Hoảng loạn & bình tĩnh

Gái tham tài, trai tham sắc. Vì cái sự tham ấy mà trai gái đều khốn đốn. Mà không tham thì cũng vẫn khốn đốn. Sự thống khổ, thất vọng, cảm giác bị bỏ rơi, bị xem thường, sự chán ngán mệt mỏi, tất cả đều từ lòng tham mà ra. Không tham, ta đâu có khổ. Nhưng dù nói đùa hay nói nghiêm túc, tôi cũng không phải là một nhà tu, chưa diệt được tính tham, nên những gì tôi nói bên dưới chắc chắn không từ góc độ đạo hạnh. Tôi chỉ thử đưa ra một cách lý giải hiện tượng phổ biến: Vì sao những người nữ xế chiều lại hoảng loạn? Và tại sao những người đàn ông bình tĩnh hơn phụ nữ khi già đi?

Đột nhiên xấu đi, nhưng không bỗng dưng bất tài

Nhiều người nữ hoảng loạn cùng cực khi tìm cách níu giữ hạnh phúc, cứu vãn hôn nhân. Câu than thở phổ biến nhất, cay đắng nhất mà ta nghe được ở những người vợ là: “Giờ tôi già tôi xấu, anh bỏ tôi!”.

Thực tế là việc già đi diễn ra từng ngày, hay thậm chí từng phút từng giây. Già đâu phải là cơn mưa rào Sài Gòn bỗng dưng đổ ập xuống! Thế thì tại sao các bà cứ chủ quan mình đẹp bao nhiêu lâu, rồi một ngày đẹp trời mới phát hiện rằng mình… già?

Ừ thì trai tham sắc. Người nữ quyến rũ được người đàn ông ở cái nhìn đầu tiên là nhờ sắc, chẳng có ai cãi điều này. Tuy vậy, chưa ai nói rằng mình lấy vợ là vì vợ đẹp. Ta sẽ nói, tôi muốn cưới cô ấy vì cô ấy hiểu biết, cô ấy giàu lòng nhân, cô ấy duyên dáng, cô ấy biết lo cho gia đình, cô ấy có cách sống lành mạnh, vân vân. Sắc chỉ là kích thích tố ban đầu cho sự kiện, nếu ta coi hôn nhân là một sự kiện dài và quan trọng.

Bởi vì gái tham tài, mà cái tài – ở đây ta mở rộng khái niệm, “tài” tức là năng lực lo cho gia đình, là năng lượng sống, là khả năng chèo chống qua các đoạn vận hạn tất yếu của đời người – thì bền vững và dễ quy chuẩn hơn là sắc. Anh không nuôi nổi vợ con, thì anh bất tài, ai cũng nhận thấy ngay. Còn “sắc” thì mập mờ mông lung, thế nào là đẹp? Đẹp lúc này liệu có luôn đẹp vào những lúc khác? Đẹp trong mắt anh A có nhất thiết sẽ là tiêu chuẩn trong mắt anh B, anh C? Chỉ cần phân tích hai khái niệm tài/sắc, ta có thể hiểu được vì sao phụ nữ khổ ải quay quắt hơn đàn ông khi năm tháng trôi qua, tuổi tác chồng chất. Người ta hoàn toàn có thể đột nhiên thấy mình xấu/xấu đi (vì đã chủ quan với nhan sắc quá lâu) để rồi lo sợ hoảng loạn, chứ không ai đột nhiên trở nên bất tài (bệnh tật, tai ách có ảnh hưởng đến tinh thần và sức lao động, nhưng không phá hủy được trách nhiệm, khả năng xoay xở lo toan, bươn chải của người đàn ông).

Biết bình thản và để dành sức

Khi người nữ phát hiện ra mình già, mình xấu, nàng không giảm tình yêu với chồng và bắt đầu thấy yêu cái gương, yêu son phấn. Trang điểm đậm đà, sửa chữa thẩm mỹ, diện quần áo đẹp, để mà níu giữ nhan sắc và qua đó, níu giữ cuộc hôn nhân. Khổ thay, nỗ lực ấy hoàn toàn vô ích.

Già: điều tất yếu. Làm sao cưỡng lại? Níu giữ bất cứ vật gì, điều gì cũng đều mất sức. Hôn nhân lại càng không nên níu, không nên tìm biện pháp “chữa cháy”. Hôn nhân giống như một đường chạy dài mà người chạy marathon như nhà văn Haruki Murakami rất có kinh nghiệm: phải để dành sức. Hôn nhân hơi giông giống cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ”, thí sinh phải chuẩn bị sức lực và năng lực cho 10 show truyền hình, vậy thì đừng phung phí lúc ban đầu để mà hết hơi quá sớm.

 

Quả vậy, hôn nhân là chuỗi nối tiếp những đoạn bằng phẳng với những khúc ngoặt nguy hiểm; nó không có gì chung với kiểu “sự kiện” hoành tráng nhất thời, nó đòi hỏi ta phải bình thản. Đức tính này cần thiết nhất. Mà muốn bình thản được, ta cần nhìn trước và vạch ra một kế hoạch hoàn hảo cho suốt chặng. Cứ tạm chia ra thế này:

1. Chặng hấp dẫn: khi mới yêu, hoặc mới cưới. Đây là lúc lâng lâng dễ chịu nhất, lúc tràn đầy hy vọng và rất nhiều mơ mộng.

2. Chặng trầm lắng: khi đã có con, khi tình bắt đầu tan một phần vào nghĩa.

3. Chặng hấp dẫn trở lại: khi mỗi người phối ngẫu nhìn thấy ở người kia hình ảnh người đàn ông/đàn bà thực sự. Sự hấp dẫn lúc này khác thời mới yêu, nó gần với sự phát-hiện-lại hơn.

4. Chặng bình ổn: khi sự nghiệp đã ổn và con cái đã lớn. từ lúc này đến khi nhắm mắt xuôi tay, người ta sống cạnh nhau như những người bạn thân thiết. Đã đủ hiểu nhau, và không còn lấn cấn gì nữa về ý nghĩa hay sức mạnh hôn nhân. Người ta già đi bên nhau một cách tự nhiên, chẳng phải vắt đầu vắt óc lý giải này nọ, chẳng cần phải đọc sách tư vấn gia đình nữa.

Không tận hưởng là lỗi của ta

Cái gạch đầu dòng thứ tư trên đây là đoạn êm ả thực sự, nhưng ít người tận hưởng được là vì sao? Vì họ vội vã quá hoặc chậm trễ quá, họ không bắt được nhịp của hôn nhân, họ bị lệch pha với cuộc hôn nhân của họ. Họ già sớm, hay là chưa đủ già.

Đàn ông chấp nhận tuổi tác và sự suy thoái thân xác với ý thức tự nhiên mà có. Họ sống vui hơn, dù không còn sung sức như xưa. Họ biết cách làm yên ổn đầu óc hơn, dù khả năng thích nghi kém hẳn so với lúc trẻ. Họ bớt quay quắt, giảm dần tham vọng. Họ sống đúng tuổi và nhiều người chẳng cần ai tư vấn, vẫn nắm vững được các chặng (bốn gạch đầu dòng) của hôn nhân.

Tức là đàn ông biết khi nào nên tham, khi nào không? Chắc thế.

Nhưng dù sao thì, việc đạt được ý thức tự nhiên hay phải rèn giũa mới có thì đều đưa chúng ta về một lối. Vườn trái thì vẫn ở đó, trĩu quả. Gia đình vẫn ở đó, vững vàng ổn định. Con cái vẫn ở đó, ngoan ngoãn hiếu thảo. Ta không tận hưởng được là lỗi của ta.

Bài Quốc Bảo 


From the same category