Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Dù là tranh in độc bản hay lĩnh vực nào cũng vậy, quan trọng là phải “cháy” hết mình - Tạp chí Đẹp

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Dù là tranh in độc bản hay lĩnh vực nào cũng vậy, quan trọng là phải “cháy” hết mình

Women Empower Women

Từ logo Hội sinh viên Việt Nam (1998), Đại hội thi đua Toàn quốc (2001), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hay Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam (2010) đến mới đây là tranh cổ động “Asian is not coronavirus” được Hội đồng nghệ thuật Bắc Kinh đánh giá là tác phẩm xuất sắc trong Triển lãm Tranh cổ động Quốc tế với đề tài chống virus Corona chủng mới tại Chiết Giang (2020, Trung Quốc); họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong lĩnh vực thiết kế đồ họa. Nhưng điều chị khiến tôi khâm phục hơn cả chính là không ngừng học hỏi, mạnh dạn làm điều mình thích. Ví như chuyện chị dấn thân vào tranh in độc bản, một bộ môn còn quá mới mẻ với số đông người Việt.

Bằng việc thử sức ở các lĩnh vực mới lạ khác như thời trang in tranh hay gốm độc bản… khai phá tiềm năng chỉ là một phần, dốc lòng vì đam mê mới là điều quan trọng với chị hơn tất thảy.

Chị cùng tác phẩm “Connect” tại Workshop Nghệ thuật Quốc tế Một Hexian tươi đẹp tại Trung Quốc.
Sáng tạo trong tranh in độc bản là liên tục. Một giây sau đã khác một giây trước

Chính thức đến với tranh in độc bản từ tháng 6 năm rồi, chị bị thu hút bởi bộ môn này vì điều gì?

Điều thú vị nhất ở tranh in độc bản đối với tôi là khả năng sáng tạo không giới hạn, từ chất liệu đến cách thức thể hiện cũng như sử dụng những vật liệu đời thường làm vật gián tiếp nhận màu trước khi in lên giấy. Từ hoa lá cỏ cây, nilon, giấy gói quà, giấy ăn, vải… tất cả đều có thể sử dụng để tạo nên những trải nghiệm khác nhau, tùy thuộc vào cảm xúc sáng tạo của người nghệ sĩ. Sự ngẫu hứng cùng với khả năng nắm vững kỹ thuật sẽ tạo nên những tác phẩm tinh tế đến bất ngờ.

Đôi khi một tác phẩm con thỏ của học trò sau khi in được chị xoay chuyển và vẽ thêm thành một tác phẩm tĩnh vật; hay hai chú cá được chị hướng dẫn để học trò có thể biến hình thành một bình hoa đáng yêu… 

Trong số tất cả tranh vẽ của mình, nếu chỉ được chọn 1 để nói về kỷ niệm gắn liền hoặc quá trình sáng tạo đáng nhớ, chị sẽ chọn bức vẽ nào?

Có lẽ là bức “Chân dung”, tác phẩm đầu tiên trong trại sáng tác năm 2019. Điều đặc biệt là dù chỉ với chất liệu mực in và sơn cửa, nhưng khi hoàn thành thì bề mặt tranh lại rất gần với chất liệu sơn mài. Đó là điều bất ngờ đến kỳ diệu mà quá trình in độc bản tạo nên nhờ sự phối màu, hóa chất và kỹ thuật in.

Đâu là những khác biệt trong các tác phẩm của chị từ những ngày đầu làm quen với tranh in độc bản và của chị hiện tại?

Nếu trước đây, khi mới làm quen với tranh in độc bản, một số hiệu quả đặc biệt của tác phẩm là kết quả của may mắn thì bây giờ tôi đã làm chủ được về kỹ thuật in, dự liệu được kết quả của tác phẩm trên giấy trước và sau khi in. Một lợi thế nữa là khả năng xoay chuyển bố cục của bản vẽ trên mặt phẳng in để tạo nên các tác phẩm khác nhau.

Trong số các tác phẩm của chị, có 2 bức vẽ là “Chân dung” (2019) và “Phiêu ly” (2020) góp mặt trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Chị có thể chia sẻ một chút về 2 bức vẽ này không?

Như đã nói ở trên, “Chân dung” là tác phẩm đầu tay của tôi trong lĩnh vực in độc bản và vẻ đẹp của nó phần nào có yếu tố may mắn khi tôi tạo được một bề mặt in như sơn mài. Điều này mang lại được chất cảm của màu, sự rung động của gương mặt khắc họa, là điều mà đôi khi cố diễn tả cũng khó thành công.

“Chân dung” (2019) và “Phiêu ly” (2020)

Về phần “Phiêu ly”, vì không phải là chủ đề lợi thế nên phải đến gần ngày sắp thúc trại tôi mới hoàn thành. Tôi cảm thấy tâm đắc bởi dù tông màu không phải gam màu rực rỡ quen thuộc nhưng tôi tìm thấy ở tác phẩm này một tôi khác, sâu lắng hơn, trầm buồn hơn nhưng vẫn rất rung động và quyến rũ.

Biên độ sáng tạo của người họa sĩ trong tranh in độc bản là vô cùng lớn. Theo chị, đây có thể được xem vừa là lợi thế vừa là thách thức của người họa sĩ không, khi họ phải liên tục nới rộng và làm giàu sức sáng tạo của mình?

Đây thực sự là một lợi thế với khả năng biến hóa về màu, bố cục, chất liệu, kỹ thuật in để tạo nên các tác phẩm khác nhau trong một thời gian ngắn. Nhưng áp lực về thời gian là một thách thức, đặc biệt là khi tác phẩm làm ra phải được đẩy lên một tầm cao hơn, mang đến một tuyên ngôn về nghệ thuật. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải suy nghĩ rất lâu trước khi bắt tay vào thể hiện tác phẩm, nhưng đồng thời phải thay đổi rất nhanh điều mình đã nghĩ để bắt kịp cảm xúc và độ rung cảm ở thời điểm sáng tác.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy tại Trại sáng tác Tranh đồ họa độc bản do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vào tháng 5/2019.

Nhân đây, chị có thể chia sẻ về cách chị tìm kiếm và nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo của mình?

Đó là thiên nhiên và kho tàng kiến thức rộng mở từ Internet. Tranh in độc bản tuy mới được các họa sĩ Việt Nam tiếp cận vài năm gần đây nhưng là thể loại được khai thác và phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới. Bởi thế, xem và học các họa sĩ nước ngoài là cách mà tôi nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo. Học không có nghĩa là sao chép; học và phát triển, học và đổi mới, kết hợp các chất liệu màu và hóa chất mới với các vật liệu của thiên nhiên là con đường mà tôi đang đi. Tôi cũng là người ưa xê dịch, đam mê du lịch một mình. Đi và trải nghiệm không gian văn hóa ở những vùng đất xa lạ tặng cho tôi những điều mới mẻ và làm dày thêm khả năng sáng tạo.

Phụ nữ vẽ phụ nữ, như thể tự mình bước vào khám phá, mò mẫm, lật mở thế giới của chính mình

Chủ đề sáng tác nào là thế mạnh của chị?

Các trạng thái cảm xúc của người phụ nữ, những tình thái vui, buồn, giận hờn, quyến rũ, sang chảnh, điệu đà, bí hiểm… của đàn bà. Theo tôi, một người phụ nữ dù cố thể hiện mạnh mẽ đến dường nào thì cũng lại có thể ướt rượt như một con mèo nhỏ bên người đàn ông của mình, và ngược lại dù có yếu mềm đến mấy cũng lại có thể cứng cỏi và bạo liệt. Phụ nữ thực sự là một tuyệt tác của tạo hóa.

“Go Green” – tác phẩm tham dự Triển lãm Nghệ thuật Thị giác Quốc tế Euroamericana tại Cusco, Peru vào tháng 10/2019.

Về 2 bộ tranh lấy chủ đề là phụ nữ như “Tóc đỏ” (2019) và “Những cô nàng” (2020), chị có thể chia sẻ một chút về ý tưởng sáng tạo?

Tôi vẫn nhớ có một câu chuyện được kể như thế này. Ban đầu Thượng đế chỉ tạo ra Adam, nhưng Adam buồn quá mới xin với Thượng đế hãy tạo cho mình một người bạn đồng hành. Adam nói quá nhiều khiến một ngày Thượng đế mệt mỏi sai Thiên thần đi tìm Adam lấy mảnh xương sườn làm chất liệu tạo nên Eva. Thiên thần tìm Adam mãi không thấy, đúng lúc đó con quỷ chạy qua và trêu ghẹo làm Thiên thần bực tức đuổi theo. Kết quả là Thiên thần giật đứt khúc đuôi con quỷ và nói dối Thượng đế đó là xương sườn Adam. Bởi thế Eva đã được tạo ra, không phải từ xương sườn của Adam mà từ khúc đuôi của con quỷ, sự mệt mỏi của Thượng đế và sự dối trá của Thiên thần.

Phụ nữ phức tạp là thế và là nguồn cảm hứng vô tận của nghệ sĩ. Và càng tuyệt hơn khi là phụ nữ vẽ phụ nữ.

Tác phẩm “Tóc đỏ” (bên trái) và “Chân dung” (bên phải) tại Triển lãm Mỹ thuật Đồ họa, Điêu khắc, Mỹ thuật ứng dụng tại Hà Nội (2019).

Chị có gặp khó khăn gì trong quá trình theo đuổi công việc sáng tạo không?

Tôi không phải là một người học mỹ thuật một cách bài bản. Tôi học từ gia đình, từ sách và tự học. Ở trường Đại học, tôi dạy về Hành vi người tiêu dùng, Marketing, Xây dựng Thương hiệu. Thông qua việc sáng tạo bài giảng của mình bằng con mắt thẩm mỹ của người thiết kế và cái đầu lạnh hiểu khách hàng, tôi dạy cho học trò có được cái nhìn tổng quan về sáng tạo và hiểu cách sáng tạo sao cho phù hợp với với nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Giờ đây, khi dấn thân sâu hơn vào công việc sáng tạo, tôi càng phải học hỏi nhiều hơn, từ những người thầy, bạn bè, Internet và cả những người thợ giỏi, lành nghề trong những lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ.

Theo chị, đâu là những yếu tố tiên quyết giúp một người phụ nữ vượt lên những rào cản về giới để mạnh dạn đi đến cùng với niềm đam mê của mình?

Tôi cho rằng, tự chủ về tài chính là vô cùng quan trọng, khi người phụ nữ có thể nuôi sống bản thân và con cái bằng khả năng của họ, ở mức độ nào đó họ sẽ có tiếng nói để mạnh dạn đi đến cùng với đam mê. Thứ hai cũng cần phải bằng cách nào đó tìm được sự cân bằng giữa sở thích và những mối quan hệ khác; vì dù sao, nếu thiếu đi một bờ vai, một chỗ dựa tinh thần dù là của người đàn ông, hay những đứa con, hay bạn bè… thì phụ nữ cũng dễ yếu đuối, trống vắng và chơi vơi.

Họa sĩ Thu Thủy cùng tác phẩm “Lẻ loi” và “Xanh ngời” tại Triển lãm Cảm xúc Tháng sáu của nhóm 14 họa sĩ tham gia Trại sáng tác Tranh độc bản (6/2020) và tác phẩm “Memory” tại Triển lãm giao lưu Nghệ thuật Quốc tế tại Tokyo (11/2019).

Sau gốm và tranh in độc bản, chị có đang thử sức hoặc bị thu hút bởi một lĩnh vực sáng tạo nào khác không?

Tôi đang thử sức với lĩnh vực thiết kế thời trang, cụ thể là thời trang in tranh, trước mắt là tranh của gia đình, với thương hiệu Artsilk ra mắt tháng 10/2020. Mới đầu tôi giới thiệu 4 BST áo dài, một là “Hà Nội phố” lấy cảm hứng từ những bức tranh sơn dầu về Hà Nội từ những năm 60 của ông nội tôi, cố họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân; hai là “Hà Nội hoa” lấy cảm hứng từ những bức tranh hoa của Họa sĩ Nguyễn Mai Hương… ; tiếp đến là “Nàng” với cảm hứng từ bộ tranh in độc bản “Tóc đỏ” và bộ tranh acrylic “Những cô nàng”; và sau cùng là “Sắc màu” với những tác phẩm có phần trừu tượng hơn với sự tương phản về màu sắc và họa tiết.

Một số tác phẩm gốm mà chị Thu Thủy tâm đắc nhất.

Bên cạnh đó, tôi cũng đang nghiện gốm thủ công, làm bằng tay và độc bản. Đây là dòng gốm lấy cảm hứng từ cây cỏ, hoa lá, các chất liệu từ tự nhiên và mang hơi thở đương đại hơn, với những màu sắc, hình khối hiện đại, phá cách, bóp méo, biến thể nhiều trạng thái.

Nghệ sĩ nào đã truyền cảm hứng cho chị?

Không phải một mà tôi có 3 người thầy lớn. Một là bố tôi, họa sĩ Nguyễn Thủy Liên, tôi học thiết kế đồ họa từ ông. Hai là cô ruột tôi, họa sĩ Nguyễn Mai Hương, nhờ cô tôi có cơ hội được học tập, làm việc như một trợ lý nghệ thuật và học hỏi từ rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài có tên tuổi. Ba là họa sĩ Hoàng Nghĩa Hiệp, người thầy đã hướng dẫn tôi và nhiều họa sĩ khác trong 2 trại sáng tác tranh in độc bản của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Thầy là người đã thực sự đánh thức ngọn lửa sáng tạo trong chúng tôi.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị.

10s Q&A
Một nguyên tắc bất di bất dịch trong quá trình sáng tạo tranh in độc bản?
Không có từ “hỏng” trong tranh in độc bản. Quan trọng là dùng cách nào để biến cái chưa đạt yêu cầu ấy thành những tác phẩm nghệ thuật chạm đến cảm xúc người xem.
Với tư cách là một người họa sĩ, chị tự đặt cho mình những nguyên tắc nào?
Học, học nữa, học mãi và Làm, làm nữa, làm mãi.
Chị định nghĩa thành công của bản thân như thế nào?
Được làm điều mình yêu thích, được sống là chính mình, dồn nhiệt huyết cho đam mê nhưng vẫn cân bằng trong vai trò của một người vợ và một người mẹ.
1 quyển sách mà người yêu hội họa nên đọc?
“Câu chuyện nghệ thuật” (The story of Art)

Thực hiện: Huyền My Trương

24/12/2020, 14:58