1. Giữa cái nắng hè hầm hập của Thủ đô, còn gì thỏa thích bằng được vùng vẫy trong dòng nước sông Hồng. Nhưng hãy cẩn trọng trước khi trút hết “xiêm y” ở bãi tắm tiên nơi đây. Nếu không, những “hậu duệ” của Chử Đồng Tử rất dễ bị đưa vào hạng mục “phản cảm, phi văn hóa”.
Vì, như một vị giáo sư – tiến sĩ đánh giá đây là một hành động “hoang dã, không phù hợp truyền thống Việt”, đã lý giải trong một bài báo: “Văn hóa của chúng ta là văn hóa “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại” chứ không phải phơi bày ra tất cả những chỗ kín trên cơ thể”.
Khoan bàn về vấn đề tốt phô, xấu đậy, thì ở đây người ta thấy một vấn đề về quyền được hở. Xung quanh chuyện này, trên một loạt bài báo gây tốn giấy mực, đã có những trao đi đổi lại, với nhiều dẫn chứng khoa học, lịch sử được các bên viện dẫn để bảo vệ luận cứ của mình. Tuy nhiên, như vẫn thường xảy ra, câu chuyện dừng lại ở “thì lửng lơ”.
Dẫu sao, chuyện tắm tiên của một nhóm người, dù có nhuốm bụi trần ai, nhiều lắm cũng chỉ đủ làm gợn thêm đôi chút một khúc sông. Có lẽ, cái nhiều người thấy đáng tranh luận và giải quyết hơn là liệu chúng ta có thể giữ cho thế hệ con cháu mình những dòng sông trong mát để chúng đắm mình trong đó hay không.
Nỗi lo lắng này rõ ràng có căn cứ và không hề là “cơn bão trong tách trà” khi hồi giữa tháng 6, chuyện ô nhiễm sông Hồng thậm chí đã được đưa vào chất vấn tại Quốc hội. Khó có thể yên lòng khi trong mấy năm lại đây, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận nhiều hiện tượng bất thường như đến hẹn lại lên, nước sông Hồng ở đầu nguồn đục ngầu, sủi bọt. Và không chỉ sông Hồng, nhiều dòng sông khác cũng đang nằm trong nguy cơ tương tự, mà chắc chắn nguồn cơn không phải do “nạn”… tắm tiên.
Bãi tắm tiên tại sông Hồng. Ảnh: GDVN
2. Có phần tương quan với câu chuyện trên nhưng “nóng” hơn nhiều, là chuyện quyền được hở của giới nghệ sĩ đang được bàn luận rôm rả gần đây sau sự ra đời của một chỉ thị. Hở bị phạt là khó bàn cãi, nhưng điều nhiều người, không chỉ giới nghệ sĩ, băn khoăn là khái niệm hở như thế nào là phản cảm, là trái thuần phong mỹ tục, 1/3 hay 1/2 ngực, hở lưng hay chân đến đâu là được phép? Câu chuyện này gợi chúng ta nhớ tới ranh giới mà có người đã hình tượng hóa gọi là “chiếc lá nho” giữa ảnh nude nghệ thuật và ảnh khiêu dâm.
Không chỉ “bức xúc” với chuyện ranh giới, có nghệ sĩ còn quay ra không “tâm phục khẩu phục” với báo chí. “Nếu ban biên tập của các tờ báo mạng không vì muốn gây dư luận trái chiều để thu hút sự quan tâm của độc giả và câu view thì họ cũng đã không đăng những tấm hình như vậy. Nếu các phóng viên ảnh có tâm với những nghệ sĩ như chúng tôi, họ đã không canh những khoảnh khắc tìm sơ suất sân khấu của chúng tôi như thế.” Một nữ ca sĩ nổi tiếng và cũng tai tiếng với các bộ cánh gợi cảm đã phát biểu như vậy.
Sự “ghen” của nghệ sĩ trước quyền được phô cái hở của báo chí quả là không phải thiếu căn cứ. Trong khi các quy định phạt ngày càng thiết chặt vào giới nghệ sĩ, thì báo chí đến nay vẫn khá đường đường chính chính đăng tải ảnh hở của nghệ sĩ, mà trong nhiều trường hợp chỉ cần làm mờ những chỗ nhạy nhất bị cấm. Muốn chính danh hơn nữa, thì vận dụng “thủ thuật” kèm theo ảnh gợi cảm là những lời “góp ý” nghe ra rất mang tính xây dựng và bảo vệ thuần phong mỹ tục.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Nghệ sĩ đâu hiểu được nhà báo cũng khổ lắm. Như một “người trong chăn” đã hài hước thanh minh thanh nga trong một bài báo “phiếm”: “Chị em cứ bảo sao các phóng viên ảnh lại thích đứng dưới sàn diễn chĩa ống kính lên trong khi chị em đang ra sức nhảy nhót với chiếc váy ngắn cũn? Xin thưa: không chĩa ống kính vào đó thì biết chĩa vào đâu? Chĩa vào nơi cưỡng chế giải toả đất để bị đánh hội đồng à? Chĩa vào chỗ tụ tập khiếu kiện để bị đập máy ảnh à? Hay chĩa vào chỗ đang ăn mãi lộ để bị bắt giam?”.
Một tác phẩm ảnh nude của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên
3. Cũng liên quan đến chuyện hở, người lớn mới đây đã thêm một phen “hở đuôi” khi định thử thách hiểu biết của bọn trẻ về sự giả dối trong một cuộc thi. Kết quả là sự giả dối trong một phòng thi bát nháo đã được chính bọn trẻ “tiếp sức” phơi bày, không phải bằng câu chữ, mà bằng chính những hình ảnh sống động đầy sức mạnh ghi lại trong hàng loạt clip.
Bọn trẻ, hẳn không phải như người lớn vẫn nghĩ “biết gì mà nói”. Nhưng có lẽ cũng chưa thể từng trải như người lớn, để đủ bình thản đón nhận những kết luận hậu sự cố như kiểu “về cơ bản nghiêm túc, đúng quy chế”. Sau những ồn ào, những trông đợi cho cơ hội mở ra cái gì mới mẻ hơn, cuối cùng vẫn là “đi đâu loanh quanh cho đời mệt mỏi”.
Nhưng rồi vẫn có những chờ đợi, khi ngay sát ngày bắt đầu kỳ thi đại học, Bộ GD và ĐT ban hành quy chế tuyển sinh mới với một quy định đầy bất ngờ: thí sinh có thể mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Tuyên bố này tuy nhiên sau đó cũng đã được cải chính, nhanh và bất ngờ không kém.
Nhưng dù cuối cùng thí sinh được hay không được mang các thiết bị nhằm tố giác tiêu cực, vẫn có những vấn đề cốt lõi mà một số người đã chỉ ra. Thứ nhất là không nên “mượn” tay bọn trẻ để làm những công việc của người lớn. Thứ nữa, rất có thể hoài nghi, trước Đồi Ngô cũng đã có bao nhiêu quyết tâm, hô hào chống tiêu cực trong giáo dục, nhưng kết quả thế nào, ai cũng đã có thể thấy.
Ảnh minh họa
4. “Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, điều này có thể đúng với chuyện… quần áo. Nhưng trong một số lĩnh vực khác, lại có thể trở thành một quan niệm nguy hiểm. Có nhiều cái “xấu” số đông đều hiểu, đều muốn “đậy”, nhưng bỗng dưng có vài người lại muốn “hở”. Trong không ít trường hợp, số phận của những người “phi truyền thống” như thế mong manh chẳng khác nào những người dám nói Trái đất quay xung quanh Mặt trời vào thời Trung cổ.
Ví dụ ư? Chẳng hạn, mới đây một thầy giáo đã bị lãnh đạo Huyện chỉ đạo kiểm điểm vì làm bẽ mặt địa phương khi để hở ra chuyện các cấp lãnh đạo “thiếu quan tâm, chăm lo… trong việc thầy trò đi nhận giải thưởng cuộc thi quốc gia”. Hay chuyện một nhà báo bị tỉnh nọ tìm cách trục xuất, chỉ vì dám làm “hở” ra chuyện một xã dân phải còng lưng nuôi quá nhiều “đầy tớ”.
“Hở” nguy hiểm đến vậy, rõ ràng chẳng nên mượn tay bọn trẻ thay người lớn “hành đạo”. Nhưng có lẽ bọn trẻ nhiều khi do chưa mấy va vấp nên mới dám hồn nhiên mà làm. Còn nhớ, trong truyện cổ tích Bộ quần áo mới của Hoàng đế[1] của nhà văn Andersen, người đầu tiên dám lên tiếng tố “Hoàng đế cởi truồng” chính là một đứa trẻ. Trong khi người lớn đều giả vờ để khỏi mang tiếng ngu dốt, phạm thượng thì một đứa trẻ đã hồn nhiên phá vỡ sự im lặng đó.
Trong truyện của đại văn hào này, cuối cùng người lớn đã hùa theo đứa trẻ để nói lên sự thật về tấm áo của vị Hoàng đế. Còn Hoàng đế, dù sao phải cố giữ thể diện đến cùng, vẫn đường hoàng theo đám rước cho đến lúc tan cuộc với các quan thị vệ vẫn theo sau đỡ lấy đuôi áo tưởng tượng.
Nhưng rất có thể, trong thực tế sẽ là một phiên bản kết thúc ít có hậu hơn nhiều. Đó là người lớn, sau tiếng la hồn nhiên của đứa trẻ, vẫn giữ vẻ nghiêm trang như thể chưa có gì xảy ra, như thể Hoàng đế thực đang diện bộ quần áo đẹp nhất trần đời. Họ làm như thế, biết đâu vì đã có nhiều bài học về chuyện… hở.
Theo Vietnamnet