Hoang mang “Lửa Phật”

 

Thời gian ba ngày công chiếu là đủ để đo đếm hiệu ứng của “Lửa Phật” – tác phẩm điện ảnh đầu tiên Dustin Nguyễn thực hiện với vai trò biên kịch kiêm đạo diễn. Những “cái được” của phim này có thể kể ra ở đây.

Thứ nhất, lễ ra mắt phim khá hoành tráng, được tổ chức ở cả hai miền Nam – Bắc. Đoàn làm phim cũng thể hiện sự nhiệt huyết muốn quảng bá, tự tin đưa phim ra thị trường thế giới. Thông báo mới nhất là phim sẽ được phát hành ở thị trường Bắc Mỹ và đang tiếp tục đàm phán phân phối ở một số nước trường khác.

Phản hồi của khán giả qua việc đến rạp xem phim ở mức khá hơn nhiều phim Việt Nam khác gần đây (dù nhà sản xuất BHD chưa chính thức công bố tổng kết doanh thu 3 ngày đầu). Điều này trước hết là do yếu tố gây tò mò và sức hút từ những cái tên góp mặt trong phim.

Một “cái được” khác là dư luận khá ồn ào quanh tác phẩm điện ảnh có kinh phí được cho là trên một triệu USD này. Báo chí không ngớt bàn tán về một sản phẩm chỉ ở mức trung bình. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến chê bai bộ phim.

Được mổ xẻ nhiều, qua các góc độ khác nhau như thế là bởi “Lửa Phật” gây chú ý ngay từ khi chưa bấm máy, thậm chí, từ vài năm trước, khi Dustin Nguyễn hé lộ ý định theo đuổi dự án này.

Một phim được ấp ủ kỹ càng thế, lại được hỗ trợ nồng nhiệt của BHD – nơi Dustin vừa làm việc, vừa là chỗ thân thiết thì phim mang nhiều hứa hẹn, gắn với nhiều kỳ vọng là đương nhiên.

Mặc dù vậy, phim ra mắt lại bị nhận nhiều lời chê. Có nữ đạo diễn thân thiết với đơn vị sản xuất, phát hành quay lại “vặc” những ý kiến chê bộ phim, với lý luận: Chị tự bỏ tiền đến rạp xem lần hai, thấy khán giả vẫn tỏ ra thích thú với phim cơ mà! Khi nhiều người đã “no xôi chán chè” với phim Mỹ, phim nước ngoài các kiểu, lại cùng thể loại, thì thấy phim Việt Nam thua kém là đương nhiên, so sánh thế nào được. Phim một triệu USD với phim 100 triệu USD phải khác nhau. Tóm lại là hãy ủng hộ sự nỗ lực của điện ảnh Việt!

Trong khi đó, nhà phát hành BHD chưa có phản hồi chính thức trước những khen chê, vẫn đang tiếp tục triển khai kế hoạch quảng bá “Lửa Phật”. Lần này chắc sẽ không có chuyện “khẩu chiến” đầy kịch tính theo kiểu “Ai bảo mày chê con tao xấu!” như hồi phim “Cánh đồng bất tận”. Với lại, biết đâu phim được báo chí khen “hết nước hết cái” như “Đường đua” thì thảm bại về doanh thu, còn phim bị chê nhiều hơn khen như “Lửa Phật” lại có cửa rộng ngoài phòng vé.

Nhưng dù thắng thua trong câu chuyện kinh doanh, phát hành của “Lửa Phật” tới đây thế nào thì bộ phim này vẫn khó được coi là một tác phẩm hay, nhưng cũng không phải là một phim dở. Những yếu tố mang tính kỹ thuật làm phim không bù đắp được cốt truyện thiếu sức nặng, mạch phim lê thê, tình tiết vụn vặt.

Nhà phát hành cố giải thích với khán giả và cả nhà báo về tính thể loại của “Lửa Phật”, rằng đây là phim giả tưởng, kỳ ảo (fantasy) đầu tiên của Việt Nam, rằng phim Việt cần sự đa dạng về thể loại hơn. Thì cứ cho là vậy, nhưng thể loại chỉ là phương tiện được chọn mà theo đạo diễn, qua đó có thể kể một cách truyền cảm câu chuyện của mình.

Hành động, giả tưởng phù hợp với nội dung “Lửa Phật”, giúp bộ phim không phụ thuộc vào không gian, thời gian, phục trang không bị gò ép vào khuôn khổ nào…, dẫu cho tên phim theo tiếng Anh là “Once upon a time in Vietnam” (Ngày xửa ngày xưa ở Việt Nam). Thế nhưng, khi phim không có bột sao có thể gột nên hồ? Giống như chiếc áo choàng không đủ để làm nên “thầy tu” tên Đạo trong phim. Nhân chỉ khiến người xem thấy hoang mang, như hoang mang với chính câu chuyện mà Dustin Nguyễn – người đóng vai này – đang kể.

Còn nói tiếp về thể loại thì bộ phim “Mỹ nhân kế” của Nguyễn Quang Dũng cũng hoàn toàn có thể xếp hàng phim fantansy với những yếu tố giả tưởng thấy rõ của nó. Bộ phim về các mỹ nhân đánh võ này cũng từng bị gọi là “phim resort” với những yếu tố “tưởng” thì ít mà “giả” thì nhiều, nhưng nó vẫn mang đến cảm xúc, sự đồng cảm nhất định cho khán giả qua câu chuyện và chi tiết về một số nhân vật. Trừ vai Đào Thị của Thanh Hằng thì những nhân vật còn lại không thuộc kiểu “cố tỏ ra nguy hiểm” như dàn nhân vật của “Lửa Phật”.

Cũng về nhân vật, liệu xem xong “Lửa Phật”, còn đọng lại trong khán giả là gương mặt nào? Về diễn xuất thì đó là Thái Hoà với nét diễn tự nhiên, khéo léo, nhưng đó là nhân vật phụ, không có nhiều đất diễn.

Hai nhân vật chính là Đạo (Dustin Nguyễn) và Ánh (Ngô Thanh Vân) gây hoang mang như chính Dustin Nguyễn đang hoang mang với bộ phim của mình. Bởi thật khó định hình họ là con người như thế nào, tính cách ra sao, mong đợi điều gì… Họ không mang đến những lý do, câu chuyện thuyết phục cho mỗi hành động của mình, vì thế không tạo nên sợi dây kết nối nào tới khán giả.

Nhân vật Long (Yoger Yuan) còn “nguy hiểm” hơn khi lãnh đạo một tổ chức chỉ mải mê săn tìm những kẻ đào ngũ. Và kể cả kẻ chạy trốn hay người kiếm tìm thì cũng đều luôn tỏ vẻ oai hùng, hành xử theo kiểu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, với áo choàng, áo giáp, nét mặt, ánh mắt, ngôn từ đạo mạo.

“Lửa Phật” được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khen hết lời về phần võ thuật và mỹ thuật. Đúng là võ sư Nguyễn Văn Hải và đạo diễn Dustin đã mang đến những phần đấu kiếm, tỉ thí, đối đầu gay cấn, đẹp mắt. Theo hướng này, phim hành động Việt Nam có một mốc son mới, chỉ tiếc là mỹ thuật đã “hạ gục” võ thuật trong nhiều cảnh quay.

Nguyễn Quang Dũng nói đây là bộ phim “có đầu tư tốt về đạo cụ và phục trang”. Quả vậy, nhưng đạo cụ không chỉ là đao, kiếm và phục trang, không chỉ là những bộ quần áo đa phong cách. Hãy xem, các võ sĩ chiến đấu trong một “nhà chứa” tên Ánh Trăng ọp ẹp, với đạo cụ chính là… những chai rượu mạnh. Bên ngoài, không gian của những cuộc so găng, thi triển võ thuật là một Làng Cát với những ngôi nhà được dựng không hơn những kỳ hội trại là mấy. Vậy thì những thế võ đẹp kia liệu có thể truyền được bao nhiêu cảm xúc đến người xem?

Còn nói về chiều sâu, ý nghĩa của phim cũng thật mơ hồ. Nếu bảo phim giải trí thì đâu cần câu nệ về tư tưởng hay thông điệp truyền đi, chỉ cần xem thấy “đã mắt”, vui tai, có thể cười thoải mái, thì e không phải với một bộ phim có cái tên… nguy hiểm là “Lửa Phật”. Dù bị gọi chệch đi là “Lửa phần phật” (vì cơ man nào là lửa), nhưng không phải trong phim vắng đi yếu tố “Phật”. Chỉ có điều, thấp thoáng chuyện “Phật” sao nhà làm phim không khiến người xem tin hay mang cảm giác về chuyện “thấy Phật” qua đôi ba dụng ý đủ sức gợi?

Với “Lửa Phật”, đạo diễn kiêm diễn viên Dustin Nguyễn thể hiện mình mạnh “võ” nhưng yếu “văn”, đánh đấm đẹp mắt nhưng kịch bản nông, lỏng lẻo và vì thế thật khó để phim chạm đến trái tim khán giả.  

Danh Anh

Ảnh: BHD

 Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category