Bài viết này được viết ngẫu hứng bằng những suy nghĩ rời rạc, tản mạn của tác giả về một góc của cái trào lưu đang chi phối giới trẻ ngày nay: hip-hop và văn hóa hip-hop.Tôi không còn trẻ và cũng chưa già, nhưng biết mình cũng không ngoại lệ tầm ảnh hưởng khó cưỡng lại ấy.
Có lần, tôi nghĩ lẩn thẩn quanh một vật tiêu biểu của văn hóa hip-hop hiện giờ trong lĩnh vực thời trang: cái quần thụng. Nó có thể đã được gọi là quần bom, quần chân voi, quần gì gì đó ngày trước; đã từng là mốt thời thượng của giới trẻ ăn chơi một thời trước khi chịu thua quần jeans bó chật. Giờ đây nó trở lại trong một dáng vẻ khác, nương theo một cuộc cách mạng khác trong văn hóa sống của giới trẻ: văn hóa hip-hop. Với đám trẻ đang hụt hơi chạy theo hip-hop bây giờ, quần thụng cạp trễ ngang mông, áo xanh đỏ tím vàng thùng thình kèm theo một lô một lốc dây inox xủng xoẻng là những vật bắt buộc phải có, để đảm bảo rằng mình không tụt hậu.
Nhưng nghĩ đến “theo kịp thời đại”, tôi lại thấy chuyện cái quần thụng thực ra rất đơn giản. Đơn giản đến độ có thể khiến ai đó đang chờ được nghe tôi cắt nghĩa về cuộc xâm lấn của quần thụng phải ngã ngồi ra và sau đó có thể buồn cười hoặc bực tức.
Ấy là chuyện thời tiết! Ô hay, thời tiết thì có liên quan gì ở đây nhỉ? Chắc chắn bạn sẽ kêu lên phẫn nộ hoặc cảm thấy tức cười cho cái suy luận lẩn thẩn. Tôi muốn cắt nghĩa thế này:
– Chiếc quần thụng có lợi thế hơn đứt quần jeans bó giò chật cứng trong cuộc cạnh tranh thời trang ở xứ ta. Thời tiết nóng bức quanh năm nơi phương Nam và mùa hè xứ Bắc rõ ràng không thích hợp cho những chiếc quần jeans chật căng. Với lại gần đây nhiều nghiên cứu chứng minh ảnh hưởng xấu của việc mặc quần chật đến thiên chức đàn ông nữa. Dù rằng jeans bó quả là rất gọn gàng, đẹp nữa, nhưng về tính tiện dụng nó hiển nhiên thua quần thụng. Bạn cứ thử mặc quần jeans thật bó thật căng thật đẹp, mà bước lên chỗ ngồi sau xe máy, nhất là mấy thứ xe cao tướng như @, Dylan… xem có thấy dễ chịu không? Mà xe máy thì ở xứ mình luôn được coi như một thứ thời trang và các cô cậu trẻ có nhu cầu khoe xe nhiều hơn là đi xe. Chuyện khoe xe có vẻ rất tức cười và ngây ngô với nhiều người lớn, nhưng với đám trẻ là việc rất nghiêm túc. Trong một tương lai gần nữa, chừng nào xe máy vẫn còn được đem ra khoe, quần jeans sẽ vẫn bị buộc phải phô hết ra những bất tiện của mình.
– Thế yếu của quần jeans bị bồi thêm bởi thế mạnh của quần thụng với việc bùng nổ văn hóa hip-hop. Ở đây tôi chưa nói đến việc các cô cậu choai choai ở ta đua đòi học theo mấy tay hip-hop nước ngoài, mà xin nói đến một hoạt động văn hóa khác trước đã: vũ trường và đam mê nhảy nhót.
Trong hoạt động này, quần thụng chiếm ưu thế trông thấy. Bạn không thể quay cuồng ở vũ trường – như một cách xả stress cực kỳ hữu hiệu – nếu đeo theo mình chiếc quần jeans chật ních, nó có thể rách hay tuột chỉ bất cứ lúc nào và lại rất nóng bức nữa. Vậy là quần thụng lên ngôi nếu bạn là tín đồ của sàn nhảy discotheque.
Bởi suy luận theo cách có thể gọi là lạc quẻ với quan niệm của nhiều người về biểu hiện của văn hóa hip-hop trong giới trẻ, nên tôi thấy việc trầm trọng hóa sự xuất hiện và ảnh hưởng của hip-hop lên một bộ phận bạn trẻ Việt Nam hiện nay là không cần thiết. “Mốt” luôn hàm chứa trong đó sự phù phiếm, sẽ sớm qua đi để nhường chỗ cho những thứ khác “mốt” hơn.
Những người trẻ luôn có nhu cầu thể hiện bản thân trước thời cuộc và họ đã có nhiều phương tiện để làm thế: khoe xe máy, khoe điện thoại, khoe hàng hiệu… Tất cả những cái để khoe ấy tuân theo sự vận hành của thị trường hàng hóa. Còn khi để thể hiện mình qua những biểu hiện bản thân, lúc này họ chọn hip-hop, như thế hệ trước họ đã chọn rock với quần áo te tua đầu bù róc rối.
Một người tự nhận là mê hip-hop, có thể sẽ bị lật tẩy ê chề nếu bị kẻ nào đó đó sành nhạc phát hiện ra rằng mình không bao giờ nghe nổi một đĩa hip-hop “xịn”, như The miseducation of Lauryn Hill chẳng hạn hoặc mấy bài nhạc rap ồn ào của Eminem. Đó có thể là một cú sốc lớn, tương đương với việc một tay chơi tự nhận sành điệu bị bóc mẽ đi xe @ Trung Quốc.
Nhưng trên thực tế, những chuyện như thế không hề hấn gì với tín đồ hip-hop. Họ có thể chỉ cần hài lòng với mấy bài hát của Thanh Thảo hay Đan Trường – được gọi là hip-hop – mà không cần biết ở bên Tây Missy Elliot đọc rap ra sao, lời ca của 2Pac hay Eminem nhắm đến ai, rủa xả điều gì. Và đương nhiên họ cũng không có nghĩa vụ phải phân tích đặc trưng giai điệu, tiết tấu R&B và hip-hop. Họ cũng chẳng cần phải học break-dance dùng đầu xoay tít mù trên sàn như quả bóng.
Họ càng không cần phân biệt giữa tranh tường graffiti với những “Khoan cắt bê tông” và “Rút hầm cầu”. Họ coi việc mặc quần thụng và chất lên thắt lưng hàng đống dây nhợ kêu leng keng không liên quan gì đến mấy đặc trưng nghệ thuật vừa kể. Nó là thời trang, một thứ trang phục ở xứ người có thể liên quan chặt chẽ với thể loại và phong cách âm nhạc đã phát sinh ra nó. Còn ở ta, nó chỉ có nghĩa thời trang đơn thuần, không gắn bó gì với âm nhạc (không ngoại lệ cả với những ca sĩ ngôi sao đang đứng trên sân khấu ca nhạc Việt).
Câu chuyện về văn hóa hip-hop ở Việt Nam, theo tôi, đơn giản như câu chuyện về chiếc quần thụng vừa nói. Chúng ta chưa bao giờ có văn hóa hip-hop cả mà chỉ có những biểu hiện bề ngoài của một cách sống ăn theo trào lưu hiện tại của một bộ phận (chứ không phải tất cả) giới trẻ thế giới. Việc có nên chấp nhận văn hóa hip-hop trong đời sống Việt hay không cũng đơn giản như chọn quần jeans chật căng hay quần thụng lè phè mà thôi. Vì suy cho cùng văn hóa hip-hop ở Việt Nam mới chỉ dừng ở mỗi… cái quần!./.