Phan Anh – những người đàn ông và… di sản để lại
Phan Anh viết: “Sự tử tế như danh hào Mark Twain đã nói, đó là thứ ngôn ngữ người điếc có thể nghe và người mù có thể đọc. Còn nếu ai không nghe và đọc được, có lẽ, họ không phải là người” – Điều này cả bốn ông bố của “Bố ơi! Mình đi đâu thế..”: Trần Lực, Hoàng Bách, Anh Khang đều quyết giữ lại như là di sản họ dành tặng con mình.
Chúng tôi gặp họ để nghe những chia sẻ về câu chuyện ấy!
– Bốn người các anh: Trần Lực – Anh Khang – Hoàng Bách và Phan Anh – thấy mình có gì chung sau khi tham gia “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” mà lại gắn kết với nhau lâu như vậy?
– Lúc đầu cũng bốn ông bốn góc, vì chúng tôi mỗi người một lĩnh vực với chỗ đứng khác nhau và cá tính khác nhau. Nhưng rồi kết nối lại thì mình thấy bọn mình đều là những gã đàn ông trân trọng nhau. Và càng về sau, tôi càng thấy chúng tôi có sự nể phục dành cho nhau. Đàn ông có được sự nể nhau khó lắm.
Hoàng Bách và con trai – Tê Giác
– Anh có thể chia sẻ hình dung của mình trước và sau khi hiểu rồi trở thành anh – em với ba ông bố còn lại?
– Trong bốn anh, tôi thân với anh Khang trước vì có cơ hội làm việc với nhau nhiều. Anh Khang công việc thì kỹ tính, nhưng ngoài đời lành và hiền lắm. Còn lại sự bỡ ngỡ là dành cho anh Trần Lực và Phan Anh.
Trước đây tôi tưởng tượng anh Trần Lực khác – một gã cũ kỹ, trong đầu tôi nghĩ – thời của các ông qua lâu rồi, chắc là chậm tiêu lắm đây… Nhưng gặp ông ấy là hết hồn, vì ông ấy cập nhật hơn mình gấp nhiều lần. Ông ấy chơi Facebook xoành xoành, điện thoại đổi liên tục, xe cộ rất am tường – toàn chơi những thứ mình mê, mà toàn trên mình một bậc. Kể cả âm thanh, ông ấy am tường và chơi rất oách. Ông ấy đánh đàn cũng oách luôn, lại còn hát hay nữa (cười).
Rồi khi nói chuyện với nhau, tôi nhận ra ông anh này có rất nhiều thứ để mình học. Một người đã trải qua đủ biến cố, rồi tự quẳng mình vào đủ nơi, đủ thứ chuyện nhưng luôn giữ được cho bản thân phong thái ung dung và cách nhìn tươi tắn về tất cả mọi thứ bằng con mắt hóm hỉnh. Anh Lực vừa giỏi, vừa khôn, vừa đàn anh, tôi thực sự rất nể.
Còn Phan Anh, trước tôi từng có nhiều dịp làm việc cùng, chủ yếu trên phương diện MC và ca sĩ, thậm chí một vài show diễn tôi và Phan Anh còn có trục trặc với nhau, nên khi gặp, có sự tôn trọng dành cho nhau, nhưng kết thân thì tôi nghĩ chắc khó lắm. Tôi tự phán xét và đưa ra định kiến sẵn như vậy. Chưa kể tôi rất ghét đàn ông đỏm dáng (cười) và hơi kỹ tính.
Hoàng Bách và gia đình hạnh phúc của mình
Nhưng tiếp xúc sâu hơn, tôi thấy Phan Anh giỏi. Sau chuyến đi đầu tiên trở về, tôi nói với vợ ngay: “Anh phải thay đổi cách nhìn về cậu Phan Anh này em ạ”. Tôi rất ít khi gặp một người nào đó khiến mình nể phục về tầm tư duy, khả năng phân tích, đánh giá tình hình và chuẩn bị mọi thứ. Phan Anh – một người vừa khôn khéo vừa có tư chất, đã khiến tôi nghĩ mình phải thay đổi suy nghĩ, nhưng trong đầu vẫn chưa thuần phục hoàn toàn. Về sau này tôi mới hiểu, cả hai chúng tôi đều chung cung hoàng đạo là Sư Tử, mà hai con sư sử đực không bao giờ gặp nhau mà ưng ngay nhau cả (cười).
Giờ đây, thời cơ hai anh có thêm cơ hội để hiểu biết về nhau đã đến rất nhiều để tôi thấy cậu này là bạn được. Cậu ấy là người chân thành trong vẻ ngoài khéo miệng (cười).
Chúng tôi gặp nhau khi tất cả đã là những gã trai bước qua tuổi 30 nên không dễ thân thiết như thời trẻ. Nhưng chúng tôi đã bước qua những rào cản đó để sống với nhau chân tình. Giờ đây mỗi lần gia đình tôi và anh Khang ra Hà Nội hay hai gia đình Phan Anh, anh Lực vào Sài Gòn, chúng tôi đều hội ngộ.
– Trẻ con là lý do các anh gặp gỡ và gắn kết. Anh có nghĩ trẻ con là lý do khiến các ông bố thay đổi?
– Con là điều quyết định để chúng tôi phải show những điều tử tế, nuôi dưỡng những điều tử tế. Cho dù tôi tin trong mỗi người đàn ông cơ bản đều có sự tể tế, nhưng khi người đàn ông quyết định đưa chuyện tử tế ra như một câu chuyện của đời mình, nó mang tính định hướng dành cho con rất nhiều. Có lẽ chúng tôi đều mong ước cho con có một một cuộc đời tử tế nên thấy cần thiết phải thể hiện và lan truyền điều đó.
Tôi tin sự tử tế là một việc phải được rèn luyện. Tử tế có trong mỗi người như một cái mầm cây, nếu rèn luyện thường xuyên nó sẽ thành thói quen: sống một cách tử tế, làm việc một cách tử tế, đối xử với nhau một cách tử tế, nếu không tập luyện nó sẽ mai một. Chuyện đơn giản như đi đường – tôi thỉnh thoảng bị thổi phạt bởi các cảnh sát giao thông nhưng đa phần được thể tất. Nếu tận dụng sự nổi tiếng của mình, tôi có thể lạm dụng điều đó, nhưng nghĩ đến con, tôi không cho phép mình làm như vậy nên luôn tự điều chỉnh hành vi của bản thân. Tôi làm mọi việc để trở thành tấm gương: làm đúng, nghĩ đúng… cho mình và cho con.
Vì thế, những việc Phan Anh làm gần đây thực sự khiến tôi lay động. Tôi thực sự cảm phục người bạn của mình. Cậu ấy có tư chất, có tấm lòng và cách để nhân rộng hạt giống tâm hồn cho mọi người, để nhiều người được đánh thức điều tốt đẹp bên trong. Chính bản thân tôi cũng giật mình.
– Anh đã tham gia cùng Phan Anh thế nào trong công việc ủng hộ đồng bào vùng lũ vừa qua?
– Tôi chỉ tham gia được 1/3 hành trình với Phan Anh, chủ yếu hỗ trợ về mặt tinh thần là chính. Nhưng hình ảnh và tinh thần mình mang tới cùng những người bạn, với đầu tàu là Phan Anh theo mình nó rất cần thiết, tạo ra sức mạnh để xã hội nhìn thấy Phan Anh không lẻ loi. Phan Anh đã không lẻ loi cả về sức lực, tài chính trong suốt chặng đường. Và tôi muốn con một ngày nào đó khi được xem facebook hay đọc báo, nó sẽ hiểu được một điều quan trọng: khi làm việc tốt, mình sẽ không lẻ loi.
Xã hội hiện tại khiến rất nhiều người sợ lên tiếng tẩy chay cái xấu vì họ sợ lẻ loi. Nhưng qua chuyện Phan Anh làm mọi người đã đồng ý với nhau rằng, người tốt vẫn nhiều hơn kẻ xấu, họ được củng cố niềm tin rằng, khi làm điều tốt, mình không cô đơn.
– Anh nhìn nhận thế nào về các khái niệm: “đánh bóng” và “trách nhiệm đàn ông” trong câu chuyện của Phan Anh?
– Phan Anh không làm việc này để củng cố tên tuổi, vì cát sê của cậu ấy chắc chắn bây giờ đã rất cao, cậu ấy cũng rất nhiều show. Chỉ cần chăm chỉ làm việc là cậu ấy có rất nhiều tiền. Nhưng Phan Anh đã gác lại mọi việc để làm việc đã làm. Tôi tin Phan Anh dù chẳng ai giao nhiệm vụ nhưng vẫn thấy nhân rộng lòng tốt là một trách nhiệm. Kiếm tiền nuôi con tốt đã rất hay, nhưng có lẽ là chưa đủ trách nhiệm của người đàn ông với xã hội. Chúng tôi cũng như Phan Anh, muốn dạy con trai trách nhiệm với xã hội.
Gần đây tôi đọc được một câu chuyện ở đâu đó rằng, môi trường sống cũng quan trọng như những điều mình đang làm. Con người không thể hạnh phúc nếu môi trường sống xung quanh không hạnh phúc. Cách lên tiếng bằng hành động như Phan Anh là một cách cải tạo môi trường sống. Một người chỉ biết giữ sự sạch sẽ cho ngôi nhà mình, bỏ mặc đường phố, bầu trời, thì con của họ đó vẫn phải hít thở bầu không khí ô nhiễm mà anh ta không góp phần giữ nó trong sạch.
– Vậy về những viên đá đã ném vào Phan Anh – ở ngày đầu tiên trong chiến dịch này, anh nghĩ cần đến bao nhiêu lòng bao dung với họ?
– Tôi nghĩ có những người mà công việc của họ là ném đá, nhưng tôi thích câu hát này: “Lúc tim em ngừng đập, quê hương nhớ hoài đó em”. Cuộc đời mỗi người hữu hạn lắm, nếu mình thêm một lời tử tế, đời mình được lời thêm một điều tử tế, mình thêm một lời mạt sát, đời mình lỗ một lời tử tế và thêm một lời mạt sát. Vậy mỗi người chọn thái độ sống ra sao sẽ nhận được về mình điều tương ứng. Tôi không đủ khả năng và trách nhiệm để dạy sống cho người khác, tôi chỉ tin rồi ai cũng đến lúc trái tim ngừng đập, bản thân sẽ biết mình đã đáng sống một cuộc đời tử tế hay phí hoài cuộc đời bởi những ganh ghét, thù hằn.
Với tôi, những việc Phan Anh đã làm là đáng ngưỡng mộ và cần được nhân rộng.
– Các anh đã nói gì với Phan Anh trong lúc dư luận bên ngoài có những lúc chưa hẳn đứng về phía anh ấy?
– Chúng tôi luôn sát cánh với Phan Anh ngay từ bước đầu tiên khi Phan Anh trở thành người được công chúng đặc biệt chú ý. Tôi sống trong nghề này đủ lâu để biết cái gì là thực chất, cái gì là chiêu trò. Khi xác nhận việc này là thực, tôi bốc máy gọi cho Phan Anh và nói: “Chú cứ yên tâm, anh luôn ở bên cạnh”. Đôi khi tôi viết: “Chú Phan Anh, chú nhớ nhé, tôi luôn tự hào và sát cánh cùng chú”. Anh Trần Lực cũng viết cho Phan Anh trên Facebook những dòng động viên. Đó là những việc chúng tôi có thể dành cho nhau khi không thể gặp gỡ. Đàn ông rất khó khen nhau, nhưng khi đã hiểu phục nhau rồi, chuyện đó trở nên đơn giản.
Chúng tôi đều hiểu, nếu mình không lên tiếng cho những điều thuộc về chân lý, điều phi lý sẽ lên ngôi, vì nghĩ thế mà mình cần lên tiếng, chứ chúng tôi đều hiểu nhau rồi. Ủng hộ chân lý cũng là một cách đánh trả điều phi lý. Im lặng với cái xấu đôi lúc là đồng lõa với nó. Cách người dân yêu quý Phan Anh, chứng tỏ một điều, trong lòng nhân dân, cái tâm tốt vẫn là số đông.
– Cảm ơn những chia sẻ của anh Hoàng Bách!
Bài: Hải Khôi
Ảnh: Nhân vật cung cấp