Họa sĩ Thành Phong: "Hôn nhân không quan trọng bằng tình yêu" - Tạp chí Đẹp

Họa sĩ Thành Phong: “Hôn nhân không quan trọng bằng tình yêu”

Sao

Nhân vật của Đối thoại lần này là cặp vợ chồng nghệ sĩ trẻ Trần Thu Hằng (Hằng Doll) và họa sĩ Thành Phong (Phong Ronin).

Hằng Doll: “Yêu nhau thì không cần được công nhận”

Hằng Doll và Phong Ronin: “Chống lại hôn nhân mà… vẫn phải kết hôn”

Cặp vợ chồng nghệ sĩ này đã có thời gian gắn bó tới 7 năm trước khi quyết định đi tới hôn nhân. Một người chủ trương tình yêu mới là quan trọng, một người cho rằng không cần kết hôn để chứng tỏ tình yêu. Vậy
mà rốt cuộc, họ vẫn cưới nhau và bắt đầu đối mặt với… rất nhiều chuyện thường thấy ở những cặp vợ chồng mới cưới.

“Truyện tranh không phải… con sâu đục khoét tâm hồn”

– Anh tự định hình mình là một họa sĩ, hay người vẽ minh họa?

– Thực ra công việc chính của tôi là vẽ truyện tranh và vẽ minh họa. Tôi nhìn nhận công việc này là một dòng nghệ thuật hơn là một việc mang tính chất thương mại. Đây là thái độ của tôi với công việc của mình.

Tranh trong ebook “Nghĩ trước khi bấm còi” của họa sĩ Thành Phong

– Vậy anh nghĩ, trong 5 năm tới, đánh giá về thành tựu, người ta sẽ nghĩ anh là…

– Thực ra, trong giai đoạn này, tôi thấy làm được những việc mình thực sự muốn và thấy thoải mái mới là điều quan trọng nhất. Tôi không nghĩ tới việc sau này người ta nhìn mình như thế nào, hay người ta nhắc tới mình với những thành tựu gì. Đó không phải là tiêu chí đánh giá của tôi.

– Vậy nếu tự đánh giá, anh thấy mình có thành tựu, thành công chủ yếu trong lĩnh vực nào? Sự ghi nhận của công chúng có đúng với mong muốn của anh không? Ví dụ như anh rất thích vẽ truyện tranh, nhưng người ta lại thích các tranh minh họa, tranh cổ động của anh chẳng hạn.

– Chuyện mình thích một đằng, người ta đánh giá cao một nẻo cũng là điểm thú vị. Thực ra tôi đầu tư cho truyện tranh như một sự nghiệp mà mình gắn bó lâu dài. Còn chuyện mọi người biết tới tôi nhiều hơn, ví dụ qua cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” hay “Phê như con tê tê” thì là kết quả ngoài dự kiến.

– Sau thành công đó, anh có suy nghĩ về việc thay đổi con đường của mình không? Chẳng hạn như chuyển hẳn sang hướng làm… “sát thủ”?

– Vẽ những tranh minh họa như trong cuốn sách đó là việc tôi đang làm hiện tại, còn tương lai thì chưa biết. Với tôi, nếu phải chọn giữa vẽ minh họa và vẽ truyện tranh thì tôi luôn ưu tiên cái thứ hai hơn. Còn thực tế, đúng là sau cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”, tôi được nhiều người biết tới hơn, nên thay đổi trong công việc là tôi được nhận nhiều dự án thiên về minh họa hơn.

– Vậy là những sản phẩm minh họa thực sự chỉ là phần thêm thắt cho sự nghiệp của anh?

– Không, sau cuốn đó, tôi cũng nhìn nhận nghiêm túc hơn về việc vẽ minh họa. Điều bắt buộc là khi làm một công việc gì đó mà muốn có kết quả như ý thì phải đầu tư cho nó, nghiêm túc hơn với nó.

Nguyễn Thành Phong sinh ngày 21 tháng 10 năm 1986 tại Hà Nội. Anh sinh ra trong một gia đình có bố là một họa sĩ điêu khắc và mẹ là một giáo viên dạy hội họa tại Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, dù có rất nhiều dự án được biết tới ở nước ngoài nhưng Thành Phong chỉ thực sự  nổi danh từ cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” (phụ đề: Thành ngữ sành điệu bằng tranh), xuất bản năm 2011, một cuốn sách tập hợp thành ngữ dân gian đương đại.

Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, Thành Phong trở lại với tập sách mang tên “Phê như con tê tê” và ebook “Nghĩ trước khi bấm còi” gồm 40 bức biếm họa về giao thông.

– Nhưng có một thực tế là dù anh có vẽ truyện tranh giỏi và nổi tiếng hơn đi nữa, thì thực sự đây vẫn là một lĩnh vực hẹp và ít được ghi nhận ở Việt Nam.

– Tôi biết điều đó. Hồi năm 2011, tôi được giải Nhất trong Liên hoan Truyện tranh châu Á, nhưng truyền thông lúc đó gần như không nhắc gì. Có lẽ một phần vì tôi không muốn tự nói ra, nhưng điều khác nữa là ảnh hưởng của truyện tranh với xã hội Việt Nam cũng không nhiều như tôi nghĩ.

– Không thích khoe, nhưng cứ lặng thầm làm việc như vậy, làm sao anh “bảo vệ” truyện tranh được?

– Thực ra khi còn trẻ hơn, tôi có những cái gọi là hoài bão lớn lao cũng được, tôi muốn thay đổi quan niệm về truyện tranh ở Việt Nam, truyện tranh hoàn toàn không phải là “con sâu đục khoét tâm hồn”. Tôi muốn truyện tranh Việt Nam được biết tới nhiều hơn, được tôn trọng hơn…

Nhưng khi thời gian qua đi, tôi nhận ra mình nên tập trung vào giá trị cốt lõi, chứ không phấn đấu vì những mục tiêu hết sức mơ hồ và bề ngoài. Tôi tự đào sâu thêm vào bản thân và khả năng sáng tác của mình hơn, đồng thời cũng chuyển hướng chỉ làm những thứ mà mình thực sự tâm huyết.

 

Tranh trong ebook “Nghĩ trước khi bấm còi” của họa sĩ Thành Phong 

– Quay lại chuyện… “sát thủ”, một cuốn sách vẽ minh họa hay có lẽ phải hay cả “ý” và “hình”. Về hình vẽ, đã có nhiều lời khen, nhưng còn nội dung, dường như chẳng có triết lý sâu sắc hay thông điệp xuyên suốt nào anh muốn truyền tải cả? 

– Thực ra thì cuốn đó như một dự án thử nghiệm hơn là một cuốn sách nghiêm túc và được đặt những tâm huyết lớn vào đó.

– Vậy sau khi làm “sát thủ”, anh đã đầu tư nghiêm túc vào các dự án chưa? Thông điệp của anh là gì, trong “Phê như con tê tê” hay ebook “Nghĩ trước khi bấm còi”?

– Triết lý trong công việc của tôi từ trước tới giờ vẫn chưa có gì nhiều cả, đơn thuần chỉ là nhận thức của mình về cuộc sống, xã hội, và tôi phản ánh điều đó trong tác phẩm thôi. Nếu gọi đó là thông điệp, thì thông qua tác phẩm, những điều đó tới với công chúng của tôi một cách tự nhiên.

 

Tranh trong ebook “Nghĩ trước khi bấm còi” của họa sĩ Thành Phong 

– Hầu hết trong các tranh minh họa của anh gần đây thường có sự mỉa mai, châm biếm xã hội. Những cái xấu trong xã hội là đối tượng để anh chống lại, để có cảm xúc sáng tác mãnh liệt hơn, hay là…

– Là cảm xúc tự nhiên của tôi ở giai đoạn đó thôi. Tất nhiên nó đã hình thành nên cảm hứng cho tôi, nhưng tôi không lựa chọn một đối tượng nào để mình lên án hay chống lại.

“Tình yêu quan trọng hơn hôn nhân”

– Cách anh trả lời phỏng vấn rất khác với những điều anh thể hiện trên tranh. Rõ ràng, tranh của anh thú vị, sáng tạo và hấp dẫn, có sự mỉa mai hóm hỉnh. Liệu anh có còn con người nào khác không?

– Thực ra trong bất cứ ai cũng có những mặt đối lập nhau, hoặc chí ít là khác biệt nhau. Người ta thường lựa chọn thể hiện ra tác phẩm một mặt nào đó, và lựa chọn đó mang tính thời điểm nhiều hơn. Có những điều khác không nhất thiết phải thể hiện trong tác phẩm.

Vợ chồng nghệ sĩ Thành Phong và Trần Thu Hằng

– Có thông tin anh vừa lập gia đình. Liệu việc kết hôn có ảnh hưởng tới phong cách và khả năng sáng tạo của anh không, ví dụ như anh phải lo gánh nặng kinh tế, hoặc áp lực khác chẳng hạn, mà truyện tranh, trong suy nghĩ của nhiều người thì khá… trẻ con và viển vông.

– Đúng là tôi gặp nhiều áp lực, tôi đã ý thức rõ ràng hơn về gánh nặng kinh tế, và nó cũng ảnh hưởng ít nhiều tới cách tôi sáng tác, tuy vậy, thời gian vẫn chưa đủ lâu để tôi nhận rõ sự thay đổi.

Nói chung, về mặt mong muốn, tôi không bao giờ mong mình thay đổi trong sáng tác chỉ vì vấn đề kinh tế, mà tôi cũng không thay đổi hoàn toàn vì mục đích kinh tế được. Về mặt cá nhân, tôi không nghĩ kinh tế quyết định mình sẽ vẽ gì. Nếu có vấn đề gì, tôi nghĩ do chính người sáng tạo chưa đủ độc lập với hoàn cảnh sống của họ.

Tác phẩm búp bê về Thành Phong-Thu Hằng của nghệ sĩ Trần Thu Hằng

– Muốn “độc lập với hoàn cảnh sống” thì người ta phải làm gì?

– Phải tách bạch chuyện sáng tạo với chuyện sống cuộc sống với nhau. Có thể người ta nghèo, hoặc giàu, có thể gặp chuyện này chuyện kia, nhưng không phải vì chuyện nghèo hay giàu, sướng hay khổ mà quyết định cách suy nghĩ về cuộc sống, về các vấn đề trong sáng tác, trong phong cách. Tôi cũng luôn hướng tư duy của mình theo cách đó.

– Vậy ngược lại, khi đã có vợ, khả năng sáng tạo của anh có được… tăng cường hơn không?

– Chắc chắn là như thế rồi (cười to). Tuy vậy, cũng tùy đối tượng, với người coi trọng chuyện lập gia đình thì người vợ sẽ là người mà họ phải đầu tư tình cảm, và ngược lại.

– Vậy anh có phải là người coi trọng chuyện kết hôn không?

– Không (cười to). Nếu phải chọn giữa hôn nhân và tình yêu, thì tôi thấy tình yêu quan trọng hơn.

– Xin cảm ơn anh!

Bài: Sữa Tử

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Bạn quan tâm tới đời sống showbiz thế giới và Việt Nam. Bạn có trong tay những thông tin chính xác mới nhất, “nóng” nhất về những người nổi tiếng? Bạn thích thú biên dịch các bài viết về “sao”, về thế giới văn hóa – nghệ thuật, về các sự kiện đình đám…? Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

31/07/2013, 11:07