Hoa hậu Hương Giang: Quy tắc ứng xử cho người Hà Nội- nghe thì hay đó…

Thủ đô Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện “Bộ quy tắc ứng xử cho người Hà Nội” và sẽ thí điểm trong năm 2015. Theo đó, người dân ở nơi công cộng sẽ phải chấp hành nội quy, tôn trọng, thân thiện, đoàn kết, chia sẻ… Bộ quy tắc này khiến dư luận bàn tán vì nhiều nhẽ. Liệu bộ quy tắc này rồi có như bao khẩu hiệu khác, ai cũng biết nhưng liệu có ý thức để thực hiện đúng?

Mời độc giả đọc bài viết của các nghệ sĩ Việt xung quanh câu chuyện này…

Thật ra, ra bộ luật hay quy tắc nào cho việc ứng xử – theo tôi, cũng không bằng ý thức của từng người. Đôi khi chỉ cần chờ đợi 5 giây thôi, bạn sẽ làm được nhiều thứ đấy. Bạn sẽ chờ được người trong thang máy ra hết rồi mới bước vào. Bạn cũng có thể chờ cho đèn xanh sáng lên hẳn rồi di chuyển chứ không cần bóp còi inh ỏi giục xe đằng trước đi khi đèn vẫn còn đỏ. Bạn có thể đi vòng thêm mấy bước để tới chỗ đi bộ băng qua đường. Và 5 giây cũng đủ để bạn ngẩng lên mỉm cười với người khác khi chạm mặt.

Không ít tấm bảng hiệu được trưng trang trọng ở nhiều cơ quan dạy về cách ứng xử trong công sở. Thế nhưng hầu như đâu ta cũng bắt gặp những gương mặt cáu kỉnh, và cùng với đó là những màn chen lấn để giành phần nhanh nhất, trước nhất cho bản thân mình. Tư duy “tiện cho bản thân” được thể hiện trong mọi hoàn cảnh, từ trong công sở ra ngoài đường phố.

Hoa hậu Hương Giang

Mới đây đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội” đã được UBND thành phố thông qua. Chuyện này khiến dư luận bàn tán vì nhiều nhẽ. Có khi nào bộ quy tắc này rồi cũng giống như bao tấm biển hiệu trước? Nghe thì hay đó, hỏi thì ai cũng thuộc, nhưng khi cần dùng thì bao nhiêu phần trăm còn nhớ tới?

Theo tôi, bộ quy tắc là định hướng chung để chúng ta cùng hướng tới một xã hội văn minh, nâng cao nhận thức của người dân, giáo dục cách hành xử nơi công cộng. Song e là, nó sẽ chỉ dừng lại trên giấy tờ với những lời hô hào “chân thành, cởi mở, thân ái, đoàn kết, tôn trọng, tận tâm”, nếu chưa đi kèm một kế hoạch hành động cụ thể cho việc giáo dục và cả xử lý hành vi vi phạm…

Nhiều người còn thắc mắc, bộ quy tắc chỉ áp dụng ở Hà Nội, vậy còn các địa phương khác thì phải chăng không cần? Tôi cho rằng, bộ quy tắc cũng giống như những điều hay, ý đẹp chúng ta đọc được hàng ngày ở bất kì đâu, chỉ cần mỗi người tự xây dựng được ý thức cho riêng mình, hướng dẫn gia đình, bạn bè cùng thực hiện thì chẳng cần đến bộ quy tắc, chúng ta vẫn là những con người văn minh.

Chúng ta hãy cùng chờ những phản hồi khi bộ quy tắc được đưa vào thí điểm để từ đó góp ý cho những bước hành động tiếp theo…

Dự thảo “Bộ khung quy tắc ứng xử cho người Hà Nội” đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 nhóm đối tượng cụ thể như sau:

Quy tắc ứng xử đối với lãnh đạo cơ quan/tổ chức: Gương mẫu; Đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch; Lắng nghe; Tận tâm với công việc; Thực hành tiết kiệm; Xây dựng tập thể đoàn kết.

Với thầy, cô giáo: Thương yêu, vị tha, đối xử công bằng; Nhân ái, chia sẻ, cảm thông; Thân thiện, thấu hiểu; Gương mẫu; Yêu nghề, ham học hỏi; Bảo vệ lẽ phải; Tác phong, cử chỉ, trang phục phù hợp với môi trường học đường.

Người dân nơi công cộng: Chấp hành nội quy, quy định; Tôn trọng, thân thiện; Văn minh, lịch sự; Đoàn kết, chia sẻ; Bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan, môi trường; Ý thức phê phán những hành vi vi phạm quy định.

Quy tắc ứng xử đối với y, bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế: Thực hiện các chuẩn mực y đức; Kiên nhẫn, cảm thông, tận tình, chu đáo; Tôn trọng, đúng mực trong giao tiếp; Cung cấp thông tin và chỉ dẫn đầy đủ, cụ thể; Không phân biệt đối xử, tận tâm và trách nhiệm với công việc

Các chuẩn mực ứng xử tối thiểu doanh nghiệp: Tôn trọng đạo đức kinh doanh; Coi trọng chữ tín; Công bằng; Tôn trọng; Chia sẻ lợi ích và trách nhiệm xã hội.

Ứng xử tại khu dân cư: Tôn trọng; Chân thành, cởi mở; Cảm thông, chia sẻ; Thân ái, đoàn kết; Bình đẳng; Trách nhiệm; Các quy tắc ứng xử cụ thể.

Hoa hậu Hương Giang


logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.


From the same category