Hoàng Dũng: Những chuyện ít biết về một “ông trùm”

Hoàng Dũng không kiệm lời nhưng cũng chẳng khoa trương dù ông vẫn luôn là một “đỉnh núi” khó vượt đối với nhiều thế hệ diễn viên. Dường như, giữa Hoàng Dũng và Phan Quân vẫn luôn tồn tại những điểm tương đồng đặc biệt.

HIỆU ỨNG “ĂN THEO”

– Kể từ khi “Người phán xử” lên sóng, có vẻ như cuộc sống của ông trở nên tất bật hơn. Sau một thời gian dài vắng bóng trên màn ảnh hay các sàn diễn, sự kiện, bỗng dưng, công chúng thấy ông “đắt show” hơn hẳn và cũng đa năng hơn hẳn. Không chỉ đóng phim, quay quảng cáo, làm các cuộc thi, nghệ sỹ Hoàng Dũng còn làm MC, khách mời của các sự kiện…

NSND Hoàng Dũng: Bạn nói đúng! Năm vừa qua, tôi xuất hiện nhiều hơn trước khán giả, hay nói nôm na là tôi chạy show nhiều hơn. Bộ phim “Người phán xử” tạo được hiệu ứng tốt, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cả công chúng và giới chuyên môn. Các diễn viên trong phim theo đó cũng được khán giả biết đến nhiều hơn, nổi tiếng hơn.

hoangdung1-1518145811-100
“Ông trùm” Phan Quân và con trai Phan Hải trong phim “Người phán xử”

Tuy nhiên, việc tôi xuất hiện nhiều hơn không có nghĩa là tôi cố “ăn theo” hiệu ứng của phim và nhân vật “ông trùm” trong đó. Mặc dù, tất nhiên, hiệu ứng tích cực từ bộ phim nói chung và vai Phan Quân nói riêng là điều không thể phủ nhận. Mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Năm 2017, tôi đã là một cụ hưu! Khi gia nhập câu lạc bộ hưu trí rồi, đương nhiên, tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn và có thể chủ động thu xếp công việc của bản thân.

Nói vậy không có nghĩa là với cái gì tôi cũng gật đầu. Tôi vẫn phải cân nhắc rất cẩn thận trước khi nhận lời tham gia bất cứ chương trình, sự kiện nào. Với những hoạt động mang tính xã hội cao (như thiện nguyện hay kêu gọi không săn bắn động vật hoang dã…), tôi luôn cố gắng thu xếp thời gian để góp sức.

Còn với những hợp đồng quay quảng cáo sản phẩm, tôi phải xem xét cẩn trọng, dù mức thù lao đối tác đưa ra không hề tệ. Ví dụ thế này nhé, ở tuổi tôi rồi mà nếu nhận lời quảng cáo các sản phẩm chức năng giúp tăng cường sinh lý thì dở tệ! Tôi sẽ tự biến mình thành trò hề, lố bịch.

– Nhìn vào tần suất xuất hiện của ông thời gian qua, có không ít ý kiến cho rằng, Hoàng Dũng đang tìm lại hào quang cũ sau một thời gian dài vắng bóng. Liệu rằng, điều này liệu có khiến một nghệ sỹ “lão làng” như ông chạnh lòng không, thưa ông?

NSND Hoàng Dũng: Nghệ sỹ là người “làm dâu trăm họ.” Chọn nghiệp này rồi, cuộc sống của chúng tôi cũng không tránh được những thị phi.

Đúng là từ khoảng năm 2011, 2012, tôi rất ít tham gia đóng phim hay nhận vai trong các vở kịch. Bởi, khi làm Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi bận quá. Ngày nào cũng có rất nhiều công việc cần giải quyết.

hoangdung9-1518146156-38
Nghệ sỹ Hoàng Dũng không kiệm lời nhưng cũng chẳng khoa trương dù ông vẫn luôn là một “đỉnh núi” khó vượt đối với nhiều thế hệ diễn viên.

Hơn nữa, tôi nghĩ, đó là lúc tôi phải lùi lại. Nếu với vai nào tôi cũng lao ra, nhận hết về mình thì lớp hậu sinh sẽ phải làm sao? Không được diễn, va đập trực tiếp nhiều thì làm sao các bạn ấy có thể trưởng thành?

Trong khoảng thời gian này, vẫn có nhiều đạo diễn đề nghị hợp tác, nhiều kịch bản gửi đến tôi; thậm chí, có những trường hợp, nhà sản xuất còn bảo, riêng chuyện cát-xê, họ đồng ý với tôi vô điều kiện, nghĩa là tôi muốn thế nào thì mọi chuyện sẽ diễn ra đúng như vậy. Thế nhưng, tôi vẫn từ chối. Lương tâm không cho phép mình làm những việc như vậy.

– Ấy vậy mà bỗng dưng, ông lại đồng ý “tái xuất” trong “Người phán xử”!

NSND Hoàng Dũng: Dù có là ông giám đốc, anh quản lý hay người thầy giáo trên bục giảng thì về bản chất, nguồn cội, tôi vẫn là một diễn viên! Quá nửa đời người gắn bó với sàn diễn, phim trường, “máu” nghề vẫn luôn chảy trong mình.

Tôi nhận lời tham gia “Người phán xử” vì thấy kịch bản thực sự ấn tượng. Ở ngưỡng tuổi như tôi rồi, diễn viên thường chỉ được mời vào những vai ông bố, bà mẹ với tính cách khá đơn giản, một chiều. Nhưng vai Phan Quân hoàn toàn khác. Đó là một nhân vật đa diện, gai góc và có diễn biến tâm lý phức tạp.

hoangdung1-1518147854-33
Diễn xuất ấn tượng của NSND Hoàng Dũng

Ngoài xã hội, Phan Quân là một ông trùm đầy quyền uy (có sức ảnh hưởng và chi phối cả một thế giới ngầm) núp bóng một doanh nhân thành đạt, giàu có. Trong gia đình, ông ta lại là một người chồng, người cha yêu thương vợ con với nhiều câu nói thể hiện một triết lý về gia đình rất đáng trọng như: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn những thứ khác, có hay không, không quan trọng” hay “Tiền chỉ là ảo ảnh; dù có là tỷ phú thì cũng không được tôn trọng nếu không biết tôn trọng cha mình.”

Ở góc độ nào đó, Phan Quân là một hình mẫu mà không phải ai muốn bắt chước hay vươn tới thì đều có thể làm được. Đặc biệt, ở góc độ con người, tôi khá nể trọng Phan Quân ở nhiều điểm. Có nhiều nét trong tính cách, lối hành xử của Phan Quân mà tôi luôn muốn học hỏi, hướng tới. Đó là sự thông minh, cương quyết và điềm tĩnh.

“NHƯ THẾ THÌ ‘ÁC’ QUÁ!”

– Bản thân tôi thì thấy, về điểm này, giữa ông và nhân vật Phan Quân khá giống nhau!

NSND Hoàng Dũng: (Cười) Đúng là trong cuộc sống và cả trong công việc, tôi cũng rất kiên quyết, dứt khoát và rạch ròi mọi việc.

– “Kiên quyết, dứt khoát” và cả “khó tính” nữa – tôi nghĩ như vậy mới đủ những mảnh ghép tính cách của nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng. Như có lần, chỉ một cảnh nhặt cuốn sách bị rơi dưới sàn lên và nói “Tất cả đã sai rồi”, tôi thấy ông yêu cầu một bạn sinh viên tập đi tập lại đến hàng chục lần. Ánh mắt nghiêm nghị, giọng vang vọng khắp phòng tập, cánh tay phải đưa lên quá đầu rồi từ từ hạ xuống, ông liên tục nhắc: “Chưa được, thấp giọng xuống, nói rõ ràng từng chữ một: ‘Tất cả đã sai rồi!’.”

NSND Hoàng Dũng: Tôi cầu toàn, khó tính không chỉ với bản thân mình mà còn với cả những vở diễn, diễn viên và học trò của mình. Tôi muốn mọi thứ phải chỉn chu hết mức có thể.

Tôi vẫn nói với học trò của mình, không thể đợi đến vai diễn thì mới đi kiếm tìm cảm xúc, rồi đến khi thất bại thì lại đổ thừa cho việc không có hứng. Cảm xúc phải được nuôi dưỡng hàng ngày. Một trong những cách rất hữu ích để nuôi dưỡng cảm xúc là đọc sách, đặc biệt là sách văn học. Chúng giúp mình sống chậm hơn, sâu hơn, đồng cảm với nhiều phận đời hơn.

hoangdung4-1518146791-5
Nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng trên sân khấu kịch

– Thế nhưng, với người làm nghệ thuật mà luôn quá rạch ròi mọi chuyện, lúc nào cũng để lý trí lấn át thì có vẻ không ổn, thưa ông?

NSND Hoàng Dũng: Sàn diễn là sàn diễn, còn cuộc đời là cuộc đời. Chúng ta không nên lẫn lộn hay cố tìm cách quy nạp, đánh đồng những điều đó; nhất là với những người từng đảm nhận vai trò lãnh đạo đơn vị như tôi.

Đã là con người không tránh được lúc nọ, lúc kia, không có ai toàn vẹn theo kiểu “mười phân vẹn mười” nhưng đôi khi, người ta hay nói quá lên hoặc cố dùng từ “cảm xúc”, “cảm tính” để biện hộ cho hành động của mình.

Ví dụ thế này nhé! Khi còn là Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi không bao giờ phản đối hay cấm đoán việc diễn viên của nhà hát đi đóng phim truyền hình, quay quảng cáo hay lồng tiếng, miễn là không làm ảnh hưởng đến tập thể, đảm bảo các yêu cầu công việc của nhà hát.

Tôi không coi đó là việc “chân ngoài dài hơn chân trong” hay đánh đồng nó với lối sống thực dụng. Tôi coi đó là việc làm thêm. Việc kiếm thêm thu nhập bằng chính công sức, năng lực của bản thân thì đâu có gì là xấu. Bởi suy cho cùng, nghệ sỹ thì cũng cần phải sống chứ!

Nếu lúc nào đầu óc họ cũng bị chi phối với nỗi lo “cơm-áo-gạo-tiền” thì làm sao có thể gắn bó và hết mình với nghề diễn. Tôi không thể đòi hỏi diễn viên tập vở miệt mài từ sáng sớm đến tối khuya chỉ với mức hỗ trợ, bồi dưỡng khoảng 100.000 đồng/ngày. Như thế thì “ác” quá!

Mặt khác, tôi lại đặc biệt không thích vì để bán được vé mà diễn viên của tôi lại phải đi năn nỉ chỗ này, mời chào chỗ kia hoặc thậm chí vác loa đến chỗ đông người quảng cáo, giới thiệu chương trình. Tôi đồng ý để các bạn làm thêm nhưng khi “đá sân ngoài” thì cũng phải đúng chức phận bởi, với tôi, việc đóng phim, tiểu phẩm… cũng là cách rèn kỹ năng diễn xuất.

hoangdung2-1518147085-25
Với NSND Hoàng Dũng, sân khấu luôn là thánh đường

– Có vẻ như ông hơi cực đoan trong vấn đề này. Nếu diễn viên có những mối quan hệ riêng để bán được vé thì cũng tốt chứ, để khán giả đến rạp đông hơn, và biết đâu, khi xem rồi, họ thấy hay, họ sẽ tiếp tục quay trở lại?

NSND Hoàng Dũng: Nếu đến rạp đông mà người ta lại hờ hững không xem, ngồi lướt điện thoại hoặc ngủ gật thì sẽ tác động rất xấu đến tâm lý diễn viên trên sân khấu. Sân khấu là sự tương tác trực tiếp. Cứ như vậy, dần dần, diễn viên sẽ khó nhập tâm vào vai diễn và chai lỳ dần cảm xúc.

Hơn nữa, tôi vẫn cho rằng, không có đỉnh của vai diễn. Đêm nay bạn diễn tốt không có nghĩa là đêm mai bạn lại diễn hay. Bởi thế, nghệ sỹ phải chuyên tâm và tập trung cao độ.

Mỗi người có quan điểm làm nghề riêng. Tôi không đặt ra vấn đề phải diễn bằng bất cứ giá nào. Với tôi, thà ít khán giả thôi nhưng họ theo dõi một cách chăm chú còn hơn là ngồi kín rạp mà phần lớn tỏ thái độ ngao ngán. Có những đêm diễn của chúng tôi, chỉ có tám khán giả nhưng nhìn cách họ xem, chúng tôi vẫn rất ấm lòng. Đó là sự tôn trọng lẫn nhau.

– Thế nhưng, nói đi thì cũng phải nói lại, nhiều lúc, khán giả cũng kêu ca rằng, sân khấu chậm đổi mới nên không còn sức hút với họ.

NSND Hoàng Dũng: Đúng là thực trạng sân khấu phía Bắc những năm gần đây tồn tại nhiều vấn đề bất cập, ủ ê “ngủ đông” mãi chưa thức giấc. Đôi khi, người ta xây hội trường mà lại cứ tưởng đó là nhà hát. Nhà hát nghệ thuật có những đòi hỏi riêng về âm thanh, ánh sáng. Có đời thuở nào, ghế trong rạp hát lại làm thẳng hàng tăm tắp không? Như thế, người ngồi sau chỉ để xem đầu người ngồi trước thôi à? Ghế của nhà hát phải bố trí so le nhau.

Nhiều lúc, chính bản thân tôi cũng hoang mang, không hiểu khán giả bây giờ muốn gì, thích gì. Chính kịch thì bảo kém hấp dẫn, nặng nề, hài kịch thì cũng nhạt dần và có khi đã thành bão hòa.

hoangdung3-1518147894-72
Sự uy nghiêm và tin cậy ẩn sau vẻ ngoài lịch lãm. Đó là ấn tượng, cảm giác mà nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng mang đến cho người đối diện

Đúng là thời cuộc đã khác, thói quen xem kịch của người Hà Nội đã không còn. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi bây giờ, có quá nhiều hình thức, chương trình giải trí, nghệ thuật để người ta nhiều lựa chọn tùy theo nhu cầu, sở thích của bản thân. Nếu có đáng trách thì là một bộ phận khán giả, chưa từng một lần bước chân tới nhà hát, xem hết một vở diễn nhưng lại cứ “a dua” theo đám đông, kêu thật to: “Tôi quay lưng vì sân khấu chán quá!”

– Nếu nói như vậy thì không lẽ, chúng ta cứ để mọi thứ “ủ ê” thế này?

NSND Hoàng Dũng: Không! Các đoàn, nhà hát vẫn đang nỗ lực để kéo khán giả tới rạp đấy chứ; chỉ là mỗi đơn vị có một cách làm riêng.

Khi còn làm giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi vẫn kiên quyết phải giữ bằng được hình ảnh, thương hiệu của nhà hát bằng những vở chính kịch giàu tính nhân văn; để khi nhắc đến kịch Hà Nội là người ta nhớ đến những vở diễn đầy tình người.

Quan điểm làm nghề của tôi là, phải giữ bằng được cái hồn cốt, hương vị truyền thống đó. Nếu ăn phở Bắc truyền thống mà lại cho thêm quá nhiều rau thơm hay các loại gia vị mới thì không hợp, sẽ làm mất vị.

Phở Bắc và hủ tiếu Nam Vang, làm sao có thể khẳng định cái nào ngon hơn cái nào? Nếu ai trả lời được thuyết phục câu hỏi này thì tôi cũng sẽ khẳng định được, chính kịch và hài kịch, cái nào hay hơn! Mỗi món có hương vị riêng và có đối tượng thưởng thức riêng. Tôi không chê hay so sánh các loại hình với nhau nhưng khi đã chọn con đường nào thì phải kiên trì, bền bỉ nếu muốn có “chất” và “màu” riêng.

– Cảm ơn những chia sẻ của nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng!

hoangdunga-1518147529-42
NSND Hoàng Dũng vào vai Bá Nhỡ trong vở kịch “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”

From the same category