Hoàn hảo hay giả hoàn hảo? - Tạp chí Đẹp

Hoàn hảo hay giả hoàn hảo?

Sống
Hôm nay Lam rời cơ quan sớm hơn mọi ngày. Rẽ qua chợ mua đồ ăn, Lam
nhớ sớm nay chồng xuýt xoa kể với con trai về món chân giò
nấu giả cầy, điệu bộ rất thèm.
Không chỉ chuyện ăn uống mà hầu như trong mọi chuyện, Lam đều khiến người bạn đời của mình hơn cả “cầu được, ước thấy”.

Người vợ hoàn hảo

Với Lam, việc chăm sóc gia đình, nấu những bữa ăn ngon, trang trí nhà cửa không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm vui, thậm chí là lẽ sống. Sao lại không tự hào khi chính đôi tay thiếu nữ được bố mẹ nuông chiều giờ có thể dựng lên cả một ngôi nhà và đôi vai mảnh dẻ nhường ấy có thể gánh trên vai hàng gánh lo toan. Với Lam, người phụ nữ vì gia đình thì ngoài việc cơ quan, mỗi sớm mai thức dậy đã phải tính được hôm nay ăn gì bữa sớm – trưa – chiều – tối, con mặc gì tới trường, nhà cửa cần lau, quần áo cho máy giặt… Bà mẹ của ba đứa trẻ xinh ngoan lo chu đáo cho cả nhà từ đỉnh đầu đến gót chân, “abcd” thứ việc không tên, không đầu, không cuối.

Mọi người nhìn chị chỉ biết ngưỡng mộ: một họa sĩ có tài, có sắc; một người vợ, người mẹ không có điểm nào để chê khi tự tay chị chuẩn bị quần áo tươm tất, nấu nướng cả ba bữa sáng, trưa, tối mỗi ngày cho cả nhà. Chị còn có tài kinh doanh và trang hoàng nhà cửa: từ may rèm, drap, gối đến trồng cây, trồng hoa, vun vén cho tổ ấm hạnh phúc cả về vật chất lẫn tinh thần…

Gia đình hoàn hảo?

Sống cùng với người phụ nữ như thế, chắc không còn gì để mơ? Và gia đình chắc cũng sẽ hoàn hảo, vẹn tròn? Vậy mà thực tế lại khác – một mái ấm hoàn hảo tưởng sẽ rất gần nhưng lại xa và nhiều ngả vòng vèo mà không phải ai cũng tìm được đúng lối. Với Lam – người vẹn toàn cho tổ ấm – vậy mà cũng có lúc cảm thấy “gia đinh hạnh phúc” như một lâu đài phía ngoài tráng lệ do chính chị dựng lên rồi giam cầm mình trong ấy, giấu bao nỗi niềm không dễ sẻ chia.

“Một nửa” của chị lấy được “người vợ hoàn hảo” – thời gian đầu tràn ngập hạnh phúc, tự hào với bạn bè, đồng nghiệp. Vợ xinh, ngoan, giỏi, đảm đang, chiều chồng như vua cơ mà! Cuộc sống êm ái cứ thế trôi qua như dòng nước êm, vậy mà càng trôi lại càng gặp dòng xoáy, không vững sẽ chìm.

Từ thượng cổ, đàn bà sinh ra đã mang bổn phận của cách sống vun vén, tồn tại phía sau. Do đó, sự hoàn hảo là một biểu hiện sống tự nhiên, bản năng và họ hoàn toàn thoải mái, dễ chịu trong cái điều ấy. Nhưng trái lại, đàn ông mang bản năng dịch chuyển, ở vị trí tiên phong săn bắn, hái lượm và chinh phục. Do đó, trạng thái “đứng im” đối với họ là không tự nhiên. Chuyện nhà Lam cũng thế! Khi trạng thái đứng yên trong sự êm ả diễn ra một thời gian dài, chồng chị bắt đầu có sự “dịch chuyển”. Anh trở nên “hướng ngoại” và muốn tìm sự mới mẻ. Đôi mắt anh bắt đầu thờ ơ với vợ, với tổ ấm của chính mình. Rồi anh bỏ bê vợ thực sự, tâm trí chỉ hướng theo bóng hồng mới gặp và sự nghiệp của riêng anh.

Chị – cũng như mọi người vợ trên trái đất này – bị sốc và tổn thương cùng cực trước sự đổi thay của người bạn đời. Mình chăm sóc anh ấy như thế, mình như thế, như thế… mà anh ấy lại có thể coi mình chẳng ra gì. Mình có thua kém ai đâu cơ chứ! Và như bông hoa nở đến cạn lòng, chị tưởng chừng tuyệt vọng khi mọi cố gắng đều như gặp đá tảng.

Lỗi tại hoàn hảo?

Người đàn ông của Lam đã chán mọi sự hoàn hảo? Không đâu, bản thân sự hoàn hảo chẳng có tội gì. Làm gì có ai chán sự hoàn hảo, cái điều mang lại cho người phụ nữ những thiệt thòi vì phải gồng mình chứng tỏ nhưng lại mang đến cho đàn ông quá nhiều ưu đãi. Có lẽ đơn giản vì anh thấy quá yên tâm về vợ. Những ưu điểm của chị, thậm chí cả cái sự ngoan, khiến anh nghĩ vợ mình sẽ ở yên mãi đấy thôi, làm một “con trâu tốt” trong nhà hầu hạ bố con anh. Và cái lâu đài cô ấy dựng lên, cô ấy đi đâu được.

Lâu nay, việc gì Lam cũng quán xuyến, khiến vai trò đàn ông trong gia đinh của anh trở nên mờ nhạt. Cũng bởi vì anh lười không làm, nói nhiều cũng mệt nên Lam chủ động làm cho xong. Lâu dần, anh thành lười vận động và ỷ lại hoàn toàn. Và rồi, cái sự lâu không dịch chuyển ấy làm anh nhàm chán. Sống lâu trong cảm giác được chiều chuộng cũng như nằm trên tấm chăn êm mát, chẳng phải nghĩ gì, chẳng phải mất công thì vợ cũng ở đấy thôi, cun cút tận tụy.

Có ai chinh phục một bà vợ bao giờ, nên rồi cả những lời âu yếm cũng không còn. Một vòng ôm thật chặt khi vợ gặp khó khăn trong công việc ở cơ quan, khi ốm đau, mỏi mệt cũng hiếm hoi, cũng không cần thiết – bởi vợ bản lĩnh, cứng cỏi thế cơ mà, kém gì mình đâu.

Rồi những ánh mắt, những lời khen cho chiếc váy thêu hoa mới,… mọi thứ cứ rơi dần, từng chút một, từng chút. Vợ mình mà, lúc nào chả đẹp, cần gì phải khen!

Cuối cùng thì một người vì hy sinh mà quên mất bản thân mình, quên cái tôi của mình, dâng tặng nó, phơi bày nó hết đến không có gì cần chinh phục hay cần tò mò, khám phá. Một người được nhiều quá đến thành no nê bội thực, đến quên mất mình cần phải làm gì. Và trong cái sự nhàn rỗi ấy, cảm giác bình yên đến làm anh thấy trống trải, chả có việc gì, chả có gì cần lo. Anh nghĩ mình nên thử tí tẹo cái trò chơi ái tình, chắc sẽ không sao, thêm vào một chút cho thỏa tò mò. Vợ biết đâu mà sợ…

Sau này, khi những thăng trầm đã qua, anh mới thú thực với chị là có lúc anh biết vợ giận, nhưng tại anh chỉ nói bâng quơ mà chiều về đã thấy mùi giả cầy thơm lừng góc bếp, anh lại chủ quan nghĩ chắc vợ giận linh tinh thôi, không có gì quan trọng, chị vẫn chiều anh thế cơ mà. Ngay cả lúc giận đến cùng cực, chị vẫn có thể cư xử “hoàn hảo” như thế với chồng, nhưng chính điều này lại gây tác dụng ngược, khiến “hoàn hảo” trở nên có tội. Do đó, điều đáng nói không phải việc người phụ nữ nên sống hoàn hảo hay không hoàn hảo. Bản thân sự hoàn hảo là quá tuyệt. Cái chính là người đàn ông có cần sự hoàn hảo ấy không? Họ có thích hoàn hảo đến như thế?

Và… hoàn hảo đến cay nghiệt!

Chuyện của chị Hải Liên, tay bút sắc sảo của một tờ báo nổi tiếng – lại là một “bi kịch” khác, khi sự hoàn hảo có ở cả hai phía.

Năm 26 tuổi, chị đang có người yêu thì gặp anh. Ngay lập tức, chị quên hết những gì trước đó, dù lúc ấy cả hai đều không có chút ý nghĩ là sẽ yêu nhau. Người đàn ông xuất hiện bất ngờ là bạn thân của người bạn lâu năm của chị.

Sau một tuần đi nghỉ hè cùng nhau, chị và anh bắt đầu yêu nhau trong khi cả bọn đang giúp anh đi tán tỉnh một cô gái khác. Người đàn ông của chị – cho đến giờ, chia tay đã 18 năm – chị đã gặp và yêu vài người sau đó, đã quen thân nhiều người giỏi giang, nổi tiếng, xuất chúng ở nhiều lĩnh vực nhưng vẫn chưa thấy ai hút cả nam lẫn nữ, có hào quang, nhanh trí và thú vị như chồng cũ của mình.

Chính anh là sự hoàn hảo thú vị đến cay nghiệt đối với phụ nữ! Chị không hề tự tin trước anh, dù được yêu.

Lớn hơn anh ba tuổi. Hình thức to béo, không đẹp – không phải mẫu hình anh yêu thích – chị mong manh trong ý nghĩ có thể giữ được tình yêu này, cứ yêu và sống đến chừng nào hay chừng đó. Có lẽ vì suy nghĩ thế nên chị sống hồn nhiên, hết mình và sự tinh nghịch, cộng với vài điểm chung như nghe nhạc, vẽ vời, chụp ảnh, thích thiên nhiên khiến chị và anh ngày càng gắn bó, được bạn bè xung quanh ngưỡng mộ.

Hai năm đầu, họ sống cách nhau gần 200 cây số. Chỉ thứ Bảy, Chủ nhật anh mới đến thăm, rồi hai người đi du lịch hoặc cắm trại. Thời đó, anh chị là một đôi cực hiếm hoi ở đất nước ấy có xe ôtô, đi học ở một trường đại học danh tiếng mà không có sinh viên Việt Nam nào học, có công việc ổn định trong một cơ quan thông tấn tại thủ đô. Chị thấy hãnh diện vì có anh. Nhưng chị không biết mình có được yêu thật sự không, dù anh chiều chuộng hết lòng. Phải đến lúc nghỉ phép ba tháng, về Việt Nam sau sáu năm xa nhà, chị mới biết mình được yêu đến mức nào.

Ba tháng gián đoạn đường bay không thể quay lại Tiệp theo đúng thời gian dự định, chị nhận được một cú phone từ cậu “đàn em” của anh: “Chị khẩn cấp tìm cách mua vé trở về gấp – anh ấy bắt đầu không bình tĩnh nữa rồi, tụi em sợ lắm”. Tin này khiến chị rất vui thích và tìm cách mua vé để trở lại ngay. Nhưng rồi, lúc sự gắn bó sâu hơn một bậc cũng là lúc anh thay đổi. Tại sao một người đàn ông tri thức, trẻ hơn chị, đẹp, tài năng, quyền lực và có tiền – là mơ ước của nhiều cô gái Việt lẫn ngoại quốc, bỗng nhiên lại không tự tin trước tình yêu? Anh ghen với bất cứ ai chào đón chị than thiết. Chị ngày càng sợ hãi, ý tứ thì hình như càng được nâng niu, chiều chuộng hơn, nhưng cũng hay bị những cơn cáu giận vô lý của anh ập đến bất ngờ hơn. Càng cố nâng niu, chiều chuộng anh thật lãng mạn, đúng sai không cãi, không to tiếng, chị càng bị cáu gắt.

Sau mỗi lần làm chị buồn, anh đều biết mình cáu giận vô lý và ngay hôm sau anh có thể bỏ học, bỏ làm đưa chị đi du lịch ở một nơi nào đấy. Mọi việc với anh lúc ấy chẳng có điều gì hơn là làm chị vui.

Gần như anh không muốn xa chị một ngày. Anh thích ở gần chị, xem chị làm việc nhà; học và thi anh cũng muốn chị ở bên. Đi làm việc ngoại giao ở những nơi quan trọng của nhà nước, anh cũng muốn chị có mặt. Anh luôn muốn bạn bè ở trường học và cơ quan biết vợ mình. Anh mua máy may, mua len, mua vải, mua sách về để chị học cắt may, đan lát từ áo len đến thảm làm quà cho khách quý nhân dịp quan trọng. Anh mời khách về nhà ăn uống chứ không mời ra nhà hàng. Và chị đã học mọi quy định về tiếp khách ngoại giao để giữ uy tín cho chồng. Chị gần như không được sống cuộc đời theo ý mình chỉ vì được tin cậy quá, đề cao quá và yêu quá, nên chị tránh không phản kháng bất cứ điều gì, dù nhỏ nhất. Tuy nhiên, điều này lại khiến anh khó chịu và ngày càng căng thẳng.

Có lần anh quá thô lỗ, chị khóc trước mặt, định bỏ đi, thì anh ngăn lại: “Tại sao em lại khinh tôi? Tại sao em biết tôi sai, tôi vô lý mà không nói lại, mà chịu đựng?”. Chị sợ to tiếng. Chị yêu sự thú vị lãng mạn của cuộc tình này, yêu cả tính liều lĩnh giang hồ của anh, và chị cần sự bất ngờ tài trí của anh ấy hơn cần một sự êm đềm thông thường.

Gồng mình hoàn hảo

Rồi đến ngày về Việt Nam. Có vẻ như tình yêu càng lớn thì họ lại càng xa nhau. Chị gần như không biết xoay xở thế nào trước cuộc sống vất vả khi mới trở về. Trong khi đó, anh vẫn luôn muốn chị là người “hoàn hảo”: quán xuyến mọi việc trong nhà, “kể cả mẹ anh cũng không thể so sánh khoản nấu ăn giỏi với em”, dù gia đình anh là gia đình trí thức, quyền quý lâu đời ở Hà Nội.

Chính vì lẽ đó, chị mệt mỏi sức lực và tinh thần như muốn gục xuống nhưng càng phải nhẹ nhàng cho anh biết chị yêu thương anh đến mức nào… Rồi những thăng trầm ập đến, khiến anh và chị cứ xa dần, xa dần, cho đến ngày anh bất ngờ có người mới – “để em biết là không phải tôi không có khả năng có người khác”.
– Anh có yêu cô ấy không?
– Anh không thể yêu ai như em.
– Vậy anh cứ suy nghĩ nhé. Nếu không thực sự yêu thì đừng làm cô ấy khổ. Vì phụ nữ mà gặp anh là yêu lắm.
Chị biết cuộc tình của chị đa kết thúc. Dù chỉ nghĩ là mất anh ấy thôi, chị đa thấy cuộc đời rất vô vị.
Chị trở thành người đàn bà hoàn hảo trong mắt chồng do biết mình không hoàn hảo và không hoàn hảo ở điểm nào.

Chị chiều chuộng và nhịn nhục ngay cả khi anh cố tình làm sai xem phản ứng của chị. Sau này anh bảo: “Em không yêu tôi mà coi tôi như con nít”. Chị mệt mỏi và anh cũng mệt mỏi. Phải đến lúc mất nhau, họ mới thấy cuộc sống tình yêu của mỗi người từ đó chấm dứt. Họ không còn biết yêu và không có một tình yêu mạo hiểm, phiêu lưu, lãng mạn nhưng mạnh mẽ và chia sẻ như khi còn bên nhau nữa.

Rồi chị có cuộc tình thứ 2, thứ 3, thứ 4… Chị nhận ra rằng:
Không ai nói trước được điều gì trong tình yêu.
Không có định mức tiêu chuẩn gì khi yêu.
Không có kinh nghiệm gì cả, dù có trải qua 10 lần hay 20 lần chồng – vợ trong đời.
Cũng không thể nói được việc hiểu hay không hiểu bản thân là tốt hay không tốt.
Ai biết được đúng – sai khi mình không phải là người kia.
Tránh lỗi này nhưng khi gặp người sau có gì giống người trước đâu.
Và không có đề bài nào cho người đàn bà hay đàn ông hoàn hảo.

Hôn nhân hoàn hảo không phải là bạn có gì, tiêu chuẩn với bao nhiêu cái gạch đầu dòng về trình độ, địa vị, tiền bạc… mà quan trọng là người này có cái gì mà người kia cần, hợp với nhau. Khi sống chung, mọi cái gạch đầu dòng đều ở bên ngoài hết. Con đường hạnh phúc là một con đường gian nan, nhất là khi mình thực sự trân trọng và muốn nó. Để đi trên con đường đó, chỉ tình cảm là chưa đủ mà phải có vô vàn kỹ năng. Đừng đặt ra câu hỏi cuộc sống cần sự hoàn hảo hay không hoàn hảo.

Phải khẳng định là sự hoàn hảo không những cần thiết mà nếu có thể thành người hoàn hảo để tạo nên một cuộc sống hoàn hảo thì đó là điều đáng mơ ước. Có chăng là làm sao cho sự hoàn hảo ấy không phải là chiếc áo rộng không vừa. Và nếu có lúc nào đó tình yêu ra đi, cũng đừng nên đặt câu hỏi có phải vì bạn hay người bạn đời của mình quá hoàn hảo? Tình yêu không phải là điều bất biến, nhiều khi nó hết chẳng vì một điều gì. Mà chuyện tình yêu thì hàng trăm lối – đó lại là một câu chuyện khác rồi…


Bài: Đỗ Hương Mai Hoa


Thực hiện: depweb

11/10/2010, 15:59