Ngày 28 tháng 10 này, hoạ sĩ Bùi Văn Tuất sẽ mang đến cao nguyên Đà Lạt chút không khí của núi rừng Đông Bắc Việt Nam qua triển lãm cá nhân “Nhìn lại”. Cuộc trò chuyện dưới đây là những chia sẻ của anh với công chúng xung quanh triển lãm sắp tới và hành trình sáng tạo của mình.
Xin chào anh Bùi Văn Tuất. Được biết “Nhìn lại” là triển lãm cá nhân thứ hai của anh, sau triển lãm đầu tiên tại Hà Nội năm 2018. Anh có thể chia sẻ về sự khác biệt giữa hai triển lãm này?
Triển lãm đầu tiên có tên gọi là “Tuổi thơ như thế”, tôi tập trung vào khung cảnh sinh hoạt của trẻ em, dàn trải khắp các tỉnh miền núi tôi đi qua, ngoài ra còn có cả ký ức tuổi thơ của tôi nữa. Còn lần này, chủ đề xoay quanh cảnh sắc, con người, những sinh hoạt đời thường,… tại Hà Giang. Tôi cảm thấy sự kì vĩ của núi rừng, sự đa dạng về sắc tộc ở đó như một chất gây nghiện vậy.
Liệu công chúng sẽ được thưởng thức những tác phẩm như thế nào ở triển lãm “Nhìn lại”?
Tôi sẽ trưng bày khoảng 40 bức tranh chân dung và cảnh sinh hoạt, với các kích thước khác nhau: bức lớn nhất là 170x400cm, bức nhỏ nhất là 35x30cm, còn lại là các bức với kích cỡ trung bình khoảng 55x73cm và 40x50cm. Tôi muốn chia sẻ với mọi người những ký ức về một vùng đất để lại nhiều ấn tượng với tôi nhất. Hy vọng rằng buổi gặp gỡ này sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho khán giả.
Với triển lãm “Nhìn lại”, anh đang hồi tưởng lại tuổi thơ của mình, hay khám phá ý tưởng mới cho tương lai?
Chúng ta thường hay nhìn lại khi muốn kiểm điểm bản thân, hoặc chỉ đơn giản là cho đỡ nhớ. Tôi nhớ những nơi tôi đi qua, những người tôi đã gặp, đặc biệt là lũ trẻ. Khi tôi vẽ chúng lần đầu, có những đứa trẻ mới chỉ 2-3 tuổi, thế mà lần sau gặp, chúng đã lớn rồi, thậm chí còn có con. Thực tế đó khiến tôi rơi vào một cảm giác khó tả, gần như mất mát vì đã bỏ lỡ một giai đoạn quan trọng của những nhân vật mình vẽ.
“Nhìn lại” cũng là sự để tiếp nối những gì còn dang dở trong “Tuổi thơ như thế”, và cũng để đánh dấu một sự kết thúc. Điều này với tôi không phải là đoạn tuyệt, mà là để đi tiếp và vỡ ra một con đường mới cho mình.
Anh đã từng chia sẻ rằng không gian núi rừng cùng con người ở đó đã gắn bó với anh như máu thịt, vậy nếu đi con đường mới, anh đành lòng bỏ lại những điều này sao?
Không phải bỏ lại. Tôi sẽ vẫn gặp lại những con người đó, cảnh sắc đó, không khí đó, nhưng theo một cách khác. Như câu chuyện về những đứa trẻ rồi cũng phải lớn lên, thì câu chuyện nghệ thuật của tôi cũng vậy – cũng phải trưởng thành và sâu sắc hơn. Con đường mới ấy như thế nào thì tôi xin phép tạm thời giữ riêng cho mình.
Anh luôn dành nhiều ưu ái cho trẻ con. Nhưng ở độ tuổi hiếu động, biểu cảm của chúng thay đổi liên tục, chứ không có cái tĩnh như ở người lớn, Vậy làm thế nào mà anh nắm bắt được thần thái của chúng?
Cái khó cũng đồng thời là cái thú vị khi vẽ trẻ con nằm ở những biểu cảm thay đổi liên tục. Để vẽ được chúng thì phải hiểu chúng, mà để hiểu chúng thì không có cách nào khác ngoài chơi cùng chúng như một người bạn đồng trang lứa. Tôi yêu trẻ con. Tôi luôn thấy mình ở trong chúng nên việc làm thân rồi chơi đùa cùng trẻ con là điều rất dễ dàng. Tôi thường vẽ chúng ngay lúc đang trò chuyện, thong thả và dễ chịu như đang chơi với con tôi vậy.
Mảng phong cảnh cũng là đề tài rất được đón nhận trong tranh của anh. Có nhiều người nhận xét rằng, chúng gợi nhắc họ về kí ức, về một nơi chốn mà họ đã xa quá lâu rồi. Liệu anh có bất ngờ khi khán giả đồng cảm như vậy không?
Tôi chỉ vẽ những gì thân thuộc với tôi, đó chính là những lát cắt trong cuộc sống sinh hoạt đời thường ở nông thôn. Tôi nghĩ kí ức của tôi cũng là kí ức của nhiều người, nhiều thế hệ, thế nên tôi không ngạc nhiên trước những nhận xét như vậy. Nhưng tôi cảm động vì nghệ thuật của mình đã chạm tới khán giả, chứng tỏ đâu đó giữa tác giả và công chúng đã có những mảnh ghép cảm xúc vừa vặn với nhau. Tôi cũng mong triển lãm “Nhìn lại” sẽ tạo nên được hiệu ứng tương tự như thế.
Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị!
Địa chỉ: Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa, 2 Đường Lê Lai, Phường 5, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng.
Thời gian: 28/10/2023 – 28/12/2023.