Sở thích dễ thương nhất của chồng tôi là… nấu ăn cho vợ
– Vậy là chị đã trở thành “gái có chồng” đấy nhỉ! Một ngày của chị, lúc này? Thay đổi nào là dễ chịu nhất và thay đổi nào tạm thời đang khó thích nghi nhất?
– Cho đến thời điểm này, mọi thứ đều đang tiến triển nhẹ nhàng, dần dần và cả hai chúng tôi đều chưa thấy sự thay đổi gì quá lớn lao đáng kể, ngoại trừ có nhiều thời gian hơn với nhau, với gia đình và bạn bè (thay vì trước nay dành thời gian hẹn hò, gặp gỡ…). Cảm giác mong muốn chăm chút cho tổ ấm bé nhỏ của mình luôn hiện hữu trong tôi kể từ sau đám cưới. Mỗi ngày, ngoài công việc tại cơ quan, các dự án từ thiện và những hoạt động xã hội, tôi cố gắng cân bằng thời gian dành cho gia đình, cho chồng và những người bạn thân thiết cũng như thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân. Trong tuần, chúng tôi sẽ chia sẻ những công việc nhà, và thường thì khi có thời gian, chồng tôi có sở thích rất dễ thương là nấu ăn cho vợ.
– Chuyện đã được bắt đầu thế nào?
– Chúng tôi có cơ hội tiếp xúc khá thường xuyên trong suốt quá trình tham gia làm giám khảo chương trình “Tôi tài năng” do VTV6 phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức. Bắt đầu là những bữa ăn chung và từ đó, phát hiện ra những sở thích chung: những món ăn, những cuốn sách và cả những truyện cười…
– Tất nhiên tôi chưa được biết nhiều về người chị chọn. Nhưng… nói thật nhé, trong mường tượng trước đó, chắc không chỉ riêng tôi, tôi đã nghĩ: Rất dễ là một nhân vật “đình đám”, “có số có má”, với “bảng tiêu chuẩn vàng” mà chị có?
– Mọi người có quyền nghĩ bất cứ điều gì và tôi luôn tôn trọng những suy nghĩ khác nhau, nhất là khi nó xuất phát từ những mong muốn tốt đẹp dành cho tôi. Nhưng có một thứ không ai có thể đánh giá thay mình được, đó là tình yêu.
– Từng có không ít nghi ngại về đàn ông Việt trên các diễn đàn mạng. Đó có phải là một phần lý do chị chọn một chú rể Tây?
– Đã có rất nhiều người hỏi tôi về quyết định của mình, và thực sự cho đến thời điểm này, tôi không bao giờ suy nghĩ đến quốc tịch của chồng tôi. Có thời gian lớn lên ở một số nước và vừa qua là sống tại Việt Nam, tôi cảm thấy quen thân với những nơi mình ở và những người mình có cơ hội được tiếp xúc. Tôi sẽ không bao giờ nghĩ xấu về đàn ông Việt hay so sánh với đàn ông “ngoại” bởi tôi đã được nuôi lớn bởi những người đàn ông Việt tuyệt vời như ông tôi, ba tôi, bác tôi…
Chồng tôi nói được tiếng Việt nên cũng thường trò chuyện với họ và cũng nhận thấy có rất nhiều điểm anh ấy muốn học hỏi từ hai người đàn ông có vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc đời của tôi từ bé tới giờ. Cảm giác gần gũi, chia sẻ, tôn trọng, tình yêu thương ấm áp và điểm tựa tin cậy là những thứ hết sức quan trọng tôi tìm thấy ở anh ấy và đưa tôi đến với anh ấy.
– Vẻ như, thêm lần nữa, chị lại có mọi thứ thật dễ dàng?
– Lần này thì không. Không đơn giản chút nào, từ việc thuyết phục người thân, bạn bè và cả chính chúng tôi bởi những yếu tố về văn hóa, mặc dù tôi sống ở nước ngoài từ bé và chồng tôi cũng đã có rất nhiều năm sống tại Việt Nam. Tôi nghĩ hôn nhân nào cũng sẽ có những thử thách, có thể trước khi đi tới hôn nhân hay là những giai đoạn sống trong hôn nhân. Bởi vậy, chúng tôi không hề coi nhẹ quyết định lớn lao này. Chỉ riêng việc nhớ lại những gì cả hai đã trải qua để đến được với nhau cũng đã đủ khiến tôi rơi nước mắt trong tiệc cưới…
Tài sản lớn nhất là người thân
– Tới lúc này, theo chị, tài sản đáng giá nhất mà chị có là gì? Cái sự “đi một ngày đàng…” cũng đáng đấy chứ?
– Đúng. Các cuộc trải nghiệm, khám phá những con người và những nền văn hóa khác nhau quả thật đã cho tôi rất nhiều kiến thức trong cách giao tiếp, làm việc cũng như lựa chọn sống. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn vì có thể thích nghi với cuộc sống ở nhiều nơi và điều này đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội làm việc, sinh sống.
– Ngược lại, có lúc nào chị cảm thấy mình hơi “nghèo” không, trong ý nghĩa “bất hạnh cũng là một tài sản”?
– Chưa từng. Từ bé, tôi đã được ba mẹ dạy rằng nên cảm thấy biết ơn với những gì mình có dù nhỏ, vì có rất nhiều người không được may mắn như mình. Cũng có thể, tôi thường xuyên chia sẻ những buồn vui với gia đình và bạn bè thân thiết nên trước những điều “nặng nề” đến thế nào, tôi cũng có cảm giác như trút được với những người quan tâm, yêu thương mình. Những lúc đó, tôi luôn cảm thấy mình được sở hữu một tài sản vô cùng to lớn.
– Bố chị (nhà ngoại giao Ngô Quang Xuân – PV) ảnh hưởng thế nào tới chị? Trong những bài học ngoại giao của bố, chị lĩnh hội được gì cho mình?
– Có thể nói là ảnh hưởng rất lớn. Ba tôi dạy tôi lối sống hướng về cội nguồn, nhất là tinh thần vượt khó, ham học, biết tôn trọng, thương yêu, nhường nhịn, nhưng cũng phải linh hoạt đàm phán thuyết phục bảo vệ lẽ phải. Ông cũng giúp tôi phương pháp tư duy sáng tạo, gặp điều gì, nhận xét cái gì cũng phải từ “hai mặt của một đồng xu”, cố gắng biết “định hướng, định hình, định lượng”… thì mới có giải pháp hiệu quả được.
– Trước khi làm một cô dâu xinh đẹp trong đám cưới, có đôi lúc, người ta đã nhác thấy chị xuất hiện trước truyền thông không phải trong những lựa chọn tốt nhất: trang phục, cách trang điểm, hay thậm chí, vóc dáng… Đó có phải là những giai đoạn không được “happy” lắm trong cuộc sống của chị, hay đơn giản là chị không muốn làm nô lệ cho những cái bề ngoài đó?
– Có lẽ một phần là do lựa chọn và gu của từng người khác nhau nên đôi lúc cũng dẫn đến những đánh giá không giống nhau. Phần tôi thì cũng có thể thời gian đó do bị cuốn hút bởi khối lượng công việc quá nhiều nên đôi lúc cũng không còn đủ thời gian trau chuốt ngoại hình, không để ý đúng mức đến những thứ bên ngoài. Đã đành là phải cố gắng nhưng quả thật để trở thành một con người hoàn mỹ là không đơn giản chút nào.
– Đôi lúc trên Facebook của chị xuất hiện một số status khá tâm trạng dù rất kín kẽ. Có lúc nào chị ước: Giá mình được phát ngôn hay hành xử “mạnh mồm, mạnh tay” hơn, thay vì phải nói năng kín đáo, thận trọng, đúng kiểu “con nhà ngoại giao” và lại còn là “người của công chúng”?
– Những gì tôi chia sẻ trên Facebook là suy nghĩ nhất thời, phản ứng nhất thời khi thấy một điều gì đó không ổn trong ngày hoặc thấy nó lặp đi lặp lại thường xuyên. Đó thường là những vấn đề tôi thấy cần thiết phải đề cập tới, và những bạn trên Facebook cũng giúp đưa ra những cái nhìn khác nhau từ xã hội hiện đại của chúng ta. Nhiều vấn đề có vẻ như khá đơn giản nhưng cần phải hiểu được nguồn gốc của nó thì mới có thể cùng tìm ra giải pháp xử lý thích hợp. Thường thì những vấn đề tôi nêu lên đều liên quan tới nhận thức của từng người và còn phản ánh cả yếu tố văn hóa đã ngấm sâu trong tiềm thức của nhiều người. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng để thay đổi suy nghĩ hay thói quen văn hóa (không tích cực) cũng cần phải có thời gian chứ không thể cứ theo cách “mạnh mồm, mạnh tay” quá được, vì thực tế là không thể ép người khác suy nghĩ như mình.
– Chị nghĩ sao về câu nói này: Đằng sau một “lý lịch sạch” là… một “nhà tù”, vì đôi khi người ta phải làm nô lệ cho những khuôn khổ do chính mình tự tạo hay do những người ngưỡng mộ kỳ vọng? “Nhà tù” đó nếu có, chị có vui lòng ngồi?
– Ồ, tôi thực sự thích lối đưa ra câu hỏi một cách khá lý thú của chị. Đúng là có lúc tôi cũng từng cảm thấy mỗi chúng ta dường như đều có cái “nhà tù” nào đó của riêng mình. Theo cách hiểu này, các “nhà tù” có thể mọc ra… rất nhiều vì đủ “vị quản ngục”: gia phong mỹ tục, đạo nghĩa vợ chồng, công dung ngôn hạnh… Không biết là có quá bảo thủ không khi tôi liệt mình vào trường phái mong muốn có được những “nhà tù” kiểu đặc biệt này. Chỉ e rằng không biết mình có thể trở thành một “nô lệ” trung thành cả đời được hay không. Tôi ủng hộ những ai có tinh thần tự nguyện hướng bản thân mình theo một khuôn khổ của những giới hạn lành mạnh, tích cực của đời sống xã hội, phù hợp với đa số dân chúng.
Cái gọi là “tự do trong khuôn khổ pháp luật” ở mỗi người sẽ khác nhau tùy theo cách họ cảm nhận. Riêng tôi thì luôn mong muốn tuân thủ. Vì tôi cảm thấy được bảo vệ, được an toàn, không sợ hãi khi ra ngoài đường. Tôi hoàn toàn không thấy khó khăn gì khi tự nguyện chấp nhận sống trong những giới hạn được định bởi pháp luật và đạo đức xã hội. Được đến các nước văn minh, được thấy rõ người dân sống theo tinh thần thượng tôn pháp luật, cuộc sống của họ yên bình, tôn ti trật tự, bình đẳng nghiêm túc, tôi tin rằng đó là những giá trị tuyệt vời của cuộc sống…
Tôi hạnh phúc bởi vì tôi đơn giản
– Hãy nhớ lại, giây phút nào là đáng nhớ nhất trong cuộc đời chị: Nhận bằng khen từ Tổng thống Mỹ Bill Clinton? Đăng quang hoa hậu? Nhận chiếc nhẫn từ tay chú rể?
– Chắc hẳn cuộc đời ai cũng có những cột mốc, và tất cả những điều chị nhắc đến ở trên cũng là những cột mốc khó quên trong cuộc đời tôi. Tất nhiên sẽ có những ghi nhận đặc biệt với cá nhân tôi mà có thể không mấy người để ý tới. Chẳng hạn như khi phụ huynh bắt đầu tin tưởng là tôi đã trưởng thành để được quyền đưa ra những quyết định riêng trong cuộc sống. Là khi tôi cảm nhận được tình thương từ gia đình và những người bạn thân thiết hết lòng vì mình. Hay khi tôi quay trở lại ngôi trường tiểu học sau hơn 10 năm tốt nghiệp và gặp những thầy cô vẫn nhớ mình… Tất cả, với tôi, đều là những giây phút đáng nhớ.
– Giản dị là điều dễ nhận thấy ở chị và cũng là một trong những điều khó đạt đến nhất của một đời người. Chị đã cố gắng để có được điều đó hay nó đến tự nhiên?
– Thế giới thường biết đến đạo Phật như một phong cách và đạo đức của cuộc sống hơn là một tôn giáo và ngày càng nhiều người phương Tây tìm đến những triết lý của nhà Phật. Điều tôi học được từ đó là lối sống đơn giản, khi con người không còn những tham muốn vượt quá những gì họ có. Hơn nữa, là sự trung thực. Tôi thích sự đơn giản, không màu mè. Với tư duy và cách sống như vậy nên tôi có cảm giác con đường tới hạnh phúc dường như dễ đến với mình hơn.
Chẳng phải cuộc sống đã quá phức tạp rồi sao mà mình còn muốn góp thêm vào đó? Vì vậy, hầu như trong mọi nơi mọi lúc, tôi luôn cố gắng thể hiện suy nghĩ một cách rất thẳng thắn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu. Nhờ vậy, tôi luôn cảm thấy thoải mái, lạc quan.
– Ngược lại, điều gì thường khiến chị cầu kỳ nhất?
– Đó là khi tôi mua một món quà cho ai đó hoặc khi tổ chức một buổi tiệc. Với những chuyện này thì tôi hơi cầu toàn vì muốn mọi người được thoải mái và vui vẻ nhất. Thường thì tôi sẽ “ngâm cứu” sở thích của từng người, lên kế hoạch rồi liệt kê ra danh sách từng thứ mình cần chuẩn bị, với chuẩn xác giờ giấc cho mỗi “tiết mục”. Chắc nhờ lưng vốn kinh nghiệm phỏng vấn nhân vật và làm truyền hình trực tiếp nên tôi khá “có nghề” trong việc thu thập thông tin và cũng rất đúng giờ.
– Trên gương mặt mình, chị thích gì nhất: đôi mắt, nụ cười…?
– Tôi thích tất cả những nét trên mặt mình mà đã được thừa hưởng từ ba mẹ. Có gì đó thân thương và vô cùng gần gũi khi một người nói với tôi rằng nụ cười của tôi giống mẹ và đôi mắt của tôi giống ba. Đây cũng là hai điểm tôi chú ý nhất ở người khác. Có thể cảm nhận được họ vui vẻ khi họ cười bằng miệng cũng như bằng đôi mắt.
– Một bản lý lịch “sạch”, phong thái lịch lãm, những phát ngôn thận trọng… – đó là những gì khiến công chúng yêu mến chị. Nhưng với truyền thông, đôi lúc lại có cảm giác Ngô Phương Lan rất… dễ nhạt vì luôn là một thứ “khuôn vàng thước ngọc” trên mặt báo thay vì sở hữu một cá tính góc cạnh, lôi cuốn, thường là chất liệu truyền thông kỳ vọng. Nếu trót gây ra sự “thất vọng” đó cho truyền thông, chị sẽ nói gì với họ?
– Thực ra tôi cũng không cố tình “thận trọng” đến như vậy đâu. Chỉ là, khi có ai đó lắng nghe mình thì nên có trách nhiệm với lời nói của mình. Tốt nhất là chân thành chia sẻ những gì mình hiểu, mình biết mà có thể có ích lợi nào đó đối với mọi người.
– Chị nuôi mèo? Phụ nữ, để ấm thân, theo chị, có nên trang bị cho mình phẩm chất của… một con mèo: rất giỏi làm nũng, nhưng khi cần, sẽ là móng vuốt?
– Chị hỏi thật đúng người vì tôi… tuổi mèo. Con mèo rất tự lập, nhưng khi cần được yêu, nó lại rất ấm áp và mềm mại, cho người chủ cảm giác họ là người quan trọng nhất trong cuộc đời nó. Ngược lại, với người lạ, nó tỏ ra rất thận trọng, nhưng cũng lại khá cởi mở với những người nó cảm thấy có thể tin tưởng được. Thật đáng để học hỏi!
Có thể bạn quan tâm: Gần một năm im lặng – không tiếng, không hình – đối với một ca sĩ như Nguyên Thảo hẳn đủ để giải được bài toán: đi tìm khán giả cho riêng mình. Một năm – người dễ quên có lẽ chẳng còn gì để nhớ, còn người đã yêu đủ để cảm thấy giọng hát ấy không thể thay thế.