Hoàng Oanh: “Tôi đã sai khi luôn đòi hỏi được bố mẹ tôn trọng nhưng chưa bao giờ biết sẻ chia”

Tuổi trẻ bốc đồng

Tôi xin kể bạn nghe những gì tôi đã trải qua thuở thiếu thời, khi mà bố mẹ luôn bao bọc chị em tôi và cho rằng, bước chân vào giới giải trí sẽ hủy hoại con đường học vấn.

An toàn trong vòng tay bao bọc của gia đình hay va chạm với thế giới rộng lớn bên ngoài luôn là những trăn trở của tôi từ năm 16 cho đến tận bây giờ khi đã 27 tuổi.

hoang-oanh-1

15 tuổi, tôi muốn đi du lịch Vũng Tàu với nhóm bạn thân, nhưng bố mẹ không cho đi. Tôi giẫy nẩy khóc lóc cả đêm. Tại sao các bạn khác được gia đình tin tưởng, cho đi thoải mái còn tôi thì không? Thật bất công!

16 tuổi, tôi trốn gia đình đi thi Hot VTeen vì muốn được tham gia nhiều hơn các hoạt động bên ngoài nhà trường. Vì biết nói ra sẽ bị phản đối, nên tôi giấu nhẹm chuyện một mình đạp xe đi thi rồi bị lạc đường. Khi đậu vào vòng trong, biết không thể giấu giếm được nên tôi đành nhờ anh Tùng Leo (MC Tùng Leo) xin bố mẹ. May sao cả hai gật đầu đồng ý.

Tôi giẫy nẩy khóc lóc cả đêm. Tại sao các bạn khác được gia đình tin tưởng, cho đi thoải mái còn tôi thì không? Thật bất công!

17 tuổi, trở thành Quán quân Hot VTeen tôi nhận nhiều lời mời đóng quảng cáo. Bố không cho đi, mẹ miễn cưỡng bao che được vài lần. Rồi ông ra tối hậu thư: Năm sau lên lớp 12 không phim phiếc gì cả tập trung ôn thi tốt nghiệp và đại học.

hoang-oanh-1

18 tuổi, tôi muốn học Nhân Văn trong khi bố mẹ lại muốn tôi chọn Kinh Tế, Ngoại Thương hay Y Khoa gì đó để bảo đảm tương lai hơn là “học làm báo sẽ nghèo cả đời”. Tôi lại vùng vẫy, khóc lóc đấu tranh cho ước mơ của mình. Cuối cùng mỗi bên nhường một bước, tôi vẫn thi vào Nhân Văn nhưng là khoa Ngữ Văn Anh vì theo bố mẹ “học ngoại ngữ triển vọng hơn, dễ kiếm việc làm hơn”. Thôi thì ít ra tôi vẫn được học ngôn ngữ, văn học nhưng là của nước ngoài.

18 tuổi, tôi muốn học Nhân Văn trong khi bố mẹ lại muốn tôi chọn Kinh Tế, Ngoại Thương hay Y Khoa. Tôi lại vùng vẫy, khóc lóc đấu tranh cho ước mơ của mình.

19 tuổi, tôi thi đậu đại học, vừa vừa học vừa làm, không chỉ tự lo cho bản thân mà còn phụ giúp chút ít cho gia đình. Bố mẹ yên tâm phần nào vì nghĩ tuy tôi theo đuổi nghệ thuật nhưng không xao nhãng chuyện học hành.

20 tuổi, lại có một vấn đề nảy sinh – Yêu. Hình như với các ông bố bà mẹ, tuổi này tốt nhất nên chưa yêu đương gì cả. Người tôi yêu lại là người Hà Nội. Bố mẹ tôi được dịp than thở: Xa xôi quá. Không ổn! Sau này nếu lấy nhau thì lại xa gia đình à? Bố mẹ không thích nhưng tôi vẫn kiên quyết: “Con đã yêu và sẽ dẫn anh ấy đến gặp mặt bố mẹ để mọi người biết anh là một người rất tốt và thật sự đáng tin tưởng.”

hoang-oanh-3

21 tuổi, gia đình xảy ra biến cố lớn. Bố mẹ cùng lúc bị chẩn đoán bệnh hở van tim. Cả hai suy sụp. Tôi gần như khủng hoảng… Lúc ấy tôi cảm thấy mình thật vô dụng vì chẳng thể giúp được gì cho gia đình.

Suốt bao năm qua tôi chỉ chạy theo ước mơ của mình, muốn gì được nấy, đòi hỏi ai cũng phải thông cảm, thấu hiểu cho tôi. Nhưng lại chưa bao giờ là người quan tâm ngược lại đến bố mẹ.

Đó là lần đầu tiên tôi thật sự thấy mình sai. Tôi quá tệ, quá ích kỉ khi đòi hỏi được bố mẹ tôn trọng, được là chính mình, nhưng chưa bao giờ biết sẻ chia.

Lần đầu tiên tôi lấy hết can đảm để ngồi xuống nói chuyện với bố, hỏi rằng con có thể giúp được gì?

Và đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy mắt ông rưng rưng, giọng nói run run nhưng đầy nội lực và kiên quyết: “Bố không sao. Bây giờ trước tiên bố sẽ tập thể dục lấy lại sức khoẻ. Bố sẽ đứng lên, rồi bố mẹ cùng nhau làm lại… Sau này có gì trong nhà bố sẽ kể cho con nghe…”

Năm đó, bố gần 60 mà như một chàng thanh niên quyết tâm học hỏi và xây dựng cuộc sống lại từ đầu. Ông ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực và “thoáng” hơn cũng như chia sẻ với tôi nhiều hơn. Hai bố cùng tâm sự nhiều hơn so với trước.

Tôi chợt nhận ra kể từ khi trò chuyện xin lời khuyên từ bố thì mọi thứ trở nên dễ dàng hơn lúc mình đòi hỏi một điều gì đó quá chừng.

3 BÀI HỌC SÂU SẮC CỦA HOÀNG OANH
– Hãy xem bố mẹ là người bạn tốt nhất của mình.
– Nói được làm được.
– Thế giới có 1000 điều để khám phá nhưng chỉ có một gia đình để trân quý yêu thương. Ngay cả khi không có gì trong tay, thì có gia đình ta lại có tất cả.

Thế giới có 1000 điều khám phá nhưng gia đình thì chỉ có 1

Con trẻ hay cãi lại người lớn vì cho rằng mình đúng hơn, bắt kịp thời đại hơn. Nhưng có những trải nghiệm và sự tinh thông mà tuổi trẻ không bao giờ thấu hiểu được, không bao giờ bằng được thế hệ đi trước. Vậy nên lắng nghe không bao giờ là thừa, thậm chí rất quý giá để ta học hỏi.

Trước tiên hãy mở lòng mình và dần học cách rút ngắn hơn khoảng cách giữ hai thế hệ. Với những người lớn khác, không phải người thân trong gia đình cũng vậy thôi! Trước tiên hãy gạt bỏ cái tôi của mình, chịu tiến đến một bước bởi vì thật sự bạn không thể nào hơn thế hệ trước được đâu.

Khi bạn cầu thị chắc chắn sẽ được lắng nghe.
Khi bạn lắng nghe chắc chắn sẽ được chia sẻ.
Khi bạn chia sẻ chắc chắn sẽ được cảm thông.

Dù cho bạn có trưởng thành như thế nào, với cha mẹ bạn luôn là một đứa trẻ cần được bảo bọc, dạy dỗ và nhắc nhở. Đừng khó chịu mà hãy nghĩ ngược lại. May mắn lớn nhất trong đời chẳng phải luôn có người ở đó vì bạn, dẫn đường cho bạn hay sao?

hoang-oanh-2-1

Chuyên đề CHẠM VÀO KHOẢNG CÁCH
Khoảng cách là một khái niệm mơ hồ nhưng đáng sợ, nó có thể ngăn trở người ta một cách hữu hình bằng hàng vạn hàng triệu km, bằng cánh cửa đóng, bằng bàn tay đưa ra không ai nắm lấy… hoặc vô hình như một cảm giác trống rỗng và bất lực không gì đo đếm nổi.
Dường như, khoảng cách giữa tất cả mọi người đang ngày càng rộng và dài hơn?
Và chúng ta sẽ để mặc nó, hay tìm cách chạm vào?
Chuyên đề “Chạm vào khoảng cách” của Đẹp Online được thực hiện nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6, để truyền đi thông điệp: Hãy mạnh dạn bước qua và xóa nhòa tất cả các khoảng cách bằng chính sự cảm thông, thấu hiểu và yêu thương!

From the same category