Hồ Ngọc Hà: Fashion icon số 1 - Tạp chí Đẹp

Hồ Ngọc Hà: Fashion icon số 1

Giải Trí

Tôi nhớ lần đầu gặp cô trong một phòng thu nghiệp dư trên đường Lê Hồng Phong (TP.HCM). Hình ảnh lưu lại trong đầu khi ấy – bé nhỏ, gầy nhom, ngồi trước cửa phòng thu “ôn bài” – dường như không cho ra một chỉ dẫn nào tới hình ảnh lộng lẫy của Hà ngày hôm nay như chúng ta đang thấy. Cô đẹp rực rỡ, đẹp “ngất ngây”, như lời báo chí và các status trên Facebook khen tặng sau mỗi buổi phát sóng Giọng hát Việt. Và chính trong giai đoạn này, khi độ phủ sóng của Hà (theo mọi nghĩa) đang ở tầm rộng nhất, cũng là lúc hình ảnh của một vedette trên sàn diễn thời trang ngày nào hòa lẫn vào địa vị ngôi sao ca nhạc ngày hôm nay, để trở thành một icon hoàn hảo. Hà đã từng và nay còn xứng đáng hơn với tên gọi “cô gái vàng” của thời trang.

“Cô gái vàng” mở đầu buổi trò chuyện rất thoải mái, sảng khoải: “Anh nhớ phải phân biệt rõ danh hiệu từ báo chí mà có hay là thực chất nha, Hà không phải là người ảo tưởng. Nếu quả thực họ khen mình như thế thì cũng tốt. Chưa dính “thảm họa” thì cứ tiếp tục vui tươi yêu đời và mặc đẹp đi.” Cười rất tươi và rất giòn.

 

Nhưng trong mắt của Hà thế nào là một thảm họa thời trang?

Bây giờ người ta dùng chữ “thảm họa” dễ dãi quá. Thấy ai hơi khác mình tí là đã quy kết thảm họa trong khi chưa chắc thẩm mỹ của mình đã bằng người đó. Hà cho rằng trong chuyện ăn mặc, cũng như mọi chuyện khác chung quanh một con người, thì một người hiểu biết sẽ luôn thận trọng khi đưa ra những nhận xét. Bởi sống thế nào, mặc ra sao còn là quyền được bảo vệ của cá nhân, được tôn trọng rõ rệt, nhất là ở các nước phương Tây. Bạn cần hiểu rằng người ta đã biết “chơi” thời trang là người phải yêu và cũng am hiểu về nó, nên đôi khi họ cho mình vài phút khác thường để đỡ nhàm chán. Khi ta không cùng “kênh” với họ thì không nên hồ đồ cho rằng họ là “thảm họa”.

Tôi đồng ý với Hà về chuyện này. Cứ tưởng tượng, nếu không có một Lady Gaga rạch trời rơi xuống, mà ở Việt Nam lại có mấy cô nổi hứng mặc mấy thứ đồ như vậy, thì ngày nào cũng sẽ có bảng hiệu “thảm họa” treo lên mặt các báo lá cải. Bụt chùa nhà không thiêng là vậy.

Hà bình luận tiếp “Nhưng anh cũng phải công nhận rằng những thảm họa thời trang thực sự, tức là không phải do sự quy kết của dư luận, thường rơi vào những trường hợp thiếu hiểu biết về những quy tắc căn bản trong thời trang. Hà có thể không phải là người hiểu quá sâu sắc ngọn ngành. Nhưng chính quan điểm của mình và nghề nghiệp của mình, khiến mình cũng phải tìm hiểu khi người ta nói về thời trang những năm 20, 30, 40, 50, 60… thì trông nó ra làm sao, cái gì phải đi với cái gì thì mới đúng “kiểu” của nó. Cho nên Hà biết là khi mình tới đâu, không gian nơi ấy thế nào, trang phục phải ra sao và phụ kiện cần thiết là gì. Trong cuộc sống của Hà, không chỉ ăn mặc, không bao giờ có chỗ cho “chủ nghĩa đại khái”.

Việc thấu hiểu những điều căn bản ấy liệu có biến người ta thành kẻ phục tùng thời trang thay vì chỉ là một tín đồ hồn nhiên vô tư?

Chuyện “phục tùng” là không có trong khái niệm của người yêu thời trang. Vì yêu rồi mà có lỡ phục tùng, họ cũng chẳng công nhận điều đó. Họ đang được sống thật với đam mê, mà khi đã sống thật, thì họ chỉ tự do cảm xúc mà thôi.

Xin phép được dẫn ra đây một thí dụ về một biểu tượng thời trang lớn của thế giới – Audrey Hepburn. Trong suốt hơn nửa thế kỷ, Audrey Hepburn đã là một biểu tượng thời trang, gợi cảm hứng cho cả thế giới trong việc tạo xu hướng và tạo ra các sản phẩm thời trang. Hà đã là một fashion icon, điều đó không thể phủ nhận, Hà nhận thấy tầm phủ sóng của mình như thế nào? Liệu tâm lý Gato (ghen ăn tức ở) vốn rất nặng ở xã hội chúng ta có ngăn cản nhiều người thừa nhận là đang “đi theo” gout Hà Hồ?

– Ôi, Hà là ai mà đủ sức làm những điều mà các huyền thoại đã làm cho thế giới và cả thế giới có mấy người làm được chuyện đó? Hà chỉ nghĩ tới những chuyện giản dị và thực sự là đã thấy; chẳng hạn có người ra chợ muốn mua màu son hồng giống Hồ Ngọc Hà, mua quần cạp cao giống Hồ Ngọc Hà, hay áo tay phồng giống Hồ Ngọc Hà… Người theo Hà có thể không nhiều, nhưng ít nhất họ cũng góp phần làm cho cuộc sống chung quanh ta đẹp hơn theo khía cạnh nào đó. Ví dụ như mặc quần cạp trễ mà ngồi xe máy thì sẽ không đẹp mắt như quần cạp cao như Hà vẫn mặc… Chuyện bảo thủ, cổ hủ thì Hà không để ý, nhưng chuyện ít chấp nhận người khác hơn mình thì có rất nhiều. Nên có thể bắt chước mà lại bảo không là chuyện bình thường.

Và Hà nhấn mạnh câu này “Mà nói thật Hà cũng toàn bắt chước đấy chứ, đi sau người ta cả trăm năm mà, cố tỏ vẻ cũng chỉ thêm mệt mỏi thôi”.

Trong cuốn sách bán rất chạy năm nay ở Mỹ là Steal like an Artist (Ăn cắp theo cách một nghệ sĩ), tác giả Austin Kleon luôn nhấn mạnh quan điểm đã có từ lâu và phân tích bằng cái nhìn của ngày hôm nay, rằng mọi ý tưởng mới thực ra chỉ là xào xáo lại, cắt ghép lại từ một hay nhiều ý tưởng trước đó mà thôi. Không có cái gì là “nguyên bản độc tôn”. Austin dẫn lời thi hào Goethe, như xương sống của cuốn sách: Chúng ta định hình cuộc sống của mình và thực sự đang sống cuộc sống của mình từ chính những gì mà chúng ta yêu thích”.

Chia sẻ với Hà về quan điểm này, cô kể thêm rằng cô có một bộ đồ mà cô rất thích, mặc hoài vì thấy nó rất đẹp. Mọi người cũng thấy vậy và nhờ nó mà cô nhận được rất nhiều lời khen. Ai cũng nghĩ nó là hàng hiệu, rất xịn và rất đắt tiền.

Nhưng thực sự là giá của nó chưa tới 500 ngàn đó anh. Nó là cái gì cứ cho Hà giữ bí mật nhé. Hà tán đồng ý tưởng về chuyện bắt chước, hay “ăn cắp” như trong cuốn sách kia nói. Chúng ta yêu thích mọi thứ gì đó, thì có quyền được đi theo nó và dần dần sẽ hình thành nên thói quen của ta. Bản thân Hà thích thời trang, nghề nghiệp của Hà khiến mình phải mặc đẹp, và mình có quyền được học hỏi từ những tấm gương đi trước. Bây giờ người ta hay nhạy cảm quá, internet dễ dàng nên cái gì cũng dễ bị quy kết là sao chép, là ăn cắp ý tưởng. Trong khi rất có thể những “bản gốc” kia lại có nguồn gốc từ vô số các bản gốc khác. Thời trang vừa tiến hóa lại vừa quay vòng. Khi quay vòng thì lại phải học tập, lại sao chép, lại “ăn cắp” có khi từ chính những gì mình từng sáng tạo ra. Quy luật đơn giản vậy thôi mà.

Giờ trở lại chuyện về Audrey Hepburn. Trong bộ phim nổi tiếng My Fair Lady, Audrey Hepburn đóng vai Eliza, một cô gái buôn bán ngoài đường ngoài chợ, tính tình đanh đá chanh chua, nói năng xấc xược và còn ngọng nữa; tất nhiên là ăn mặc, đầu tóc mặt mũi rất lôi thôi. Sau đó đã dần dần được biến thành một quý cô vô cùng lịch lãm, nhờ tài “nhào nặn” của hai nhân vật nam chính. Và Eliza thanh lịch trong phim cũng luôn đồng nhất với Audrey ngoài đời. Từ chuyện này, không thể không liên tưởng tới vai trò của các stylist, các nhà tạo mẫu và các nhà tư vấn khác phía sau, đã góp phần tạo dựng hình ảnh Hà Hồ hoàn hảo cả trên sân khấu lẫn ngoài đời.

Trong hình ảnh của Hồ Ngọc Hà ngày hôm nay, có lúc nào Hà thử “định lượng” xem có bao nhiêu phần ra đời từ chính những mong muốn, những ý tưởng của bản thân mình và bao nhiêu phần phụ thuộc vào sự góp sức của những người khác để có một Hà Hồ – icon hôm nay?

Hà nghĩ dù là góp sức chỉ chiếm 10% thì cũng quyết định mọi chuyện rồi. Trước đây khi mình còn non nớt, họ hầu như chỉ đường dẫn lối cho mình. Khoảng 5 năm trở lại đây, Hà luôn tìm hình ảnh cho mình dưới sự gật đầu của họ… Họ là ai? Là những người bạn sát cánh với mình từ lúc đi dép lê đến khi đi giày hiệu, thế nên hiểu quá rõ về nhau. Hợp gout cũng là điều vô cùng cần thiết. Hà vẫn luôn tự nói với mình, rằng thiên tài mà trơ trọi thì cũng chẳng nên công cán gì.

 

“Cô gái vàng” Hà Hồ ngày hôm nay đang giữ chiếc vương niệm của một “fashion icon”, thực sự là số một. Hà có khi nào cảm thấy “sức nặng” của chiếc vương niệm ấy ở trên đầu mình, trong giai đoạn này, khi mình đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp?

Như Hà đã chia sẻ, Hà không phải là người ảo tưởng, mà có ý thức rõ về giá trị bản thân. Nếu quả thực những gì mình đã làm cho mình, từ chuyện ăn mặc, lại có ảnh hưởng tới chung quanh theo chiều hướng tốt đẹp như mọi người đã khen, thì với Hà không có sức nặng nào cả. Mình đâu có cố ý biến mình thành một cái gì hay tự phong danh hiệu cho mình đâu. Thêm một hình bìa báo đẹp mà có thêm nhiều người… mặc đẹp thì tất nhiên là vui chứ, nặng nhẹ gì.

– Chúng ta khép lại cuộc trò chuyện này bằng vài câu hỏi nhanh đáp gọn nhé. Đầu tiên, là các paparazzi và những góc chụp ảnh tai quái của họ có tác động gì vào sự chọn lựa phong cách trang phục của Hà không?

– Mình là người mạo hiểm trong sự an toàn nên cứ thể hiện điều đó. Khán giả luôn hiểu rõ bạn là người thách thức dư luận hay paparazzi “chọc ngoáy”.

– Một gout ăn mặc như thế nào sẽ vừa cân bằng được cá tính người mặc và chuẩn mực xã hội mà người đó đang sống?

– Cá tính phù hợp đặc điểm và văn hóa nơi mình đang sống.

– Theo chị thế nào là một người ăn mặc “có gout”?

– Có gout có nghĩa là không lẫn lộn vào số đông nhưng lại được số đông chấp nhận.
Bài: Nguyễn Minh
Theo f

Thực hiện: depweb

10/12/2012, 15:37