H&M mang đến hệ thống tái chế “Looop” – biến trang phục từ cũ thành mới

Các khách hàng của H&M ở Thụy Điển sẽ được trải nghiệm giải pháp giúp biến những sản phẩm may mặc cũ thành những món thời trang yêu thích mới với sự trợ giúp từ hệ thống tái chế Looop.

Hệ thống tái chế Looop được giới thiệu tới công chúng tại một trong những cửa hàng trên con phố Drottninggatan sầm uất ở Stockholm, Thụy Điển từ ngày 12/10. Đây là lần đầu tiên chiếc máy tái chế hàng may mặc này được một nhà bán lẻ thời trang trưng bày trong cửa hàng và H&M tự hào là thương hiệu đã mang đến cho khách hàng cơ hội được tận mắt chứng kiến quy trình tái chế sản phẩm quần áo cũ thành một sản phẩm mới.

Không gian hệ thống tái chế Looop trong cửa hàng H&M ở Thụy Điển

Đây là một phần của kế hoạch lớn hơn, là các sản phẩm của H&M trở nên tuần hoàn toàn bộ và tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến khí hậu, với nhiều dự án thú vị khác để dần đạt được mục tiêu này. Không chỉ đổi mới vật liệu và quy trình sản xuất, H&M còn chú trọng việc truyền cảm hứng cho khách hàng, tạo điều kiện để mọi người có thể tham gia hành trình này và đem lại tuổi thọ cao nhất cho những bộ trang phục của họ.

“Chúng tôi không ngừng khám phá công nghệ và những cải tiến mới để giúp chuyển đổi ngành công nghiệp thời trang, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thô. Có được khách hàng cùng tham gia hành trình này chính là chìa khóa để đạt được những thay đổi thực sự và chúng tôi rất háo hức đón xem cách mà Looop sẽ truyền cảm hứng đến cho mọi người,” ông Pascal Brun, Trường bộ phận Bền Vững tại H&M cho biết.

Looop sử dụng kỹ thuật lắp ráp thông thường để tháo rời sợi vải quần áo cũ và dệt lại thành quần áo mới. Quần áo cũ được làm sạch, xé nhỏ thành sợi và kéo thành sợi mới, sau đó được dệt kim thành các sản phẩm thời trang mới. Một số nguyên liệu thô có nguồn gốc bền vững sẽ được thêm vào khi cần thiết, tuy nhiên H&M luôn cố gắng để giảm thiểu việc này. Hệ thống không sử dụng nước và không có hóa chất, do đó có tác động môi trường thấp hơn đáng kể so với khi sản xuất hàng may mặc từ đầu.

H&M muốn dẫn đầu sự thay đổi và hướng tới một ngành công nghiệp thời trang bền vững. Năm 2013, thương hiệu này đã trở thành nhà bán lẻ thời trang đầu tiên có chương trình thu gom hàng may mặc toàn cầu. Và giờ đây, H&M đang thực hiện bước tiếp theo với hệ thống tái chế hàng may mặc Looop. Với 100 kronor Thụy Điển (khoảng hơn 260.000 đồng), các thành viên của câu lạc bộ khách hàng thân thiết của H&M có thể sử dụng Looop để biến quần áo cũ của họ thành món đồ yêu thích mới. Đối với những khách hàng không phải là thành viên sẽ phải trả 150 kronor Thụy Điển (khoảng gần 400.000 đồng). Tất cả số tiền thu về sẽ được dùng cho các dự án liên quan đến nghiên cứu vật liệu bền vững trong tương lai. Đến năm 2030, H&M đặt mục tiêu: tất cả các nguyên liệu sử dụng đều là nguyên liệu tái chế hoặc có nguồn gốc theo cách bền vững hơn, con số này vào năm 2019 là 57%.

Looop được tạo ra bởi Tổ chức phi lợi nhuận H&M Foundation, cùng với đối tác nghiên cứu HKRITA (Viện Nghiên cứu Dệt may Hồng Kông) và nhà sản xuất sợi Novetex Textiles có trụ sở tại Hong Kong.


From the same category