Hoài cổ - giữ hiện tượng hay níu tinh thần? - Tạp chí Đẹp

Hoài cổ – giữ hiện tượng hay níu tinh thần?

Review
Có thể thấy, hoài cổ là một xu hướng có thật ở xã hội Việt Nam hiện tại: nhiều người theo đuổi phong cách thời trang vintage, những hàng quán thiết kế theo không gian xưa, sách vở cũng kể nhiều câu chuyện quá khứ với giọng nuối tiếc, thậm chí mới đây có một đôi uyên ương đã tổ chức đám cưới theo kiểu của những năm 80.  

Những người thực hiện chuyên đề “Hoài cổ” rất mong qua chùm bài này, một câu hỏi sẽ được trả lời: hoài cổ là nuối tiếc quá khứ, là lý tưởng hóa thời gian đã qua, là chỉ chọn những vẻ đẹp ở thời đại đó để tưởng nhớ, hay chính là thái độ gìn giữ, trân trọng những vẻ đẹp sắp bị mai một dần?  
Tổ chức: Đinh Phương Linh  

Bài liên quan:  
Ai mua hoài cổ không?
– Hoài cổ – giữ hiện tượng hay níu tinh thần?
Cô dâu Dương Anh Xuân: Tôi còn “chơi trội” hơn nhiều ấy chứ

– Nguyễn Trần Bạt: Hoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên


Lỗ Tấn nói: “Cái bánh bao ngày xưa bao giờ cũng to hơn cái bánh bao bây giờ” – để mô tả cái tâm lý luôn hoài tiếc quá khứ của mỗi người. 

Nhưng thật ra, ông Lỗ Tấn hiểu hơn ai hết rằng cái bánh bao ngày xưa dù có to, nó cũng chứa đầy bất cập của ngày xưa, ví dụ như chính ông viết rằng cái bánh bao ấy được đem để chấm máu người chết, làm thuốc chữa bệnh. Cuối cùng thì nên nhìn về ngày xưa với thái độ nào thì thỏa đáng?

Chúng tôi, khi bắt đầu manh nha ý tưởng về một chuyên đề “Hoài cổ” cũng không thể biết rằng hóa ra cái tâm lý ấy cũng có nhiều loại.

bao cấp

Kiến trúc ở chuỗi nhà hàng 1946 ở Nghi Tàm

Một nhà hàng gần Hồ Tây tái hiện không gian thời bao cấp và những món ăn của thời đại ấy. Một nhà hàng khác, cách đấy chẳng xa lắm, nằm ở đường Nghi Tàm, to lớn hơn nhiều lần, có ông chủ cũng là người hoài cổ nhưng lại chối mô tả bất kỳ thời đại cụ thể nào: ông chỉ kinh doanh những món ăn truyền thống, trong một không gian mang những nét kiến trúc của cả thời thuộc địa lẫn phong kiến.

Người chủ thứ nhất mong muốn mô tả lại những hiện tượng xã hội – tỉ mẩn xếp vào cửa hàng từ cái tem phiếu cho đến cái mũ cối, xe đạp Phượng Hoàng, cả viên gạch xếp hàng – khiến không gian trong quán mang vẻ cũ kỹ đặc biệt.

Người chủ thứ hai không quan tâm đến hiện tượng, ông chỉ muốn lưu giữ lại một tinh thần tươi đẹp nào đó của quá khứ. Quán của ông, dù mang những hoa văn kiến trúc của một thời đại khác, nhưng vẫn sạch bóng và đầy vẻ sang trọng. Các món ăn truyền thống toàn đặc sản, kỳ công từ nguyên liệu trở đi.

hoài cổ

Bàn ăn tận dụng từ chân máy khâu cũ ở Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37

Người chủ thứ hai cho rằng một cái quán tái hiện y hệt thời bao cấp chẳng qua là một cái sân khấu để khách đến đấy trở thành những diễn viên. Ông phủ nhận hoàn toàn thời kỳ này. “Tại sao phải xào dưa với tóp mỡ? Khổ thì mới phải thế” – ông hỏi – “Dưa xào với thịt bò ngon hơn chứ. Các cụ từ xa xưa đã nghĩ ra bao nhiêu món ăn ngon tại sao phải ăn khổ thế”.

Tất nhiên ông chủ thứ hai là một nhà kinh doanh đầy lý tính. Nhưng cái đẹp lại là quan niệm của mỗi người. Những người chơi xe cổ sẽ không thích khi ai đó nói rằng chiếc xe chạy lọc xọc và han gỉ của họ không thể đẹp bằng một siêu mô tô Kawasaki động cơ 1000cc. Họ càng không thể chấp nhận được cách mô tả rằng họ chỉ là những diễn viên đang đi trên một đạo cụ của một thời quá khứ.

Dưa với tóp mỡ, đúng là kết quả của một thời đói kém thật, nhưng nếu có ai đó nói rằng nó ngon, thì có thể là họ đang hoàn toàn nói thật.

Một góc ở Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37

Có ai đó tin rằng những kỷ vật của thời bao cấp thật sự đẹp đẽ thì sao? Thậm chí, nhiều độc giả sẽ ngạc nhiên: có những người tin rằng tinh thần của thời bao cấp cũng có nhiều đẹp đẽ.

Chúng tôi gặp một nghệ sỹ ưu tú sắp đến tuổi hưu, và ông nói với chúng tôi rằng cái thời ấy, ai cũng nghèo, nhưng không ai bị dày vò vì vật chất như bây giờ, nên người ta vẫn làm được nghệ thuật. Bây giờ thì đã hết. Nếu nhìn lại các thành quả nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực kể từ sau hội nhập, thì có khi ông đã đúng.

Có lẽ vấn đề là người ta gắn cái hiện tượng vật chất nào với hiện tượng tinh thần nào. Một ai đó sẽ gắn món dưa xào tóp mỡ với một thời sạch trong về tâm hồn. Một ai đó khác, sẽ gắn nó với cái nghèo cái đói. Bản thân ông Lỗ Tấn, lúc nói ra câu bánh bao ngày xưa to hơn, dường như cũng gắn nó với mùi thơm của bột mì. Khi viết truyện “Thuốc”, thì ông lại gắn nó với mùi tanh của máu.

Hóa ra, là ngay cả trong cách nhớ lại, con người ta cũng có thể chọn lựa. Năm tháng ấy đẹp hay xấu, là bột mì hay máu, tùy anh.

Hoặc không đẹp, không xấu, nhưng có rất nhiều người đi qua những năm tháng ấy rồi và nuôi trong mình một niềm tự hào âm thầm rằng mình là người có trải nghiệm. Họ đến những quán hàng như thế, nói về những chuyện như thế, sưu tập những đồ như thế để tô rõ cái nhận thức về bản thân. Ở đâu đó, sẽ có một người đứng tuổi bảo lứa con em: “Biết cái gì về thời đấy mà nói!”. “Thời đấy thì khổ bỏ xừ ra có gì mà tự hào” – người thanh niên lầm bầm. Ôi cái niềm tự hào rằng ta đã sống, đã trải nghiệm, nó phù phiếm nhưng to lớn lắm.

Tất nhiên, thỉnh thoảng cũng có những người thực sự có nhu cầu làm diễn viên, khám phá và trải nghiệm thứ gì đó khang khác. Chuyện này cũng bình thường.

Bài và ảnh: Đức Hoàng

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Cứ mỗi ngày trôi qua, lại có vài trăm loài động vật tuyệt chủng trên Trái đất. Và bất cứ thứ gì cũng có thể rơi vào tình trạng tuyệt chủng hàng loạt như thế, khi hệ sinh thái của chúng thay đổi. Ví dụ, như một môn nghệ thuật.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

01/01/2014, 20:32