Hoa hậu Thu Thủy, sách và váy

Vậy thì chúng tôi cũng xin thẳng thắn rằng, váy không thể hiện trí tuệ của con người hay sao? Nó là sản phẩm của bao bộ óc sáng tạo, bắt đầu từ giám đốc sáng tạo, thiết kế rồi đến những người thợ tài hoa … Và nó còn thể hiện cả văn hóa thời trang của người mặc nữa. Thế nên, chúng tôi khẳng định với bạn rằng, giữa sách và váy, chưa biết cái nào trí tuệ nhiều hơn cái nào!

Sách cần và váy áo cũng cần. Cần lắm đấy. Nhất là với những quý cô tham vọng thành đạt. Nếu muốn thành đạt mà không biết sách là gì thì hỏng. Nhưng nếu thành đạt mà ăn mặc lôi thôi lếch thếch thì cũng cần phải xem xét lại. Bạn đọc sách gì, sẽ nói được bạn như thế nào. Và bạn mặc váy gì (dĩ nhiên là váy bạn tự mua bằng tiền bạn chứ không phải chờ các anh mát tay), nó cũng sẽ nói được bạn như thế nào. Nhiều người vẫn tự hỏi, thời này là thời của những quý cô trưng diện hàng hiệu hay những quý cô vùi đầu vào trang sách? Chúng tôi đã làm một câu trắc nghiệm vui cho cánh đàn ông: nếu hỏi 100 phụ nữ thành đạt Việt Nam rằng bạn cần sách hơn hay cần váy hơn thì cánh mày râu chắc nịch rằng chắc có đến 90 người sẽ nói một cách (hơi cứng nhắc) rằng họ cần sách. 

Và cuối cùng thì các quý ông đó đã nhầm.

Mặc váy đẹp ngồi đọc sách


“Hoa hậu ngông” là cụm từ người ta thường hay gọi Thu Thủy. Chị là một phụ nữ độc lập cao, sống hiện đại, rất phong cách và đặc biệt, cũng là một trong những người đẹp hiếm hoi mê đọc sách.

Thời gian để đọc

Nói cho đúng, cho thật thẳng thắn và cặn kẽ, cơ bản ta không có đủ thời gian làm bất kỳ một việc gì cho đến nơi đến chốn cả. Khắp nơi xung quanh ai ai cũng than phiền, đào đâu ra thời gian để thư giãn, đào đâu thời gian để chơi với con những trò rất mất thời gian như cờ vua, đào đâu thời gian để tập bơi, khiêu vũ, vân vân và vân vân.

Ta cũng cứ yên lòng đi, dẫu thời gian có đôi khi làm ta thấy thật là ngạt thở, không làm sao mà ngồi khâu lại cái cúc áo cho người yêu mặc dù anh ấy mặc áo hở hết cả một khoảng ngực mình thấy cũng tưng tức, không yên tâm được, hoặc không kiếm được lúc nào xem bộ phim đoạt giải Cannes năm vừa rồi nghe nhiều người khen hay lắm, sâu sắc lắm.

Bởi dường như ai cũng nháo nhào lên, nhắc đến thời gian là y như rằng than thiếu thì giờ, rằng phải chạy đua cho kịp cái deadline này cái hẹn kia, kỳ lương nhân viên sắp đến, trường học của con đã gửi giấy về thông báo phải nộp học phí … Thời gian chỉ còn tồn tại ở “mặt xấu”, “mặt trái” của nó, cái thứ thúc bách ta, chứ không phải là một thứ gì lững thững trôi đều đều tẻ nhạt, thời gian chẳng còn khách quan, tồn tại ngoài ý muốn của ta nữa, mà thời gian trở nên giống một con thú dữ thích thú trò hăm dọa người khác.

Sao thế nhỉ? Ta nhớ những năm hồi nhỏ, thời gian đúng là trôi như rùa bò, khi ngồi trong lớp học nhìn ra ngoài khoảng sân trường, sao mãi chẳng thấy tiếng trống đâu. Thời gian hồi ấy là một sự phản trắc thường trực: bạn cứ nhớ lại đi, chắc chắn có lúc, đứa trẻ con từng là bạn ngày xưa nôn nao chờ Tết đến để mà pháo đỏ bánh chưng xanh và tiền lì xì, nhưng cứ như là năm nào cũng nhuận, tháng Tư tháng Năm bị gấp đôi lên và cái Tết cứ xa lắc nhất quyết không chịu tiến lại gần.

Những năm tháng ấy, thời gian như lúc nào cũng đủ, thậm chí là thừa, để ta vùi đầu vào trang sách. Giờ thì đi cà phê với bạn, gặp mười người thế nào cũng đến chín rớm rớm nước mắt bảo mình cũng mong cuộc sống nội tâm phong phú để chèo chống lại trước cuộc đời bon chen lắm chứ, nhưng có đến hai năm rồi tất cả những gì mình đọc thực sự kỹ là menu ở quán ăn.

Nhưng nếu ta lái vấn đề đi một chút, hỏi một ngày người bạn ấy viết bao nhiêu status trên facebook và đọc bao nhiêu status của “nhà người khác”; tức thì câu chuyện sẽ trở nên rôm rả lắm lắm, chút rơm rớm mới lúc trước kia chợt tan biến nhường chỗ cho những loang loáng niềm vui. Ta sẽ biết rằng một người bạn không bỏ qua một cuộc “huyết chiến facebook” nào, rành rọt không bỏ qua một câu hay nào của một nhân vật hot nào, biết rõ trong cuộc tranh cãi ngót 1.000 comment kia ai đứng về phe nào và người nào không được cool cho lắm.

Ta cũng từng vậy thôi, nghĩ cho cùng. Nghĩ cho cùng thì chuyện không phải là thiếu thời gian, mà vấn đề là thời gian được “chia chác” như thế nào. Thảng hoặc, gặp một người vô cùng bận rộn mà mỗi tháng vẫn đọc vài quyển sách, vẫn biết cách thả hồn theo mơ mộng cùng chữ nghĩa, ta thấy thực sự nể, nhưng nể nhất là cách con người ấy nhìn nhận việc đó chẳng có gì ghê gớm cả, thậm chí còn ngơ ngác trước sự kinh ngạc của ta. À ra thế, cái chính nằm ở đây: chuyện ấy chẳng có gì là ghê gớm cả. Ai cũng biết câu ngạn ngữ Latin vô cùng nghiệt ngã, Ars longa vita brevis (nghệ thuật thì dài mà đời thì ngắn), nhưng đương nhiên là cuộc đời không ngắn như nhau ở mỗi người. Có cuộc đời ngắn nhiều, nhưng cũng có cuộc đời ngắn ít. Và cũng có những người tìm ra một cách giải quyết vấn đề tuyệt vời: nếu muốn làm gì, thực sự muốn làm, hãy đừng coi đó là một việc phải làm, mà nó chính là một trong những gì ta vẫn làm, làm mà không cảm thấy tốn thời gian một chút nào. Nếu coi đọc sách cũng như đánh răng, ăn cơm, trò chuyện với người yêu tâm đầu ý hợp thì sẽ chẳng bao giờ ta còn phải thảng thốt vì thiếu thời gian đọc sách bòi bổ cho tinh thần nữa.

 

Chat với Thu Thủy: Sự phù phiếm cũng đáng suy nghĩ

– Giữa đọc sách hay và mặc váy đẹp, chị quan trọng cái nào hơn?

– Tôi không trả lời câu này đâu, vì nhiều người hỏi tôi câu này rồi, và tôi chưa nghĩ ra câu trả lời, có điều tôi thích hình ảnh mặc váy đẹp ngồi đọc sách.

– Theo chị, phụ nữ được trời cho bộ não nên dùng nó trong mục đích nào?

– Để phân biệt xem khi soi gương thì mình nên dùng não phải hay não trái (theo tôi đó là ý nghĩa cao nhất).

– Và có nên dùng nó để … giả ngoan?

– Để giả vờ làm bất cứ cái gì (kể cả giả vờ ngoan) chắc không phải dùng đến não mà phải dùng đến … rất nhiều não (ý tôi là não của mình và não của nhiều người trong hoàn cảnh đang cần phải giả vờ).

– Chị có biết rõ mình đang đứng ở đâu?

– Trên đôi chân tôi, chứ không phải chân của bất kỳ ai khác, đó là điều tôi chắc chắn nhất. Còn cao hay thấp, sang hay hèn, vững chãi hay không ổn định chỉ là khái niệm tương đối.

– Tạm bỏ qua nghĩa bóng và ẩn dụ nhé, kể cả đứng bằng đôi chân thì người ta cũng có thể gặp vấn đề chứ: chân đau, bị bỏng bô xe máy, bị chuột rút … đấy là chưa nói đến những chân vòng kiềng (hình như không phải trường hợp của chị)

– Tôi chỉ có thể xách nhận là chân tôi không vòng kiềng.

– Câu hỏi mới nhé: Một chỗ đứng có ý nghĩa như thế nào, với chị, với mọi người nói chung?

– Một chỗ đứng quyết định cho thời gian ngồi xuống nghỉ ngơi của tôi nhanh hay chậm. Với nhiều người khác có vẻ như là ngược lại, họ mải mê tìm chỗ đứng mà quên rằng quãng nghỉ ngơi mới quyết định cho việc tìm một chỗ đứng tốt. Tôi quan niệm mọi thứ đơn giản lắm: ngủ ngon thì hôm sau làm việc tập trung, ăn uống điều độ thì trẻ lâu, vui vẻ thì chẳng gì tiêu cực tác động được đến mình …

– Ví dụ như những điều tiêu cực nào?

– Như là bị dèm pha, nói xấu sau lưng, bị hiểu nhầm. Nói ví dụ, nếu khỏe khoắn tỉnh táo thì lỡ bị người yêu giận, mình cũng biết cách dỗ dành nhanh chóng chứ không để bị dầm dề dai dẳng rất là mệt.

– Thế nằm thì sao? Chị thích nhất là đứng, ngồi hay nằm?

– Tôi thích nằm nhất vì có vẻ như khi nằm, người tôi gần mặt đất nhất, điều đó cho tôi cảm giác về sự an toàn và vì thế tôi có thể suy nghĩ về sự tồn tại của tôi thấu đáo hơn.

– Đâu là suy nghĩ mà chị cho là thấu đáo nhất về sự tồn tại của chị?

– Đó là lúc tôi đang chuyển từ vị trí đứng sang vị trí nằm, lúc đó tôi có thể nhìn lại được mình đã đứng như thế nào và nhìn thấy trước mình sẽ nằm xuống ra sao, rất rõ ràng, rất minh mẫn.

– Nghe có vẻ sâu sắc, nhưng tôi không hiểu lắm.

– Tôi cũng thế.

– Nếu chị không muốn thì tôi sẽ không hỏi sâu thêm về vấn đề đứng và nằm. Nhưng có những lúc ta đâu tự quyết định được chỗ đứng của ta, phải vậy không?

– Cho tôi tạm mượn ý từ một câu nói của ai đó về sự lựa chọn trong cuộc sống: đại khái nếu ta không quyết định được chỗ đứng của mình thì hãy tự biết cách đứng cho đẹp, cho thẳng thớm trước đã.

– Đứng thế nào thì đẹp?

– Là sao cho ai cũng nhận thấy mình nhưng sau đó không thể nào nhớ rõ cụ thể mình đã đứng như thế nào nữa.

– Khó nhỉ.

– Vâng, không dễ. Nhưng tôi cũng thấy rằng đứng sao cho xấu, sao cho ai cũng nhớ mãi, còn khó hơn nhiều.

– Việc mất đi một vị trí mình từng có tác động như thế nào đến chị?

– Đầu tiên là tôi nhớ về những cảm giác đã có lúc mình ở vị trí đó (tôi vốn là người hoài cổ) sau đó là một cảm giác nhẹ nhõm hơn vì hóa ra nỗi sợ hãi lúc mình chưa đánh mất vị trí đó còn khó chịu hơn cái cảm giác lúc nó đến thực sự.

– Tức là không có gì thực sự đáng sợ?

– Có chứ, những thứ ta không biết đến thường làm cho ta cảm giác sợ hãi.

– Nhân nói về nỗi sợ, chị sợ nhất con gì? Con sâu, con thạch sùng, hay con hổ? Và sợ nhất điều gì? Có sợ “bước hụt chân” không?

– Tôi tưởng là tôi sợ nhiều thứ, nhiều loại con, từ con sâu bé tí trở đi, cho đến khi tôi đối diện với nhiều thứ nhiều con đó và hiểu rằng nỗi sợ hãi lớn nhất vẫn đang ở phía trước. Tôi hay bước hụt chân trong những cơn mơ.

– Chị hay mơ thấy gì? Khi nào gặp ác mộng, điều gì làm chị chóng hết sợ hãi nhất? Nỗi sợ trong cơn mơ và nỗi sợ trong cuộc sống thực, cái nào đáng sợ hơn?

– Sợ là sợ, chẳng có cái nào đáng sợ hơn cái nào, kể cả trong mơ lẫn thực, đáng sợ nhất là nỗi sợ hãi chính cảm giác sợ hãi. Tôi có nhiều giấc mơ thường lặp đi lặp lại, một trong những giấc mơ đó là tôi bước đi trong một con đường hầm rất dài với đủ thứ tâm trạng, và có vẻ như tôi chưa bao giờ bước ra khỏi được đường hầm đó, trong khi vẫn biết rằng mình đang ở ngay trong chính căn nhà của mình, hoặc một không gian nào đó rất quen thuộc ở đoạn cuối cùng của giấc mơ.

– Một buổi sáng ngủ dậy, nhận ra mình không còn là mình của ngày hôm qua nữa, chị sẽ cảm thấy thế nào?

– Tôi muốn đi ngủ tiếp, nhưng thường thì tôi kiếm một cuốn sách đọc, tìm ra một câu gì đó hay hay, ngẫm nghĩ về nó, cho đến cơn khủng hoảng tiếp theo về sự thay đổi của bản thân.

– Khi nhận ra mình không thể ngủ tiếp nữa thì chị làm gì đầu tiên? Trang điểm? Nhắn tin hẹn hò? Hay nghịch facebook?

– Chắc chắn là tôi sẽ lao lên Facebook để mong tìm kiếm xem có bao nhiêu người mất ngủ giống tôi, thế rồi tôi lại rơi vào một cơn khủng hoảng tiếp nữa rằng có quá nhiều người mất ngủ giống tôi nhưng hình như lại chẳng có ai giống tôi khi mất ngủ.

– Một ngày chị dành bao nhiêu thời gian cho trang điểm, lựa chọn quần áo trước khi ra đường?

– 2 phút cho đến 2 tiếng. Có những lúc tôi trang điểm cầu kỳ, váy áo là lượt chỉ để lên giường đi ngủ hoặc nói chuyện điện thoại với một ai đó. Cũng có lúc tôi ra khỏi nhà không trang điểm.

– Ra khỏi nhà mà không trang điểm có đáng sợ không?

– Đáng sợ cho đến thời điểm ta nhìn vào mắt người đầu tiên ta gặp trong lúc ta không trang điểm.

– Nãy giờ có vẻ chúng ta quá tập trung vào một mình chị. Chúng ta có nhiều lúc đơn độc, thậm chí rất nhiều, nhưng ai cũng phải sống trong vô vàn mối quan hệ chứ. Trong quan hệ với người khác, chị xác định vị trí của mình như thế nào?

– Ngày trước tôi hay bận tâm về điều đó, làm sao để hài hòa được cái Tôi của bản thân với cộng đồng, với xã hội, làm sao cân bằng giá trị của mình với giá trị chung … Giờ thì với tôi vị trí xã hội cũng như là một loại trang điểm, mình dám bôi trát đủ thứ lên mặt để ra đường thì mình cũng nên sẵn sàng ra đường không son phấn.

– Son phấn trong hộp đựng đồ trang điểm và son phấn trong cuộc đời, cái nào chị có nhiều hơn?

– Thứ gì tôi cũng có, tôi tin nếu bình tĩnh mà nhìn nhận, sự phù phiếm cũng đáng để ta suy nghĩ, giống như mọi điều nghiêm túc trên đời.

 Thu Thủy phản biện Lê Hoàng

Thu Thủy là một Facebook-er nổi tiếng. Hầu hết những quan điểm của chị bày tỏ trên đó đều nhận được sự đồng thuận của rất nhiều người, đặc biệt là sự phản biện của chị về việc đạo diễn Lê Hoàng khuyên phụ nữ hãy giả nai, hãy đừng tỏ ra đầu nhiều sách để được “hưởng phúc” (có nhiều váy áo đẹp như Ngọc Trinh). Chúng tôi xin phép lược trích lại:

Với nhiều bạn nữ (trong đó có tôi) nhiều khi tìm tòi và cố gắng để đi đến cùng, để hiểu, để vỡ ra một kiến thức nào đó cảm giác sung sướng và hạnh phúc chả khác gì ngồi Limo mặc váy đồ hiệu đi party đâu. Và niềm hạnh phúc đó tôi đảm bảo là nó lâu dài và bền vững hơn mấy thứ xa xỉ kia, và là tự thân, không phải trông đợi hôm nay anh này anh kia mát tính thì mới có được.

Tự mình làm một việc gì đó, đôi khi là những việc mà người khác chưa chắc làm được kể cả đàn ông không phải để chứng tỏ với đàn ông là chị em chúng tôi mạnh mẽ, giỏi giang hơn các anh. Được các anh bao hết, lo lắng cho từ cái quần chip đến giấc ngủ thì cũng sướng thật, nhưng khoa học và lịch sử chứng minh rồi, lười vận động và không chịu suy nghĩ sẽ làm người ta già nhanh hơn bất cứ tác động bên ngoài nào. Vậy nên cứ coi như chúng tôi suy nghĩ và tự thân một số việc là để chúng tôi tập thể dục cho trẻ lâu, nhỉ. Còn chúng tôi vẫn rất cần các anh, cần lắm, không phải là không cần đâu (chỉ trừ những anh già mồm và thích mặc váy).

Giả vờ thông minh hay giả vờ không thông minh hay giả vờ chấp nhận sự không thông minh hoặc sự giả vờ không thông minh của người khác, nói cho cùng chỉ là một dạng của nhận thức, quan điểm và giá trị sống của mỗi con người. Tôi nghĩ rằng trên đời này vẫn còn nhiều người không thích cái bọn giả vờ. Vậy nên tốt nhất nếu muốn giả vờ cho giỏi, cho đạt thì đừng nên đi khuyên hoặc bày cách cho người khác giả vờ giống mình. Suy cho cùng thì chúng ta ăn thật, uống thật, hít thở thật và sex thật. Nhan nhản người ngoài kia bằng đủ mọi cách đang giả vờ với đủ mọi thử đoạn thật ra cũng chỉ để hướng đến 4 cái sự thật mà tôi vừa nhắc đến.

Theo TGNNT


From the same category