Hình tượng tổng thống trên phim

Đạo diễn Lê Hoàng vừa cho bấm máy “Thủ tướng”, phim Tết năm nay của hãng phim Giải Phóng và hãng phim Thanh Niên. Thủ tướng “made by Lê Hoàng” có thể xem là bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên xây dựng hình ảnh nguyên thủ quốc gia làm nhân vật chính. Nhưng trên thế giới, phim về những người đứng đầu quốc gia từ lâu đã có một vị trí đặc biệt trong ngành công nghiệp điện ảnh.

Lật lại lịch sử điện ảnh Mỹ, có thể ít người biết được rằng cuộc đời của vị tổng thống Abraham Lincoln là đề tài được xây dựng thành các tác phẩm điện ảnh nhiều nhất.

Bộ phim đầu tiên nói về vị lãnh đạo tài ba này ra đời vào năm 1906 với tựa đề rất mộc mạc “Life of Abraham Lincoln”. Liên tiếp các năm sau đó rất nhiều bộ phim khác có đề tài tương tự được sản xuất, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến “Young Mr. Lincoln” (1993) của cố đạo diễn John Ford.

Có thể nói giai đoạn từ thập kỷ 10 đến thập kỷ 50 của thế ký trước là giai đoạn mà hầu hết các bộ phim lấy đề tài về tiểu sử tổng thống đều tập trung vào Abraham Lincoln.

Tuy nhiên do yếu tố thời gian cùng bối cảnh lịch sử nên những tác phẩm đó chưa có sự đa dạng trong cách nhìn nhận, hinh ảnh các vị tổng thống thường được xây dựng theo dạng hình tượng anh hùng hoàn hảo.

Phải sang đến thập kỷ 90, vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của các vị lãnh đạo, các chính trị gia, những vị tổng thống trên màn ảnh rộng mới thực sự nở rộ. Đạo diễn nổi tiếng nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất thời kỳ này chính là Oliver Stone, một trong số ít đạo diễn chuyên làm phim về chính trị.

 Chỉ trong vòng 5 năm ông đã có liền hai tác phẩm nói về hai vị tổng thống cũng rất nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ là John F. Kenedy và Nixon. “JFK” (1991) không phải là một bộ phim về chân dung tổng thống Kenedy, mà là cái nhìn sâu hơn về vụ ám sát vị cố tổng thống này vào tháng 11 năm 1963, nhưng “JFK” có một tầm ảnh hưởng rất lớn đến nước Mỹ vào đầu thập kỷ 90.

Tư liệu sử dụng cho bộ phim được lấy từ rất nhiều nguồn mà Oliver Stone có được: báo, ảnh, đen trắng cũng như màu, phim 8mm lẫn phim 16mm. Ông đã sử dụng khéo léo tất cả các tư liệu đó giống như một trò chơi ghép hình, để tạo nên một tác phẩm điện ảnh tầm cỡ.

Khi bộ phim được trình chiếu, Oliver Stone đã bị cả hệ thống truyền thông tại Mỹ tấn công và chỉ trích dữ dội vì tính chân thực của các sự kiện lịch sử trong phim.

 Cho đến nay, “JFK” vẫn được xếp vào Top những bộ phim gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.

Năm 1995, Oliver Stone tiếp tục thực hiện một bộ phim nữa có đề tài về chính trị. Khác với “JFK” trước đó, bộ phim “Nixon” thực sự là thể loại phim tiểu sử đúng nghĩa, với nhân vật tổng thống Richard Nixon (Anthony Hopkins thủ vai), tổng thống thứ 37 trong lịch sử nước Mỹ (đắc cử năm 1972 trong cuộc bầu cử lại).

 Sở dĩ Oliver Stone chọn Nixon là nhân vật để thực hiện bộ phim, vì vị tổng thống này chỉ đương nhiệm trong có 2 năm rồi phải từ chức và bị thất sủng cùng hàng loạt vụ bê bối mà ông gặp phải, mà đỉnh điểm là vụ Watergate.

Có đề tài chính trị rất rõ ràng, nhưng bộ phim lại thiên về khai thác mặt con người của vị tổng thống Nixon nhiều hơn, nhân bản hơn là có ý chê trách, bêu riếu.

Khoảng 10 năm về trước, trong những bộ phim tiểu sử hay ít nhiều đề cập đến nhân vật tổng thống, mang tính chính trị nghiêm túc, hình ảnh các vị lãnh đạo tối cao rất ít khi bị chỉ trích thái quá.

Thậm chí họ được coi là những vị anh hùng cứu cả trái đất, như tổng thống lái máy bay chiến đấu với người ngoài hành tinh trong “Independent Day” (1996), hay tổng thống (do Harrison Ford thủ vai) trong bộ phim “Air Force One” (1997) tiêu diệt cả một nhóm khủng bố trên chiếc chuyên cơ đặc biệt.

Bên cạnh đó, cũng không ít bộ phim có đề tài (hư cấu) trực tiếp nói về những vụ bê bối án mạng, tình dục trong nhà trắng với “Absolute Power”,

”Executive Power, Murder at 1600” đều được sản xuất vào năm 1997. Thời điểm giữa thập kỷ 90, làn sóng làm phim có đề tài về Nhà Trắng, Tổng thống, các vị lãnh đạo tối cao, những nhân vật ít nhiều dính dáng đến chính trị bỗng dưng nở rộ.

Tuy đây chỉ là những câu chuyện được hư cấu, nhưng hình tượng tổng thống đã thay đổi khá đa dạng, không còn bị bó buộc như trước kia. Phải đến cuối thập kỷ 90, các nhà làm phim mới thực sự không còn e ngại khi khai thác đề tài này.

Vào năm 1998, chiến dịch tranh cử vào nhà trắng lần đầu của tổng thống Bill Clinton thậm chí còn được dựng thành tác phẩm điện ảnh, có tựa đề là “Primary Colors”. Với lối kể chuyện mang đầy tính châm biếm, “Primary Colors” đã được đề cử cho giải kịch bản gốc, nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải Oscar năm 1999 cho Kathy Bates.

Ở mảng phim tài liệu, nổi bật nhất hiện nay là đạo diễn Michael Moore với tác phẩm “Fahrenheit 9/11” (2004). Đây cũng không phải bộ phim chân dung tiểu sử của một cá nhân, nhưng nội dung dính dáng đến chính trị dưới thời tổng thống George W. Bush.

Thậm chí năm 2006, có hẳn một bộ phim tài liệu (“Death of a President”) đặt ra giả thiết rằng tổng thống Bush bị bắn chết, gây nên nhiều tranh cãi từ công chúng.

Ngày nay, tại một đất nước tự do như Mỹ, phim ảnh có một sức ảnh hưởng khá đáng kể đến sự tín nhiệm của người dân đến tổng thống.

Sau vụ 11/9, sự ra đời của “Fahrenheit 9/11” càng như đổ thêm dầu vào lửa, khiến hình ảnh của tổng thống Bush đã bị sụt giảm thảm hại.

 Ngược lại, chẳng phải ngẫu nhiên khi mà có rất nhiều bộ phim ca ngợi lính Mỹ chiến đấu tại các quốc gia khác như “Black Hawn Down” lại được tổng thống Mỹ thích đến như vậy.

 Đơn giản vì những bộ phim này đã xây dựng được những người lính anh hùng với lòng yêu nước quả cảm trong những cuộc chiến mà người dân đang phản đối tại quê nhà.

Cũng phải kể đến nhiều bộ phim tiểu sử về những vị lãnh tụ nổi tiếng khác trên thế giới như “Gandhi” (1982) – nói về Mahandas Gandhi, đoạt 8 giải Oscar; “Elizabeth” (1998) – về nữ hoàng Elizabeth đệ nhất; “The Mortocycle Diaries” (2004) – về Ernesto Che Guevara, và gần đây nhất là “The Queen” (2006) nói về cuộc sống của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị sau khi công nước Diana qua đời trong một vụ tai nạn giao thông năm 1997.

Đặc điểm chung trong những bộ phim dạng này là rất dễ kiếm giải Oscar, đặc biệt là vai nam (nữ) diễn viên chính. Với vai nữ hoàng Elizabeth trong “The Queen”, nữ diễn viên Helen Mirren đã đoạt vô số giải thưởng cá nhân tại nhiều Liên Hoan Phim trên thế giới.

Có lẽ vì nghĩ vậy nên cho dù phim tiểu sử về tổng thống, nữ hoàng, vua hay những vị lãnh đạo cao cấp không phải là những bộ phim dễ xem, nhưng chúng có một sức ảnh hưởng rất lớn tới khán giả và tới cả các ban giám khảo Liên Hoan Phim.

Xu thế làm phim có đề tài kể trên hẳn sẽ không dừng lại, đơn giản vì các hãng phim rất muốn… đoạt giải Oscar.

 Hoàng Phương

 

 


From the same category