóc chọc cho cái đứa gan lì đấy lỏng tay hay lung lay mới hả dạ.
Đàn ông thì khó định vị hơn, ngoài miệng có thể “xơn xớt” ủng hộ em hết lòng, nhưng tâm khảm thì thách kẹo ai giải mã được chính xác các vị này nghĩ gì.
Có lẽ ở Á Đông, đàn ông chia sẻ chung một tình huống khá tiến thoái lưỡng nan khi mà cả hai câu phát ngôn sau đều rất sáo: “Tôi thấy một phụ nữ thông minh rất quyến rũ” và “Tôi thực lòng không muốn người yêu thông minh hơn tôi”.
Nói thế nào cũng bị cho là nhàm chán, và nói thế nào cũng có vẻ như không thực lòng mình hoặc như thể đang lấy lòng người khác, hoặc băn khoăn vì không phải lúc nào cũng đúng.
Người yêu cũ của tôi, sau hơn 5 năm gắn bó khi biết tôi có ý định đi học nước ngoài thì bí mật giãi bày tâm sự với chị gái: “Cô ấy mà đi học thật thì em không chờ đâu!”.
Bạn bè thấy quyết định đi học của tôi có dấu hiệu “chập mạch” nên phá ngang. Có cậu bạn lấy tình bạn hữu lâu năm ra thẳng thắn khuyên bảo: “Tiêu chuẩn chọn bạn đời của chúng tao là thế này, nói để mày liệu cơm gắp mắm (liệu tương lai mà gắp học vấn): Vợ xóa nạn mù chữ – 3 điểm; Vợ tốt nghiệp THCS – 5 điểm; Vợ tốt nghiệp cấp 3 – 7 điểm; Vợ tốt nghiệp ĐH – 10 điểm; Vợ học hết Thạc sĩ – 8 điểm; Vợ mà tự dưng thành tiến sĩ – 3 điểm”.
Nghe bạn giải thích xong mới thấm thía nỗi niềm lo lắng của chị gái mỗi khi chị chép miệng: “Mày học xong thì chọn chồng kiểu gì đây, cao không tới mà thấp không xong”.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Xem xét cái cảnh tôi – tuổi “băm một nhát” – bò ra làm việc vào cái giờ mà bình thường con gái nhà người ta chuẩn bị kỳ cọ thân thể, hôn con cái rồi lên giường ôm ấp đức lang quân, thì quả là dễ hiểu tại sao đàn bà con gái được tổng thể từ gia đình đến bạn bè và người yêu nhất loạt khuyên can nếu có ý muốn dấn thân bò lên con dốc học cao.
Mà cái sự đời là thế này, nếu một cô gái muộn chồng mà không bị bỏ bùa học vấn thì cô ta đơn giản chỉ là một cô gái muộn chồng. Nhưng nếu một cô gái muộn chồng cộng thêm hai chữ cái TS ở đầu câu thì thể nào cũng bị nhìn với ánh mắt thấu hiểu kiểu “con gái theo đuổi sự nghiệp khổ thế đấy”.
Y như mấy kiểu phân biệt giới tính sau vô lăng ở Tây, một gã đàn ông lái xe dở ẹc thì chỉ là một người lái xe dở ẹc. Nhưng nếu giới tính của nhân vật này không phải XY mà là XX thì sẽ thành câu chép miệng muôn thuở: “Đã bảo là đàn bà không lái xe được mà…”
Vấn đề là cái cảnh tôi – tuổi “băm một nhát” – bò ra làm việc một mình lúc đêm hôm khuya khoắt không nhất thiết phải trở thành một thứ “ba bị” hù họa chị em phụ nữ.
Để tránh sự thương cảm quá mức của độc giả dành cho tác giả, tôi xin thanh minh là tôi chưa lấy chồng vì tôi bị Tây hóa chứ không phải không có chàng nào để mắt tới; móng tay tôi không sơn vì tôi đang bị dị ứng thuốc tẩy móng; tôi dính mặt vào laptop lúc 11 giờ đêm vì còn ba tháng nữa tôi nộp luận án, chỗ tôi ngồi bừa bãi vì hôm nay là thứ Sáu đầu tiên của tháng, phiên của anh chàng bạn trai tôi tổng vệ sinh lau dọn nhà cửa.
Theo quy định, tôi sơ tán toàn bộ nhu yếu phẩm ra bàn ăn, diện tích 1m2 nơi tôi có thể bày bừa thỏa thích.
(Viết đến đây tự dưng thấy khó chịu, như thể mình đang thanh minh một cách tội nghiệp, có khi ai đó ngoài kia đang bĩu môi không biết chừng).
Trở lại thảm cảnh “băm một nhát”. Tôi biết mình chẳng thể lấy vai trò gì để mà mạnh miệng đưa ra lời khuyên hay tuyên truyền này nọ. Tôi chỉ tâm sự thật lòng rằng trong trường hợp cá nhân mình, tôi thấy may mắn khi đã làm được điều sau đây: “Coi việc học TS không phải là đi học”.
Tôi coi như mình đi làm, học bổng coi như là lương. Bởi trong tiềm thức, đi làm là chủ động, đi học là bị động. Vì thế buổi sáng tỉnh dậy xách ba lô ra khỏi nhà với tâm trạng đi làm thoải mái hơn nhiều tâm trạng đi học.
Vì không phải là đi học nên chẳng có cái gì phải hoãn đến khi tốt nghiệp cả. Giả sử như tự dưng tôi thay đổi quan điểm muốn cưới xin + con cái thì tôi cũng sẽ thực hiện mà không có điệp khúc: “Chờ đến khi học hành xong xuôi!”
Vì không phải là đi học nên không bị áp lực kiểu sau 4 năm phải tậu về được cái bằng, tâm lý thoải mái, thoải mái đến mức đôi khi nghĩ giả sử không lấy được bằng thì bao nhiêu kiến thức hay ho mình tích góp được bấy lâu cũng đáng.
Tôi nghĩ chính tâm trạng “mọi thứ đều bình thường chẳng có gì to tát” ấy khiến cho gia đình và người thân tôi cũng dần dần nhìn cái công cuộc học hành của tôi như một chuỗi công việc tiến hành tự nhiên, không áp lực, chính vì thế chẳng có gì phải lo lắng.
Sau này, trong một nghiên cứu với vài đồng nghiệp người Nhật, tôi tình cờ tìm được câu trả lời tại sao thủ thuật tâm lý của mình hiệu quả. Người châu Á gốc Khổng giáo (Trung/Nhật/Việt/Hàn) rất coi trọng việc học.
Tuy nhiên, quá trình học tập chủ yếu ở thời kỳ tuổi trẻ với mục đích là đi thi đỗ đạt để làm quan. Trong giai đoạn này, việc học được ưu tiên hàng đầu, mọi thứ còn lại chỉ là thứ yếu.
Sự tập trung cao độ này khiến việc học hành thường xuyên đi kèm áp lực và được coi là một quá trình mở khép có tính bất ổn định trong cuộc sống.
Còn đi học là còn nín thở hồi hộp. Sau khi đỗ đạt, có thể thở phào, công cuộc học hành coi như xong, thay thế bằng công việc thường ngày có tính ổn định.
Người châu Âu không có truyền thống thi cử như châu Á Khổng giáo, việc học ít áp lực hơn, xen kẽ một cách dễ dàng hơn vào cuộc sống thường ngày.
Đây cũng chính là lý do mà tiêu chí học cả đời (life-long learning) được dự đoán dễ dàng thực hiện hơn với người châu Âu trong khi nỗ lực học tập nói chung trong học sinh châu Á Khổng giáo cao hơn nhiều so với học sinh châu Âu.
Cuối cùng, việc các đức ông có tên là “bạn trai” hay “lang quân” khó chịu khi người yêu hoặc vợ học cao hơn mình một phần thuộc về vấn đề tự tin của các vị ấy. Nếu quý vị độc giả nào hứng chí muốn cười vào mũi họ một tý, xin đọc mẩu hài hước dưới đây:
“Hai người đàn ông vào cửa hàng Trí Tuệ để mua óc. Giá một bộ óc đàn ông là 100 đôla, giá một bộ óc phụ nữ là 25 đôla. Họ hỏi người bán hàng, người này trả lời rằng: Tại bộ óc phụ nữ là bộ óc đã qua sử dụng”.
(Dành cho độc giả nam giới: Mẩu hài này khá phổ biến cách đây 30 năm, giới tính của người mua khi đó là phụ nữ và giá tiền hai bộ óc đảo ngược cho nhau).
Phương Mai |