Hoàng Lê Giang: Chỉ muốn được về nhà sau hành trình cách ly “dồn dập” không hồi kết ở Mông Cổ và Na Uy

Liên tiếp rơi vào các chuỗi ngày cách ly trong thời gian đầu dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên thế giới, travel blogger Hoàng Lê Giang đang mắc kẹt tại Na Uy, làm quen với cuộc sống tại vùng Bắc Âu xa xôi khi suốt một tháng trời chờ đợi thông tin tích cực về dịch bệnh để có thể trở về Việt Nam càng sớm càng tốt. 

Hoàng Lê Giang mặc trang phục truyền thống của người Sami
Cách ly từ Mông Cổ đến Na Uy

Theo dõi thông tin cập nhật trên Facebook cá nhân, hình như anh vẫn đang mắc kẹt ở nước ngoài vì dịch Covid-19?

Trước đó, tôi có 1 chuyến đi vào tháng 2 tại Mông Cổ với 1 nhóm bạn, nhưng vì đi chung máy bay với một bạn Mông Cổ từ Hàn Quốc về nên khi đến nơi, chúng tôi phải cách ly tập trung trong 3 ngày, sau đó tiếp tục tự cách ly thêm 11 ngày  nữa nên không được rong chơi thoải mái.

Những ngày đầu, vì chính quyền Mông Cổ chưa kịp chuẩn bị nên chúng tôi cũng hơi gặp khó khăn trong chuyện ăn uống. Về sau chúng tôi nhờ được bên cung cấp tour mua cơm rồi bệnh viện cũng kịp chuẩn bị các phần ăn chỉn chu hơn. Tuy thức ăn không hợp khẩu vị lắm nhưng dù sao họ cũng đã cố gắng nhanh nhất có thể rồi. Đến khi tự cách ly ở nhà thì chúng tôi chỉ ra đường vào sáng sớm hoặc gần hoàng hôn lúc không có người để đảm bảo quy định giãn cách xã hội. Dù có hơi “cuồng chân” nhưng cũng may mọi người có thể được chụp ảnh, ăn món ăn truyền thống cũng như học cách dựng lều của người Mông Cổ nên nhìn chung mọi thứ cũng không quá tệ.

Trong thời gian cách ly tập trung tại Mông Cổ, Hoàng Lê Giang cho biết cơm do khu cách ly cung cấp được đựng trong hũ thuỷ tinh, muỗng phát 1 lần ăn xong thì rửa sạch để sử dụng lại. Riêng đồ ăn ngoài thì anh nhờ công ty du lịch mua giùm để phần ăn đa dạng hơn.

Sau khi hết hạn cách ly tại Mông Cổ thì tôi tiếp tục bay sang Pháp để di chuyển sang Na Uy cho lịch trình tiếp theo. Ngày tôi vừa đặt chân đến nhà bạn, chính quyền Na Uy lại yêu cầu những ai vừa nhập cảnh Na Uy phải tự cách ly 14 ngày tại nhà do diễn biến dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn châu Âu. Đến hết ngày cách ly khi chuẩn bị về Việt Nam thì quê nhà lại đóng cửa biên giới. Tôi xuất cảnh khỏi Việt Nam vào ngày 23/02, nhập cảnh châu Âu ngày 09/03, đến giờ tôi vẫn mắc kẹt tại châu Âu và chưa biết khi nào mới có thể quay về Việt Nam.

Phải đối mặt với chuỗi ngày cách ly dồn dập như thế hẳn không dễ dàng chút nào? 

Tôi chỉ biết bình tĩnh và cố gắng giữ bản thân luôn an toàn và tinh thần tích cực nhất có thể. Thời gian ở Na Uy, tôi cũng sợ lây bệnh cho bạn bè (nếu chẳng may tôi bị nhiễm) nhưng thật may, họ khá thoải mái và không quá kỳ thị những người gốc Á như tôi.

Quá trình cách ly của anh tại Mông Cổ và Na Uy diễn ra như thế nào?

Khu cách ly tập trung tại Mông Cổ ở gần bệnh viện. Phòng rộng khoảng 16m2 dành cho 4 người có cảnh sát tuần tra bên ngoài. Mỗi hai ngày ngày sẽ có cán bộ y tế đến đo thân nhiệt một lần, mẫu xét nghiệm của chúng tôi là âm tính nên cũng không quá gắt gao. Buổi sáng, tôi dậy sớm đi chụp dãy ngân hà hay bình minh, trong ngày thì ở nhà đọc sách, nghe nhạc, rồi lại chụp hình và chuẩn bị ăn tối khi hoàng hôn xuống. Thời gian chúng tôi lưu lại Mông Cổ, thời tiết khá lạnh khoảng  -10 đến -15 độ nên cũng chỉ có thể quanh quẩn trong nhà là chính.

Ở Na Uy thì khác. Do chính quyền nơi này yêu cầu tự cách ly nên tôi ở cabin trên núi và không gặp ai trong suốt 14 ngày trừ bạn mình. Không có quy trình hay bắt buộc gì vì quan trọng là sự tự giác, nếu tôi bị bắt gặp khi vi phạm quy định cách ly sẽ bị phạt. Hằng ngày, tôi phụ bạn đi lấy nước ở suối, chạy máy phát buổi tối, đi lấy củi, đốt lửa giữ ấm.

Trong những ngày mắc kẹt tại Na Uy vì lệnh cách ly, Lê Giang giúp gia đình người bạn cho mình tạm trú một số việc như chăn tuần lộc, lấy củi…

Mắc kẹt ở nước ngoài trong thời gian dịch bệnh quả là khó khăn, kể cả với người đã có nhiều kinh nghiệm du lịch như anh. Bạn bè xứ bạn có hỗ trợ gì nhiều cho anh không?

Quan điểm của họ là đây nên là lúc chúng ta giúp đỡ nhau chứ không phải phân biệt người nước nào, có mang bệnh hay không. Họ cũng hạn chế theo dõi các thông tin về dịch vì không giúp ích gì mà gây thêm hoảng loạn, thay vào đó, họ tập trung làm việc. Về phần chính phủ Nauy, thật may khi họ sẽ không truy cứu và trục xuất những trường hợp hết hạn visa (visa của tôi đã hết hạn từ ngày 02/04).

Hiện tại, tôi được người Sami cho ở nhờ, giúp họ chăn tuần lộc, làm các công việc lặt vặt như chở đồ, đốn củi, lấy nước. Thời gian rảnh, tôi quay phim chụp hình để giúp họ quảng bá du lịch. Tôi cũng xem lại hình các chuyến đi cũ, dành thời gian đọc sách và nghe nhạc. Vốn là người ít tụ tập cũng không có nhiều nhu cầu nói chuyện nên tôi thấy khoảng thời gian tự cách ly cũng không có gì quá khó chịu. Tôi chỉ lo lắng cho người thân trong gia đình thôi.

Tình cảnh của tôi chưa khó khăn đến mức phải nhận tiền từ ai nhưng tôi thực sự cảm kích trước tấm lòng hào hiệp và thịnh tình của những người bạn ở nơi xa lạ này. Lúc nghịch cảnh mới thấy rõ được tấm lòng tử tế.

Truyền thông Na Uy đưa tin về Hoàng Lê Giang – một du khách Việt bị kẹt do dịch Covid-19 và trong lúc chờ có chuyến bay trở về Việt Nam thì anh phụ giúp bạn mình bằng cách chăn tuần lộc.
Sau đại dịch tôi sẽ đi làm kiếm tiền để tiếp tục hành trình rong ruổi

Kế hoạch vi vu năm 2020 của anh trước và sau đại dịch hẳn sẽ có nhiều thay đổi?

Trước dịch, tôi dự định hoàn thành mục tiêu 2 tháng một chuyến đi, nhưng sau khi dịch qua đi, tôi phải xem nơi nào an toàn hoặc chờ năm sau.

Điều đầu tiên anh sẽ làm sau khi đại dịch chính thức kết thúc và mọi thứ trở lại bình thường?

Kiếm việc để “cày cuốc” và lên kế hoạch chi tiết cho hành trình tiếp theo. Rất có thể tôi sẽ quay lại Nepal và Bắc Âu.

Giả sử tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài hơn, dự định của anh sẽ là gì?

Tôi phải tìm cách về nhà sớm nhất vì lo lắng cho gia đình và cũng không muốn phiền bạn bè quá lâu. Visa du lịch của tôi cũng đã hết hạn từ ngày 02/04 nên cũng cần thu xếp trở về càng sớm càng tốt.

Trở về nhà càng sớm càng tốt là mong muốn lớn nhất của Giang lúc này.

Mong muốn lớn nhất hiện giờ của anh là gì?

Được gặp lại người thân, được ăn cơm tấm, bún bò, bánh cuốn.

Một đồng xu luôn có hai mặt. Theo anh, đâu là những điều tích cực mà anh nhận được từ đại dịch này?

Biết tôi đang bị kẹt ở nước ngoài, nhiều người, quen biết có xa lạ có, đều vào động viên an ủi. Mỗi ngày đọc từng comment, xem từng tin nhắn là tôi thấy ấm lòng và an ủi phần nào. Quả thật, đại dịch này nếu nhìn theo hướng tích cực thì là cơ hội để mọi người dành thời gian cho người thân và để làm những việc mà chúng ta luôn thiếu khi sống giữa môi trường hiện đại với nhịp sống gấp gáp.

Cảm ơn những chia sẻ của anh và chúc anh sớm trở về Việt Nam. 


From the same category