'Hố tử thần": May có 'thời tiết' để đổ tội! - Tạp chí Đẹp

‘Hố tử thần”: May có ‘thời tiết’ để đổ tội!

Tin Tức

Điệp khúc đổ vạ… thời tiết!

Sự cố “hố tử thần” tại Lê Văn Lương kéo dài thu hút sự chú ý của dư luận và ngành xây dựng trong suốt tuần qua.

Khi đôi bên còn đang tranh cãi về nguyên nhân dẫn đến vụ việc, thì Sở GTVT Hà Nội tiến hành họp, công bố nguyên nhân. Theo đó xác định, do mưa lớn, ảnh hưởng từ cơn bão số 5 gây trượt sụt nền, dẫn đến gãy đường ống, tạo sự cố hố sụt.

Ngay khi kết luận này được công bố, đã có không ít các ý kiến tỏ rõ sự không đồng thuận. Chia sẻ trên VietNamNet, độc giả Hữu Nghĩa cho rằng: “Mặt cầu Thăng Long, Thanh Trì hỏng do thời tiết, sụt lún đường do mưa… và chắc còn nhiều con đường đã và sẽ bị hỏng, xuống cấp cũng đều do lỗi thời tiết… Lý do rất hay và hợp lý”.

Cận cảnh hố tử thần trên đường Lê Văn Lương

Bạn đọc Trung, ở địa chỉ trungbeo@… tỏ rõ sự ngạc nhiên: “Nếu là mưa bão thì hàng năm ở Việt Nam mưa to gió lớn là vô số! Như vậy tất cả các con đường có khi là đã sụt hết rồi. Nói như này thì hóa ra hòa cả làng”.

Độc giả này phân tích rõ: “Sự di chuyển của nước trong lòng đất làm trôi đất đi là chính xác. Như vậy con đường đã bị thi công rất ẩu. Đó là nguyên nhân chính mà các nhà thi công không bao giờ thừa nhận”.

 

Đồng quan điểm, độc giả Nguyễn Văn Báu cho rằng: “Không thể đổ lỗi cho thiên tai. Khi thiết kế các công trình xây dựng, người kỹ sư thiết kế đã tính toán những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, kể cả trường hợp có động đất. Một trận mưa bình thường như vừa qua mà đổ lỗi do thời tiết thì thật là nực cười và vô lý hết sức”.

“Nên nhìn sự thật. Chẳng cần mưa bão thì cách thi công tại nhiều công trình như hiện nay thì sớm muộn gì nước cũng rò rỉ từ chỗ giáp nối giữa 2 ống. Tôi thấy có bao giờ thi công mà trét kín chỗ phía dưới mối nối đâu. Thiết kế thi công giám sát kiểu này thật là tốn tiền của nhân dân”, độc giả ở địa chỉ email ngheoqua@… bày tỏ quan điểm.

Một số ý kiến cũng khẳng định địa chất tại Hà Nội thuộc loại đất yếu, nhiều vùng được hình thành trên nền các ao hồ, đầm lầy, nhưng Hà Nội lại cho xây dựng quá nhiều nhà cao tầng.

Đoạn sụt lún trên đường Lê Văn Lương chủ yếu là đất cát, nhưng bên cạnh lại có công trình USilk City đào móng quá sâu… Không thể bỏ qua tác động này khi xem xét nguyên nhân dẫn đến đường bị sụt lún.

Không đồng tình với kết luận của Sở GTVT Hà Nội, độc giả Hoàng Anh đã chỉ ra những thực trạng đáng buồn trong việc thi công các công trình xây dựng nhà nước lâu nay: “Vấn đề ở đây tôi thấy nguyên nhân thì rất nhiều nhưng cơ bản vẫn là chất lượng đường quá kém. Nếu thanh tra đầy đủ thì có thể thấy…Để đánh giá tỷ lệ bớt xén, các nhà chuyên môn chỉ cần căn cứ vào hiện trạng đường sau sụt lún là sẽ làm rõ được ngay”.

Kỹ sư vào cuộc

Liên quan đến sự cố “hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương, Tập đoàn Nam Cường (chủ đầu tư tuyến đường) và Sông Đà Thăng Long (chủ đầu tư dự án USilk City) vẫn không ngừng đổ lỗi cho nhau. Hàng loạt các chuyên gia xây dựng, địa chất cũng đã lên tiếng để mổ xẻ về nguyên nhân của sự cố này.

Nhiều kỹ sư trên diễn đàn kết cấu cũng không thể ngồi yên khi đưa ra hàng loạt những đánh giá, nhận định. Trong đó hầu hết các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân chính bắt nguồn từ… cái cống.

Thành viên Wasabi trên diễn đàn này cho rằng bản thân mối nối tại những ống cống được lắp đặt tại đoạn đường này không tốt. Lâu ngày cống sẽ bị lún rồi nứt, vỡ gây ra xói ngầm, làm rỗng nền đường, dẫn tới lún sụt.

Đơn vị thi công đang thu dọn đống đổ nát để khắc phục sự cố

Thành viên Arnold chỉ ra thêm rằng: “Nhìn kỹ cái kết cấu áo đường lộ ra thì thấy cái lớp màu vàng ấy là lớp đất K98, thường được dùng đất đồi, còn bên dưới là đất đầm K95. Theo mình thì cái lớp K98 này quá mỏng, còn mỏng hơn cả lớp cấp phối 2, như vậy thì cũng có thể đoán lớp K95 làm không tốt. Vì để đảm bảo tốt cho kết cấu áo đường thì nền phải được xử lý và đầm đến đúng K. Mình nghĩ nó chưa được làm tốt”.

Một thành viên khác cũng chỉ rõ, thông thường thiết kế đáy cống có lớp đá dăm dày 10cm và rộng bằng toàn bộ đường kính cống, tuy nhiên thực tế nhà thầu thi công nhiều khi không làm cái lớp đá dăm đó và thực tế là nhìn hình ảnh vết sụt lún cũng chỉ thấy toàn đất ở bên dưới thân cống.

Cho rằng việc đặt các ống cống bê tông có kích thước từ 1-2m tại đoạn đường này không phải là phương án tối ưu, thành viên Cairong trên diễn đàn kết cấu nhận định việc có nhiều đoạn nối mà thi công ẩu thì rò rỉ là điều gần như chắc chắn. Trong khi ống cống nước tại Phần Lan thường được dùng loại có độ dài lên tới 10m.

Đồng quan điểm, thành viên Nguyencongoanh cho rằng: “Nhiều khả năng do ống cống bị rò rỉ với lượng nước lớn đổ về thì nó xé toang ống cống hoặc khe nối giữa các đoạn ống, chứ có cái bức ảnh gì chụp mình vẫn thấy công trường USilk bên cạnh vẫn còn nguyên cừ larsen và 1 nửa là đã được đổ bê tông, có thể nói con đường hoàn toàn đang độc lập”.

Nhận định về sự cố, thành viên Trungcdc cho biết: “Tớ từng thi công cả cống và cừ larsen nên tớ biết. Khi nhổ xong cừ thường phải bơm cát xuống chèn lỗ. Cứ cho là nhà thầu không bơm cát chèn, thì ngay cả khi Nam Cường lấy bơm nước chọc vào lỗ cừ thì cũng không sạt đường được. Tớ đoán là chét mối nối ống ẩu cộng với áp lực nước lớn gây chảy xói đất cát làm hỏng đế cống khiến mối nối bị tách ra, nước chảy mạnh dẫn đến sạt đường”.

Để khẳng định việc nhổ cừ Larsen không ảnh hưởng đến vụ sụt đường, thành viên này phân tích thêm: “1. Nếu nhổ cừ bằng máy rung treo ở xe bánh xích: Lượng đất bị rút lên đảm bảo cực ít. 2. Nếu nhổ bằng Robot: Lượng đất rút lên là đáng kể nhưng không thể đến mức tạo dòng chảy làm xói cát, lở đường được. Bây giời muốn biết có phải do nhổ cừ không thì cứ đào một vị trí đã nhổ cừ rồi mà không nằm trong phạm vi sạt lở xem cái hố để lại như thế nào thì sẽ rõ”.

Ngoài việc xem xét trách nhiệm… cái cống, một số ý kiến cho rằng trong trường hợp này không thể không xét đến sự ảnh hưởng của công trình bên cạnh. Thành viên Ngoc_IBST nhận định: “Vấn đề rút cừ có ảnh hưởng đến sập đường thì chắc chắn rồi. Công việc chỉ còn lại là xét đến trách nhiệm của cái việc cọc rút đi rồi lỗ bỏ không nó lớn đến đâu”.
Xung quanh nhận định cho rằng Sông Đà Thăng Long không liên quan đến vụ việc, khi chỉ ra rằng trước khi sụt lún, đã có hiện tượng nước phun từ mặt đường gây xói đất cát, thành viên Co1972nguyen đưa ra các phân tích phản bác:

“Không thể nói nước phun từ mặt đường lên gây xói đất cát làm sập đường được. Điều kiện để có áp lực khiến nước phun lên mặt đường là mực nước xung quanh phải cao hơn nền đường ít nhất 1-2 m. Trong khi đó, đoạn đường xảy ra sự cố sụt lún không hề bị ngập trong trận mưa vừa qua.

Trong khi đó theo mô tả, công trường USilk City cạnh đường Lê Văn Lương kéo dài đã đào móng sâu 12 m, vết sạt lở giống như sạt lở bờ sông. Móng sâu là một trong những nguyên nhân gây sạt đường, kèm thêm dòng chảy do cống bục đã dẫn đất cát đi, gây rỗng móng đường và sạt rất nhanh”.

Hiện nguyên nhân chính xác chưa được làm rõ, dự kiến sẽ có một đơn vị độc lập tham gia để xác định nguyên nhân.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

24/08/2012, 07:11