Hoa hậu Thu Thủy bị “mắng” khi chê tiết mục của Trọng Tấn

Ca khúc “Vì nhân dân quên mình”,  hành khúc của Doãn Quang Khải, được viết năm 1951 là một trong những ca khúc truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được ví như bài kinh tụng của những chiến sĩ,  đồng thời là ca khúc chủ đề của chương trình Giai điệu Tự hào tháng 12.


Bài hát được nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú cho rằng, “lời như xã luận, nhạc thì đơn giản nhưng chứa đựng sự minh triết”. Ca khúc chứa được 12 điều kỷ luật của quân đội, 10 lời thề của chiến sĩ và cả lời dạy của Bác. Bởi thế, suốt nhiều năm qua, ca khúc này đã được chiến sĩ trên khắp dải đất hình chữ S hát vang. Bài hát này đã thuộc về những người lính, và khi người lính hát bằng máu xương thực sự của mình, họ đã trở thành những nghệ sĩ.

Thế nhưng, hoa hậu Thu Thủy lại cho rằng, cô nghe ca khúc này trên sân khấu Giai điệu Tự hào cảm thấy chưa có cảm xúc mới. Bởi thế hệ của cô và những người trẻ hơn đã có những tham chiếu nghệ thuật khác, và cô muốn có thêm sự sáng tạo khi nghe lại bài hát này. “Các anh thể hiện rất hay, nhưng quá an toàn so với tôi”, lời hoa hậu.

Những nhận xét của Hoa hậu Thu Thủy đã bị Đại tá NSUT Trần Vịnh, phản đối. Bởi với một người cựu chiến binh như ông, Giai điệu tự hào tháng 12 – “Vì nhân dân quên mình” đã vẽ lên lịch sử bằng âm nhạc. Lớp trẻ chỉ cần đi theo đúng đường hướng ấy, sẽ thấy lịch sử của đất nước. Về yêu cầu “sáng tạo” hơn mà Thu Thủy đưa ra, NSUT Trần Vịnh cho rằng: “Nghệ sĩ chúng tôi là những chiến sĩ, lao vào chiến trường, sáng tác những bài thơ, vở kịch, ca khúc bằng máu. Ca sĩ thời xưa hát, họ cũng hát bằng tâm khảm đặc biệt nên không thể nào chiều theo lớp trẻ, viết lại dựa theo thị hiếu”. Ông nhấn mạnh, lớp trẻ phải học lại lịch sử để có thể thấu hiểu những sáng tác này và ông không đồng tình với những cách làm mới.

Câu chuyện làm mới hay không những ca khúc đã đi cùng năm tháng, tiếp tục được “làm nóng” trong chương trình Giai điệu Tự hào khép lại năm 2014. Trước những “bất đồng” của hai đại diện thế hệ, tiến sĩ  khoa học Đoàn Hương chia sẻ: “Các bạn có quyền làm mới tất cả các ca khúc, nhưng làm mới phải nghĩ đến giới hạn”.

Giai điệu Tự hào tháng 12 đã mở đầu bằng tiếng hát của một giọng ca nhí hát “Tiến quân ca”, như khẳng định sự tiếp nối thế hệ trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chương trình được nối tiếp với những ca khúc tái hiện lại lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam, những bài hát gắn liền với hình tượng người lính bộ đội Cụ Hồ như: “Đoàn vệ quốc quân”, “Mỗi bước ta đi”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”,  “Người chiến sĩ ấy”.

Nhiều ca khúc được thể hiện lại trên sân khấu khiến khán giả và các bình luận viên khi được nghe/xem lại vẫn thấy xúc động rưng rưng. Tiến sĩ khoa họcĐoàn Hương cho hay, khi nghe bài “Đoàn vệ quốc quân” của Phan Huỳnh Điểu cô được lần nữa chứng thực câu thơ của Puskin “Phải đem lời nói đốt tim muôn người”.


Bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” (sáng tác Doãn Nho) lại khiến nhà nghiên cứu này cảm động như nghe được lời con chim họa mi hót. Còn nhà báo Chu Minh Vũ thú nhận: “Giai điệu Tự hào đã mang bài hát về trả lại cho công chúng, vì quân đội đã giữ bài hát này quá lâu rồi. 30 năm rồi, tôi mới nhận ra bài hát này là một tác phẩm âm nhạc tuyệt vời đến thế, nó phải thuộc về chúng tôi  nữa chứ không nên chỉ thuộc về quân đội”.

Khi liên khúc: “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”“Người chiến sĩ ấy” được hai giọng ca Phạm Thu Hà và Đức Tuấn trình bày đã kéo cả khán phòng đã đứng dậy cổ vũ.

Giai điệu tự hào tháng 12 – “Vì nhân dân quên mình” được làm đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nên không khó hiểu khi nhiều người xem chương trình cảm thấy “nhắm mắt lại, nghe nhạc thôi cũng thấy sự rung chuyển của đất nước”. Còn cựu chiến binh Trần Vịnh thì cho rằng, chương trình đã tái hiện đầy đủ lịch sử quân đội bằng âm nhạc, qua từng giai đoạn, từ anh vệ quốc quân bỏ cày đi làm người lính đến ca ngợi anh giải phóng quân đẹp tuyệt vời. 

Cả chương trình đã khắc họa dấu ấn của người chiến sĩ với tinh thần “vì nhân dân quên mình”. Cũng thông qua chương trình, những người đi trước, người thể hiện niềm tin, người có lúc không giấu được sự bi quan khi nhìn ra xã hội hiện tại. Nhưng họ vẫn truyền đi một thông điệp, về niềm tin vào lớp trẻ. 

Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương đã thay lời nhiều người nhắn nhủ tới thế hệ tương lai: Chúng tôi viết nên những bài ca của thế hệ mình, và mong các bạn sẽ viết lên những bài ca của những thế hệ các bạn”. Và theo cô, Lịch sử trao cho các bạn nhiệm vụ đó là xây dựng một Việt Nam đáng tự hào. Tôi nghĩ, đó thực sự là trách nhiệm lớn lao của các bạn”.

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Ban tổ chức cung cấp


logo


From the same category