Hồ Trung Dũng: Từng chạnh lòng khi thành công đến chậm

Muốn kể chuyện tình bằng âm nhạc

– Điều gì khiến Hồ Trung Dũng quay sang thực hiện MV mang phong cách trẻ trung: “Ngày không em” khi trước đó anh được định hình với hình ảnh chững chạc và đằm với jazz, và nhạc xưa?

– Khi lựa chọn hướng đi cho riêng, Dũng chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ có những fan rất trẻ. Thế nhưng rồi Dũng có những khán giả chỉ khoảng 13-14 tuổi, gọi mình bằng chú rồi chia sẻ rằng thích nghe những ca khúc của mình, khiến Dũng thực sự bất ngờ. Dũng nhận ra, đôi khi sở thích không phụ thuộc vào yếu tố tuổi tác. Rồi Dũng nhìn lại và thấy mình chưa có sản phẩm nào dành cho những khán giả trẻ của mình. Ý tưởng thực hiện MV “Ngày không em” được ra đời như thế.

MV này là bước khởi động cho một album các ca khúc tự sáng tác của Dũng sẽ ra mắt vào năm 2016. Đó sẽ là những lát cắt khác nhau về con người Dũng. Tất nhiên, các ca khúc Dũng hát vẫn là những giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm, ca từ chau chuốt, có khác chăng là phải làm tốt hơn các sản phẩm trước đây mà thôi. Song song với dự án này, Dũng vẫn sẽ làm các CD nhạc xưa của Lam Phương, Ngô Thụy Miên…

 



– Người chuyên trị những tình khúc đẹp lại khá kín tiếng, kiệm lời về chuyện tình của chính mình. Anh không sợ khán giả mất kiên nhẫn vì hiếu kỳ với thần tượng của họ sao?

– Dũng nghĩ, những người yêu mến mình sẽ nhận ra, Dũng đang kể chuyện về mình bằng âm nhạc, bằng cảm xúc chân thành qua mỗi ca khúc tự sáng tác. Chuyện lên báo kể lể, Dũng không làm được. Mỗi người có quan niệm riêng trong cuộc sống, có một khoảng riêng cần giữ lại. Nghệ sĩ cũng vậy, có nhiều cách bộc lộ bản thân và đó là quyền lựa chọn của mỗi người. Cách Dũng chọn, những người yêu thương Dũng sẽ hiểu và tôn trọng khoảng riêng đó.

– Anh Trần Dũng (Dũng Đà Lạt) mới đây thừa nhận trên Đẹp rằng, ai viết nhạc tình cũng đều phải có trải nghiệm, và phải viết cho một bóng hồng cụ thể. Anh viết nhiều ca khúc lãng mạn thế, chắc rằng cũng đã từng yêu không ít?

– Dũng là người giàu cảm xúc và không ích kỷ đến độ không rung động được với mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Có nhiều câu chuyện Dũng quan sát ở ngoài đời đẹp như trên phim ấy, thậm chí nó đang diễn ra với những người thân yêu bên cạnh mình. Không biết anh Dũng Đà Lạt thế nào, chứ riêng bản thân, Dũng tin, chỉ cần chịu khó lắng nghe, cảm nhận, mọi người sẽ thấy nhiều điều đẹp đẽ ở xung quanh.

Còn chuyện yêu nhiều thì Dũng nghĩ không phải có lỗi gì đâu, vì là một nghệ sĩ, biết rung động trước cái đẹp cũng là biểu hiện về sự giàu có của tâm hồn.

Nhưng trong tình yêu, Dũng là người chung thủy. Dù lúc tuổi trẻ, do chưa đủ trải nghiệm để kiềm chế, Dũng từng để xảy ra những điều ngoài ý muốn. Lớn thêm một chút, cùng với những bài học của chính mình, Dũng hiểu ra, những cảm xúc bột phát là điều rất phù du. Nhưng ai cũng vậy, phải trải qua, nuối tiếc mới biết cái gì là điều quý giá trong cuộc sống mà mình phải nắm giữ.

 

Hồ Trung Dũng và bạn diễn Thùy Linh trong MV mới “Ngày không em”. 

Đi dạy là liệu pháp cân bằng cho tâm hồn nghệ sĩ

Anh nghĩ, ngoài giọng hát, ngoại hình đẹp, điều gì khiến anh thành công với ca hát?

– Những giọng ca nổi tiếng, có bề dày chắc chắn là người có giọng hát hay, kỹ thuật tốt. Với mỗi người sẽ có những yếu tố cộng thêm khác nhau nhưng với Dũng, điểm cộng chính là tình cảm chân thành dành cho âm nhạc, cho khán giả của mình.

Dũng không tự hào về chất giọng hay ngoại hình của mình, nhưng Dũng có thể khẳng định, mình là nghệ sĩ luôn lao động hết mình, đam mê thực sự với từng dự án. Ngay cả việc giảng dạy, hiện tại Dũng chỉ đứng lớp một buổi, mỗi tuần. Dũng dành nhiều thời gian soạn bài, nghiên cứu giáo án trước mỗi giờ lên lớp để có thể hỗ trợ tối đa nhất cho học sinh của mình. Đó là quan điểm của Dũng với mọi điều trong cuộc sống.

– Vì sao anh vẫn duy trì việc dạy học và đi hát, anh có tìm thấy điểm tương đồng nào giữa hai công việc đó?

– Thường mọi người không nhìn thấy, nhưng với Dũng hai công việc này có nhiều điểm tương đồng và bổ trợ cho nhau. Cả hai đều cần khả năng biểu đạt ngôn ngữ, nắm bắt tâm lý người nghe để truyền đi thông điệp nào đó. Với Dũng, dạy học còn là liệu pháp tinh thần giúp cân bằng cuộc sống sau ánh đèn sân khấu. Lúc căng thẳng, mất cảm xúc, được gặp sinh viên, những người trẻ với suy nghĩ mới, cái nhìn lạc quan giúp Dũng suy nghĩ đơn giản hơn, nhìn nhận cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Công việc dạy học còn mang lại ý nghĩa lớn, góp phần định hình nhân sinh quan cho các bạn trẻ. Dũng hay tưởng tượng rằng, khi dạy học mình là hướng đạo sinh còn khi đi hát, lại là bác sĩ tâm lý cho mọi người.


– Lựa chọn hướng đi không hề dễ dàng, kiên trì với dòng nhạc jazz còn khá mới ở Việt Nam, với anh là thuận lợi hay khó khăn?

– Hướng đi của Dũng không ồn ào, nên thành công không đến nhanh. Nhưng Dũng vui vì mình vẫn luôn có một số lượng khán giả cố định ủng hộ mình, yêu thương, và con số đó tăng lên mỗi ngày. Điều đó làm Dũng vui lắm, vì Dũng thấy mình được yêu thương bởi giọng hát và con người của chính mình chứ không cần đến loại công nghệ nào cả. Và những tình cảm đến từ đáy lòng sẽ ở lại rất lâu.

Còn khó khăn lớn nhất là yếu tố tâm lý. Dũng quan sát thị trường và nhận thấy, những ca khúc được giới trẻ yêu mến luôn có yếu tố phù hợp với trào lưu, xu hướng mới. Dũng từng chạnh lòng và đặt nhiều câu hỏi: mình nên làm gì tiếp theo, hướng đi của mình có đúng không, mình có nên dồn tâm sức và tiền bạc vào các dự án của mình nữa không hay chỉ cần duy trì đi hát kiếm tiền. Nhưng rồi Dũng nhận ra, khán giả không chỉ thích những thứ thuộc về trào lưu, sự hào nhoáng đơn giản. Đã là con người, ai cũng cần những giây phút lắng đọng.

Và Dũng xác định được “sợi chỉ đỏ” trong hướng đi của mình là chỉ cần trả lời câu hỏi: “Tại sao mình đến với âm nhạc?” là đủ. Mình đến với nó bằng đam mê, vậy nếu mình được “sướng” với niềm đam mê ấy thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng cảm của nhiều người.

Mọi người hay thắc mắc, vì sao có nhiều ca sĩ thay đổi quá nhanh khi bước chân vào showbiz. Dũng nghĩ, bởi họ quên đi lý do ban đầu đưa họ đến nơi này. Ai cũng nói, tôi hát vì đam mê nhưng rồi có những hào quang khác, hấp lực quá mạnh kéo họ ra khỏi con đường đi ban đầu. Họ cần có lý trí đủ mạnh để kiên định với lựa chọn của mình.

– Mang tâm lý của một người sống chậm, anh có bao giờ phải lo lắng mỗi khi ra mắt sản phẩm mới?

– Dũng thấy mình may mắn khi đứng trong số những ca sĩ không bị lỗ vốn khi ra sản phẩm. Chỉ như vậy là đủ. Bởi tiền mình có thể kiếm được từ những công việc khác. Còn sản phẩm mình làm ra, mình đặt tâm huyết ở đó, một phần để thể hiện sự đam mê, phần còn lại là để dành tặng, để tri ân lại những tình yêu thương mà khán giả dành cho mình, nên thành thực, Dũng không tính đến chuyện hơn thiệt nhiều.

– Chậm mà chắc, cầu toàn với từng sản phẩm, vậy trong tình yêu, Hồ Trung Dũng là người thế nào?

– Sự cầu toàn thuộc về con người Dũng. Ngay cả trong tình yêu, Dũng cũng muốn mình sống hết mình, cố gắng hết mình với tình cảm ở thời điểm đó. Cách sống đó giúp Dũng không bao giờ phải ân hận, phải hối tiếc.

Bài: Lê Hạnh
Ảnh: Duy Nhất
logo


From the same category