Vùng Grasse nổi tiếng với Jasminum Grandiflorum L (hoa nhài Tây Ban Nha) – loài hoa có cánh lớn, thường được ghép trên thân cây Jasminum Vulgare hay Jasminum Officinale (giống hoa nhài nhỏ, chịu được sương giá). Mùi thơm của hoa nhài vùng Grasse tươi mát, có mùi trái cây (fruity) và trong sáng hơn (ít gây liên tưởng đến cơ thể (animalic) – đặc tính của các loại hoa trắng) so với hoa nhài từ các vùng khác như Ý, Ai Cập hay Ma Rốc. Sản lượng hoa nhài của Grasse ngày càng sụt giảm; hiện nay, mỗi năm nông dân ở đây chỉ thu hoạch được vài tấn hoa (trong khi năm 1925 sản lượng là 1000 tấn), và là một phần rất nhỏ trong sản lượng hoa nhài thế giới. Phải mất 600kg hoa mới thu được 1kg tinh dầu absolute, loại tinh dầu chiết xuất bằng chất dung môi (phân biệt với loại tinh dầu essential chiết xuất thông qua quá trình chưng cất). Nếu tinh dầu hoa nhài được coi là một trong những hương liệu đắt giá nhất của ngành pha chế nước hoa thì tinh dầu hoa nhài vùng Grasse là thứ nguyên liệu quý hiếm nhất trong số này, với giá từ 20 đến 30 ngàn euro cho 1kg.
Các loại nước hoa thuộc dòng Les Exclusifs của Chanel
Hedione là ví dụ nổi tiếng nhất hay được nhắc đến mỗi khi nói về tác dụng kỳ diệu của các hóa chất tổng hợp. Nhưng thực ra, ngay từ thế kỷ 19 ngành chế tạo nước hoa đã dùng hóa chất thay thế hoặc kết hợp với tinh dầu hoa tự nhiên để tạo ra mùi hương như ý. Ví dụ, chất Heliotropin (được phát hiện vào năm 1869) có thể làm bạn thỏa mãn nhu cầu sở hữu mùi thơm ngọt vị vanila pha caramel quyến rũ của hoa vòi voi (Heliotrope). Tuy không tìm thấy chất Heliotropin trong chính loài hoa bụi có nguồn gốc từ Peru này, nhưng nó lại có trong quả vanila tự nhiên (dù chỉ với một tỷ lệ nhỏ). Và nếu ngửi thấy mùi hoa mimosa trong nước hoa của mình, thì theo Luca Turin – đồng tác giả của cuốn cẩm nang về nước hoa “Perfumes, the A-Z guide”, cũng rất có khả năng bạn đang “đọc vị” chất Heliotropin. Ngoài Heliotropin còn có Ionones – loại hóa chất được phát hiện vào năm 1893 và được Luca Turin xem như một phát minh gây chấn động địa cầu của các nhà hóa học. Ionones vừa có hương gỗ (woody), vừa thơm mùi hoa quả tươi (fruity) – hai tính chất vốn dĩ như “mặt trăng, mặt trời”, thường không thể cùng tồn tại. Phân tử này đã giúp giảm giá thành nước hoa hương violet (mùi hương yêu thích của bà hoàng Marie Antoinette) đến “hàng triệu lần” và nhờ đó mà châu Âu vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tràn ngập mùi hoa violet.
Knowing (Estée Lauder)
Ngoài hoa nhài, hoa hồng cũng là một hương hiệu cơ bản, đắt giá của ngành chế tạo nước hoa. Khó có thể tưởng tượng ra các loại nước hoa đậm đặc mùi hoa hồng và mọng nước quả tươi (fruity rose) đặc trưng cho thập kỷ 1980 nếu không có ba hợp chất mới được các nhà hóa học tổng hợp thành công khi đó. Đó là Damacenones, Damascones alpha (kết hợp mùi hoa hồng với mùi táo), Damascones beta (có thêm hương vị quả phúc bồn tử đen và mận) thuộc nhóm Rose Ketones có trong tinh dầu hoa hồng Bulgari (rosa damascena). Luca Turin viết rằng nước hoa cổ điển Knowing (Estée Lauder, năm 1988) “sáng bừng lên trong bóng tối”. Tania Sanchez gọi Paris của Yves Saint Laurent (năm 1983) là “quái vật thơm mùi hoa hồng”, cấm chỉ định với những không gian hẹp như trong thang máy. Nhiều người còn nói đùa rằng Poison – kiệt tác đậm hương hoa huệ của Christian Dior (năm 1985), thật sự là “liều thuốc độc” vì có quá nhiều Damascone trong thành phần, bởi hợp chất này cũng có khả năng gây dị ứng khi tiếp xúc ở nồng độ cao.
Nước hoa 1932 Chanel
Paris (Yves Saint Laurent)
Poison (Christian Dior)
Bài: Thành Lukasz