Khi thấy con quấy khóc, biếng ăn, nôn trớ vào dịp Tết, cũng giống như nhiều phụ huynh khác, chị Phạm Thị Mai Loan (33 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) thường la mắng trẻ vì cho rằng con trở chứng, kén ăn chứ không biết rằng đó là những triệu chứng cho thấy trẻ bị rối loạn tiêu hóa do chế độ ăn uống bị thay đổi vào dịp Tết.
“Mâm cao cỗ đầy” gây hại
Hạt dưa, bánh mứt, kẹo dẻo và nước ngọt có gas là những thực phẩm Tết mà bất cứ đứa trẻ nào cũng ưa thích. Tết còn là “mùa” của bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng… vốn giàu năng lượng và chứa nhiều chất béo. Bên cạnh đó, trong những ngày này, các gia đình còn dự trữ nhiều sản phẩm đóng hộp, làm sẵn như giò, chả, nem… Chúng thường chứa các chất phụ gia bảo quản. Việc ăn nhiều các món kể trên và ăn ít rau xanh trong những ngày Tết rất dễ gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, với các biểu hiện như không tiêu, chướng hơi, đầy bụng, buồn nôn, thậm chí có thể gây nôn ói và tiêu chảy.
Ngoài ra, trong những ngày Tết, hầu như chế độ ăn uống của trẻ bị thay đổi. Trẻ không được cho ăn đúng bữa, ăn nhiều món lặt vặt, lượng nước cung cấp không đầy đủ. Thêm vào đó, cha mẹ bận rộn, lơ là kiểm soát chế độ ăn như ngày thường nên năng lượng nạp vào của trẻ có thể quá nhiều hoặc quá ít. Những thay đổi về chế độ ăn như thế cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
Chủ động đề phòng
Để đề phòng rối loạn tiêu hóa cho con trong những ngày Tết, phụ huynh nên chú ý duy trì chế độ ăn của trẻ gần giống với ngày thường. Cụ thể, phụ huynh cần lưu ý các vấn đề sau:
– Phải sắp xếp thời gian du xuân, vui chơi sao cho thật hợp lý, không để vì quá mệt mỏi rồi ngại vào bếp, cho con ăn uống qua loa và không đúng giờ. Tuyệt đối không thay đổi giờ ăn của trẻ quá nhiều so với ngày thường.
– Dự trữ rau xanh, các loại củ quả, trái cây trong những ngày Tết và chú ý bổ sung chúng vào từng khẩu phần ăn cho bé. Hạn chế cho bé ăn các món giàu đạm và chất béo để không ảnh hưởng đến đường tiêu hóa cũng như hệ thần kinh còn non nớt của trẻ.
– Các bà mẹ nên chế biến món ăn thật đơn giản, đừng quá cầu kỳ và không nên sử dụng quá nhiều gia vị. Ngoài ra, mẹ hãy chế biến món ăn từ các loại thủy hải sản thay vì dùng quá nhiều thịt có màu đỏ trong từng bữa ăn. Đồng thời, cố gắng nấu những món ăn phù hợp với khẩu vị của trẻ.
– Kiểm soát khẩu phần của con, tránh để trẻ ăn nhiều các thực phẩm ngày Tết, đặc biệt là bánh kẹo, hạt dưa, nước ngọt có gas và những loại thức ăn giàu chất béo.
– Hạn chế sử dụng đồ ăn làm sẵn, đóng hộp, thức ăn nấu đi nấu lại nhiều lần trong các bữa ăn ngày Tết. Các loại thực phẩm trên đều có hại cho đường ruột của trẻ, nhất là trẻ nhỏ.
– Bổ sung các vi sinh tốt cho đường ruột để hỗ trợ quá trình tiêu hóa của bé trong dịp Tết.
Bảo Ngọc
Theo Thế giới gia đình