Hoàng Phúc – Người còn sót lại của phim…mì

Và rồi khi làn sóng phim mì qua đi, điện ảnh Việt vắng bóng người xem, những ngôi sao thời ấy lần lượt bỏ nghề, kẻ theo chồng định cư nước ngoài, người mở nhà hàng kinh doanh, những người trụ lại với nghề cũng chỉ vớt vát vài vai phụ mờ nhạt trong các bộ phim truyền hình hoặc đầu tư sản xuất phim. Nhưng trong đám đông đã bỏ cuộc chơi ấy, có một người vẫn trụ lại với nghề, lặng lẽ chờ đợi suốt hơn 10 năm và trở lại đầy ấn tượng dưới một diện mạo hoàn toàn khác – ông trùm băng đảng hay tay anh chị đường phố giết người không ghê tay. Tôi gọi đùa Hoàng Phúc là “Người còn sót lại của phim Mì”.


 

1. Sau buổi chụp hình bìa ấn tượng mà anh thừa nhận là lâu lắm mới có cảm giác hưng phấn như thế, Hoàng Phúc hẹn tôi ở một quán cà phê vườn ở quận Phú Nhuận. Trầm – đúng như cái tên quán cà phê, không gian yên tĩnh và có phần hơi “lỗi thời” so với những quán cà phê trung tâm sang trọng nhưng có vẻ rất hợp cho một buổi trò chuyện với một ngôi sao của thời điện ảnh hưng thịnh hơn 20 năm trước.

Ở tuổi 46, Hoàng Phúc vẫn giữ vóc dáng của một người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn và gương mặt trẻ hơn nhiều so với tuổi. Anh bảo, trong hơn chục năm nay, anh vẫn duy trì chế độ tập luyện tuần 3, 4 buổi đánh tennis, một buổi đá bóng hay tập võ. Tất nhiên, so với cái thời cách đây 20 năm, lúc Hoàng Phúc mặt thư sinh, tóc bồng bềnh lãng tử như Quách Phú Thành và hay vào vai Việt kiều thì đã thay đổi khá nhiều.

Ngồi giữa tiếng nước chảy róc rách, đàn cá bơi lội tung tăng dưới chân và cả đám tre, trúc phủ rợp che mát cả quán cà phê, câu chuyện quay trở về hơn 20 năm trước tự nhiên và dễ dàng đến mức tôi không cần khơi gợi. Hoặc, phần nào đó, tôi dễ đồng cảm hơn bởi cũng đã chứng kiến gần như toàn bộ thời kỳ phát triển rầm rộ của điện ảnh Việt này, dù chỉ về mặt lượng.

Phúc kể anh vào đóng phim từ năm 13 tuổi, khi được đạo diễn Việt kiều Lê Mộng Hoàng phát hiện cho bộ phim “Ngọn lửa thần đồng”. Đang tuổi ăn tuổi lớn, theo đoàn làm phim đúng một năm, cậu bé Hoàng Phúc đã nhổ giò đến mức khi xem những cảnh cuối, khán giả còn tưởng đạo diễn thay diễn viên. Tưởng chỉ là một cuộc chơi thoáng qua, ai ngờ khi trưởng thành, đi bộ đội về, một lần tình cờ gặp lại đạo diễn Lê Mộng Hoàng, ông đã mời Phúc trở lại với bộ phim điện ảnh “Tình khúc 68”, một bộ phim nổi bật thời tiền… mì ăn liền, bên cạnh Thương Tín và Mộng Vân. Đó cũng là một bộ phim yêu thích của tôi thời đó, dù ký ức về bộ phim đã xóa mờ khá nhiều. Hoàng Phúc có vẻ bất ngờ khi tôi kể vài chi tiết phim, vì anh không nghĩ còn những khán giả nhớ về những bộ phim này.

Dù chỉ là vai thứ chính, nhưng “Tình khúc 68” đã mở đường cho Hoàng Phúc nghiễm nhiên bước vào điện ảnh, nhất là sau khi anh giành được giải Nhì tại cuộc thi Điện ảnh Văn Thánh, một cuộc thi phát hiện tài năng điện ảnh rất rầm rộ thời đó. Cùng với sự lên ngôi của điện ảnh Việt, Hoàng Phúc trở thành một cái tên sáng giá bên cạnh những ngôi sao mà tôi nhắc đến trong phần chapeau. Tất nhiên, cùng với sự tăng lên về số lượng thì chất lượng và kỹ thuật ngày càng xuống, thậm chí, dòng phim video ra đời thay thế phim nhựa vì lợi thế nhanh, rẻ và dễ thu lãi. “Trong không khí điện ảnh sôi sục đó, thế hệ chúng tôi đều phải tận dụng từng centimet trên màn ảnh, không kể vai chính hay vai phụ. Cảm giác khao khát đó khiến chúng tôi luôn đam mê mà ít để ý đến chất lượng” – Hoàng Phúc nói.

Trong vòng khoảng 7 – 8 năm, cũng như những người bạn đồng nghiệp của mình, Phúc đóng phải 20 bộ phim lớn nhỏ khác nhau, trong đó có khá nhiều phim ăn khách như “Đảo hải tặc”, “Lệnh truy nã”, “Tây Sơn hiệp khách”, “Lẽ nào em không nhận ra anh”, “Khoảng vỡ”…

Giữa những bộ phim làm ra chủ yếu bán vé trong xu thế phim ảnh đang “thịnh” đó, thi thoảng Hoàng Phúc cũng có được một vài vai diễn trong những bộ phim nghệ thuật của các đạo diễn Việt kiều về mới về nước làm phim, mà “Bụi hồng” của đạo diễn trở về từ Thụy Sĩ Hồ Quang Minh và “Xích lô” của Trần Anh Hùng từ Pháp là hai cơ hội lớn của Hoàng Phúc, giúp anh được sống trong một không khí điện ảnh thực sự và thoát khỏi cái mặt bằng “phim trí” bình bình của điện ảnh Việt.

Nếu trong “Bụi hồng”, một câu chuyện hậu chiến kể về một gia đình giữa hai bờ chiến tuyến thì “Xích lô” là một hiện thực trần trụi nhưng đầy chất thơ về Sài Gòn những năm 90. “Đó là hai trải nghiệm hoàn toàn xa lạ với tôi, khiến tôi dù đóng cả chục bộ phim, vẫn ngạc nhiên như một cậu bé nhà quê ra tỉnh” – Phúc nói. “Anh Minh tập cho tôi cách thả lỏng toàn bộ cơ thể trước khi bước vào vai diễn, còn Trần Anh Hùng thì thương yêu diễn viên như em út của mình. Anh gọi chúng tôi lên, trong một không gian yên tĩnh tuyệt đối rồi cho cảm nhạc để nắm bắt được nhịp điệu của bộ phim”.

Tôi hỏi, Trần Anh Hùng có bắt những diễn viên Việt Nam như anh, Quang Hải hay Lê Tuấn Anh bỏ lối diễn minh họa và khá dễ dãi như những bộ phim thời đó? Phúc nói, “Không, anh ấy không bắt chúng tôi bỏ gì cả. Với anh ấy, cái quan trọng nhất là diễn viên phải cảm nhận được cái nhịp của bộ phim để sau đó tạo ra nhịp riêng của mình trong một quỹ đạo điện ảnh riêng do đạo diễn tạo ra”. Trong suốt 90 ngày quay bộ phim, nhân vật của Hoàng Phúc là một tay đàn em trong băng đảng đường phố do nhân vật nhà thơ (Lương Triều Vỹ đóng) cầm đầu. Đây là một cơ hội lớn của anh bởi có dịp quan sát kỹ năng diễn xuất của một trong những ngôi sao sáng giá nhất của điện ảnh châu Á. Dù thời lượng xuất hiện trên phim không nhiều và cũng không nhiều thoại, Hoàng Phúc vẫn gây ấn tượng với hình ảnh một tay đàn em lúc nào cũng rên rỉ với cái răng đau của mình.

90 ngày theo đoàn làm phim này là 90 ngày Hoàng Phúc được sống trong không khí thăng hoa và cảm giác lạ lẫm không ngừng. Mỗi lần quay xong một cảnh, cả đoàn làm phim vỗ tay chúc mừng và khi kết thúc thì cảm giác hụt hẫng xâm chiếm. Nó cũng giống như cảm giác sau đó khi Phúc nghe tin bộ phim giành giải cao nhất tại một trong những LHP Quốc tế lớn nhất thế giới nhưng phải… 10 năm sau mới được xem trọn vẹn.

Trong lần gặp người khai sáng điện ảnh cho mình ở Sài Gòn trong một tiệc phim của YxineFF gần đây, cả Trần Anh Hùng và Hoàng Phúc đều… rơi nước mắt sau 19 năm không liên lạc. Phúc nói, anh Hùng và tôi như sống lại cảm giác của gần 2 thập kỷ trước trong những ngày cực khổ nhưng đầy thăng hoa với “Xích lô”.

2. Tôi nói, vai diễn trong “Xích lô” của Hoàng Phúc chỉ là một vai phụ, nhưng có lẽ Trần Anh Hùng là người đầu tiên phát hiện và mang đến một cơ hội cho anh trụ lại được với điện ảnh gần 20 năm sau. Hoàng Phúc cũng phải công nhận với điều này. Khác với những vai Việt kiều, những chàng thư sinh con nhà giàu hay bộ đội rất khuôn mẫu trong những bộ phim Việt thời đó, vai diễn một tay tội phạm đường phố của Hoàng Phúc trong nhóm băng đảng của Nhà thơ trong “Xích lô” rõ ràng là một… dự báo cho tương lai, khi Hoàng Phúc trở lại với điện ảnh gần đây với vai diễn trùm băng đảng trong “Bẫy rồng” hay một tay anh chị trong “Bụi đời chợ Lớn”.

Sau rất nhiều năm vắng bóng với điện ảnh, trong đó có đến 17 năm anh giành thời gian chăm người mẹ bệnh tật phải nằm một chỗ, Hoàng Phúc trở lại vào năm 2009 với bộ phim “Bẫy rồng” của đạo diễn Lê Thanh Sơn. Sự xuất hiện của Hoàng Phúc thời điểm đó là một sự ngạc nhiên lớn vì các diễn viên thế hệ của anh hầu hết đều đã từ giã sự nghiệp.

Trong bộ phim hành động này, Hoàng Phúc đóng vai Hắc Long, một ông trùm băng đảng có vẻ ngoài lịch lãm nhưng bên trong là một kẻ mưu mô quỷ quyệt. Ban đầu, nhân vật được xây dựng như một kẻ ác điển hình, nhưng Hoàng Phúc phải ngồi nhiều ngày với đạo diễn để thuyết phục về một vai diễn kiểu khác, có chiều sâu và nhiều mặt tối bên trong nhân vật hơn. “Nhà sản xuất họ nghĩ đến một nhân vật bặm trợn, hầm hố, ác độc, nhưng tôi muốn xây dựng một nhân vật phản diện có nhiều màu sắc, mà trước hết phải là một nhân vật bình thường, thậm chí vẻ bề ngoài anh ta rất đáng tin cậy, hành xử ngọt ngào nhưng khi ra tay thì tàn độc thì khán giả mới có cái để xem… Chính đạo diễn Lê Thanh Sơn là người đồng cảm và quyết liệt bảo vệ tôi để có được vai diễn như trên phim” – Hoàng Phúc kể.

Sự thành công đáng kể của “Bẫy rồng” (bộ phim Việt duy nhất đến thời điểm này được chiếu trên kênh Star Movies châu Á) tiếp tục tạo cơ hội để Hoàng Phúc vào vai chính – tay anh chị Tài Nhớt trong “Bụi đời chợ Lớn” của Charlie Nguyễn.

Hoàng Phúc đùa, “trước đây chẳng ai nghĩ tôi có ngày lại “chết vai” với gangster hay trùm băng đảng, đến cả tôi cũng không tin. Nhưng điện ảnh là vậy. Một lần hóa thân vào một vai diễn khác là một lần góp nhặt được một chút vào chiếc ba lô của mình trên con đường đi. Vì vậy mà cho dù điện ảnh xoay dòng hay đổi hướng, tôi cũng không quá bỡ ngỡ khi quay trở lại”.

“Cái khó nhất trong “Bụi đời chợ Lớn” là phải lập trình để có một vai ác khác hẳn với vai ác mà Dustin Nguyễn đã thành công trong “Dòng máu anh hùng” cũng như vai trùm băng đảng trong “Bẫy rồng”. May mắn là nhân vật do Charlie Nguyễn xây dựng đã có diện mạo khác hẳn. Nếu Hắc Long trong “Bẫy rồng” sang trọng lịch lãm đi xe hơi đời mới thì Tài Nhớt trong “Bụi đời chợ Lớn” đích thị là một gã bụi đời, một kẻ giang hồ đường phố và tự tay xách mã tấu đi thực hiện những phi vụ của hắn. Nếu phim trước là một kẻ thâm độc, mưu mô, nghĩ ra cái ác cho kẻ khác làm và không phải ai cũng thấy được cái ác thì trong bộ phim sau là một kẻ ác độc, ăn to nói lớn và cư xử như một kẻ côn đồ. Hoàng Phúc phân tích về từng vai diễn.

Với “Bụi đời chợ Lớn”, một lần nữa Hoàng Phúc sống trong cảm giác phấn khích và thăng hoa như sống trong không khí của “Xích lô”, cả hai đều là câu chuyện về những kẻ tội phạm ở khu chợ Lớn và được quay tại khu vực này. Đây cũng là bộ phim quay đêm kỷ lục của anh, suốt 60 đêm quay liên tục. Vì thay đổi nhịp đồng hồ sinh học nên quay xong bộ phim, Hoàng Phúc mắc bệnh đau bao tử và mất thêm gần 2 tuần nữa để thoát khỏi nhân vật.

3. Sắp bước vào tuổi ngũ tuần, mẹ mất đã khá lâu và đã ly dị vợ, Hoàng Phúc sống độc thân trong một căn nhà ở quận trung tâm. Anh duy trì lối sống thể thao lành mạnh và chờ những cơ hội bước lên màn ảnh với những diện mạo khác nhau. Dù vẫn tham gia đóng phim truyền hình, làm kinh doanh để ổn định cuộc sống, nhưng điện ảnh với Hoàng Phúc vẫn là niềm đam mê lớn nhất. “Tôi vẫn thèm muốn những vai diễn lạ hoặc làm việc với những đạo diễn giỏi, vì một lần được làm việc với đạo diễn giàu sáng tạo, tình yêu nghề bùng lên như… lửa gặp xăng vậy”.

Tôi thì cho rằng, sau gần 30 năm đóng phim với hành trang 70 – 80 bộ phim, hình như đây mới là thời điểm chín muồi, cả về tuổi tác, sự trải nghiệm lẫn sự tự do để quay lại với điện ảnh của Hoàng Phúc,  trong khi các diễn viên ở độ tuổi của anh hiếm người có được thể lực, vóc dáng lẫn niềm đam mê cho những vai diễn như vậy. “Ở độ tuổi này, các ngôi sao của điện ảnh thế giới vẫn trụ vững với nghề, thậm chí ở đỉnh cao của họ, nhưng ở Việt Nam thì cơ hội không nhiều. Tất nhiên, tôi cũng không quá sốt ruột, vì tôi coi đây là một cuộc chơi nghiêm túc, nên quan trọng nhất là phải sướng. Giờ đây, quan trọng nhất, trong mỗi bộ phim, mỗi nhân vật được nhận, tôi luôn đi tìm kiếm phần lắng dưới đáy ly, phần hồn ẩn giấu bên trong mỗi nhân vật để mong chạm đến được khán giả, chứ không phải cái vỏ xù xì bên ngoài” – Phúc nói.

19 năm là cột mốc giữa hai tấm hình này. Ở hình trên, Hoàng Phúc chụp với đạo diễn Trần Anh Hùng và ngôi sao Hongkong Lương Triều Vỹ trong những ngày  quay phim “Xích lô” ở Sài Gòn vào năm 1994. Ở hình dưới, Hoàng Phúc gặp lại Trần Anh Hùng trong một buổi tiệc của YxineFF mới diễn ra vào tháng 4.2013.  Trong tấm hình này còn có thêm đạo diễn Charlie Nguyễn, người cộng tác với Hoàng Phúc gần đây trong “Bụi đời chợ Lớn”. Điều thú vị là cả hai bộ phim này đều có bối cảnh ở chợ Lớn và kể về thế giới của những kẻ giang hồ. Hoàng Phúc thừa nhận anh luôn có duyên với những đạo diễn Việt kiều tài năng.

 

Text: Lam Le
Photo: Tuan. Fr
Producer: Cam Huyen
Assistant: Ly Binh Son
Make up: Dinh Nhon


From the same category