Họ đi đâu, những cư dân Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuở ấy? - Tạp chí Đẹp

Họ đi đâu, những cư dân Nhiêu Lộc – Thị Nghè thuở ấy?

Tin Tức

Ông Phạm Quý bây giờ mới thấm thía câu nói “phải hy sinh chút quyền lợi, vì đời con đời cháu”

Trong 19 năm dành cho giai đoạn 1 của dự án cải tạo Nhiêu Lộc – Thị Nghè, thành phố HCM đã tốn 5 năm đầu (1993 – 1998) để thực hiện việc tái định cư cho 7.000 hộ dân hai bên bờ và trên dòng kênh. Cuộc sống người dân kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè một thời ra sao, sau gần 20 năm tái định cư trong những căn hộ được nhà nước chỉ định?

Ký sự tiếp theo này sẽ phần nào giải đáp câu hỏi đó.

Để có được dòng kênh của ngày hôm nay, ngoài sự đúng đắn trong chủ trương và sự quyết liệt trong chỉ đạo, theo ông Phan Văn Tư, nguyên trưởng ban Bồi thường – Giải toả quận 1, lòng dân cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

“Lúc đó, thành phố đang trong giai đoạn phát triển mạnh với những dòng nhập cư. Dân ở dơ dáy, bẩn, ô nhiễm, đông đúc quá. Thế rồi, chủ trương của thành phố ra đời, người dân họ thấy đúng, thấy thành phố quan tâm đến họ, nên khi có giải tỏa là họ chấp hành ngay“, ông Tư lý giải.

Ông Nguyễn Thành Sương, ở phường 14, quận 3, người sống lâu năm tại khu vực có dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chảy qua, nhớ lại rằng, khi nghe thông tin thành phố chỉnh trang dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ông rất lo lắng. Cả gia đình ông có bảy nhân khẩu, gồm hai vợ chồng và năm người con, đang sống trong căn nhà 70m2, sau giải tỏa, diện tích còn lại chỉ còn 20 m2.

“Lo thì có lo, lo dữ lắm. Nhưng tôi lại nghĩ, nếu thành phố mà không chỉnh trang dòng kênh này thì không những đời mình và đời con cháu sẽ luôn phải sống trong môi trường ô nhiễm, đầy ruồi muỗi và mùi ú xuế. Thế là chấp hành thôi”, ông Sương nói.

Và ông đã không lầm trong quyết định của mình. Khi dự án hoàn thành, ngoài cảnh quan chung mà mọi người đều được hưởng, ông còn có cái lợi riêng là miếng đất 20 m2 còn lại được ra mặt tiền.

“Cả gia đình tôi khấm khá lên nhờ buôn bán. Nhờ vậy, các cháu cũng yên bề gia thất rồi. Tôi cũng sáng suốt chứ bộ”, ông Sương bật cười khoái trá.

Bà Sương trong căn hộ tái định cư. Ảnh: Hoài Bắc 

Từ “tặc lưỡi” đến “trúng số”

Nhưng không phải ai cũng có may mắn như ông Sương, hay những chủ quán bờ kè trong bài viết của TS Nguyễn Thị Hậu, là được giữ lại một phần đất ra mặt tiền, để kinh doanh sau này. Đa số cư dân Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã phải chấp nhận tái định cư ở những chung cư hoàn toàn xa lạ với họ, từ cách sống đến đường làm ăn.

Sống tại tầng 3 nhà tại chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu, nơi tái định cư cho người dân sống ở khu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ông Phạm Quý, 53 tuổi, còn nhớ rất rõ cái ngày, cách đây 17 năm, khi ông nhận được quyết định giải tỏa căn nhà rộng gần 300 m2, một trệt 1 lầu nằm, ngay bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, của thành phố. Từ bỏ nơi gắn bó từ thưở mẹ còn ẵm ngửa, trong khi công việc buôn bán đang thuận lợi, để leo lên tầng 3 chung cư, và nhận căn phòng rộng bằng 1/10 như vậy (30 m2), ông cảm thấy cực kỳ sốc.

Hồi đó, thành phố đền bù cho gia đình ông 47 triệu đồng, và bán cho căn hộ tái định cư, cách chỗ ở cũ vài trăm mét, với giá cũng tương đương. Có điều, họ cho trả góp, vì tính rằng người dân chắc phải ăn dần vào tiền đền bù, trước khi tìm được kế sinh nhai mới.

“Tôi rất sốc, trong đầu đã có ý định chống đối. Thậm chí, tôi đã thủ dao trong người để chống lại những người vận động giải tỏa”, ông Quý nhớ lại.

Chúng tôi cũng cảm thấy hơi sốc, khi được ông Quý dẫn đi thăm quan căn hộ 30 m2 này. Thật khó tin đó là nơi “an cư” của một gia đình 3 thế hệ. Căn hộ được chia làm 2 phòng: một phòng chừng 10 m2 là phòng ngủ của mẹ ông, phòng còn lại chừng 20 m2 thuộc loại “bốn trong một”, tức là vừa để ngủ, đối với những thành viên còn lại, vừa nấu ăn, vừa tiếp khách, và dùng làm toilet luôn.

Chung cư tái định cư của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè – ảnh Hoài Bắc 

“Nhưng nghĩ là một chuyện, còn làm thì may là chưa. Phần vì được họ giải thích là phải hy sinh chút quyền lợi, vì đời con, đời cháu. Phần vì hàng xóm họ cũng ra đi như mình, có những người lại còn chấp nhận ở chật chội hơn, căn hộ có 20 m2 thôi à. Đành tặc lưỡi mà đi, người ta sống được, mình sống được”, ông Quý giải thích.

Nếu ông Quý chấp nhận cuộc sống ở chung cư như một cái “tặc lưỡi”, thì một người hàng xóm của ông là bà Nguyễn Thị Sương Mai, 47 tuổi, lại coi đó là một giấc mơ. Tuy, lúc đầu, khi nghe tin phải di dời, bà có tâm trạng nửa mừng nửa lo.

Mừng vì tự nhiên đang ở nơi bùn lầy hôi thối, tự nhiên được chuyển lên sống trên cao ốc thoáng mát, sạch sẽ. Điện nước cũng đầy đủ.

“Trên con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè lúc đó nhà sàn san sát nhau, nước dơ bẩn, và rác nổi lênh láng khắp dòng kênh. Nhiều khi đang ngồi ăn, có người phóng uế ngay bên cạnh. Thế rồi, nhiều khi không có nước, vẫn phải tắm bừa bằng nước múc từ dưới kênh”, bà Mai giải thích.

Nhưng vẫn lo vì sống ở đây quen rồi, không biết lên đó gia đình sống bằng nghề gì. Bà đã dành một số tiền lớn, trong món tiền thành phố hỗ trợ, để tích trữ gạo cho chắc ăn. Bà còn hì hụi rang lạc, rang muối, làm muối lạc ăn dần.

Nhưng rồi, dần dần mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Bà Mai xin đi làm công nhân. Còn những người không có việc làm đều được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho làm những công việc như quét dọn, rửa chén bát…

Năm nay, do sức khỏe yếu, bà Mai đã nghỉ việc. Sáng sáng, bà xuống dưới chân chung cư, đặt cái xe đẩy bán vài hộp vịt lộn, ít chai nước, mấy cái bánh, kiếm thêm thu nhập.

Nhiêu Lộc – Thị Nghè hôm nay – ảnh Hoài Bắc 

“Nghĩ lại cuộc sống ngày xưa, tôi có cảm giác nhu trúng số vậy”, bà Mai thủng thẳng nói.

Tuy nhiên, theo chị Trịnh Thúy Lan, 39 tuổi, nhà ở cùng chung cư 1A – 1B, người thế hệ thứ hai trong một gia đình giải tỏa kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, có những người, cho đến nay, vẫn chưa trả được hết tiền, vì quá nghèo.

Có điều, những người còn trụ lại được ở lại khu tái định cư đó, tuy chưa trả hết tiền, vẫn còn may mắn chán. Bởi, chỉ tính riêng trong khu chung cư này, có cả vài chục hộ, sau khi nhận nhà, đã phải dọn đi chỉ ít lâu sau.

“Có gia đình thì không đủ tiền trả góp. Có gia đình thì cha mẹ già sống trên cao không quen. Lại có gia đình thì không kiếm sống được, phải bán nhà dọn đi chỗ khác“, ông Quý ngậm ngùi nói.

Trong số đó, khổ nhất là gia đình bà Loan, hàng xóm cũ của ông Quý. Năm 2005, bà bán căn nhà tái định cư được 800 triệu đồng, rồi dời về huyện Bình Chánh mua căn nhà giá 500 triệu.

Cứ tưởng “ăn ra” được 300 triệu dành “dưỡng già”, bà lại dính vào cái “dớp” giải toả. Số tiến hao hụt thêm một phần nữa… Cuối cùng, cả gia đình bà phải dọn về Long An mua đất làm vườn kiếm sống.

Những người trụ lại, cũng dần tạo dựng được một thói quen sinh hoạt mới, một lối sống văn minh hơn. Rồi trong thế hệ những đứa trẻ lớn lên ở chung cư đó có không ít đã trở thành kỹ sư, bác sĩ – một câu chuyện như mơ đối với thế hệ cha mẹ, ông bà họ.

“Đến bây giờ tôi mới thấy thấm thía câu nói của mấy anh cán bộ giải toà hồi đó là ‘phải hy sinh chút quyền lợi’ vì đời con đời cháu”, ông Quý gật gù kết luận.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

09/10/2012, 08:13