“Hoá thân” của Kafka: Một câu chuyện cảm động và đau lòng

“Hoá thân”, hay “Lâu đài”, “Vụ án” là các tác phẩm của nhà văn Kafka đã được nhắc đến quá nhiều. Vị trí của Kafka trong văn học thế kỷ 20 đã là chủ đề không cần tranh cãi.

Tuy vậy, để đi sâu khám phá chân dung nhà văn này quả thật không đơn giản. Theo cảm nhận chủ quan của người viết, “Hoá thân” là cánh cửa dễ dàng nhất. Đây cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của Kafka, một tác phẩm giản dị, ngắn gọn và rất có sức mạnh.

Điều đặc biệt là mỗi người đọc “Hóa thân” đều có thể có một lý giải riêng của bản thân về câu chuyện được kể, vì đây là một ấn dụ tuyệt vời.

Hoá thân (Metamorphosis) là từ được viết lần đầu tiên bởi nhà thơ người La Mã Publius Ovidius Naso về sự biến đổi của những vị thần, những vị bán thần và những người hùng trong truyện thần thoại Hy Lạp. Có lẽ Kafka muốn thể hiện sự tha hoá của con người hiện đại? Rằng nếu một người trở nên vô dụng với mọi người, thì anh ta cũng chẳng quan tâm đến chính bản thân mình nữa?

Câu truyện bắt đầu vào một buổi sáng, Gregor tỉnh dậy và thấy mình biến thành một con côn trùng. Đoạn mở đầu trực diện, thẳng thắn và mạnh mẽ này của “Hoá thân” được trích dẫn rất nhiều, có lẽ vì sự choáng váng mà nó gây cho người đọc về sự lố bịch và phi lý của đời sống: 

“Một sáng tỉnh giấc sau những giấc mơ xáo động, Gregor Samsa, nằm trên giường, nhận thấy mình đã biến thành một con côn trùng khổng lồ**. Anh nằm ngửa trên cái lưng rắn như thể được bọc giáp sắt, và khi dợm nhấc đầu lên, anh nhìn thấy bụng mình khum tròn, nâu bóng, phân chia làm nhiều đốt cong cứng đờ; tấm chăn bông đắp trên bụng đã bị xô lệch, gần tuột hẳn. Chân anh nhiều ra, mảnh khảnh đến thảm hại so với phần còn lại của thân hình to đùng, vung vẩy bất lực trước mắt anh”.

Trong toàn bộ truyện “Hoá thân” không có lời giải thích hay manh mối nào có thể chỉ ra vì sao Gregor biến thành một con côn trùng. Với một mở đầu vừa thú vị vừa bí ẩn, Kafka đột ngột đưa ra một cái nhìn rộng và sâu về đời sống. Rằng có khi nào con người đã sống cuộc đời họ không phải như một con người, mà là một con côn trùng. Rằng dù đã dành toàn bộ nỗ lực và năng lượng của mình để mang lại hạnh phúc cho gia đình, con người vẫn sẽ chịu đau đớn và tổn thương bởi những con người mà họ yêu.

Gregor trước đây là lao động chính trong gia đình. Ngay những ý nghĩ đầu tiên của buổi sáng hôm ấy, khi bị biến thành một con côn trùng, Gregor không hề bận tâm vì sao. Kể từ đó về sau, anh vẫn suy nghĩ và hành xử như một con người, một thành viên của gia đình, anh cô đơn và lạc lõng tại nơi thân quen và an toàn nhất của mình, rồi chết trong sự quên lãng với tình yêu và sự dày vò vì mình vô dụng.

Dù cuốn sách được kể rất trung dung, nhưng người viết bài lại thấy đây là một câu chuyện thực sự cảm động và đau lòng. Đọc về Gregor cũng nhắc nhớ chúng ta tới nhân vật Winston Smith của George Orwell trong “1984”, một trí thức lớn lên từ cô nhi viện, người đã viết trong nhật ký của mình: “Tội nhận thức không dẫn tới cái chết. Tội nhận thức là chết”. Cũng giống như “Hoá thân”, đây là một cuốn sách có thể mang lại cảm giác sợ hãi, khi sự nhận thức đã chạm tới bản chất.

Cái kết, dù bi kịch với Gregor, nhưng có lẽ lại mở ra hy vọng mới cho gia đình Samsa. Đến cuối truyện, có lẽ người đọc cũng nhận ra: sự hóa thân thực sự có lẽ không phải đã diễn ra với Gregor, dù anh biến thành một con côn trùng khổng lồ. Sự hóa thân thực sự là với những người trong gia đình anh: ông bố ghê tởm anh, bà mẹ vừa thương anh vừa sợ ông bố, cô em thực dụng và dễ thay đổi. Tất cả những con người yếu đuối và từng lệ thuộc vào anh trước kia, giờ đã trở nên mạnh mẽ, tươi tắn và độc lập. Và họ không cần đến sự tồn tại của anh.

Và cuộc sống sẽ vẫn cứ như thế cho đến khi kết thúc. Còn “Hoá thân”, dù rất ngắn, nhưng những vấn đề đặt ra trong câu truyện thì thực sự rất hệ trọng.

Bài: Hoa Đường


logo
 

*: Người ta gọi Kafka là thần tượng của những thần tượng. Tác giả Nhật Haruki Murakami đã lấy tên của Kafka để đặt biệt danh cho nhân vật chính trong tiểu thuyết “Kafka bên bờ biển” của ông nhằm vinh danh nhà văn này. Nhà văn Vladimir Nabokov, tác giả của “Lolita” cũng có những bài giảng rất hay về tác phẩm này của Kafka. 

**: Wikipedia có hẳn một trang lý giải về việc tại sao Kafka không gọi rõ tên con côn trùng mà Gregor hóa thân thành, cũng như nói về các lớp nghĩa của câu chuyện.


From the same category