Hoa hậu Ngọc Hân: Đừng vội chê, Nguyễn Cao Kỳ Duyên sẽ tỏa sáng! - Tạp chí Đẹp

Hoa hậu Ngọc Hân: Đừng vội chê, Nguyễn Cao Kỳ Duyên sẽ tỏa sáng!

Sao

Chỉ là, cô ấy bị “đứng hình”

Chúng ta đều biết, và từng mặc nhiên thừa nhận: Ngoài nhan sắc, hoa hậu phải là người đẹp có nền tảng văn hóa, tri thức tốt – điều sẽ giúp cô gái ấy biết cách làm cho mình tỏa sáng và tỏa sáng dài lâu. Chứ không phải là vẻ đẹp bề ngoài mà ngay lập tức mọi người nhìn thấy được. Và Nguyễn Cao Kỳ Duyên – theo Hân – là một nhan sắc như vậy. Như trong đêm chung kết, Hoa hậu Mai Phương Thuý đã nói: Người đẹp nhất không phải là hoa hậu, mà hoa hậu mới là người đẹp nhất.

Tân Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Á hậu 1 Nguyễn Trần Huyền My (trái), Á hậu 2 Nguyễn Lâm Diễm Trang (phải)

Tất nhiên, cuộc thi hoa hậu không phải là cuộc thi học sinh giỏi, các cô gái dự thi đều phải có nhan sắc. Bảo Kỳ Duyên không đủ nhan sắc để xứng tầm danh hiệu ư? Sai đấy! Là người đồng hành cùng các thí sinh, Hân thấy rằng, Kỳ Duyên là cô gái có hình thể gần như đẹp nhất trong các thí sinh. Khuôn mặt tươi sáng, thân thiện, các nét đều đẹp hài hòa.

Chỉ có điều, cô ấy mới 18 tuổi, đi thi hoa hậu cũng là lần đầu tiên cô ấy bước lên sân khấu với đôi giày cao gót. Vì thế, kỹ năng trình diễn trên sân khấu không thể bằng những bạn người mẫu đã có kinh nghiệm 5- 6 năm trời.

Người ta thường nói, cái không nhìn thấy được mới là cái lớn. Và những điều khán giả nhìn thấy trên sân khấu chỉ trong một đêm. Còn ban giám khảo mới là những người đồng hành với các thí sinh trong 15 ngày trước đó, soi xét các bạn từng hoạt động, từng cử chỉ nhỏ nhất, thậm chí là lý lịch và các mối quan hệ cá nhân… Những đánh giá đó không thể nào chia sẻ, hay nói hết cho từng người hiểu được. Nhưng một điều chắc chắn là mọi người đều tin tưởng Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi uy tín và danh giá nhất. Uy tín và danh giá đó không phải tự dưng mà có được, mà do các hoa hậu sau khi đăng quang đã đều biết cách đẹp lên và tỏa sáng bằng nét đẹp tri thức và nội tâm của họ.

Hình ảnh Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong vòng chung khảo phía Bắc

Khi cái tên Kỳ Duyên được xướng lên, có nhiều ý kiến nhận xét rằng gương mặt cô ấy “không cảm xúc”. Hân không đồng ý với những nhận xét này. Nếu quan sát kỹ, khi MC “câu giờ” rất lâu để gây hồi hộp, không riêng gì Hân, mà Top 5 thí sinh đều nín thở. Và khi cái tên Kỳ Duyên được xướng lên, Hân thấy được vẻ ngỡ ngàng trên nét mặt cô ấy, cô ấy chưa tin mình trở thành hoa hậu. Đó là cảm xúc của cô bé 18 tuối, cô ấy bị “đứng hình” khi chưa hiểu điều gì đang diễn ra trên sân khấu. Những điều đó, ban giám khảo đều thấy rõ.

Đó cũng là áp lực Hân từng gặp

Tận cho đến khi diễn ra cuộc họp báo sau đó, Hân thấy Kỳ Duyên vẫn còn chưa hết run nên rất hiểu tâm trạng của cô ấy. Dù Hân khác Kỳ Duyên. Năm 2010, Hân lớn hơn Kỳ Duyên bây giờ và khi đi thi, Hân đã có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh sân khấu. Kỳ Duyên hơi giống Mai Phương Thúy khi đăng quang. Khi đó, Thúy cũng là cô bé vừa bước ra khỏi ghế nhà trường PTTH, còn rất ngây thơ, tồ tẹt, chưa có nhiều kỹ năng trả lời ứng xử.

Nhiều người cho rằng Huyền My mới là người xứng đáng. Với Huyền My, điểm mạnh chúng ta đều nhìn thấy được là bản lĩnh sân khấu tốt, cũng như kinh nghiệm tạo dáng trước ống kính. Cùng đó, là nhan sắc nổi trội. Nhưng lựa chọn hoa hậu phải theo sự đồng thuận của ban giám khảo và phải phù hợp với tiêu chí của cuộc thi. Mà điều này phải được đánh giá trong một thời gian dài chứ không phải qua một đêm trên sân khấu. Chưa kể, Á hậu hay Hoa hậu chỉ là một chín một mười, hai danh hiệu đó không quá cách xa nhau, huống chi còn phụ thuộc vào sự may mắn.

Hoa hậu Ngọc Hân

Lại có lo lắng, với nhan sắc như vậy thì Kỳ Duyên không thể đại diện cho nhan sắc Việt Nam tham gia các đấu trường quốc tế. Kinh nghiệm cho thấy, Hoa hậu Việt Nam thường không chọn những nhan sắc viên mãn, đã hoàn thiện rồi, mà thường chọn những nhan sắc có tiềm năng tỏa sáng dài lâu. Kỳ Duyên còn rất non trẻ để đến với các cuộc thi quốc tế. Hãy đợi cô ấy thêm một năm nữa, chắc chắn Kỳ Duyên sẽ chín hơn rất nhiều.

Hân thấy trong một vài cuộc thi quốc tế, rất nhiều nhan sắc không được ủng hộ thì lại đoạt giải cao, còn những nhan sắc được kỳ vọng thì lại ra về tay trắng. Ví dụ như khi Hương Giang đi thi Hoa hậu Thế giới, mọi người không quan tâm, không chú ý thì Giang lại lọt vào Top 16. Trong khi đó, Trương Thị May khi đi thi Hoa hậu Hoàn vũ, rất được yêu mến và kỳ vọng thì lại không được giải gì. Dư luận cũng mãi chỉ là dư luận, dư luận không thể nào làm tâm lý của mình lay động được. Vì thế, quan trọng là hoa hậu phải có bản lĩnh và tri thức để biết mình cần phải làm những việc gì. Hoa hậu cần bình tĩnh khi đối mặt với hiện tượng “hiệu ứng đám đông”.


“Kinh nghiệm cho thấy, Hoa hậu Việt Nam thường không chọn những nhan sắc viên mãn, đã hoàn thiện rồi, mà thường chọn những nhan sắc có tiềm năng tỏa sáng dài lâu.”
Sau mỗi cuộc thì đều có những ý kiến trái chiều. Năm 2010, khi đăng quang hoa hậu, Hân cũng từng phải trải qua những áp lực không nhỏ. Nhưng sau đó, bằng việc mình làm, bằng những cống hiến cho xã hội, Hân đã phần nào khẳng định được quyết định của ban giám khảo là đúng.

Hân tin tưởng Kỳ Duyên có đầy đủ bản lĩnh và nội lực để tỏa sáng trong thời gian tới. Mong rằng tân Hoa hậu giữ được bình tĩnh đón nhận mọi lời khen chê. Nếu những góp ý theo chiều hướng tích cực thì đón nhận, còn những ý kiến tiêu cực thì nên bỏ qua để tập trung thời gian vào việc hoàn thiện mình. Đó là cách mà Hân vượt qua áp lực khi đăng quang năm 2010.

Trước đây, bố Hân từng nói với Hân: Vinh quang và danh hiệu mà các con nhận được sau 1 đêm trên sân khấu chỉ là phù du. Điều quan trọng là sau đó, các con ghi dấu ấn trong lòng công chúng được đến đâu, đó mới là giá trị thật, danh vọng thật.

Mong rằng mọi người hãy coi Kỳ Duyên như người em, người con, người cháu trong gia đình mình và  đừng quên cô ấy mới chỉ 18 tuổi. Vì thế, hãy có cái nhìn thông cảm hơn. Hãy cho cô ấy thêm thời gian. Đừng vì một đêm trên sân khấu để đánh giá một con người…

Hoa hậu Ngọc Hân

Ảnh: Facebook Ngọc Hân

logo 

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

Thực hiện: depweb

08/12/2014, 00:03