Hoa hậu thời… quá độ

Sắc đẹp luôn quyến rũ, hoa hậu luôn gợi cảm. Những điều xung quanh hoa hậu cũng… rất hấp dẫn. Không bình luận sâu về quy chế thi hay một gương mặt hoa hậu cụ thể nào, bài viết này xin được lạm bàn đôi chút xung quanh chuyện thi hoa hậu và những vấn đề mà nhiều người quan tâm.

Thuở hoàng kim của… mỹ nhân

Hoàng kim với nghĩa thời vàng son. Ấy là giai đoạn hiện tại, khi sắc đẹp được tôn vinh triệt để bằng những cuộc thi đủ loại.

Không cần phải làm động tác liệt kê danh sách các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp… ra làm gì, chỉ cần biết có không dưới 101 cuộc quy mô từ thị xã đến thành phố, tỉnh, từ vùng miền ra cả nước hàng năm.

Đó hẳn là niềm hạnh phúc khôn tả của những cô gái xuân thì tươi thắm khi sắc đẹp của họ được chiêm ngưỡng, tụng ca và trân trọng.

Đó cũng chính là nỗi vinh hạnh vô bờ của chúng ta – người được ngắm nhìn, thưởng thức những tấm nhan sắc không phải khi nào cũng gặp.

Hoàng kim với nghĩa thời… vàng ròng. Những vẻ đẹp “mai cốt cách, tuyết tinh thần” trước kia vốn nép sau “êm đềm trướng rủ màn che” giờ tự tin khoe sắc với mọi người, với thời đại, chẳng còn e ngại chuyện “hồng nhan bạc phận”, thay vào đó, câu nói “hồng nhan bạc tỷ” đã trở thành chân lý mới khi sắc đẹp liên tục được tôn vinh qua các cuộc thi hoa hậu và trở nên đắt giá sau đấy.

Tuy nhiên, việc “được mùa” sắc đẹp và các cuộc thi sắc đẹp như 2007 vừa qua, cũng như gần nửa đầu năm 2008 này, cùng với niềm vui của người chiến thắng và niềm tự hào nước ta nhiều người đẹp, còn khiến ta nhận ra nhiều bất cập, trong đó nổi bật nhất là vấn đề chất lượng tổ chức.

Thi hoa hậu trở nên bão hòa khi các cuộc thi phần lớn có cấu trúc nội dung trùng lặp với từng ấy màn thi áo dài, áo tắm, dạ hội, ứng xử…  đơn điệu, thiếu bản sắc riêng, thậm chí đến thí sinh cũng trùng do chạy show qua nhiều cuộc thi với quyết tâm đoạt bằng được một giải mới thôi.

Sự trùng lặp ấy cùng việc tổ chức dễ dãi, vội vã dẫn đến tình trạng khán giả nhàm chán, quay lưng với các cuộc thi sắc đẹp.

Xã hội hóa quá đà trong việc tổ chức thi hoa hậu đến mức một số đơn vị không đủ khả năng cả về chuyên môn, uy tín lẫn tiềm lực kinh tế cũng dễ dàng xin được giấy phép tổ chức.

Do không đủ kinh nghiệm, lệ thuộc quá nhiều vào nhà tài trợ hoặc mải “lặn lội” với những tham vọng cá nhân, họ đã gây ra nhiều scandal làm ảnh hưởng đến danh tiếng cuộc thi, biến cuộc thi thành một hoạt động thương mại.

Thực tế, đã có nhiều đơn vị xem thi hoa hậu là một thương vụ thuần túy, dẫn đến đánh mất danh tiếng cũng như tính văn hóa của một cuộc thi người đẹp.

Dĩ nhiên cuộc thi nào cũng phải đảm bảo mặt lợi ích, nhưng nếu chỉ chăm chăm lo về lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng, đó sẽ là một bi kịch của “đấu trường” sắc đẹp, làm nảy sinh nhiều tiêu cực.

Hậu hoa hậu

Thậm chí, được xem là chính thống nhất như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2 năm một lần, cũng chưa thể gọi là chuyên nghiệp, khi mà có được hoa hậu – người đẹp nhất nước xong rồi… để đó ngắm chơi, lâu lâu mời đi hội nghị, từ thiện gì đấy lác đác trong 2 năm tại vị rồi thôi mà không có một ê-kip chuyên về “hậu hoa hậu” phục vụ và khai thác tối đa khả năng cống hiến và quảng bá của một hoa hậu toàn quốc.

“Hậu hoa hậu” là cả một nền công nghiệp không khói, đem lại lợi nhuận bù đắp lại giải thưởng cao, cũng như gây được tiếng vang về quảng bá thương hiệu, và đặc biệt là những hoạt động xã hội mang tính nhân văn.

Mai Phương Thúy có hoạt động xã hội khá nổi bật nhờ… quản lý riêng là nhà tạo mẫu Việt Hùng lo từ A đến Z, còn không chắc cũng thua, lại chỉ xuất hiện sơ sài như gần chục các vị hoa hậu hữu sắc hữu hương nhưng vô… ích trước, ấy là chưa kể một loạt hoa hậu, hoa khôi các cuộc khác kém sáng hơn đã mất hút sau khi đăng quang không hẹn ngày trở lại. Phí cho sắc đẹp lắm!

Những hoa hậu… quá độ

Vốn là vấn đề muôn thuở bàn cãi. Thường chúng ta bức xúc lúc đầu về trình độ, nhận thức hạn chế của một cô hoa hậu nào đấy, rồi lại tặc lưỡi “Đẹp có quyền!”. Dĩ nhiên có những hoa hậu được đánh giá cao về tri thức, tuy nhiên đấy quả là “hàng hiếm”.

“Loạn” thi hoa hậu dẫn đến một tình trạng: chất lượng người đẹp – cả trong lẫn ngoài – vốn đã không đủ tiêu chuẩn, lại càng bị hạ thấp.

Hàng loạt những người đẹp của chúng ta được cử đi thi những cuộc tầm cỡ châu lục, thế giới đều ra về trắng tay, nếu có giải cũng chỉ là những giải phụ mang tính “vui vẻ” như “Hoa hậu thời trang” Trương Chi Trúc Diễm trong cuộc thi Miss Earth vừa qua.

Nguyên nhân tại đâu?

Tại “chất lượng” người đẹp của chúng ta chưa đủ ngang bằng với thế giới, về cả thi thức, nhận thức lẫn bản lĩnh quảng giao và thi thố!

Nhưng đấy lại không phải lỗi của các hoa hậu, không thể chỉ chăm chăm đổ dồn trách nhiệm vào họ.

Đơn giản vì đó là lỗi chung của cái tầm phát triển về cả văn hóa lẫn kinh tế, tầm tổ chức của chúng ta như thế nào, tầm hoa hậu của chúng ta sẽ như thế ấy.

Chúng ta đang ở trong thời kỳ quá độ về mọi mặt, suy ra, người đẹp hoa hậu của chúng ta cũng là những người đẹp… quá độ, đem chuông đánh xứ người cũng chỉ nhằm cọ xát, học hỏi là tốt, cả thế giới mấy trăm quốc gia, bản thân ta còn thuộc nhóm nước “nghèo nhất quả đất”, chưa là gì để đòi hỏi khi nào cũng phải đoạt giải. Đừng quá trông mong để rồi thất vọng!

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tổ chức tại Việt Nam sắp tới cũng sẽ là một dịp như thế. Quốc gia đăng cai hẳn sẽ có một giải thưởng tầm tầm nào đấy để khỏi phụ công, tuy nhiên đừng ảo tưởng rằng đùng một phát, ta sẽ “ẵm” giải Hoa hậu Hoàn vũ vào tay.

Tuy nhiên, đây hẳn là cơ hội tốt để chúng ta tận mắt chứng kiến quy trình tổ chức một cuộc thi hoa hậu tầm cỡ thế giới, học hỏi những kinh nghiệm quý báu, đồng thời đưa hình ảnh đất nước con người Việt đến với thế giới nhằm đẩy mạnh quảng bá phát triển du lịch.

Hoa hậu luôn đại biểu cho cái đẹp, dù cho là cái đẹp có chút tì vết (như từ trước đến nay), vinh danh sắc đẹp là một hành động mang tính nhân văn và bản năng nhất của con người.

Hãy để cho nó thuần khiết hơn nữa và vô tư hơn nữa! Thời đại của mỹ nhân không chỉ là thời có nhiều cuộc thi người đẹp, mà phải là thời có nhiều cuộc thi chọn được và tôn vinh những người đẹp xứng đáng và không còn… quá độ!

 Hải Thủy
Ảnh: Sơn Trà


From the same category