1. Lý lẽ của ý tưởng “Tết ta theo Tết tây”
Ý tưởng “ăn Tết cổ truyền theo dương lịch” do Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học An Giang khởi xướng. Ông được xem là nhà khoa học của nông dân với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. GS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm Tết cổ truyền Việt Nam nên tổ chức theo dương lịch cùng thế giới trong thời đại hội nhập và ý tưởng “khơi những nguồn chưa ai khơi” của nhà khoa học nổi tiếng này đã tạo ra cuộc tranh luận khá nóng trên một số diễn đàn.
Theo quan điểm của GS Võ Tòng Xuân: “đã đến lúc chúng ta định nghĩa lại ‘bản sắc dân tộc’ của sự ăn Tết theo lịch Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thế giới. Dứt khoát chúng ta không nỡ hưởng thụ đến 3 – 4 tuần lễ Tết dương lịch và âm lịch gộp lại trong khi các nước đang dành thời giờ đua làm giàu. Và dĩ nhiên, chúng ta cũng không muốn để lỡ cơ hội đưa đất nước tiến nhanh đến phồn vinh. Nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác thương trường của chúng ta, chuyển các tập quán ăn Tết âm lịch sang các ngày dương lịch, và giảm dần ngày nghỉ Tết âm lịch quá lê thê”.
Để bảo vệ quan điểm ăn Tết Nguyên đán theo Tết dương lịch, GS Võ Tòng Xuân viện dẫn, trong khi chúng ta vui Tết bên dưa hành và bánh chưng, bánh tét, bên “chén tạc chén thù đến nhức cả đầu thì những đối tác của ta lại đang làm việc bình thường, và các dịp may trong thương trường quốc tế không thể chờ ta ăn Tết xong, mà chúng sẽ lọt vào tay những ai đáp ứng trước.
Nhớ lại khoảng thời gian từ 24/12 đến 3/1 dương lịch, trong khi chúng ta vẫn làm việc bình thường thì ở nước ngoài người ta nghỉ Tết tây (kể cả Nhận Bản), thị trường chứng khoán Tokyo, New York, London… đóng băng. Lúc ấy cho dù ta muốn giao thương với họ vẫn không ai làm việc hoặc gửi thông tin gì cho ta”.
Ông kết luận: “Chúng ta biết trên thương trường quốc tế, chỉ hơn thua nhau vài phút là có thể giật lấy hoặc bỏ rơi cơ hội mang về những lợi ích quan trọng. Nếu vì mải mê ăn Tết mà để lỡ cơ hội thì cơ quan sẽ bị thiệt thòi hoặc bỏ lỡ nhiều cơ hội làm giàu”.
Từ lập luận trên, GS đề nghị phải quyết tâm đổi mới “ăn Tết ta theo ngày dương lịch”. Theo ông, làm được điều này sẽ có 5 cái lợi: vừa giữ được các tập quán Tết cổ truyền, vừa ít bỏ lỡ cơ hội nắm bắt đối tác kinh doanh, giao thương với nước ngoài; ít mất thời giờ của nông dân; học sinh, sinh viên có thời khóa biểu học tập và thi học kỳ một cách hợp lý; giảm tối thiểu tình trạng dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc; chấm dứt lãng phí nghỉ nhiều ngày, trong khi quốc tế làm việc.
2. Ông Táo đụng ông già Noel
Theo như phân tích nói trên của GS Võ Tòng Xuân thì Tết ta vẫn giữ, kể cả các phong tục cổ truyền, chỉ khác ở thời gian: nhấc toàn bộ thời gian đón Tết Nguyên đán “đặt” vào thời gian diễn ra Tết dương lịch. Các phong tục như: tết ông Công, ông Táo, đón giao thừa, tảo mộ… đều chuyển từ âm lịch sang dương lịch. Chúng tôi không mổ xẻ ý tưởng trên là hay dở, mà đặt giả thuyết: Nếu chấp thuận ý tưởng chuyển Tết ta theo dương lịch thì điều gì sẽ xảy ra?
– Ông Táo đụng ông già Noel: Theo phong tục, ông Táo được cúng vào trưa hoặc chiều 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Nay, nếu chuyển Tết ta sang tây, thì Tết ông Táo chuyển từ 23/12 âm lịch sang 23/12 dương, tức sát với ngày lễ Giáng sinh (24/12). Khi đó, ông Táo chưa kịp cưỡi cá chép bay về trời đã đụng phải ông già Noel với áo đỏ, quần đỏ, giày đỏ, mũ đỏ cưỡi xe tuần lộc đi phát quà. Nói cách khác, văn hóa phương Đông với Táo Quân bất ngờ đụng văn hóa phương Tây với ông già Noel – 2 hình ảnh, phong tục ngỡ chẳng ăn nhập gì, lại trở thành đôi “bạn già” hóm hỉnh!!!
– Đổi ngày cho người dưới âm: Tết cổ truyền, ấy là khi nhà nhà làm cơm cúng gia tiên, làm lễ tảo mộ, bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ những người đã khuất, tất cả đều theo âm lịch. Nghìn đời nay, tục ấy đã là văn hóa tâm linh bất biến, nay đổi sang dương lịch, lẽ nào ra “thông báo” đổi lịch cho âm thế, để các cụ bắt “tàu xe” về ăn Tết tây sớm hơn trên dưới 1 tháng so với thông lệ?
Chẳng những Tết Nguyên đán, mà tất cả các ngày Tết khác, ngày giỗ, ngày liên quan đến văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt đều theo âm lịch. Đổi Tết ta theo tây, thì Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, Giỗ Tổ Hùng Vương và cả lễ rằm, mùng một… cũng theo tây nốt. Tết Trung thu không còn “trăng sáng như gương”! Lại nữa, Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 theo âm lịch, nay hẳn phải điện, fax hay… facebook cho cụ Tổ đã mất chừng 4.000 năm trước biết là người trần thế đã theo tây, nay đổi lịch giỗ cụ sang 10/3 dương rồi!
– Thay tục “Tết đến, xuân về” bằng tục “Tết đến, đông chí về”: Trong khí tượng học đối với Bắc bán cầu, mùa xuân bắt đầu vào ngày 1/3. Ngược lại, đối với Nam bán cầu, mùa xuân bắt đầu vào ngày 1/9. Tại Đông Á, lịch của người Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam dựa trên cơ sở của âm lịch. Theo đó, chào xuân theo lịch âm (từ 1/1), theo tiết khí là lập xuân. Nếu đổi sang dương lịch, thì 1/1 thường đang độ đông chí (giữa đông) hoặc tiểu hàn, gắn với các đợt rét đậm, rét hại. Người tây ăn Tết tây phù hợp với chu kỳ thời tiết bên tây, nay ta theo Tết tây, mà địa lý người Việt vẫn nằm ở phương Đông, gắn chu kỳ thời tiết phương Đông, lẽ nào ta phải nhấc cả dải đất chữ S sang đặt ở Bắc bán cầu cho hợp chu kỳ thời tiết để ăn Tết tây!?
3. Nên cắt nghĩa ý tưởng thế nào?
Ý tưởng đón Tết Nguyên đán theo dương lịch của GS Võ Tòng Xuân tựa như người khai lối đi mới, chưa từng được đặt ra với tư cách một chính kiến công khai trong truyền thông, dư luận. Điểm tựa của đón Tết ta theo dương lịch lấy căn cứ hội nhập làm nền, đó là vì các nước trên thế giới hầu hết đón Tết theo lịch dương, mà ta hội nhập rồi nên cũng cần theo nhịp thời gian này. Xét trên góc độ kinh tế, nhất là góc nhìn đàm phán, ký kết thì xem ra, việc gộp “ta theo tây” là có lợi, như ông đúc chốt “Nếu vì mải mê ăn Tết mà để lỡ cơ hội thì cơ quan sẽ bị thiệt thòi hoặc bỏ lỡ nhiều cơ hội làm giàu”.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt của vấn đề, là bản chất của hai cái Tết, thì lại không được đề cập trong ý tưởng “ăn Tết ta theo Tết tây”. Tết, đó là truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, thuộc phạm trù phi vật thể, vì vậy, phải tiếp cận ở nền tảng là văn hóa, ở phi vật thể. Nếu chỉ coi lợi ích kinh tế, hội nhập để thấy cái lợi, tức tiếp cận ở phạm trù vật chất, vật thể, xem ra cách tiếp cận đã lệch với bản chất của phong tục đón Tết.
Quan điểm trong hội nhập của Việt Nam là “hòa nhập không hòa tan”, nếu đến cái Tết là gốc văn hóa của người Việt cũng theo tây nốt, bản sắc vì thế cũng đâu còn! Với bản chất như vậy, cần được khẳng định như kết luận GS Hà Đình Đức: “Đây là dịp lễ thiêng liêng và quan trọng nhất của người Việt Nam. Ăn Tết Nguyên đán theo âm lịch là tập quán lâu đời không dễ gì thay đổi với bất cứ lý do nào”.
Tết cổ truyền đã là văn hóa thiêng liêng của dân tộc
Chỉ nên coi là ý tưởng tham khảo Nhiều ý kiến bạn trẻ phản ứng khá gay gắt với quan điểm của GS Võ Tòng Xuân. Theo chúng tôi, không nên có phản ứng cực đoan bởi quan điểm này là mới mẻ, cần đưa ra tranh luận như một kênh để tham khảo và đó là một hình thức khảo sát xã hội học, đo suy nghĩ của giới trẻ về văn hóa truyền thống dân tộc. Hầu hết bạn trẻ phản ứng “Tết ta theo Tết tây”, kể cả những người đang theo học nước ngoài, chịu ảnh hưởng trực tiếp của Tết tây. Điều đó cho thấy, ngay cả những người sinh ra trong thời kì hội nhập, đổi mới thì tính truyền thống dân tộc theo Tết cổ truyền đã là một phần văn hóa nguồn cội, không thể thay đổi trước bất kì tác động nào. Trước dư luận trên, GS Võ Tòng Xuân cho biết, ông đã đọc các ý kiến phản bác và lấy làm băn khoăn. Ông chia sẻ: “có một số vị độc giả đã viết những câu chê trách quá nặng lời”.
|
Con sợ lắm, nếu Tết ta theo tây! “Con đang là một sinh viên và con đang hình dung về một ngày điều Giáo sư nói sẽ thành sự thật, khi ấy chỉ còn có một cái Tết mà thôi. Lâu nay đối với con, Tết thật sự chỉ là ngày Tết cổ truyền. Đó là điều con chờ đợi nhất mỗi năm, chờ đợi đến khát khao cháy bỏng. Vì chỉ có ngày đó con mới được nghỉ nhiều, mới có thể về quê đón Tết, đoàn tụ cùng với gia đình. Con không biết Giáo sư có thấu hiểu được nỗi lòng của những kẻ xa quê hương như chúng con không, nhưng Tết với chúng con thực sự là một nỗi niềm khó tả… Nếu chỉ còn một cái Tết, con sẽ đón Tết theo phong cách người Tây, hay vẫn giữ những phong tục của văn hóa Việt?… Các nước ăn Tết theo dương lịch, Giáo sư cứ thử nhìn xem, nó khác lắm. Cái Tết của họ cũng nhanh chóng, hối hả trôi qua như chính cuộc sống của họ vậy. Họ không cần phải cúng lễ tổ tiên, họ cũng chẳng việc gì phải thăm hỏi bà con họ hàng, họ lại càng không mất thời gian vào những việc như: đưa ông Táo, nấu bánh chưng, bánh tét, cúng tết nhà, tết giếng, lì xì thì chắc cũng không cần thiết… Tết theo dương lịch là cái Tết của khoảnh khắc, còn theo con, Tết cổ truyền là cái Tết của sự đoàn viên, cái Tết của sự chậm rãi…”. (Thư của bạn Trảo Thanh Phụng, 20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM) |
Đăng Trường (theo CSTC)