Hoa đào: Bí quyết làm đẹp của Thái Bình công chúa - Tạp chí Đẹp

Hoa đào: Bí quyết làm đẹp của Thái Bình công chúa

Làm Đẹp

Nhưng so thế nào thì so, hiện đại thế nào thì hiện đại, những phụ nữ năng động trong thế giới công nghiệp hóa ngày nay mấy ai bì kịp các bà hoàng, công chúa, cung tần mỹ nữ ngày xưa về thời gian, điều kiện tự nhiên và động lực để làm đẹp? Thời ấy và cho tới tận bây giờ, những bài thuốc làm đẹp trong cung cấm vẫn được coi là bí truyền. Phàm cái gì càng giữ kín thì sẽ càng gây tò mò, nữa là bí thuật để đẹp đến mức chim sa cá lặn, nghiêng nước nghiêng thành như những mỹ nữ mà giai thoại về sắc đẹp của họ đã trở nên bất tử.

Nhiều thế kỷ đã qua đi, nhưng giá trị của các bí thuật làm đẹp vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng mỗi người có một cơ thể khác nhau và điều kiện khách quan khác nhau nên cần có sự tham vấn của các thầy thuốc, chuyên gia, tránh vận dụng những phương thuốc được truyền lại trong các tư liệu và giai thoại này một cách máy móc.

Công chúa Thái Bình (sinh khoảng năm 665 – mất năm 713) là con gái của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên, tên thật là Lý Lệnh Nguyệt. Có thể tổng kết thật gắn ngọn về cuộc đời Thái Bình Công chúa, đó là cô công chúa nhiều tham vọng, quyền thế nhất trong triều nhà Đường. Tuy cuộc đời đầy tham vọng ấy kết thúc trong cùng đường bi thảm, nhưng Thái Bình Công chúa vẫn sống trong nhân gian như là huyền thoại về một tuyệt thế giai nhân.

Theo truyền thuyết, con gái yêu của nữ hoàng Võ Tắc Thiên thường sử dụng một bí thuật làm đẹp khiến cho cơ thể trắng mịn như tuyết, dáng người uyển chuyển yêu kiều. Phương thuốc đó là dùng hoa đào hái vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, phơi khô tán bột – trộn đều với huyết gà ác lấy vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch rồi thoa lên mặt và thân thể. Trong sách Tỏa Tủy lục từ thời đó còn ghi lại hiệu quả đến chỉ 2 – 3 ngày sau khi thoa mặt, khiến da dẻ tươi sáng tinh khiết, mặt mũi trắng hồng.

Tại sao lại là hoa đào và huyết gà? Và tại sao lại là hoa đào tháng 3, huyết gà tháng 7?

Tác dụng làm đẹp của hoa đào thì từ thời cổ đại đã được con người khám phá. Trong cuốn sách “Thần nông bản thảo kinh” có viết: hoa đào “làm cho da người có sắc tươi đẹp”, nói như ngày nay là có tác dụng làm đẹp vậy. Huyết gà thì có khả năng trị các loại bệnh về da liễu cũng như nuôi dưỡng làn da. Hoa đào và huyết gà kết hợp điều hòa tạo ra khả năng kích thích sự trao đổi chất (chuyển hóa) của da, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, đương nhiên sẽ có tác dụng làm đẹp.

Y học chỉ ra rằng huyết gà tốt, nhưng huyết gà ác (xương đen) còn tốt hơn, tác dụng rõ rệt hơn. Tuy nhiên, cái công đoạn lấy huyết gà, lại còn phải vào đúng ngày đúng tháng, không phải ai cũng dễ dàng làm được. Với những người không có thuận lợi đó thì chỉ cần dùng riêng cánh hoa đào thôi cũng tốt rồi và đó thật sự là một cách rất dễ làm, lại rất rẻ. Những người có làn da tính dầu thì có thể kết hợp hoa đào với sữa bò tươi, còn những người có làn da khô và trung bình thì có thể kết hợp với mật ong.

 

Kết hợp giữa bột hoa đào mùa xuân và huyết gà mùa hạ chính là thuốc thoa mặt hàng ngày của Thái Bình Công chúa. Hoa đào hồng phơn phớt nở rợp trời khiến mùa xuân phương Đông trở nên kiều diễm, khác nào những khuôn mặt hồng hào tươi tắn của các nàng thiếu nữ – giai nhân. Từ xưa, trong văn hóa phương Đông, các loài hoa đã được trưng dụng làm đẹp cho không gian và là biểu tượng của người con gái. Muôn loài hoa khác như hoa hạnh, hoa lê, hoa sen, hoa cúc, hoa hồng… đều có tác dụng làm đẹp, nhưng hoa đầu tiên phải kể chính là hoa đào.

Cùng xu hướng dùng hoa đào trong làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, cuốn “Thiện kim yếu phương” của Tôn Tư Mạc thời nhà Đường có nêu ra phương thuốc chữa bệnh đau mình mẩy và thắt lưng, tức lấy hoa đào khi còn chúm chím sắp nở, đem phơi dưới bóng râm, dùng để sắc uống làm giảm béo và làm cho nước da mịn màng, trắng trẻo, hồng hào.

Trong cuốn “Thái bình thánh huệ phương” thời nhà Tống thì lại ghi chép về những bài thuốc chữa trị chứng bệnh nốt rám đen cũng như các nốt tàn nhang trên mặt. Họ dùng hoa đào lẫn với hoa mai, mỗi thứ lượng bằng nhau pha trong nước, sau đó dùng nước ấy để rửa mặt, có thể xóa bỏ dần được các vết và các nốt xám đen trên mặt và làm đẹp da mặt. Trong đó còn có thêm 1 đoạn ghi chép liên quan tới hoa đào, rằng: dùng hoa đào với hạt bí đao tán bột hòa đều với mật ong chữa mụn trứng cá.

Về tác dụng làm đẹp dung nhan của hoa đào thì danh y thời nhà Minh Lý Thời Trân đã từng phân tích kỹ như sau: hoa đào có tác dụng tẩu tiết hạ giáng, lợi đại tràng rất nhanh, dùng để chữa trị những chứng bệnh như người đang khỏe mạnh bị thủy ẩm thũng mãn (thể dịch từ thức ăn uống hóa sinh đã mất tác dụng sinh lý, làm trở ngại cho sự vận hành bình thường của khí huyết, từ đó mà sinh ra nhiều thứ bệnh như ho, suyễn, tức thở, phù thũng v.v…, thứ lỏng mà trong gọi là thủy, thứ lỏng mà dính gọi là ẩm, thủy ẩm ngưng đọng lại thành ra đờm, người phù, bụng chướng đầy), tích trệ, bế tắc đại tiểu tiện. Khi đó hãy uống nước hoa đào, vừa có công hiệu chữa trị bệnh, lại vô hại. Từ đó mà suy thì những người bị béo phì có thể dùng nó để giảm béo rất tốt (nhờ vào tác dụng dẫn hạ đàm thấp). Còn tác dụng làm sáng sủa rạng rỡ nét mặt, làm mịn màng, hồng hào da mặt thì lí do đơn giản là vì nó đã thúc đẩy chuyển hóa nhanh các tế bào da, làm cho da được bồi dưỡng tẩm bổ mà thôi.

Ngoài ra, cuốn “Thiên kim dực phương” còn giới thiệu phương pháp dùng rượu hoa đào để làm đẹp. Cách làm là chọn khi hoa đào đương nụ, hái 250g, phơi khô trong bóng râm, kết hợp với 30g bạch chỉ, đem ngâm trong 1 lít rượu trắng trong 1 tháng, mỗi buổi tối uống 30ml, đồng thời lấy bông nhúng vào rượu xoa lên lòng bàn tay rồi mát-xa mặt.

Quay trở lại câu hỏi về thời điểm hái hoa đào trong bài thuốc của Thái Bình Công chúa, tại sao là hoa đào ngày 3 tháng 3 và huyết gà ngày 7 tháng 7 (âm lịch)?

Ai cũng biết ngày mồng 3 tháng 3 theo nông lịch hàng năm chính là tiết Thanh Minh – mùa xuân. Chiếu theo Hoàng Đế Nội Kinh, thì mùa Xuân là mùa trăm hoa đua nở, mùa của đâm chồi nảy lộc, của khí trời đất phát sinh, đêm nằm an giấc ngủ, sáng dậy thênh thang hít thở với khí trời thơm tho, nhẹ nhõm… Cũng theo Hoàng Đế Nội Kinh thì mùa Xuân chỉ có sinh mà không hề có sát, có ban cho mà chẳng hề đoạt lại, có thưởng nhưng không phạt… Hoa đào hái vào độ này, vừa đúng cữ nở rộ, vừa hấp thụ đầy đủ nhất cái linh khí của đất trời.

Còn ngày 7 tháng 7 âm lịch (tức tiết Thất tịch) là ngày hầu hết các nông dân nghỉ ngơi nhằm tránh bớt cảnh nóng bức oi ả! Người ta thường bày hoa quả rượu thịt ra giữa trời cùng nhau ngồi nhìn trăng, khấn vái. Ngày này các phụ nữ thường kết các dải lụa và cùng xâu kim dưới bóng trăng… Thất Tịch thuộc vào mùa Hạ – mùa mà Âm Dương giao hòa. Muôn vật cũng sum suê đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở, bướm lượn ong vờn… Cái khí bên trong được điều hòa, máu huyết luân chuyển không gì cản ngăn được. Huyết gà vào ngày này cũng được coi là tốt nhất.

Trên đây mới chỉ là một câu chuyện nhỏ nhưng là 1 bí thuật hiệu quả để giữ dung mạo tươi xinh của Thái Bình Công chúa từ cách đây hơn cả thiên niên kỷ. Trong khoảng thời gian dằng dặc của lịch sử, còn có biết bao bà hoàng, công chúa, mỹ nữ gắn nhan sắc của mình với những giai thoại làm đẹp mà câu chuyện nào cũng mang tính thực dụng nhưng vẫn nhuốm một màu huyền hoặc quyến rũ…

Theo Đang yêu

Thực hiện: depweb

22/08/2012, 00:04