Sau khi mang các thiết kế của mình đến các sàn diễn quốc tế ở Paris và New York vừa qua, NTK Thủy Nguyễn trở lại với một BST hoàn toàn mới được lấy cảm hứng từ bộ môn nghệ thuật cải lương.
Khi tìm hiểu về nghệ thuật cải lương, NTK Thủy Nguyễn đã trải qua rất nhiều những cung bậc cảm xúc. Từ sự choáng ngợp về thời kỳ thịnh vượng phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật cải lương, cho đến sự nể phục những người nghệ sỹ cháy mình vì đam mê, và cả những bi ai khi người ta dần nhắc đến cải lương như một điều đã quá xưa cũ. Với những cảm xúc và trăn trở ấy, BST “Mỵ Châu” được ra đời. Không chỉ gợi nhớ về tình yêu mù quáng của nàng công chúa Mỵ Châu, BST như một mảng ký ức đẹp về nghệ thuật cải lương Việt Nam bằng đôi mắt sáng tạo của NTK Thủy Nguyễn.
Qua BST “Mỵ Châu”, NTK Thủy Nguyễn gửi gắm cả tình yêu nghệ thuật cải lương và lòng ngưỡng mộ người nghệ sĩ trên sân khấu vào từng hoạ tiết, chất liệu sử dụng cho đến kỹ thuật đính kết công phu. BST mang đến hơi thở của nghệ thuật cải lương, tôn vinh nét văn hoá Việt qua nhiều yếu tố nổi bật vốn đã làm nên những đặc điểm nhận diện quen thuộc của thương hiệu THUY DESIGN HOUSE.
Với chất liệu chính là gấm, ren và sequin lấp lánh, phối hợp cùng tông màu chủ đạo theo xu hướng mùa Thu – Đông 2019, mang đến nét nghệ thuật xưa đến gần với thời hiện đại. Khán giả có thể dễ dàng nhận ra những đặc điểm quen thuộc của người nghệ sỹ sân khấu cải lương thông qua những đường diềm mềm mại; đường xếp vải, tua rua ở trang phục hay những chiếc mặt nạ cầu kỳ. Hình ảnh hoa sen, mẫu đơn, hoa đào, hoa súng được đưa vào trang phục một cách khéo léo đầy tinh tế. Các chi tiết lông vũ, lông ngỗng nhắc đến khoảnh khắc “định mệnh” khi nàng Mỵ Châu rải lông chỉ đường cho Trọng Thủy. Hay cả hình ảnh thành Cổ Loa, trang phục áo choàng,… đều nhắc chúng ta nhớ đến câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng đầy bi ai của nàng Mỵ Châu.
Nàng thơ Đỗ Mỹ Linh hoá thân thành cô “đào chánh” kiều diễm lay động lòng người. Kết hợp cùng nhà sản xuất âm nhạc Jase Nguyễn, những bản phối nhạc điện tử cùng với các trích đoạn cải lương mang đến những trải nghiệm rất thú vị cho khách mời.
Một trong những yếu tố khiến các vở cải lương cứ “day dứt” trong lòng người xem là tính “bi kịch”. Đại đa số các vở cải lương kết thúc bằng chữ “bi”, cũng như tình yêu của nàng Mỵ Châu – đẹp lãng mạn nhưng vẫn kết thúc bi ai. BST mang lại một phút lắng đọng bởi nét buồn lãng đãng, như một nàng thơ diễm lệ với đôi mắt đượm buồn, và câu hỏi gây khắc khoải lòng người “Liệu rằng một áng nghệ thuật xưa cũ kia có tìm được người kế nhiệm?”
Dẫu ngoài kia cuộc sống hối hả, hãy dừng lại một chút để ngắm nhìn BST Mỵ Châu, để nhớ về nàng công chúa si tình và mãnh liệt với tình yêu của mình, để nhớ về những cô đào chánh đẹp lộng lẫy trên sân khấu cải lương. Và để tin rằng, giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc có thể cũ đi, nhưng không bao giờ biến mất được.