Một hoàng đế Ấn Độ nói với hai hoàng tử: “Ta sẽ truyền ngôi báu cho người nào tìm được người đàn bà đẹp nhất trần gian!”. Một hoàng tử quyết định chu du khắp thế giới, tìm kiếm, đo đếm, so sánh và mang về một người đẹp mê hồn.
Khi nàng xuất hiện tất cả thần dân đều… thở hắt ra. Càng ngắm nàng họ đâm ra buồn khổ, sầu não vì thấy con gái mình, em gái mình, vợ mình, mẹ mình, hàng xóm nhà mình… sao mà xấu xí quá. Họ đâm chán đời chả thiết sống nữa!
Hoàng tử kia “đi thực tế” trong đời thường ở những nơi thân thuộc trong vương quốc và mang về một người đẹp không làm lóa mắt ai. Nhưng mọi người chiêm ngưỡng nàng xong thì thấy vợ mình, con mình, em gái mình, mẹ mình, các cô hàng xóm trong khu phố mình… ai cũng có nét đẹp, đáng yêu mà trước đây mình không nhận ra.
Đố biết ai sẽ kế vị ngai vàng? Chủ nghĩa kinh điển lý tưởng hay chủ nghĩa hiện thực?
Cùng với sống – chết thì hai khái niệm yêu và đẹp là bốn thứ rắc rối khó hiểu nhất trên đời ở cả hai bình diện cao nhất là triết học lẫn thấp nhất là ở nhà mỗi ngày. Thế nào là yêu, tại sao lại yêu? Thế nào là đẹp, tại sao lại đẹp? Đó là những câu hỏi vĩnh viễn không có câu trả lời thống nhất.
Phụ nữ là đối tượng và chủ đề của yêu và đẹp. Phụ nữ có vẻ chiếm ưu thế trong hai chuyện này hơn đàn ông? Chả nên mừng vì đó là do chế độ phụ hệ đã hạ thấp người phụ nữ xuống hàng đó và nâng đàn ông lên hàng quan tòa, làm ban giám khảo.
Họ đánh nhau vì không đồng thuận được trong việc trao vương miện cho ai. Đó là chuyện anh chàng Paris “đi đêm” với Venus, chấm cô này là người đẹp nhất để hy vọng lấy được nàng Helen (người mà theo anh ta mới thực là đẹp nhất!).
Kết cục là đại chiến thành T’roa. Người Hy Lạp hay kể chuyện này. Giới tính tham gia chấm giải hoa hậu từ thượng cổ tới nay. Giới tính tất dẫn tới cơ thể người nữ và dục tình. Đó cũng là lý do đạo đức, khi ở nhiều nơi người ta cấm thi nhan sắc.
Đẹp cơ thể và đẹp tinh thần bị chẻ ra làm đôi. Thang giá trị của cá nhân và tập thể cũng tách ra làm hai mảnh. Sự đồng thuận chỉ là tương đối, chỉ mang tính ước lệ và trở thành cuộc chiến bất tận.
Chính vì không bao giờ có thể khách quan hay đồng thuận về cái đẹp (hay tình yêu) nên nghệ thuật mới vẫn còn mãi. Và dù có tổ chức hay không thì mỗi người, trong lòng mình, vẫn cứ tự làm các cuộc thi, tuyển hoa hậu cho cá nhân, cộng đồng, thời đại mình. Thế nên tổ chức được vẫn vui hơn nhiều!
Sẽ nhầm khi cho rằng các nghệ sĩ nhất là các nhà mỹ thuật khách quan nhất, sành sỏi nhất về cái đẹp của phụ nữ. Đúng là các nhà tạo hình có “nhiệm vụ” ghi lại vẻ đẹp ấy trong tác phẩm.
Xem tranh thời Đường thấy các mỹ nhân béo mập, mắt híp, má bánh đúc và có vẻ lả lơi, “ham vui”. Các mỹ nhân đời Tống lại thon gầy, khắc khổ và đoan trang quá.
Xem tượng thiếu nữ Chùa Dâu, Bút Tháp… thấy đủ: “Cổ tay như ngà, con mắt dao cau, nụ cười hoa ngâu và cái khăn đầu hoa sen” của vẻ đẹp Bắc Bộ. Không thái quá cả về cơ thể lẫn tinh thần! Khó ai trong số họ có cơ hội đăng quang tại các cuộc thi sắc đẹp ngày nay.
Các nhà mỹ thuật Hy Lạp đã cố tìm các số đo chuẩn, thực chất là trung bình cộng, cho cơ thể và họ tìm ra các Vệ nữ Milô mà theo tôi thật khó coi, không thể đẹp bằng các Apsara Chăm, Ấn Độ, Ăngco. Nàng Mona Lisa của Da Vinci bí ẩn nhưng xồ xề.
Các người nữ của Michenlangelo thì như các nữ võ sĩ thể hình. Người ta bảo đó là do hai họa sĩ này đồng tính! Mỗi họa sĩ thành tài nhờ vẽ phụ nữ đẹp luôn phải rất phiến diện, chủ quan thì mới tìm ra cái đẹp riêng, phong cách riêng, thể hiện thẩm mỹ, tư tưởng riêng của mình.
Tìm hoa hậu không nên nhờ các họa sĩ! Tôi biết bác Lưu Công Nhân hay anh Ca Lê Thắng đều từng được kỳ vọng làm xong rồi… thất vọng từ Ban giám khảo các cuộc thi này! Tôi vẽ rất nhiều khỏa thân nhưng không có ai “đẹp” cả.
Người ta hơi lo các cuộc thi hoa hậu là lạm phát hay loạn. Khán giả sẽ bất bình với Ban giám khảo, nhà tổ chức sẽ thu tiền để bị chê bai. Đó là phần tất phải có của các cuộc thi. Các cuộc thi hoa hậu thuộc công nghệ giải trí, một công cụ marketing, quảng bá du lịch, một cách hay để làm các công việc từ thiện.
Thí dụ cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt vừa qua hỗ trợ tốt cho việc kêu gọi Việt kiều xây dựng quê hương, xây dựng hình tượng người thanh niên tự tin, hòa nhập và dấn thân.
Cũng như các diễn viên, vận động viên, sao hay thần tượng nào đó… các hoa hậu là sản phẩm của văn hóa đại chúng và thị trường tự do. Không cần và cũng không thể tìm thấy người đẹp nhất trần gian ở các cuộc thi này. Không nên kỳ vọng tìm thấy các chuẩn thẩm mỹ (của đất nước, thời đại!) hay vẻ đẹp thuần Việt – không giống ai!
Các hoa hậu Venezuela hay Thái Lan phần nào giúp người ta nhớ đến các đất nước này khi du lịch nhưng bảo họ đã làm rạng danh đất nước, giúp cho kinh tế đất nước phát triển hay nâng tầm văn hóa của các nước ấy thì cũng không phải.
Có lẽ khán giả Việt Nam ta vẫn thích xem thi Hoa hậu, có nhàm chán cũng không chán hơn các game trên TV, phim, nhạc hay kịch, thơ và tiểu thuyết “đại trà”… của ta được!
Lo chỉ là lo tổ chức không chuyên nghiệp thì hiệu quả thấp, kiểu như lo cho các lễ hội, festival du lịch úi xùi thì “lợi bất cập hại” chứ không lo “loạn”. Riêng tôi vẫn thán phục các nhà tổ chức và các thí sinh thi hoa hậu.
Họ đã làm cho Việt Nam ta quen dần với một “món ăn”, một “mặt hàng” văn hóa đại chúng mà khi mới bắt đầu, ai cũng tưởng dân ta khó “nuốt trôi”.
Nhà phê bình Nghệ thuật |