Dù không quan tâm nhiều tới phim truyền hình, đặc biệt là phim cổ trang Hàn, có lẽ những hình ảnh quảng cáo “Hoàng hậu Ki” ở các bến chờ xe bus, hay trên các chiếc xe bus đi khắp Hà Nội một thời gian dài vừa qua sẽ khiến bạn khó mà không lưu tâm.
Hình ảnh quảng cáo phim “Hoàng hậu Ki” tại các bến xe bus ở Hà Nội
“Hoàng hậu Ki”, theo kết quả của đơn vị khảo sát tỉ lệ khán giả xem truyền hình Nielsen Korea công bố, là bộ phim của đài MBC dẫn đầu về tỉ lệ người xem trong số các bộ phim phát sóng cùng khung giờ.
“Cơn lốc mới” này được đài truyền hình Việt Nam mua bản quyền về và phát sóng trên kênh VTV3 từ ngày 8/5 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, ngay sau khi phim kết thúc ở Hàn Quốc. Tò mò về chuyện vì sao người ta quảng bá phim này với tần suất ấy là lý do để tôi xem phim. “Hoàng hậu Ki” kể về hành trình của một cô bé từ thân phận cống nô trở thành hoàng hậu của nước Nguyên. Đây là phim truyền hình mới nhất của Ha Ji Won, và phim này cũng có hành trình từ một phim cổ trang hành động lãng mạn trở thành phim truyền hình cổ trang có tỉ lệ người xem cao nhất trong hai năm 2013-2014.
Chỉ cần xem hai tập đầu của phim, tôi đã hiểu lý do vì sao tỉ lệ người xem “Hoàng hậu Ki” lại đông đảo đến mức ấy. Điểm mạnh nhất ở “Hoàng hậu Ki” có lẽ là tốc độ phim rất nhanh, đi cùng với đó là sự phát triển của câu chuyện. Ngay chỉ trong 1/3 tập phim đầu tiên, khán giả đã trải qua xong thời thơ ấu của các nhân vật mà không cần tốn nhiều thời giờ.
“Hoàng hậu Ki” cũng không có nhiều cảnh kể lể việc hai nhân vật chính gặp nhau thời thuở nhỏ ra sao – chi tiết được sử dụng quá nhiều trong các bộ phim của Hàn chỉ để thể hiện tính chất “định mệnh” trong mối quan hệ yêu đương của họ. Hai đứa trẻ Wang Yoo và Ki lướt qua nhau trong vài giây, không hề có chút suy nghĩ rằng ai là ai, và cuộc gặp gỡ đầu tiên đã diễn ra ngắn gọn, súc tích như thế giữa một cậu bé là hoàng tử, còn cô bé là một cố nông, cùng với rất nhiều bé gái thiếu may mắn khác. Kể từ đó, chúng ta được chuyển sang xem phần “người lớn” của phim. Ngay trong tập 2, cô bé cống nô năm nào – sau này trở thành hoàng hậu Ki – đã tìm được người cha bị thất lạc của mình.
Một điểm ăn khách khác của “Hoàng hậu Ki” là sự hội ngộ của các diễn viên quen thuộc trong các phim cổ trang trước đây. Joo Jin Mo thì không lạ lẫm gì với người xem trong các vai vua chúa – anh từng là hoàng đế trong “Song Hoa Điếm” (Frozen Flower), Ha Ji Won thì ấn tượng với vai kỹ nữ trong “Hwang Jin Yi”, Ji Chang Wook thì chính là chiến binh Baek Dong Soo trong bộ phim cùng tên.
Ngoài vài tập đầu ít ỏi phân rõ chính tà, trở về sau, “Hoàng hậu Ki” có lẽ gặp chút “khủng hoảng” về đường dây câu chuyện, sau cái chết của một nhân vật phản diện duy nhất. Người xem sẽ không rõ ai chính ai tà ai ở phe ai vì ai cũng có thể là kẻ thù của nhau.
Hoặc chính các biên kịch chính là nhân vật phản diện của “Hoàng hậu Ki”, vì sau hàng mấy chục tập phim, những người sáng tạo ra câu chuyện này đã khiến người xem phải đau đớn rất nhiều và mang lại cho họ quá ít hạnh phúc. Các nhân vật chiến đấu và giết chóc lẫn nhau, cuộc tình tay ba thì bị kéo dài lê thê và (xin lỗi vì đã tiết lộ) 2/3 nhân tố trong đó cũng phải chết.
Tuy vậy, mặc dù câu chuyện khá bi kịch, bộ phim này vẫn mang lại giá trị từ diễn xuất tuyệt vời của toàn bộ dàn diễn viên, từ chính cho tới phụ. Hai ngôi sao sáng nhất của “Hoàng hậu Ki” là Ji Chang Wook và Ha Ji Won. Hành trình, cũng như tính cách nhân vật của họ khá phức tạp và rất đáng để xem. Những cảnh lãng mạn của cặp đôi này được thể hiện rất thuyết phục, đủ làm tan chảy trái tim khán giả. (Những cảnh đối đầu cũng rất tuyệt vời nhưng hơi đau đớn, nặng nề).
Trong phim, Ji Chang Wook trong vai chàng hoàng đế nước Nguyên, từng nói trong một tập: “Ta tin rằng cuộc đời này còn có nhiều thứ hơn cả quyền lực và châu báu”. Đúng vậy, nhưng dù sao đây cũng chỉ là câu nói ở trên phim cho thêm phần lãng mạn thôi, vì đơn giản nhất là nếu các nhân vật không thèm quan tâm gì tới vàng bạc châu báu và quyền lực, thì có lẽ họ không giết nhau và bộ phim này cũng chẳng tồn tại được.
Những điểm cộng của “Hoàng hậu Ki”:
– Dàn diễn viên tuyệt vời và tất cả đều diễn xuất rất xuất sắc. Việc giả trang thành đàn ông của Ki là để sống sót, chứ không phải vì các lý do lãng xẹt nào để phim thêm phần lãng mạn (và người viết cũng không định nói rằng Ha Ji Won quá xinh đẹp để cải trang thành nam giới).
– Cảnh quay đẹp, trang phục đẹp, đặc biệt là trang phục của Hoàng hậu Ki. Bối cảnh và trang phục của phim đúng là một bữa tiệc cho đôi mắt người xem. Chắc chắn khán giả sẽ không thấy nhàm chán khi theo dõi bộ phim này. Hình ảnh phim được đầu tư công phu, bối cảnh hoàng cung nước Nguyên xa hoa và những cảnh thiên nhiên hùng vĩ được tái hiện từ nhiều góc máy đẹp.
– Phim khá hấp dẫn và có thể gây nghiện. Đội ngũ sản xuất phim này có đạo diễn Han Hee của phim “Dr.Jin” và cặp biên kịch Jang Young Cheol và Jung Kyung Soon. Cặp vợ chồng biên kịch này từng cùng nhau viết kịch bản cho phim “Giant” hồi 2010, và từng giành chiến thắng với giải Biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan truyền hình Hàn Quốc lần thứ 38. Người chồng, Jang Young Cheol là tác giả kịch bản của phim truyền hình “Dae Jo Yeong” năm 2008 – bộ phim đã giành hàng tá các giải thưởng của đài KBS.
– Nhiều cảnh nóng bỏng táo bạo nhất trong các phim cổ trang Hàn xưa nay.
– Vua nước Nguyên có lẽ sẽ tiếp tục là một chàng trong mộng khiến các khán giả nữ mê mẩn, vì khi yêu, anh chàng sẵn sàng thay đổi bản thân, thậm chí hy sinh cả tính mạng để bảo vệ người tình – một giấc mơ của mọi cô gái.
Điểm trừ của phim:
– Phim quá dài.
– Khởi đầu của “Hoàng hậu Ki”, kịch bản được xây dựng rất chặt chẽ, chắc tay, nhưng sau đó thì có nhiều bước chuyển biến thiếu logic. Hoặc phim không hề thiếu logic, nhưng có quá nhiều diễn biến phức tạp mà nếu không xem kỹ thì khán giả sẽ không hiểu nổi. Có ý kiến cho rằng nếu lần xem đầu tiên bạn chỉ mải mê ngắm trai đẹp thì lần xem thứ 2 sẽ không thừa.
– Quá nhiều nội dung chính trị.
Qua bộ phim này, một số bài học cơ bản mà người xem có thể rút ra là: nếu yêu ai đó, bạn nên nói với anh ấy/cô ta càng sớm càng tốt. Ngoài ra, dù có chuyện gì xảy đến với bạn, việc trả thù là lựa chọn không hề nên một chút nào, dù với bất cứ ai. Ngoài ra thì bạn cũng nên cảnh giác khi sống trên đời, vì thỉnh thoảng người làm bạn đau đớn nhất chính là người gần gũi, thân thiết với bạn nhất.
Và điều cuối cùng, bạn có thể học được rất nhiều từ lịch sử (kể cả lịch sử đã bị bóp méo, xuyên tạc). Thực ra thì bạn có thể học từ bất kỳ điều gì.
Bài: Hoa Đường
Ảnh: Hancinema
>>> Có thể bạn quan tâm: Sau “Những người thừa kế”– bộ phim nổi đình nổi đám chủ yếu nhờ chiến dịch PR rầm rộ và đội ngũ diễn viên thần tượng đông đảo, màn ảnh nhỏ xứ Hàn lại tiếp tục một cơn “bão” nho nhỏ với drama “You Came From The Stars” (Vì sao đưa anh tới).