Họa mi Khánh Linh – Tôi muốn “thủy táng” nỗi buồn!

Linh vừa được mời đi Nhật, trong hơn 10 ngày chỉ chủ yếu chuyên tâm làm một việc: Ngắm anh đào đúng mùa hoa rộ. Vẻ mặt thảnh thơi và bừng sáng của người mới đi chơi và ngắm hoa về vì vậy dường như khiến Linh trở nên “lệch tông” với câu chuyện cô chia sẻ với Đẹp, về tiếng “họa mi hót trong mưa buồn lắm”, về một “cánh cửa vừa bị gió làm hỏng, dù có lúc đã muốn khép lòng và dù gió còn ở rất xa”…

Hôn nhân của tôi tạm thời là dấu phẩy

Nếu mỗi chuyến đi là một sự gột rửa, thì đó là gì?

Ở một nơi mà truyền thống và hiện đại luôn là những chân dung song hành – như hai mặt phẳng cùng đẩy nhau lên, nó sẽ khiến người ta cảm thấy trân trọng hơn tiếng nói của thời gian. Rằng, tất cả mọi điều trong cuộc sống, dù mới hay là cũ, đều đáng được nâng niu, trân trọng, khi ta biết tìm trong đó cái đáng giữ lại nhất.

Vậy cái nhìn đó tác động đến Linh thế, trước hết, trong công việc?

Tôi thấy tin hơn vào lựa chọn đang có của mình. Cả hai album tôi đang tính thực hiện đều là sự trở về với “mái nhà xưa”: những bản tình ca của Phạm Duy (hát cùng anh Tấn Minh) và những ca khúc nhạc đỏ có thể giúp người ta nhớ lại một thời lãng mạn tươi sáng chưa xa…

Tôi nhớ, trong cuộc phỏng vấn cách đây hai năm, lúc đó chị cũng mang gương mặt của một người hạnh phúc, khi nói về tổ ấm mới gây dựng, về cậu con trai hai tuổi luôn cho mẹ… “những lời khuyên đáng giá”, về một người chồng “có nghề phụ là… tắm cho con”… – “Thời lãng mạn tươi sáng chưa xa” đó của chị, tôi nghe nói, hình như vừa gặp phải một dấu chấm câu?

Đúng hơn, tạm thời lúc này thì nó là một dấu phẩy, mà không, có thể là một dấu cách (cách một khoảng chừng 2 – 3 nhịp gì đấy)…

Chị từng tự nhận chị là người “an toàn và cả nể” – điều đó làm nên những “dấu phẩy” sao?

Tôi thấy mình khá mâu thuẫn trong tính cách. Có lúc – đúng – tôi muốn được an toàn, dù là bằng sự cả nể với người khác, sự thỏa hiệp với chính mình. Đã cố gắng làm cho mọi việc vẻ như bình ổn, để được toàn tâm toàn ý hơn cho công việc. Có lúc, lại muốn tung hê tất cả, muốn gỡ tung, dỡ ra.

Nhưng rồi lại băn khoăn không biết mình có đúng không, mình có nên làm thế, đã phải lúc chưa… Phải vì tôi là người Bắc, là gái Hà Nội, lại đang còn trẻ, thì tôi đích thị là “chúa dùng dằng” không, giữa có và không, nên và đừng, đi và ở, bứt phá và thỏa hiệp… Hay đời sống, nói cho cùng, chính là sự thỏa hiệp. Thỏa hiệp trong ích kỷ!

Chị gọi tên hạnh phúc thế nào?

Có nhiều cách để lý giải, cũng như gọi tên hạnh phúc. Với tôi, hạnh phúc, đơn giản chỉ là tâm trạng của mình vui vẻ. Cái gọi là hạnh phúc thực sự, có khi không phải là hạnh phúc suốt đời, mà có thể chỉ cần là một khoảnh khắc… Ai thì cũng thế thôi, đến một lúc nào đấy đều phải biết sống cho mình. Điều này nghe ra thì vẻ như ích kỷ nhưng như người ta vẫn nói, mình phải biết yêu mình thì mới biết yêu người…

Vậy khi tâm trạng không được vui, người ta nên yêu mình bằng cách nào?

Khi gặp phải một điều gì đó không đúng như ý mình, và mình thất vọng, tôi thường đi xa đâu đấy vài ngày. Để khi quay về, mình không còn là một “mối nguy hiểm” với những người xung quanh nữa, không còn gây phiền toái…

Chắc phải học thêm trường “Hoàn Hảo”

Khi trở về, chị im lặng hay giải thích?

Nói chuyện một cách có văn hóa. Cách đó, tôi nghĩ sẽ không làm ai cảm thấy khó chịu.

Nhưng nếu giải pháp đơn giản chỉ là những “lá đơn xin nghỉ phép ngắn ngày” ấy, thì vì sao những dấu phẩy lại thành ra dấu cách?

Hôn nhân như nồi nước, đun đến 100 độ thì nó sôi, và là vừa đủ, nhưng quá nữa, thì sẽ bốc hơi. Sẽ bỏng. Mà sợ bỏng thì sẽ tìm cách tránh. Tránh mãi sao được!

Vậy trong cuộc này, chị là lửa hay là nước?

Tôi là nước, vì tôi bốc hơi. Nhưng có khi là do tự tôi bốc hơi, có khi là vì bị đun. Nói chung tôi là một khối mâu thuẫn: nóng tính thì kinh khủng mà nhẫn nại thì cũng vô cùng…

Chị nấu ăn thế nào?

Sau âm nhạc, hai thứ tôi thích nhất là chụp ảnh và nấu ăn. Sau mỗi trận cãi nhau, để xả stress, tôi thấy không gì công hiệu bằng xách làn đi chợ và vào bếp. Vì chỉ làm việc đó mình mới tập trung cao độ để tính sao cho cắt không vào tay, tra muối không bị mặn… Tập trung cao độ, nhưng lại không phải nghĩ gì cả. Nên quên được chuyện vừa xảy ra rất dễ dàng.

Đi xa, nấu ăn… rồi bây giờ là… hết cách?

Cũng có lúc, tôi chọn cách ngồi im. Ngồi im có thể nghĩ rất nhiều, nhưng cũng có thể, chẳng phải nghĩ gì cả.

Trong những cách của chị, lạ sao không phải là âm nhạc?

Âm nhạc vốn dĩ đã chi phối khá nhiều đời sống của tôi, tự nhiên đến nỗi không thể coi đó là một cách. Có những buổi sáng tự dưng thấy buồn vô hạn, tự dưng muốn được sống khác, chỉ vì trót nghe một bản nhạc. Lại cũng có lúc chỉ vì một bài hát, mà bỗng thấy yêu tất thảy mọi người.

Nếu có hai thứ trên đời để thủy chung thì với tôi, đó chính là âm nhạc và con mình. Tôi nhớ nhạc sĩ Phú Quang từng nói: “Mẹ là người đàn bà đầu tiên và duy nhất”, thì với tôi, cũng vậy, chắc chắn rồi: “Con trai là người đàn ông duy nhất và cần mình nhất”.

Sự thủy chung, tôi e là không có trong tình yêu, mà đơn giản, nó chỉ là sự tôn trọng hay thỏa hiệp. Điều này có vẻ… không giống chân lý nhưng tôi tin, những người phụ nữ đã có con như tôi cũng sẽ nghĩ thế.

Chị từng nói: Chị từng phải chia tay người yêu vì không đủ thời gian chăm sóc mối quan hệ ấy. Vậy đó có phải cũng chính là nguyên nhân khiến “nước trong nồi bốc hơi”?

Không dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình – Đó cũng chính là một trong những lời phàn nàn của chồng về tôi. Tôi hiểu, với một người quen một đời sống công sở chỉn chu, hình ảnh tối về cả gia đình quây quần bên mâm cơm quan trọng và cần thiết đến mức nào.

Đôi khi, tôi cũng tự thấy mình ích kỷ. Nhưng rồi lại nghĩ: Không sao cả, vì tôi làm nghề thì phải yêu nghề thôi, có gì là sai, là xấu? Đàn ông phương Đông, tôi thấy họ cầu toàn quá. Có lẽ để làm được họ bằng lòng, tôi chắc còn phải đi học thêm một trường nào đấy nữa, một trường mà mình không thể biết được, nhưng chắc có tên là “Hoàn Hảo”.

Trường đấy không có, hay là vì chị lười học?

Thực ra, trước hay sau hôn nhân, tôi thấy mình vẫn một tâm nguyện, chỉ có đối tượng của mình họ không nghĩ thế, mà muốn đặt thêm nhiều gạch đầu dòng. Rồi đến lượt mình cũng thế, mình cũng thấy cần có những cái gạch đầu dòng khác. Và những cái gạch đầu dòng ấy dần dần cứ như những viên sỏi chất đầy lọ, nếu không biết cách lấy ra bớt sẽ vỡ lọ…

Gió đã làm hỏng cửa

23 tuổi lấy chồng, một người hơn mình 9 tuổi, và làm nghề khác mình tới tận 180 độ: kinh doanh… – Đó phải chăng là những điểm vênh?

Chênh nhau khá nhiều tuổi và khác ngành nghề, tôi nghĩ, nếu có thì cũng chỉ là một phần. Độ vênh đáng ngại hơn theo tôi là quan niệm sống. Với tôi, chất lượng cuộc sống phụ thuộc nhiều vào xem – nghe – đọc, thái độ ham hiểu biết… Thu nạp văn hóa sống theo tôi rất quan trọng để có thể đi đường dài cùng nhau. Nếu sự thu nạp ấy không song hành, sẽ rất dễ xảy ra va đập…

Gần đây, xảy ra không ít sự tan vỡ của nhiều gia đình trẻ trong làng nghệ, khiến công chúng trở nên hồ nghi về khả năng “vì người khác” ở người nghệ sỹ trong đời sống tình cảm của họ. Như lúc nãy chị vừa gọi tên khái niệm: Đó phải chăng chính là sự ích kỷ?

Một thời, những người lớn chúng ta vì quá sợ dư luận hoặc vì thương con mà cố gắng níu kéo gia đình bằng mọi cách, kể cả cách tạo cho nó một chiếc vỏ bọc. Níu kéo một cách khổ sở. Suy nghĩ đó theo tôi đã cũ. Người lớn chúng ta thường khuyên trẻ con không nên nói dối, sao đến lượt chúng ta lại đi nói dối trẻ con? Không nên, tôi nghĩ thế! Nhất là trẻ con bây giờ, chúng rất đỗi thông minh và nhạy cảm.

Chúng thậm chí còn biết cách cư xử tế nhị hơn cả người lớn chúng ta, là “người lớn” hay nhất trong số những người lớn chúng ta. Yêu con thì phải cố là một tấm thảm tốt cho con, chứ không nhất thiết phải ngồi nhà ôm con cả ngày, hay cố che chở nó bằng một cái vỏ bọc vá víu và gượng gạo.

Muốn thế, bố mẹ nó phải là người văn minh và dám sống. Thế nên lúc nãy tôi mới nhấn mạnh sự hiểu biết, thu nạp văn hóa sống là tối quan trọng để vận hành một đời sống gia đình và điều đó, theo tôi, mới chính là vì người khác.

Nhưng giả dụ, trong một phép làm mới khác, người mới của mình không đủ ấm áp để bù đắp cho con mình, thì sao? Đã rất nhiều phụ nữ từ chối làm lại chỉ vì e sợ nhất điều đấy!

Con mình là tài sản riêng của mình, không cần phải ai ngó đến cả. Còn đã yêu, thì phải không tính toán. Trong tình yêu, tôi lúc nào cũng như yêu lần đầu.

Cánh cửa này khép lại thì một cánh cửa khác lại mở ra, hay có khi chính điều đó lại chính là sức gió làm bật tung cánh cửa. Chị đã nhìn thấy ngọn gió ấy chưa, nó có mạnh?

Đã có lúc muốn đóng cửa lại. Nhưng gió đã kịp làm hỏng cửa, dù gió còn ở rất xa, xa lắm…

Chị có tự thấy mình là người đa tình?

Đa tình có xấu không? Không xấu! Tôi chỉ biết tôi là một người tử tế, tử tế đến mức chưa từng biết vụ lợi bất kỳ người đàn ông nào của mình.

Mệnh của chị là gì?

Đại hải thủy. Thế nên tôi rất thích biển. Và trước nỗi buồn, tôi chỉ muốn chọn cách “thủy táng” nó.

Sao không là “hỏa táng”?

“Hỏa táng” chứng tỏ là vẫn còn nhiều ẩn ức và bức bối lắm! Thôi “thủy táng” đi cho mát mẻ!

Chị đã thấy mát mẻ chưa? Vì nước hay là vì gió?

Phụ nữ thì thường rất nhạy cảm, thế nên chỉ cần một làn gió nhẹ thoảng qua có khi cũng đã đủ rùng mình. Nhưng năm vừa rồi, có một lần, đi ngoài đường, gặp một ngọn gió, lạ sao tôi không nghĩ gì. Chứng tỏ tôi đã “thủy táng” xong nỗi buồn của mình, đã buồn xong, hoặc là tôi đã buông thật rồi sao, đã bình thản hơn chăng?

Vì sao chị lại mê chụp ảnh? Điều gì mách bảo chị là chị có duyên với nhiếp ảnh?

Nếu như hình ảnh trong âm nhạc là trừu tượng thì nhiếp ảnh là một chuyển động khác chiều giúp tôi nhìn rõ hơn. Tôi tự thấy tư duy hình ảnh của mình khá tốt.

Chẳng hạn như có lần tôi nằm mơ thấy một ngọn gió, nó thổi ngược và chếch qua tôi, khiến hình ảnh mình hiện ra trong một bức chân dung đầy những vết xước như một thước phim tư liệu.

Lại có lần tôi mơ thấy một bức tranh: một bức tranh trắng toát, với hai con cún con lông trắng như… cáo: con lớn hơn thì đang cố công trèo vào cốc nước to để uống nhưng bị ngã, con nhỏ hơn thì đứng ngoài cười.

 Bức tranh ấy nếu vẽ ra thì chủ đề của nó là gì?

Sự vụng về của những kẻ lớn xác.

Vậy người tự họa sẽ là con cún to bị ngã hay con cún nhỏ đứng cười?

Giấc mơ bao giờ cũng là cách con người tự giễu mình: mình vừa bị ngã, lại vừa nhìn thấy mình bị ngã và cười. Cũng có thể là vừa cười vừa khóc.

Giấc mơ ấy đến trước hay sau khi “gió làm hỏng cửa”?

Sau.

Phải như nó đến trước!

Thế thì còn nói làm gì!

Thực hiện: Thư Quỳnh
Ảnh: Na Sơn


From the same category