Họa sĩ Lê Thiết Cương: Biệt thự cổ sập - sự thất bại của chính sách bảo tồn - Tạp chí Đẹp

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Biệt thự cổ sập – sự thất bại của chính sách bảo tồn

Sao

Việc sập ngôi nhà trong ngõ 107 Trần Hưng Đạo chỉ là sập ngôi nhà hữu hình, cái chính ở đây là “sập” cả cách nhìn lẫn chính sách bảo tồn cho những ngôi nhà cổ.

Một ngôi biệt thự sập, giữa hoang tàn đổ nát, làm cả Hà Nội nhất loạt giật mình. Thủ đô này còn bao nhiêu căn biệt thự đang ở trong tình trạng căn nhà 107 Trần Hưng Đạo, bao nhiêu căn nhà cổ trên “khu phố Hàng” đang rơi vào tình trạng nguy cấp? Không có câu trả lời, nhưng ai cũng biết thực trạng đó ra sao.

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Nhà bạn tôi cũng ở phố Trần Hưng Đạo, số nhà 42A – cả đại gia đình anh đang sống trong một căn biệt thự Pháp cổ được xây từ trước năm 1954 cho một gia đình ở. Sau năm 1954, nhà anh chuyển về, gia đình hạt nhân ngày xưa giờ đã trở thành một đại gia đình đông đúc. Căn biệt thự với số lượng phòng có hạn trước đây bị phá vỡ cấu trúc vì cơi nới cho nhiều căn hộ nhỏ sinh sống. Bây giờ, tôi không hình dung nó đã từng là một căn nhà rất đẹp.

Ngôi nhà bị sập mới đây ở Trần Hưng Đạo cũng bị phá vỡ cấu trúc theo cách đấy. Một căn nhà được xây cho một hộ gia đình giờ bị chia năm, xẻ bảy thành một “tổ dân phố” với bao nhiêu hộ dân sinh sống. Tôi nhiều lần tự hỏi, tại sao nhà nước không có chính sách giải tỏa, đền bù, di dời hợp lý để giữ lại những căn nhà này, như một di sản. Hoặc ít ra, có chính sách sửa chữa, nếu thấy đó không phải là căn biệt thự cần bảo tồn, để đảm bảo sự an toàn cho người dân.

Căn nhà số 107 sập, nó không còn là chuyện đổ một ngôi nhà. Sinh mạng của một người không còn chỉ là một câu chuyện tai nạn thương tâm, nó là hồi chuông cảnh báo, rằng sẽ còn nhiều những căn biệt thự cũ đang chuẩn bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chúng ta cũng còn rất nhiều khu tập thể được xây dựng từ thời bao cấp đến nay đang ở tình trạng “sống cố” nhiều năm. Nên tôi cho rằng, sẽ còn những sinh mạng vô tội khác phải chịu cảnh đau lòng như hôm nay, nếu không có chính sách cải tạo hợp lý. 

Cảnh tan hoang của ngôi biệt thự Pháp cổ bị sập ở 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội

Chuyện hôm nay tôi nói có thể không còn mới, là chuyện ai ai cũng nhìn thấy. Cá nhân tôi cho rằng, các căn nhà được xác định là cổ phải được đưa vào diện quy hoạch để bảo tồn, các căn không thuộc diện đó nhà nước cũng cần có biện pháp cải tạo để người dân có thể yên tâm sinh sống. Những ngôi biệt thự Pháp cổ cần phải có hẳn một chính sách phân loại từ lâu, để đưa vào quy hoạch chung bảo tồn cho thành phố. Trong suy nghĩ của tôi, kiến trúc là di sản, nếu chúng ta bỏ mặc di sản thì hậu quả sẽ mất nhiều hơn những gì chúng ta đã mất.

Nhân câu chuyện biệt thự cổ Hà Nội sập, tôi nhớ đến nhiều căn nhà cổ khác ở Hội An. Bây giờ ở đó đang là mùa mưa, ở đó cũng có bao căn nhà cần được quan tâm, chú ý, nếu không cũng sẽ rất nguy nan. Chúng ta có nhiều chính sách cho vấn đề di sản, nhưng thực hiện đến đâu, thực hiện ra sao thì chắc qua sự việc lần này đã có câu trả lời.

Tôi cho rằng, câu chuyện biệt thự cổ bị sập ở 107 Trần Hưng Đạo hôm nay chính là  một hồi chuông cảnh báo được rung lên để cả nước nghe thấy chứ không riêng gì Hà Nội.

Họa sĩ Lê Thiết Cương
Ảnh: Vietnam+
logo

Thực hiện: depweb

22/09/2015, 18:34