Ngoài danh hiệu hoa hậu đã có được từ 14 năm trước, Ngọc Hân còn đảm nhận nhiều vai trò khác như nhà thiết kế, người mẫu, doanh nhân… Hai năm trở lại đây, cô bén duyên với hội họa và đã tổ chức hơn 10 triển lãm nghệ thuật lớn nhỏ. Chỉ trong thời gian ngắn, Ngọc Hân đã trở thành một cái tên trong lĩnh vực hội họa. Con đường của cô nghe có vẻ dễ dàng, nhưng tiếp cận một lĩnh vực mới là hành trình vừa đi vừa mò mẫm, nhiều chán nản và cũng có lúc cô đã viết email xin dừng lại.
Cuộc sống của chị có thay đổi nhiều không kể từ khi có thêm chiếc vương miện?
Năm 2010 sau khi tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tôi được tiếp xúc với nhiều chương trình về văn hóa nghệ thuật và từ đó càng thêm yêu tà áo dài truyền thống. Tôi bắt đầu nung nấu ý định mở một thương hiệu áo dài của riêng mình. Ngoc Han Boutique ra đời một thời gian ngắn sau khi tôi đăng quang, 14 năm qua tôi dành để chăm chút cho đứa con tinh thần này.
Thiết kế thời trang là ước mơ của tôi từ nhỏ. Từ hồi 4-5 tuổi, tôi đã thích vẽ và thường theo mẹ đến cửa hàng may quần áo trên phố để xin vải vụn về may đồ cho búp bê. Tính tôi vốn hiếu động nhưng không hiểu sao chỉ cần có kim chỉ, vải vóc là tôi có thể ngồi lì ở nhà cả ngày không chán.
Năm 2022 khi về Ninh Vân Bay, phụ trách phát triển các hoạt động nghệ thuật cho hai khu nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa và Đà Lạt, tôi mới bén duyên với triển lãm, hội họa và cảm thấy cực kỳ bỡ ngỡ. Nhưng nhìn ở góc độ khác, làm một việc mình chưa làm bao giờ cũng có nghĩa là mình có thể học hỏi được rất nhiều từ những người đi trước.
Là một nhà thiết kế áo dài rẽ ngang sang lĩnh vực hội họa, chị nhận được phản ứng như thế nào?
Mang tiếng là người mới nhưng thực ra từ bé tôi đã yêu thích mỹ thuật và vẽ tranh. Trước đây tôi theo học ngành thiết kế thời trang tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tất nhiên, giữa mỹ thuật công nghiệp và hội họa có nhiều điểm khác nhau, nhưng tôi nghĩ khi đã có nền tảng nhất định thì việc tiếp cận cái đẹp nói chung và hội họa nói riêng vẫn dễ dàng hơn là bắt đầu từ số 0.
Nhìn chung, thái độ của người trong giới thường là vui và bất ngờ bởi trong làng hội họa xuất hiện một cô hoa hậu quan tâm đến tranh. Mọi người cũng nhiệt tình chia sẻ cho tôi nhiều kiến thức, thông tin, hướng dẫn tôi cách làm chứ không giấu nghề với “kẻ ngoại đạo” đâu.
Chị nhìn danh hiệu hoa hậu mà mình có được dưới góc độ nào: như một bàn đạp thuận lợi để bước vào những công việc mới hay như một chiếc bình pha lê mà mình phải thật cẩn trọng để giữ gìn, bởi nếu không, có thể mất tất cả?
Tôi là người thích thử những cái mới, và tôi nghĩ thành tựu mình có hiện tại được xây dựng dựa trên tinh thần thử nghiệm đó.
Lần đầu tổ chức triển lãm, tôi chỉ có đúng một tuần chuẩn bị và thậm chí trước đó cũng chưa tham khảo một triển lãm nghệ thuật nào. Nếu bạn đi xem triển lãm tranh nhiều thì sẽ biết một công thức là người đại diện phát biểu vài câu đơn giản, sau đó cắt băng khánh thành là xong. Nhưng với triển lãm “Những bé gái Ballet” của họa sĩ Lê Anh Quân, khi nghe tên, tôi đã nghĩ mình sẽ mời những bé gái học múa ballet đến để biểu diễn mở màn. Lúc đó chưa có kinh nghiệm nên tôi hành động khá bản năng, chỉ nghĩ đơn giản là sao cứ phải làm việc theo kiểu thủ cựu? Màn biểu diễn đó đã mang đến những cảm xúc rất trong trẻo cho người xem, đặc biệt là sếp tôi, anh đã rất yên tâm giao cho tôi các triển lãm tiếp theo. Tôi nghĩ an toàn với một hình ảnh nào đó không phải lúc nào cũng tốt vì nó sẽ không mang lại sự đột phá.
Khó khăn nào chị nhớ nhất trên ngã rẽ đầy mới mẻ này?
Khi mới làm, tôi có nhiều mông lung như không biết quy trình tổ chức triển lãm ra sao, phải liên hệ với họa sĩ thế nào… Phòng tranh ở Đà Lạt, tôi ở Hà Nội còn cộng sự thì lại ở Sài Gòn. Những họa sĩ nổi tiếng có yêu cầu rất khắt khe về khâu tổ chức, vận chuyển hay bán tranh, tôi lại không thể đáp ứng được về mặt ngân sách. Tình thế lúc đó đúng kiểu “cao không tới, thấp không thông”, tiến thoái lưỡng nan vô cùng.
Đà Lạt là một thành phố thơ mộng, nhưng Hà Nội và Sài Gòn mới là nơi tập trung nhiều nhà sưu tập. Người ta thường đến Đà Lạt với tâm thế nghỉ dưỡng, vậy nên nếu muốn họ mua tranh, mình sẽ phải thay đổi thói quen của cả thị trường. Là người thực tế, khi nhận thấy việc tổ chức triển lãm ở Đà Lạt sẽ là một cuộc chiến tốn tiền, tốn thời gian, tôi nản lòng và đã viết email bày tỏ mong muốn dừng lại, nhưng đáng tiếc là không được duyệt (cười).
Yêu nghệ thuật nhưng lại là người thực tế, hai điều này có mâu thuẫn không?
Không hẳn, tôi nghĩ thực tế thì mới có thể sống với đam mê của mình lâu đến vậy. Tôi mơ mộng khi muốn học tiếng Pháp từ nhỏ dù gia đình chẳng có điều kiện, trở thành nhà thiết kế thời trang dù nhà không có ai theo nghề, làm người mẫu dù xung quanh mọi người đều nói công việc này không hay, và gần đây là tìm cho mình chỗ đứng trong ngành hội họa dù là ngoại đạo. Nhưng tôi thực tế trong cách thực hiện. Ước mơ cần có đường hướng rõ ràng thì mới có thể thành hiện thực.
Từ khoảnh khắc biết mình không thể lùi được nữa, chị đã làm thế nào để tổ chức được liên tiếp những triển lãm tiếp theo?
Vì chiếc email xin dừng tiếp quản dự án bị từ chối thẳng thừng, tôi cứ vừa làm vừa mò mẫm, không ngại khó nữa, thậm chí đặt mục tiêu mỗi tuần phải đi xem bao nhiêu triển lãm, kết nối được với bao nhiêu họa sĩ hay giám tuyển.
Các mối quan hệ mở ra khi tôi đi xem triển lãm “Hồn xưa bến lạ” của nhà đấu giá Sotheby’s ở Sài Gòn, bắt đầu làm quen với những người trong giới như họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển Ace Lê và một số nhà sưu tập nhiều kinh nghiệm. Anh Cương quý mến tôi và thường mời tôi tham gia các triển lãm do anh tổ chức. Một thời gian sau thì tôi cũng đỡ cảm thấy mình là “tấm chiếu mới”.
Đến nay, tôi đã tổ chức được hơn 10 triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm. Đỉnh điểm có năm tôi tổ chức liên tục 6 triển lãm tại Đà Lạt. Đây là điều không hề dễ dàng nhưng nhờ có những cộng sự tuyệt vời và bản thân cũng ham học hỏi nên trộm vía, mọi việc đều trọn vẹn.
Dự án nào trong số đó khiến chị tự hào nhất?
Đó là dự án “Art trail – Du hành & Mở xưởng” cho ba họa sĩ Phan Thị Thanh Nhã, Phạm Công Xeen và Nguyễn Hà My vào tháng 9/2023. Các họa sĩ đã có một tuần ở Ana Mandara Đà Lạt để tìm cảm hứng sáng tác tranh về thiên nhiên, sau đó 35 tác phẩm của họ đã được trưng bày trong triển lãm nhóm “Những trường thị giác | Chương I: Sinh cảnh” vào cuối năm 2023.
Dự án này vừa đáp ứng được mục tiêu hỗ trợ các họa sĩ trẻ phát triển, vừa giúp tôi nghiên cứu thêm về thảm thực vật. Tôi biết được rằng có những loại cỏ tưởng như rất bình thường nhưng hóa ra lại là thuốc quý, có những loại tảo mà một năm chỉ phát triển được một milimet, là minh chứng của khí hậu trong lành, không bị can thiệp bởi hóa chất – từ đó mới hiểu vì sao lên Đà Lạt mình ngủ ngon đến vậy.
Nghệ sĩ thường có cái tôi khá cao. Tôi hình dung tổ chức triển lãm cá nhân đã khó, tổ chức triển lãm nhóm có lẽ còn cam go hơn?
Đúng là đông người bao giờ cũng phức tạp hơn bởi mỗi họa sĩ đều có cá tính riêng. Thực ra đây không phải câu chuyện riêng của giới hội họa mà trong làng thời trang cũng vậy. Tuy nhiên, là người đứng giữa kết nối các nghệ sĩ, tôi có hai nguyên tắc khi làm việc. Thứ nhất là không “gió chiều nào theo chiều ấy”. Thứ hai là tôi chỉ nói những điều khiến các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
Những tác phẩm như thế nào sẽ làm xiêu lòng chị?
Con người tôi luôn hướng đến sự tích cực, vui vẻ nên thích những bức tranh mang lại cảm giác dễ chịu, có màu sắc tươi sáng. Ví dụ như tranh vẽ trực họa của họa sĩ Duy Hòa rất gần gũi với đời sống; tranh vẽ chân dung các em bé của họa sĩ Bùi Văn Tuất có hồn và chạm đến trái tim; tranh vẽ theo lối Trung Quốc về thực vật, hoa cỏ của họa sĩ Hà My rất mềm mại, yểu điệu.
Ngoài góc nhìn mới về nghệ thuật, điều gì ở công việc này níu chân chị?
Những trải nghiệm, những người bạn mới thú vị, và quan trọng, nó hỗ trợ rất tốt cho công việc chính của tôi là một nhà thiết kế áo dài. Khi đi xem tranh, gặp gỡ nhiều người trong giới nghệ thuật, tôi học hỏi được nhiều cách kết hợp màu sắc, gu thẩm mỹ cũng tốt hơn. Tất cả là một hệ sinh thái rất liên quan đến nhau.
Tôi sắp ra mắt bộ sưu tập áo dài về tranh Kim Hoàng, hay còn gọi là “tranh đỏ” từng thất truyền. Đây là dòng tranh dân gian vẽ trên nền giấy màu đỏ, về những chủ đề rất gần gũi trong cuộc sống như con vật, đồng quê, thiên nhiên, các vị thần… Tiếp đó, tôi cũng ấp ủ làm bộ sưu tập áo dài và triển lãm tranh về truyện Kiều, để người xem thấy được hình ảnh áo dài thông qua các thời kỳ từ tranh dân gian cho đến đương đại. Hy vọng rằng mọi người sẽ có dịp cảm nhận về truyện Kiều dưới góc nhìn của mỹ thuật, thời trang chứ không chỉ là một tác phẩm văn học nổi tiếng. Dự án này sẽ ra mắt vào khoảng cuối năm 2024.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
CHUYÊN ĐỀ: WOMEN IN ART
Nếu hỏi điều gì đặc biệt làm nên dấu ấn của các nghệ sĩ nữ, câu trả lời có lẽ là tính nữ. Tính nữ nhạy cảm, mềm mại là dòng chảy uyển chuyển đưa những ý tưởng thăng hoa. Mời bạn bước vào thế giới của ba nghệ sĩ nữ để cùng cảm nhận chất nghệ thuật thấm đẫm trong từng hơi thở, trong cách họ yêu, sống và theo đuổi đam mê sáng tạo.
Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Ý tưởng & sản xuất: Hellos.
Lạc vào thế giới nghệ thuật của nhà thiết kế Mai Lâm
Hoa hậu Ngọc Hân: “Kẻ ngoại đạo” nghiêm túc trong hội họa
Nghệ sĩ Trần Thanh Hà: Điều quan trọng trong sáng tạo? Thời gian và sự tự do!
Nhiếp ảnh: Thai Pham
Stylist: Đoàn Phương Anh
Trang điểm: Sam Sam
Trang phục: Jenny K Tran
Trợ lý: Nguyễn Tiến, Lỗ Hữu Đức Anh
Địa điểm: Studio Hoạ Sĩ Mai Đại Lưu